Trang chủ   >   >    >  
Điểm sáng trí tuệ về Hà Nội học
Ngày 18/10/2010, tại ĐHQGHN đã diễn ra lễ tổng kết hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội: Văn hiến, Anh hùng, Vì hòa bình".

Tham dự lễ tổng kết có GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQGHN, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN, ông Trần Bình Minh – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Hội thảo đã được Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ĐHQGHN, Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức từ 7 đến 9/10/2010, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Với tư cách là Trưởng Ban tổ chức hội thảo, đại diện cho ĐHQGHN - cơ quan thường trực tổ chức hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã khái quát một số những kết quả mà hội thảo đã đạt được và những tồn tại cần được rút kinh nghiệm.

Với vị thế của một trung tâm đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu cả nước, đóng trên địa bàn Thủ đô, ĐHQGHN đã hoàn thành xuất sắc vai trò của cơ quan thường trực tổ chức hội thảo với sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao nhất.

GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh, trong rất nhiều hoạt động được tổ chức trong 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội: Văn hiến, Anh hùng, Vì hòa bình" đã được tổ chức hết sức thành công. Hội thảo được đánh giá là hoạt động có chất lượng khoa học cao, có ý nghĩa thực tiễn, không chỉ làm hài lòng những người tham gia hội thảo mà còn được dư luận đánh giá cao, tạo ra những hiệu ứng tốt cho xã hội.

Các tham luận được gửi tới đều là những nghiên cứu có những giá trị khoa học rất lớn. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu, các sản phẩm khoa học của chương trình KX.09, thể hiện sự nhiệt tâm của những trí thức yêu Hà Nội. Cuốn kỷ yếu của hội thảo được lựa chọn kỹ lưỡng, in ấn công phu, có chất lượng cao. Tới đây, sau khi tiếp tục được biên tập, Kỷ yếu trở thành một ấn phẩm mang dấu ấn trong tủ sách nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Các nội dung đã được 4 tiểu ban thực hiện sôi nổi, giàu trí tuệ, thu hút được sự quan tâm của đông đảo học giả trong và ngoài nước.

Hội thảo mang tính chất tổng kết những nghiên cứu về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp liên quan đến sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai. Hội thảo là một điểm sáng về trí tuệ trong các hoạt động của 10 ngày Đại lễ.

Trưởng ban tổ chức hội thảo GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, thành công của hội thảo có được là do tầm nhìn chiến lược của Chính phủ khi cho phép trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội tổ chức hoạt động khoa học hết sức có ý nghĩa này; Các nhà khoa học, các cơ quan tổ chức trong đó có ĐHQGHN đã chủ động triển khai các chương trình nghiên cứu toàn diện liên quan đến Hà Nội; Quyết định đúng đắn của Ban Chỉ đạo khi giao cho ĐHQGHN làm cơ quan thường trực tổ chức hội thảo, giao nhiều quyền gắn với trách nhiệm cao khi tổ chức hội thảo; Tinh thần trách nhiệm cao của thành viên Ban Tổ chức và các tiểu ban và đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp.

GS.TS Phùng Hữu Phú và bà Ngô Thị Thanh Hằng thêm một lần khẳng định hội thảo đã thành công tốt đẹp đồng thời nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của ĐHQGHN trong việc tổ chức một hoạt động khoa học mang tính liên ngành, tổng hợp, có chiều sâu học thuật. Tới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức một buổi gặp mặt với đại diện các nhà khoa học và Ban tổ chức để tiếp nhận những thông tin, những đề xuất và ý kiến của đội ngũ các nhà khoa học, góp phần phát triển bền vững Thủ đô. Lãnh đạo Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm đối với đề xuất của các nhà khoa học trong việc cần có một cơ quan nghiên cứu về Thủ đô Hà Nội dưới góc nhìn của Khu vực học.

GS.TS Mai Trọng Nhuận đã chúc mừng Thủ đô đã tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúc mừng hội thảo khoa học quốc tế về Hà Nội đã thành công rực rỡ. Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh thành công của Hội thảo tiếp tục minh chứng cho truyền thống đóng góp công sức, trí tuệ của ĐHQGHN cho Hà Nội. Ông bày tỏ ĐHQGHN mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Thủ đô bằng thế mạnh riêng của mình. Hiện nay, các nhà khoa học của ĐHQGHN đang nghiên cứu sự phát triển của đô thị dựa vào đại học trên nền tảng nghiên cứu điển hình Thủ đô Hà Nội. Vì thế Giám đốc ĐHQGHN mong muốn Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tạo điều kiện, cơ chế để các nhà khoa học của ĐHQGHN đóng góp được nhiều hơn nữa.

Dưới đây chúng tôi trich phát biểu của đồng chí Phùng Hữu Phú – Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương và GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tại phiên bế mạc hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội: Văn hiến, Anh hùng, Vì Hoà bình”, ngày 09/10/2010:

GS.TS Phùng Hữu Phú:

Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp với ĐHQGHN biên tập lại cuốn kỷ yếu thành cuốn sách có giá trị trong Tủ sách Nghìn năm – Thăng Long. Hội thảo xứng đáng là một trong những sự kiện có dấu ấn, có chiều sâu góp phần vào thành công của 10 ngày Đại lễ. Hội thảo là sự kiện kỷ niệm có trí tuệ, được tổ chức một cách khoa học, hợp lý, phục vụ cho sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô Hà Nội. Hội thảo có phiên toàn thể và các hoạt động trao đổi học thuật sôi nổi đầy trách nhiệm và trí tuệ tại 4 tiểu ban, có bài phát biểu sâu sắc của ông Bí thư Thành ủy, có báo cáo đề dẫn của GS.TSKH Vũ Minh Giang - Trưởng ban Tổ chức hội thảo và một số báo cáo khái quát các giá trị biểu trưng của Thủ đô Hà Nội. Từ kết cấu hợp lý của hội thảo thể hiện sự tham gia đầy nhiệt huyết với tình yêu Hà Nội sâu sắc của các nhà khoa học. Hội thảo có chất lượng chuyên môn cao, vừa đề cập các vấn đề rất căn bản vừa đề cập đến những vấn đề hết sức thiết thực.

Hội thảo mang tính chất “gói lại” một cách tương đối những nghiên cứu về 3 giá trị cơ bản nhất của Thăng Long - Hà Nội đồng thời cung cấp những luận cứ khoa học, những lý luận mới, những bước tiến mới nhận thức về Thủ đô Hà Nội. Hà Nội đang là một đô thị cổ có lịch sử lâu đời đồng thời là một đô thị mới trong quá trình đô thị hoá với biết bao thời cơ và thách thức, bao vấn đề bức xúc đang đặt ra cần được đánh giá cặn kẽ để đề xuất các phương hướng, giải pháp cụ thể. Hội thảo tạo điều kiện gợi mở việc tiếp tục triển khai các vấn đề rộng hơn hơn, chiều sâu hơn để giúp các nhà quản lý có cơ sở khoa học hơn từ đó đề ra các quyết sách, thực thi các giải pháp vừa đáp ứng nhu cầu phát triển khách quan của Thủ đô trong thời kỳ mới, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của tình cảm cộng đồng dân tộc Việt Nam và mong muốn chung của bạn bè quốc tế.

Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội: Văn hiến, Anh hùng, Vì hòa bình” không phải là hội thảo duy nhất mà là hội thảo tầm cỡ có ý nghĩa mở đầu. Việc tiếp tục tổ chức những hội thảo có quy mô tương tự như hội thảo này để ý tưởng, nghiên cứu của các nhà khoa học tiếp tục được hoàn thiện, được phát triển là cần thiết và từng bước đưa vào thực tiễn cuộc sống.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp là có sự quan tâm đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và tình yêu với Hà Nội của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, có sự chủ động tổ chức đầy trách nhiệm của ĐHQGHN - cơ quan thường trực tổ chức hội thảo. Cùng với sự vào cuộc đầy trách nhiệm với ĐHQGHN có Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan khác. Đặc biệt, thành viên của các tiểu ban đã làm việc rất tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm đã góp phần làm nên thành công của Hội thảo.

<>

GS. NGND Phan Huy Lê:

Tôi rất mừng là tất cả chúng ta đều nhất trí rằng đây là một cuộc hội thảo rất thành công, thành công ở chiều sâu khoa học, thành công ở tính thực tiễn của nó, thành công ở sự tạo lập nên một nhận thức mới sâu sắc và khá toàn diện về Thăng Long - Hà Nội. Đây là cuộc hội thảo đầy tâm huyết, đấy tinh thần trách nhiệm và chất trí tuệ rất cao. Chúng ta rất hài lòng về cuộc hội thảo này, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì rất đáng tiếc. Cho nên chúng tôi đề nghị là sau cuộc hội thảo này:

Thứ nhất, đề nghị Ban Tổ chức biên tập lại toàn bộ báo cáo và xuất bản thành công trình đưa vào tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đây là một công trình không những thể hiện thành công của chúng ta hôm nay mà còn để lại một hồ sơ, một tư liệu cực kỳ có giá trị cho mai sau. Chúng tôi kiến nghị Văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long, NXB Hà Nội gấp rút làm công việc biên tập và in thật đẹp, thật trang trọng và biên tập thật kỹ không để lại các lỗi, để cuốn sách xứng đáng với tầm cỡ và thành công của Hội thảo.

Thứ hai, trong cuộc Hội thảo này, trên cơ sở nhận thức sâu sắc và đấy tinh thần trách nhiệm của mỗi người, hầu hết các nhà khoa học đều đưa ra các khuyến nghị của mình. Các khuyến nghị đi vào từng phương diện một. Chẳng hạn như tiếng nói Hà Nội như thế nào, ứng xử như thế nào trước tình trạng tiếng nói Hà Nội đang bị pha tạp. Vấn đề phong cách Hà Nội, rồi các vấn đề giao thông vận tải, việc bảo tồn di sản Việt Nam và đặc biệt là vấn đề quy hoạch Hà Nội hôm nay và mai sau. Làm thế nào đó để Hà Nội phát triển bền vững, hiện đại nhưng vẫn giữ được tất cả cái gì tạo nên dáng dấp riêng của Hà Nội, phong cách của Hà Nội, bản sắc của Hà Nội. Hà Nội không thể lẫn với bất cứ thủ đô nào trên thế giới và mang đặc điểm chung của các thủ đô phương Đông. Đây là vấn đề rất lớn. Tôi nghĩ rằng những khuyến nghị tuy ở từng khía cạnh nhưng tổng hợp lại chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa nhất là với các nhà hoạch định chính sách và xây dựng quy hoạch. Chúng ta đề nghị Ban tổ chức trên cơ sở các ý kiến phát biểu của từng nhà khoa học, Trưởng tiểu ban sẽ tổng hợp lại thành một bản kiến nghị gửi lên lãnh đạo Hà Nội và gửi lên lãnh đạo Chính phủ, Trung ương.

Thứ ba, tôi nhớ rằng những năm 90, trong các nhà khoa học Việt Nam đã có đề xuất với Hà Nội nên thành lập một trung tâm hay Viện nghiên cứu về Hà Nội. Và trên thực tế danh hiệu Hà Nội học đã xuất hiện và vừa rồi có Viện về phát triển kinh tế đã ra đời. Nhưng cho đến hôm nay rất tiếc vẫn chưa có một tổ chức nghiên cứu toàn diện về Hà Nội. Có thể là một trung tâm nghiên cứu về Hà Nội, có thể là Viện nghiên cứu về Hà Nội. Tôi nghĩ rằng đây là thời điểm đã chín muồi, mà nếu bỏ mất thời cơ này sẽ là có lỗi với Hà Nội. Thứ nhất là chúng ta tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Thứ hai là chúng ta có một đội ngũ nghiên cứu về Hà Nội trong nước và quốc tế. Chúng ta có một loạt các công trình nghiên cứu đa ngành về Hà Nội. Đã đến lúc lãnh đạo Hà Nội cần thành lập Viện hoặc Trung tâm nghiên cứu về Hà Nội. Nhưng điều quan trọng, đây phải là Viện nghiên cứu toàn diện, liên ngành về Hà Nội. Có thể bộ phận tổ chức của nó không lớn lắm, phải có những người lãnh đạo có tầm cỡ và phải có một số nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành trên những lĩnh vực cần thiết. Phương hướng phát triển chủ yếu của nó là phải tạo được sự liên kết và sự hợp tác trong nước và quốc tế. Có thể nói là hợp tác liên ngành, hợp tác quốc nội và hợp tác quốc tế là cơ sở có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của trung tâm nghiên cứu này. Và nếu đi theo phương thức đó thì tổ chức này chỉ cần thành lập, tôi hy vọng rằng trong thời gian rất ngắn nó sẽ trở thành trung tâm rất mạnh và sẽ đóng góp một phần quan trọng cho phát triển Hà Nội, trực tiếp tư vấn cho các nhà quản lý, lãnh đạo Hà Nội

Cá nhân tôi nghĩ rằng trong thời cơ này mà không tổ chức thành lập được một trung tâm nghiên cứu như vậy là một sự chậm trễ. Nhân danh các nhà khoa học có mặt trong cuộc hội thảo này tôi kiến nghị lên lãnh đạo Hà Nội và Trung ương.

 Ngọc Diệp - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: