Trang chủ   >   >    >  
ĐHQGHN ra mắt Chương trình nghiên cứu Trung Quốc
Ngày 9/6/2016, ĐHQGHN tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc.

- (Ảnh) Lễ trao Quyết định thành lập Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã đến dự và phát biểu tại buổi lễ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ

Tham dự buổi lễ có ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao; ông Bùi Nhật Quang – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; ông Lưu Tam Chấn – Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; ông Jonathan KS.Choi - Chủ tịch Tập đoàn Sunwah.

Về phía ĐHQGHN có Phó Giám đốc Thường trực Nguyễn Kim Sơn, các Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Đức, Lê Quân Nguyễn Hoàng Hải; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Trung Quốc Vũ Minh Giang và đại diện các cơ quan trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Chương trình nghiên cứu Trung Quốc là một trong những chương trình quan trọng và sẽ được đưa vào chương trình nghiên cứu trọng điểm của ĐHQGHN.

Chương trình nghiên cứu Trung Quốc của ĐHQGHN tập trung vào 4 mục tiêu chính: xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu có tính liên ngành cao để phục vụ yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiểu biết về Trung Quốc; xây dựng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Việt Nam có tầm nhìn và trình độ quốc tế, thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia; tạo môi trường để tập hợp và thúc đẩy kênh giao lưu học giả trong và ngoài nước về nghiên cứu Trung Quốc, kết nối với các mạng lưới nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới, hỗ trợ học giả Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội tiếp xúc với nghiên cứu tầm khu vực và quốc tế; có được những tư vấn sâu sắc cho chính phủ Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ bình đẳng, hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.

Bộ trưởng, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đánh giá chương trình có tính liên ngành cao, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực từ văn hóa, chính trị, ngoại giao, đến kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ và vấn đề biển Đông. Ngoài việc tập trung vào nghiên cứu còn cần tạo môi trường thúc đẩy sự giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà nghiên cứu, giúp hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc của Việt Nam có tính chất chuyên nghiệp, phục vụ cho thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, những vấn đề nghiên cứu đặt ra phải là những vấn đề được 2 nước và quốc tế quan tâm, có tính khả thi, sản phẩm cụ thể và đạt hiệu quả cao. Phương thức tổ chức Chương trình theo hướng mở, dành cho tất cả các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước và những ai quan tâm đến Trung Quốc. Trước hết, các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu về giáo dục và vấn đề cải cách giáo dục của Trung Quốc, qua đó tìm ra được những bài học kinh nghiệm nhằm góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà cũng như đẩy mạnh giao lưu và trao đổi sinh viên, giảng viên 2 nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc ĐHQGHN trao quyết định thành lập Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc cho GS. TSKH Vũ Minh Giang - Chủ nhiệm Chương trình

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN, Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Trung Quốc Vũ Minh Giang đã giới thiệu tổng quát về Chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại buổi lễ. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, từ lâu, Việt Nam đã có các đơn vị chuyên nghiên cứu, đào tạo về Trung Quốc nhưng trọng tâm nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự. Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận nhưng các cơ quan nghiên cứu này vẫn duy trì cách tiếp cận theo lĩnh vực, để hiểu, giải thích bản chất của sự vật, hiện tượng trong phạm vi lĩnh vực nghiên cứu mà thiếu đi tính liên ngành, đa ngành.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang thiếu một đội ngũ nghiên cứu trẻ có hiểu biết căn cốt về Trung Quốc, có những trải nghiệm thực tế tầm quốc tế. Nguồn nhân lực là một vấn đề lớn, cần được tháo gỡ một cách có hệ thống và bài bản. Nhìn nhận nhu cầu đào tạo cấp thiết này, ĐHQGHN có đủ năng lực và nguồn lực thực hiện đào tạo chuyên gia thông qua nghiên cứu. Giáo sư nhấn mạnh, Chương trình tập trung nghiên cứu các vấn đề thực chất, cần thiết; xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực thực học, có năng lực và chất lượng cao; các sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng và thiết thực.

Bày tỏ vui mừng khi được trở thành đối tác và đơn vị tài trợ cho Chương trình, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah Jonathan KS.Choi tin rằng Chương trình này giúp Việt Nam và quốc tế tăng cường hiểu biết về Trung Quốc, từ đó phát hiện nhiều cơ hội hợp tác có lợi cho 2 bên. Do đó, ông mong rằng chính phủ và các cơ quan hữu quan hai nước Việt Nam và Trung Quốc tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ

Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để giữ vững hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới thì các quốc gia cần có sự hiểu biết, đồng cảm một cách sâu sắc và chân thực về nhau. Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh những nét đặc biệt của Chương trình nghiên cứu Trung Quốc: tính chất quốc tế, hợp tác, liên ngành của cả đối tượng nghiên cứu và việc tổ chức nghiên cứu; nghiên cứu Trung Quốc nhưng lại có quan hệ mật thiết với nghiên cứu Việt Nam học; có cơ chế hoạt động và được đầu tư đặc biệt.

Tại buổi lễ, ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao và ông Bùi Nhật Quang – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã gửi lời chúc mừng tới ĐHQGHN, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ để Chương trình đạt kết quả tốt đẹp.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã trao Quyết định thành lập Chương trình nghiên cứu Trung Quốc và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng Cố vấn, Ban Chủ nhiệm và Ban Thư ký của Chương trình.

Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah Jonathan KS.Choi đã ký kết thỏa thuận tài trợ hợp tác nghiên cứu giữa ĐHQGHN và Quỹ Sunwah, Tập đoàn Sunwah để khởi động đề án nghiên cứu “Cải cách giáo dục của Trung Quốc và kinh nghiệm cho phát triển giáo dục Việt Nam”.

Phó Giám đốc Thường trực ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Tập đoàn Sunwah Jonathan KS.Choi ký kết thỏa thuận tài trợ hợp tác nghiên cứu giữa ĐHQGHN và Quỹ Sunwah

 

 

 Minh Khuê - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: