Trang chủ   >   >    >  
"Nợ non sông" – một sự phá cách về thể tài kịch lịch sử của Phạm Quang Long
"Nợ non sông" là tên một trong 8 kịch bản văn học vừa được xuất bản tháng 6 năm 2014. Nó cũng được lấy làm đầu đề chung cho tập sách này. Tác giả của tập kịch bản có thể không mấy xa lạ với chúng ta, nhưng việc ông đứng tên một tập sách dày tới gần 500 trang gồm 8 vở kịch, nhìn qua hình thức thấy rất chuyên nghiệp, thì quả thật là lạ !

Phạm Quang Long vốn là một nhà giáo, thậm chí là một nhà giáo giảng dạy môn lí luận văn học, một thứ chuyên môn hoàn toàn “tương phản” với lĩnh vực “viết sáng tạo” như kịch sân khấu, thì lại càng “lạ” hơn.  Phạm Quang Long từng nhiều năm  tham gia quản lí trong nhiều cương vị khác nhau: Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXHNV, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, và gần đây nhất là Giám đốc Sở VHTT & DL Hà Nội. Việc ông bất ngờ tung ra tập kịch bản này khiến có người cảm thấy ngạc nhiên, nhưng nếu xem xét kĩ, tôi cho rằng đó lại là một tất yếu.. Trong bấy nhiêu năm tôi rèn, bươn chải: một chút tư chất nhà giáo, nhà lí luận, nhà quản lí, cùng với những kinh nghiệm tích góp được trong nhiều loại công việc, đó là chất liệu để ông  viết những vở kịch của mình.                  

Việc một nhà giáo vốn chỉ quen tư duy khái niệm, bất ngờ chuyển sang tư duy hình tượng, với Phạm Quang Long, âu cũng là hợp lẽ. Chí ít, sự đóng góp cho dù nhỏ nhoi của ông trong lĩnh vực này, nếu đặt vào hoàn cảnh đời sống sân khấu miền Bắc nước ta nhiều năm qua, theo nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu, là quá “èo uột”, thì nó lại càng có ý nghĩa hơn. Dù là nhà viết kịch không chuyên, nhưng cùng lúc cho ra đời một tập kịch bản dày dặn, trong số đó  không ít vở đã được dàn dựng thành công trên sân khấu, tạo được dư luận, có thể khẳng định, Phạm Quang Long đã thực sự có đóng góp cho nền sân khấu nước nhà. Đặc biệt hơn, trong số các vở kịch in trong tập sách, có 4 vở kịch về đề tài lịch sử. Tôi thật sự quan tâm tới mảng đề tài rất “nhạy cảm” này. Đây cũng là mối quan tâm của không ít người sáng tác, và ngay cả các nhà quản lí. “Viết lịch sử”  hay “ chép lịch sử”?  Công việc của một nhà văn khác một nhà sử học như thế nào? Qua trường hợp "Nợ non sông" của Phạm Quang Long, tôi nghĩ, chúng ta có thể nhìn rõ hơn vấn đề “nhạy cảm” trên. "Nợ non sông" thực sự là một sự phá cách thể tài lịch sử của tác giả.

Bìa cuốn sách "Nợ non song" của tác giả Phạm Quang Long

Sáng tác đề tài lịch sử luôn là một khó khăn, thách thức với tất cả các nhà văn, nhà viết kịch, nhà làm phim, không chỉ riêng nước ta, mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Với Việt Nam ta, một đất nước mà “hệ tư tưởng” luôn bị coi một lĩnh vực đặc biệt “nghiêm cẩn”, một vùng nhạy cảm, thì việc lựa chọn sáng tác thuộc lĩnh vực này lại càng khó khăn hơn. Bằng cứ là, trong rất nhiều năm qua, ở nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, từ văn chương, sân khấu đến điện ảnh, tai đều nhận được sự phản hồi của chính những người trong cuộc là quá yếu kém, không tương xứng với hiện thực lịch sử. Vậy những khó khăn với những cây bút trong lĩnh vực này là gì? Tại sao những nghệ sĩ vốn được coi là  “những người đào sâu suy nghĩ, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” mà lại khó khăn như thế ngay trong công việc sáng tạo? Tôi cho rằng, khó khăn nằm ngay trong những suy nghĩ sáo mòn của chính chúng ta. Còn lĩnh vực “viết sáng tạo” tự nó không đặt ra bất cứ một trở lực nào đối với các nghệ sĩ. Bài học "Nợ non sông" của Phạm Quang Long có thể sẽ khai mở cho chúng ta đôi điều suy nghĩ. Phải chăng, với những sáng tác thuộc thể tài lịch sử, người cầm bút, trước hết phải dám “phá cách”. Nghĩa là phải dám vượt qua một thứ rào cản vô hình ngăn cẳn sự suy nghĩ sáng tạo của chính mình.  Sự “phá cách” phải bắt đầu từ chính họ, rồi sau đó mới tính đến công chúng khán giả. Sau rốt là là các nhà quản lí nghệ thuật.

Trước khi nói đến “sự phá cách” trong 4 vở kịch thể tài lịch sử của Phạm Quang Long, tôi xin được nhắc lại một kinh nghiệm trong sáng tác kịch lịch sử của phương Tây, mà cụ thể là trong trào lưu lãng mạn chủ nghĩa của văn học Pháp.

Sáng tác đề tài lịch sử nói chung, hay kịch lịch sử nói riêng vốn là một sản phẩm đặc trưng của trào lưu văn học lãng mạn. Trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây, chúng ta đã từng được chứng kiến tên tuổi của những nhà sáng tác lịch sử cự phách: Walter Scott trong văn học Anh, Victor Hugo, A. Dumas cha, A. Vigny trong văn học Pháp. Trong Lời tựa kịch Cromwell, được coi là Tuyên ngôn của chủ nghĩa lãng mạn Pháp, người đứng đầu trường phái văn học này đã từng khẳng định, các nhà viết kịch trẻ lãng mạn, trước khi đặt bút cần phải nhớ được một “điều nằm lòng” rằng, sự thật lịch sử với các nhà biên niên sử luôn luôn phải được “xem xét” lại. Để bảo đảm tính chân thực lịch sử, các nhà văn lãng mạn phải biết “lấp đầy những chỗ trống mà các nhà biên niên sử đã cắt đi”, trong khi đó lại phải biết “cắt đi những cái thừa thãi mà các nhà biên niên sử đã tự ý thêm vào”; “không phải nhà sử học, mà chính nhà văn mới là người chép lại lịch sử thật của cuộc đời”, chính nhà văn M.Gorki cũng đã từng phát biểu chân lí đó. Những suy nghĩ của V.Hugo từ tận thế kỉ XIX đến bây giờ vẫn đúng. Những điều nhà văn Xô Viết nói từ gần một thế kỉ trước vẫn đúng. Vấn đề là ngày nay chúng ta quan niệm viết đề tài lịch sử như thế nào? Chúng ta phải làm thế nào để công chúng khán giả quen dần với lối suy nghĩ, lịch sử không hẳn bao giờ cũng chân thực, chính xác, nếu chỉ căn cứ vào những dòng biên niên sử để lại. Và nữa, sáng tác lịch sử khác với ghi chép lịch sử. Nếu lẫn lộn hai vấn đề này thật khó có thể mang đến cho người viết thể tài lịch sử khoảng không tự do sáng tạo. Và vì thế cũng khó có thể có được những tác phẩm văn học về thể tài lịch sử xứng tầm với dân tộc, thời đại.

Từ những điểm xuất phát trên đây, tôi hoàn toàn đồng ý với Phạm Quang Long trong quan niệm viết  thể tài lịch sử của ông “Tôi viết về  họ như những con người sống trước chúng ta thôi. Họ đã nổi tiếng qua nhiều chuyện có thực và không có. Tôi tìm hiểu về họ và lịch sử (chính thống và không chính thống) chỉ có thể cung cấp cho tôi những kết quả của công việc họ đã làm, những lí do họ được tôn vinh hay phê phán. Tôi tìm hiểu những cách thức họ đi đến đó và bất lực vì không đâu chỉ ra cho tôi những việc cụ thể này. Tôi đành viết về họ qua những gì mình hình dung. Vậy nên nhân vật của tôi cũng là một nhân vật hư cấu, là sản phẩm của tôi, giống như nhân vật tiểu thuyết, không có gì lấy từ tiểu sử của họ cả”. Về điểm này, Phạm Quang Long có nhiều nét gần gũi với quan điểm của A.Dumas, một nhà văn lãng mạn cự phách thời V.Hugo. Chính trong những dòng cuối Lời thưa tập kịch bản, Phạm Quang Long đã dẫn ra quan điểm độc đáo này của nhà văn Pháp: “Lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo bức tranh vẽ theo trí tưởng tượng của mình”. Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của A.Dumas "Ba người lính ngự lâm pháo thủ", sự kiện chính là chuỗi kim cương bị đánh cắp mà người ta ngờ rằng Hoàng hậu Marie Antoinette, vợ vua Louis 16 là thủ phạm. Đó là một sự kiện lịch sử của thế kỉ XVIII. Nhưng hình tượng nhân vật Tể tướng Richelieu, cũng chính trong tác phẩm này lại là sự kiện lịch sử của thế kỉ XVII. Tể tướng Richelieu đã mất từ năm 1642, trong khi Louis 16 chỉ lên ngôi vào năm 1774, sau hơn một thế kỉ.

Một chút so sánh như vậy để ta có thể hiểu rõ hơn những vấn đề lịch sử trong kịch Phạm Quang Long. Đọc và xem các vở kịch của ông, ta có cảm giác, những gì liên quan quan đến các sự kiện lịch sử trong  đó đều chỉ “na ná” như thật. Có câu chuyện về nho sĩ Cao Bá Quát, về Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản và Hồ Chí Minh, nhưng tất cả các nhân vật lịch sử có thật đó đều chỉ là cái cớ để Phạm Quang Long xây dựng kịch các vở kịch bản của mình. Thể tài lịch sử trong vở kịch nào của ông cũng đều bị phá cách. Tôi nói phá cách vì thông thường khi người ta sáng tác thể tài lịch sử thì bao giờ các sự kiện lịch sử cũng phải được đưa lên vị trí hàng đầu. Nó phải là rường cột chính để nhà văn bám vào đó trong phần dẫn dắt câu chuyện. Những hư cấu được phép trong một vở kịch lịch sử chỉ có thể được coi là “phụ” mà thôi. Nhưng có vẻ như Phạm Quang Long không tuân thủ theo hướng đó. Ông sáng tác lịch sử theo suy nghĩ và trí tưởng tượng của mình. Chẳng hạn, ở vở kịch ba hồi về Cao Bá Quát, một vị quan dưới thời Nguyễn, vì bất bình với thời đại mà đứng lên khởi nghĩa cùng nhân dân Sơn Tây, và bị hy sinh. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng dựa vào nguyên mẫu này để viết truyện ngắn "Chữ người tử tù". Nguyễn Tuân chỉ khai thác vẻn vẹn khoảng thời gian ngắn ngủi nhân vật Huấn Cao trong nhà tù tỉnh Sơn chở ngày lĩnh án. Cốt cách của ông quan họ Cao này đã được thể hiện đầy đủ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Ngoài ra, ta không biết gì thêm về ông, ngoài nét tài hoa, cái tính “khoảnh” chỉ cho chữ những người tri âm tri kỉ. Phạm Quang trong vở kịch Cao Bá Quát, chỉ dành hồi cuối nói về cảnh tù đày. Còn nguyên nhân tại sao Cao Bá Quát bị khép vào tội đại hình, là vì đã cố tình sửa bài cho học trò trong một kì thi quốc gia quan trọng. Kịch tác gia Phạm Quang Long khai thác nhiều hơn ở nhân vật lịch sử có thật này trong các mối quan hệ với dân chúng, với học trò, thậm chí có cả quan hệ với một bóng hồng nào đó, cũng là một “thôn dân”. Đó là những phá cách táo bạo của một nhà viết kịch lịch sử. Các vở kịch khác về Nguyễn Công Trứ, Phan Thanh Giản (tác giả chỉ để cái tên không rõ ràng là Phan Thượng thư), Hồ Chí Minh cũng đều theo một hướng phá cách như vậy. Với Nguyễn Công Trứ, tuy phá cách nhưng tôi nhận thấy Phạm Quang Long đã bám sát được hai đặc điểm tính cách từng được lưu truyền rất nhiều trong dân gian về ông: “ngông nghênh” và “lụy tình”. Với nhân vật Phan Thanh Giản thì có người cho rằng, vì quá yêu mến ông quan Thượng thư này mà Phạm Quang Long có vẻ “bênh vực” ông. Món nợ kí hòa ước với Pháp của Phan Thanh Giản,để từ đó dẫn đến cái chết của ông quan thượng thư họ Phan này, trong sáng tạo lịch sử của Phạm Quang Long, rốt cục chỉ là “món nợ non sông”, một thứ “oan khuất” mang tính lịch sử. Như vậy, từ những gì diễn giải, “sáng tạo” lại lịch sử của mình, Phạm Quang Long đã đưa người xem hiện đại đến một cái nhìn khác với bấy lâu nay các nhà chính sử vẫn nghĩ.

Trường hợp nhân vật Hồ Chí Minh trong vở Những khoảnh khắc Hồ Chí Minh lại được khai thác theo một hướng khác: tác giả chỉ thông qua 5 khoảnh khắc rất đời thường trong cuộc đời Người để đi đến một cái nhìn khái quát về ông. Hồ Chí Minh vốn đã là một nhân vật quá nổi tiếng. Ông để lại nhiều huyền thoại, và bấy lâu nay người ta vẫn mặc nhiên thừa nhận như vậy. Thậm chí ngay cả kẻ thù, dù có ghét ông đến bao nhiêu cũng không dám xúc phạm ông. Sự phá cách trong vở kịch đặc biệt này của Phạm Quang Long là dường như tác giả chỉ vào dựa vào trí tưởng tượng của mình để khắc họa vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, vì nhân vật Hồ Chí Minh đã quá nổi tiếng, chân dung, tâm hồn, tính cách của Người dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của tất cả chúng ta, trong đó có tác giả Phạm Quang Long, nên những tưởng tượng đó, đúng ra rất gần với sự thật lịch sử. Tiếp xúc với 5 khoảnh khắc của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy quả nhiên Người đã bộc lộ khá đầy đủ nhân cách, trí tuệ, lòng bao dung và cả sự khôn ngoan của mình trong các mối quan hệ khác nhau. Và ở bất cứ mối quan hệ nào, tính nhất quán của vị lãnh tụ xuất chúng này cũng đều được bộc lộ khá đầy đủ. Như vậy, những tưởng tượng của Phạm Quang Long trong thể tài lịch sử tưởng như “phá cách”, nhưng thực ra vẫn có thể chấp nhận được.

Cách hình dung về lịch sử và các nhân vật lịch sử của Phạm Quang Long, theo tôi hiểu, là một cách làm đúng đắn. Tôi luôn nghĩ rằng, lịch sử bấy lâu nay, luôn bị một số người biến nó thành quá “nghiêm trọng”, người ta luôn bắt mọi người cứ phải nghĩ lịch sử giống hệt sách giáo khoa. Vì thế, ngày nay khi môn Lịch sử trong trường phổ thông không được học trò quan tâm, và bị điểm kém, thì ngay lập tức người ta đã đã khép tội “học trò không yêu nước” (chẳng nhẽ chỉ học lịch sử thì mới yêu nước sao?). Do chỉ quan niệm có một lịch sử duy nhất trong sách giáo khoa, vì thế mà nó “bất di, bất dịch”, người ta quên rằng, vẫn tồn tại  một dòng chảy lịch sử trong cuộc sống bình dị hàng ngày, trong nhân dân, trong những con người nhỏ bé, những kiếp  sống lang thang vỉa hè... Nghĩa là có một thứ lịch sử được ghi chép không phải do các nhà biên niên sử, nhưng vẫn “thật” không kém sách giáo khoa Lịch sử. Vichtor Hugo, chủ soái của trường phái lãng mạn Pháp đã từng luôn nhắc nhở các nhà lãng mạn cần phải biết lấp những chỗ trống các nhà biên niên sử cắt đi, và cắt đi những chỗ thừa mà các nhà biên niên sử thêm vào. Đó là một “nhắc nhở” hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta không nên trách các nhà biên niên sử. Họ là những “nhân vật đặc biệt”, nên không thể làm khác. Chính vì thế, theo tôi, vẫn nên để một khoảng không tự do cho các nhà văn được “chép lại lịch sử thật của cuộc đời”. Đó cũng là những sự kiện rất đáng được quan tâm, trân trọng. Có lẽ vì thế mà tôi nghiêng về “những phá cách” trong thể tài lịch sử của Phạm Quang Long trong tập kịch "Nợ non sông" của ông. 

Tháng 6 năm 2014

 Trần Hinh - VNU-USSH
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: