Trang chủ   >   >    >  
Xây dựng ngành Nhân học mang bản sắc Việt Nam
Hội thảo về Nghiên cứu và đào tạo Nhân học ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế khai mạc sáng 20/10/2010, do Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN và Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Tp.HCM phối hợp tổ chức.

Tới dự Hội thảo có PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Phó giám đốc ĐHQGHN và các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài nước.

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV đã điểm lại chặng đường phát triển của ngành Dân tộc học tại Việt Nam cho đến sự ra đời của ngành Nhân học hiện nay. Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một ngành khoa học và là chuyên ngành đào tạo quan trọng với nhiều thế hệ các nhà khoa học nổi tiếng như GS. Nguyễn Văn Huyên, GS. Vương Hoàng Tuyên, GS. Nguyễn Từ Chi, GS. Đặng Nghiêm Vạn, GS. Phan Hữu Dật…

Với vai trò là đại học hàng đầu của cả nước về nghiên cứu và đào tạo các ngành KHXH&NV, đi tiên phong trong đào tạo Nhân học ở Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN đã triển khai đào tạo bậc đại học ngành Nhân học từ năm 2009 và hiện đang xúc tiến chuẩn bị cho đào tạo ngành học này ở bậc thạc sỹ. Năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức biên soạn chương trình khung giáo dục đại học mã ngành Nhân học. Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mã đào tạo ngành Nhân học cho tất cả các bậc đại học, thạc sỹ và tiến sỹ.

GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV

Tại Hội thảo, các ý kiến thảo luận đã khẳng định những thành tựu ban đầu mà Nhân học Việt Nam đã đạt được sau 10 năm chuyển đổi; chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong lĩnh vực đào tạo, những vấn đề lý thuyết, phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu cũng như các lĩnh vực nghiên cứu còn hạn chế.. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có định hướng và các giải pháp để hướng tới xây dựng và phát triển một ngành Nhân học mang bản sắc Việt Nam.

GS.TS Phan Hữu Dật

Theo GS.TS Phan Hữu Dật (Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam), trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khoa học Nhân học mà trước hết là Nhân học Mỹ ngày càng được nhiều quốc gia đánh giá cao. Việc tiếp thu thành tựu của Nhân học Mỹ sẽ giúp Nhân học Việt Nam có những bước phát triển mới trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sự tiếp thu ấy không nên là sự sao chép máy móc mà nên chắt lọc các yếu tố tích cực đề làm giàu cho khoa học nước ta.

PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh (Đại học Khoa học Huế) nhấn mạnh: quá trình chuyển đổi từ Dân tộc học truyền thống sang khoa học Nhân học là quá trình tất yếu nhưng không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, lại càng không phải là sự “khai tử” ngành Dân tộc học. Đó phải là sự kết hợp và nâng cao giữa Dân tộc học truyền thống với Nhân học để vừa kế thừa thành tựu của Dân tộc học, vừa tiếp thu những tri thức Nhân học thế giới, hướng đến xây dựng ngành Nhân học Việt Nam trong sự kết hợp giữa Dân tộc học truyền thống và Nhân học Âu Mỹ.

Đồng quan điểm như trên, PGS.TS. Nguyễn Quang Tiệp - Trưởng khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGTPHCM cho rằng cần có giải pháp để hiện đại hóa ngành Nhân học vừa phục vụ tốt sự nghiệp CNH-HĐH đất nước vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập với Nhân học thế giới. Ông cho rằng điều tiên quyết là mở rộng hợp tác toàn diện giữa các cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực liên quan đến sự phát triển của ngành. Hội đồng ngành Nhân học cần phối hợp với Hội Dân tộc học/Nhân học xây dựng chiến lược phát triển trung và dài hạn cho ngành Nhân học nhằm định hướng cho sự phát triển toàn diện các lĩnh vực chung của ngành với sự tham gia của các cơ quan đào tạo và nghiên cứu trong cả nước.

Trước đó, Lễ ra mắt bộ môn Nhân học thuộc Trường ĐHKHXH&NV diễn ra sáng 20/10/2010. Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV đã công bố các quyết định: thành lập Bộ môn Nhân học trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV trên cơ sở bộ môn Nhân học thuộc Khoa Lịch sử; bổ nhiệm PGS.TS Lâm Bá Nam - giảng viên Bộ môn Nhân học giữ chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học nhiệm kỳ 2010-2015; bổ nhiệm TS. Nguyễn Văn Sửu - giảng viên Bộ môn Nhân học giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học.


 

 Thanh Hà - Ảnh: Thành Long - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: