Sách và học liệu
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Tủ sách khoa học: Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay
Cổng thông tin điện tử trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách chuyên khảo “Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay” do tác giả TS. Đặng Hoài Giang, Giảng viên Khoa Việt Nam học và Tiếng việt, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, sách do NXB ĐHQGHN phát hành năm 2019.

Làng của các tộc người tại chỗ có vai trò quan trọng hàng đầu trong lịch sử phát triển của vùng Tây Nguyên. Trong xã hội Tây Nguyên cổ truyền, làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất. Các làng sở hữu và quản lý toàn bộ đất đai, núi rừng mênh mông.  

Quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng là nền tảng của xã hội cổ truyền Tây Nguyên. Cũng cần nói rõ thêm: cái gọi là ‘‘cổ truyền’’ ấy, trong thực tế, còn kéo dài cho đến tận năm 1975. Trong thế giới làng tưởng chừng nhỏ bé mà thật ra vô cùng mênh mông ấy, con người Tây Nguyên chào đời, lớn lên, làm ăn, vui chơi, sinh con đẻ cái và trước khi từ giả cõi trần để trở về với mẹ rừng cội nguồn, họ đã sáng tạo nên các giá trị văn hóa tộc người đặc sắc. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác truyền khẩu và
phi vật thể nhân loại do UNESCO công nhận vào năm 2005, về bản chất, là không gian làng - rừng, hay nói cho chính xác hơn, là không gian văn hóa làng - rừng, vì rừng là cội nguồn quyết định sự sống còn của tất cả các làng Tây Nguyên. Sau 1975, dưới tác động của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, làng Tây Nguyên đã trải qua một quá trình biến động toàn diện trên hầu khắp các mặt: quyền sở  hữu và sử dụng tài nguyên, phương thức sản xuất và tiêu dùng, cơ cấu dân cư, không gian sống và lề lối sinh thoạt, thế giới quan và đời sống tâm linh ... Cho đến nay, theo hiểu biết của tôi, những bước chuyển lớn lao và sâu sắc chưa từng có ấy mới chủ yếu được nghiên cứu và phân tích một cách tổng quát - của một nhóm tộc người hay của cả vùng Tây Nguyên. Trong khi đó, hầu như chưa có công trình nào công phu khảo sát, nghiên cứu, phân tích cặn kẽ quá trình thay đổi cụ thể vừa phong phú vừa sống động diễn ra qua các thời kì trong từng làng, để cho ta một bức tranh cụ thể và xác thực của làng Tây Nguyên, và của cốt lõi Tây Nguyên nói chung, trong 44 năm biến động dữ dội vừa qua. Thiếu nghiên cứu một số làng cụ thể, điển hình,
hì không thể có được hiểu biết tổng thể chuẩn xác về thực trạng xã hội cùng các vấn đề có thực của nó. Đặng Hoài Giang sớm nhận ra đòi hỏi đó và qua nhiều chuyến thực địa Tây Nguyên, anh đã chọn tập trung nghiên cứu các làng Ê Đê ở vùng Buôn Ma Thuột - nơi xét trong toàn cảnh Tây Nguyên hiện nay là khu vực chứng kiến những thay đổi sâu sắc nhất của các làng cổ truyền - cả trong cấu trúc không gian lẫn lối sống. Sau khi tìm đúng địa bàn “đắc địa”, anh đã sử dụng khái niệm “không gian văn hóa buôn làng” làm công cụ nhận thức, kết hợp với nhiều quan điểm lý thuyết hữu dụng khác để trả lời một câu hỏi mang tính bản thể luận: “Sự thay đổi cấu trúc không gian buôn làng đã ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa của người Ê Đê?”. Công trình “Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột” bạn đọc đang cầm trên tay đây chứa đựng toàn bộ câu trả lời công phu và tinh tế của nhà nghiên cứu trẻ. Nhờ đi sâu vào hiện thực chi tiết, nội dung cuốn sách không chỉ là câu chuyện của các làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột mà còn trực tiếp hay gián tiếp trả lời cho nhiều vấn đề thời sự và quan trọng khác đang thu hút sự quan tâm của các học giả Việt Nam và quốc tế, của mọi người quan tâm đến vùng đất và người đặc sắc và độc đáo lại đang đứng trước thách thức mạnh mẽ của phát triển này: Khả năng và cách thức thích nghi của người bản địa với tiến trình đô thị hóa; Sự cân bằng giữa tính hiện đại và tính địa phương trong qui hoạch đô thị hóa và trong quá trình hiện đại hóa tất yếu nói chung ở vùng thượng; Vai trò của các thiết chế tôn giáo trong bảo tồn văn hóa tộc người; Tầm quan trọng của vấn đề giao rừng cho cộng đồng ở vùng Tây Nguyên...

Để tồn tại và phát triển, bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng cần đến một không gian sinh tồn. Trong không gian ấy, con người tồn tại với tư cách là một chủ thể văn hóa: tương tác với tự nhiên và xã hội; lựa chọn các mô hình sản xuất; định hình các khuôn mẫu ứng xử; tiếp nhận, sáng tạo và trao truyền các giá trị nhằm đảm bảo tính liên tục văn hóa cho cá nhân và cộng đồng. Bởi lẽ văn hóa ra đời trên nền tảng của không gian sinh tồn, cho nên, đối với một cộng đồng, không gian sinh tồn cũng đồng thời là không gian văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Clyde Kluckhohn - nhà văn hóa học nổi tiếng người Mỹ cho rằng: “Văn hóa của một cộng đồng được phản chiếu qua không gian sống của họ” (Clyde Kluckhohn, 1961).

Trong các loại hình không gian văn hóa mà con người đã sáng tạo nên, có lẽ, làng là loại hình không gian lâu đời và phổ biến hơn cả. Dường như ở đâu có nông thôn, nông nghiệp, nông dân thì ở đó có làng và không gian làng. Với một đất nước có truyền thống “trọng nông” như Việt Nam, dấu ấn của làng trong đời sống xã hội càng đậm nét. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các học giả trong và ngoài nước, dù đứng từ góc độ tiếp cận nào, đều có chung một nhận định: Làng là không gian văn hóa cơ bản và đặc trưng nhất của quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Thật vậy, tuy khác nhau về nguồn gốc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú và lối sống, nhưng giá trị văn hóa của từng nhóm tộc người trên lãnh thổ Việt Nam đều được phản chiếu trong không gian làng của họ. Vì thế, theo cách diễn đạt của nhà dân tộc học Từ Chi, nghiên cứu không gian văn hóa làng cho phép chúng ta tìm hiểu người Việt nói riêng và các tộc người ở Việt Nam nói chung “trong sức năng động lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm lý tập thể của nó, trong các biểu hiện văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó trước tình huống mà lịch sử đương đại đặt nó vào” (Từ Chi 2003: 226).

Ở Tây Nguyên, làng cổ truyền có vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển của toàn vùng nói chung và lịch sử phát triển của mỗi nhóm tộc người tại chỗ nói riêng. Trước khi bị thực dân Pháp bình định và khai thác, vùng Tây Nguyên chưa có nhà nước, chỉ có làng của các tộc người. Với người Tây Nguyên, làng quan trọng đến nỗi, ý thức về cộng đồng làng thậm chí còn quan trọng hơn ý thức về cộng đồng tộc người (Nguyên Ngọc 2008: 153). Trong không gian làng, các tộc người Tây Nguyên - dù thuộc nhóm Môn-Khơmer hay Mã Lai đa đảo, đã định hình nên một lối sống đặc thù và “huyền ảo” – như cách nói của Jacques Dournes trong một điều nghiên của ông về các tộc người Tây Nguyên (Jacques Dournes 2003). Sau 1975, dưới tác động của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước và xu hướng toàn cầu hóa, làng cổ truyền Tây Nguyên đã bị xáo trộn mạnh, dẫn đến nhiều hệ lụy ngoài mong đợi: cấu trúc không gian truyền thống bị giải thể; cồng chiêng bị “chảy máu” trong khi các thực hành văn hóa truyền thống dần mai một; đặc biệt, cải đạo(conversion) đã trở thành một hiện tượng mang tính khu vực, thu hút đông đảo người Thượng tham gia (Thiên Chúa giáo, Tin Lành)... Tất cả những biến động to lớn đó đã diễn ra ở hầu khắp các làng Tây Nguyên, tuy nhiên, các buôn Ê Đê ở Buôn Ma Thuột, do nằm trong một khu vực phát triển năng động nhất của vùng, có lẽ đã trải qua một quá trình thay đổi sâu sắc nhất. Qúa trình biến đổi không gian làng truyền thống ở Buôn Ma Thuột không chỉ có ý nghĩa điển hình cho sự vận động của các làng Tây Nguyên trên bước chuyển từ “cổ truyền” sang “hiện đại”, quan trọng hơn, quá trình này có thể cung cấp một số dẫn chứng mới, góc nhìn mới cho các cuộc tranh luận của giới học giả trong nước và quốc tế về một loạt chủ đề có tính thời sự: Người bản địa đã và đang thích nghi như thế nào với không gian đô thị? Di sản văn hóa tộc người nên được bảo tồn và phát huy ra sao để góp phần tạo nên bản sắc đô thị vùng cao? Tại sao nhà nước nên trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng để vừa giúp họ cải thiện sinh kế vừa bảo tồn các thực hành văn hóa truyền thống như đã được chỉ ra trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16 tháng 6 năm 2003 “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường Quốc doanh” và Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 3 tháng 12 năm 2004 “Về sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh”? Bản chất của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là gì và cần bảo tồn nó như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Được phát triển từ luận án tiến sỹ của tác giả1, cuốn sách này là một nỗ lực nhằm tái hiện lại quá trình chuyển động hết sức quan trọng nói trên của các cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ góc nhìn không gian làng. Dựa trên nguồn thông tin thực địa mà tác giả thu thập được ở Buôn Ma Thuột trong khoảng thời gian từ 2010 – 2017, vận dụng các quan điểm lý thuyết của nhân học, xã hội học, sinh thái học văn hóa và sinh thái học chính trị, cuốn sách được cấu trúc thành 4 chương:

Chương 1: Tình hình nghiên cứu và lí luận về không gian văn hóa buôn làng: Tổng quan các nghiên cứu trong, ngoài nước liên quan đến chủ đề biến đổi không gian buôn làng và diễn giải các khái niệm, các quan điểm lý thuyết chính.

Chương 2: Cộng đồng và không gian buôn làng Ê Đê: Trình bày cấu trúc không gian buôn làng Ê Đê truyền thống, giới thiệu khái quát về cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột và các địa điểm được lựa chọn nghiên cứu.

Chương 3: Quá trình biến đổi cấu trúc không gian văn hóa buôn làng Ê Đê: Trình bày quá trình thay đổi không gian buôn làng và phân tích các hệ quả văn hóa của nó.

Chương 4: Xu hướng và vấn đề đặt ra từ quá trình biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê: Chỉ ra các xu hướng biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê và những vấn đề đặt ra từ sự biến đổi ấy.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách, tôi xin gửi lời tri ân đặc biệt đến nhà văn hóa Nguyên Ngọc, TS. Trần Niêm, TS. Phạm Quang Tú và các đồng nghiệp ở Viện Tư vấn phát triển (CODE), PGS.TS. Nguyễn Duy Thiệu, TS. Phan Phương Anh và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hiền - những người đã không những tạo mọi điều kiện thuận lợi mà còn cho tác giả nhiều nhận xét, góp ý để hoàn thiện bản thảo cùng toàn thể anh em, bạn bè và gia đình đã hỗ trợ. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện để cuốn sách được xuất bản.

Tác giả rất mong nhận được sự chia sẻ và góp ý từ quý bạn đọc để cuốn sách hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sắp tới.  

Tác giả: TS.Đặng Hoài Giang                                                                                                     

Liên hệ : Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu- ĐHQGHN

Emai: media@vnu.edu.vn, hienltt1984.nxbdhqghn@gmail.com

Hotline: 0985.524.633

Website: press.vnu.edu.vn

Giá bán:

 

 VNU - NXBĐHQGHN
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :