Sách và học liệu
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Giáo trình: Lịch sử học thuyết chính trị
Cuốn sách nằm trong Tủ sách khoa học do NXB ĐHQGHN phát hành, Giáo trình này được biên soạn làm tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập môn học Lịch sử học thuyết chính trị ở bậc đào tạo đại học ngành Chính trị học (và các ngành khác liên quan) tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đáp ứng yêu cầu: tính cơ bản, tính hệ thống, tính lịch sử là kỳ vọng của nhóm biên soạn.

Nghiên cứu Lịch sử học thuyết chính trị (và Lịch sử tư tưởng chính trị) là hành trình gian nan, nhưng cũng nhiều lý thú bởi sẽ được chiêm ngưỡng, được cùng suy tư với các nhà tư tưởng, lý thuyết gia, chính khách (qua các tác phẩm, các đúc kết, các chiêm nghiệm của họ, trong đó có người cách chúng ta cả ngàn năm) về thế giới chính trị. Vì vậy, khi bạn đến với môn học "Lịch sử học thuyết chính trị" với niềm say mê, tinh thần khám phá, sẽ nhận được những kiến thức cơ bản về lịch sử chính trị, về cách nhân loại và mỗi cộng đồng đã đối mặt và giải bài toán tồn tại, phát triển của chính mình. Cũng qua môn học các quy luật, phạm trù, khái niệm, v.v.., của Chính trị học sẽ hiện ra với những sắc thái đa dạng, phong phú, được “cọ sát” nhiều chiều bởi những cách tiếp cận, cách kiến giải từ những “bộ óc” và “trái tim” lớn, đó là những Plato, Aristotle, Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi, là Machiavelli, T. Hobbes, J. Locke, là C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin, Hồ Chí Minh, v.v.. Với nghĩa đó, nghiên cứu lịch sử học thuyết chính trị là con đường giúp hình thành nhãn quan khoa học, tư duy phê phán về chính trị, góp thêm hành trang hữu ích giúp ta tự tin đi trong thế giới đa dạng và đầy biến động.

Thực hiện biên soạn Giáo trình Lịch sử học thuyết chính trị chúng tôi cũng đối mặt với những khó khăn [mà nhiều nhà nghiên cứu lĩnh vực lịch sử học thuyết chính trị thường gặp], chẳng hạn, về nguồn tài liệu gốc, những khác biệt của hệ thống thuật ngữ giữa các thời đại, của bối cảnh, và cách tiếp cận đã đưa đến những kiến giải, cách hiểu và đánh giá khác nhau có khi về cùng một tác giả hay cùng một luận điểm, vì vậy, gắng hiểu, giải mã đúng các tư tưởng và sự kiện là kỳ vọng của bất cứ người nghiên cứu nào, dù không bao giờ là dễ dàng. Đối mặt với những khó khăn đó, việc chọn được và trụ chắc trên những quan điểm và phương pháp khoa học sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đúng, khách quan về các tư tưởng, các học thuyết chính trị trong lịch sử, đánh giá được, tìm được cái có giá trị để lớn lên “trên vai của những người khổng lồ”. Những thành tựu của phép biện chứng duy vật trong nghiên cứu lịch sử xã hội (trong đó có lịch sử tư tưởng) là một trong những điểm tựa phương pháp luận như vậy.

Giáo trình gồm 10 chương. Chương 1 [Dẫn nhập] giới thiệu những vấn đề phương pháp luận cho nghiên cứu, học tập môn học "Lịch sử học thuyết chính trị". Ở đó, độc giả sẽ tìm thấy những chỉ dẫn cần thiết cho nghiên cứu các học thuyết, các tư tưởng chính trị trong lịch sử. Đó là thảo luận về khái niệm lịch sử học thuyết chính trị (định nghĩa, đặc điểm, tính chất), về đối tượng nghiên cứu, về phân kỳ, về phương pháp nghiên cứu, v.v.. Từ chương 2 đến chương 10 là hành trình khám phá các học thuyết chính trị, các chương này đều được trình bày theo cách: đi từ bối cảnh (điều kiện) hình thành các học thuyết chính trị đến nội dung các học thuyết và về giá trị và hạn chế của các học thuyết, các tư tưởng.

Tập thể tác giả biên soạn giáo trình [đã nhiều năm tham gia giảng dạy và nghiên cứu lịch sử các học thuyết chính trị] là những giảng viên của Khoa Khoa học Chính trị thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, là những giảng viên kiêm nhiệm của Khoa Khoa học Chính trị trong nhiều năm. Có được bản thảo này chúng tôi xin gửi những lời cảm ơn trân trọng đến GS.TS. Phùng Hữu Phú, GS.TS. Đỗ Quang Hưng và các đồng nghiệp vì những gợi ý, động viên trong nhiều năm; đến PGS.TS. Nguyễn Vũ Hảo (Bộ môn Lịch sử Triết học, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và PGS.TS. Lưu Văn Quảng (Viện Chính trị học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã dành thời gian đọc, góp nhiều ý kiến quý báu để hoàn thiện bản thảo; đến ThS. Nguyễn Văn Thắng - giảng viên Khoa Khoa học Chính trị, đã trợ giúp các hoạt động tổ chức biên soạn; và đặc biệt đến các bạn sinh viên ngành Chính trị học từ khóa QH 2008-X1] đến khóa QH 2014-X là những người đã tiếp cận sớm bản thảo này, nhiều chỉnh sửa của chúng tôi được gợi ý từ những tương tác với các bạn sinh viên.

Mặc dug các tác giả đã rất cố gắng song giáo trình không tránh khỏi những hạn chế, tập thể tác giả rất mong nhận được ý kiến góp ý của bạn đọc, của các bạn sinh viên để bổ sung, sửa chữa. Các góp ý xin gửi về Bộ môn Lý thuyết chính trị, Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, hoặc qua email: nvminhvan58@gmail.com

                                                                                                                      Lưu Minh Văn

Trưởng Bộ môn Lý thuyết chính trị - Khóa sinh viên đầu tiên hệ đào tạo đại học ngành Chính trị của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu - Văn phòng ĐHQGHN

Emai: media@vnu.edu.vn

Hotline: 0936 283 308

Giá bán: 182.000 VNĐ

 



 

 

 VNU - Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :