Tiến tới Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đảng - Đoàn thể  >   Tiến tới Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V
ĐHQGHN tiên phong trong đổi mới tuyển sinh đại học
Đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực người học là một chủ trương lớn của Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Trong nhiều năm qua, toàn Đảng bộ mà trực tiếp là Ban chấp hành và Thường vụ Đảng ủy đã có nhiều chuyên đề, nghị quyết chỉ đạo về công tác này. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 phục vụ tuyển sinh đại học của ĐHQGHN đã diễn ra từ ngày 30/5/2015 tới ngày 2/6/2015. Kỳ thi đã thành công tốt đẹp, được dư luận xã hội, thí sinh, phụ huynh và các nhà chuyên môn, các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục đánh giá cao. Đây thực sự là một bước bứt phá thể hiện vai trò đầu tàu, tiên phong của ĐHQGHN cho ngành giáo dục nước nhà nói chung.

CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO KỲ THI

Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQGHN được thiết kế trên cơ sở tận dụng các lợi thế của công nghệ thông tin và giản tiện tối đa về thủ tục hành chính. Đây là một phương thức thi mới chưa từng có ở Việt Nam, ĐHQGHN đã có sự chuẩn mọi mặt và chu đáo cho kỳ thi này. Các khâu tư vấn, làm quen với bài thi mẫu, đăng ký dự thi, nộp lệ phí dự thi, báo thông tin dự thi… đều đã thực hiện qua mạng internet. Mọi thông tin về kỳ thi đều được công bố công khai và kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của ĐHQGHN, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN và các đơn vị.

ĐHQGHN đã xây dựng ngân hàng câu hỏi đủ lớn để sử dụng, trong đó chọn lọc ra 4000 câu đã chuẩn hóa để đưa vào ngân hàng câu hỏi dùng cho kỳ thi đợt 1. ĐHQGHN đã xây dựng một phần mềm tuyển sinh gồm các module đa mục đích từ đăng ký dự thi, quản lý ngân hàng câu hỏi và tổ hợp đề thi, tổ chức thi và xét tuyển. Phần mềm đã được kiểm tra, thử nghiệm đảm bảo độ bảo mật và độ chính xác cao. ĐHQGHN chuẩn bị gần 200 phòng máy tính (với 7497 máy tính) tại 9 cụm (21 điểm thi) tại 7 tỉnh/thành phố, bao gồm Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng. Mỗi điểm thi được trang bị 2 máy chủ có cấu hình cao, cùng các điều kiện kỹ thuật đi cần thiết đi cùng. Các điều kiện về quy trình thi, các văn bản quy định, hướng dẫn nhân lực kỹ thuật, cán bộ coi thi, hướng dẫn thi… đều đã được chuẩn bị chu đáo .

DIỄN BIẾN CỦA KỲ THI

Kỳ thi ĐGNL đợt 1 được bố trí thành 8 ca thi, trong 4 ngày (30/5/2015 - 02/6/2015). Tổng số có 45350 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 14606 thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi ĐGNL và bài thi môn Ngoại ngữ. Tỷ lệ thí sinh thực tế đến dự thi đạt cao gần như tuyệt đối, (43369 thí sinh, đạt gần 96%). Số thí sinh tham gia thi môn ngoại ngữ là 13253, đạt gần 91%. Số thí sinh vi phạm kỷ luật phòng thi chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ (0,02%) đều do mang điện thoại vào phòng thi. Số thí sinh phải chuyển ca thi (do trục trặc máy tính) chỉ chiếm 0,27% .

Trong suốt quá trình thi, phần mềm và các trang thiết bị kết nối đã hoạt động tốt, quy trình thi được thiết kế tỏ ra hợp lý; cán bộ kỹ thuật và cán bộ chỉ đạo thi, coi thi hoàn toàn làm chủ và vận hành tốt kỳ thi .

Phổ điểm bài thi đánh giá năng lực

Ngay khi kết thúc bài làm, các thí sinh biết ngay kết quả thi, điểm thi được in ra cho thí sinh ký xác nhận. Điều đó đem lại cho thí sinh và phụ huynh học sinh phấn khởi và tin tưởng vào tính công khai minh bạch và chính xác của kỳ thi. Về kết quả làm bài, phân tích điểm cho thấy phổ điểm có phân bố chuẩn, cân đối hai phía. Điểm trung bình của toàn bộ thí sinh là 77,7 (trên tổng 140), rất sát với điểm trung bình lý thuyết (70). Điểm trung vị (điểm chia dải điểm của thí sinh thành 2 phần bằng nhau) là 77. Phổ điểm này cho thấy đề thi được thiết kế tốt, đánh giá được toàn bộ dải năng lực của mọi thí sinh.

Kết quả so sánh giữa điểm bài thi chính thức của nhóm 50 em đạt kết quả cao nhất với kết quả thi thử của các em đó trên bài thi mẫu chỉ chênh lệch từ 1 tới 4 điểm.

So sánh với điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia công bố ngày 22 tháng 7 vừa qua cho thấy, nhóm 10 em đạt kết quả cao nhất của kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 hầu hết đều đạt từ 27 điểm trở lên.

Ý KIẾN PHẢN HỒI

ĐHQGHN đã tổ chức khảo sát ngẫu nhiên 1547 thí sinh ngay sau khi thi về kỳ thi. Tuyệt đại đa số thí sinh đánh giá cao và ủng hộ kỳ thi này. Thí dụ, gần 97% thí sinh được hỏi cho rằng “việc đăng ký thi dễ dàng”; trên 94% cho rằng “hình thức thi tiện lợi”; gần như tuyết đối (99,1%) thí sinh được hỏi khẳng định về “tính hiện đại của kỳ thi”. Chỉ có chưa đến 19% thí sinh được hỏi cho biết họ cảm thấy áp lực, hay căng thẳng khi tham gia hình thức thi này, trong khi trên 81% cho biết tâm lý thoải mái, không áp lực. Tuyệt đại đa số thí sinh được hỏi đều khẳng định rằng bài thi ĐGNL cho kết quả “đánh giá khách quan” (84%), “đánh giá toàn diện” (78%) và “đánh giá chính xác năng lực của họ” (76%).

Bên cạnh ý kiến của thí sinh, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua ý kiến trao đổi trực tiếp với lãnh đạo ĐHQG, tuyệt đại đa số các ý kiến của phụ huynh , các nhà quản lý giáo dục, của các chuyên gia về đo lường đánh giá đều đánh giá cao về phương thức thi và tuyển sinh của ĐHQGHN. Các ý kiến đồng thuận về tính hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, thuận lợi và tiết kiệm cho thí sinh và xã hội. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn về độ khó của đề khi cho rằng số thí sinh đạt điểm trung bình cao, nhưng thí sinh lại có ý kiến ngược lại khi cho rằng đề tương đối khó, nhất là phần định lượng.

MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ

Từ thực tiễn triển khai kỳ thi, ĐHQGHN nhận thấy một số điểm nổi bật như sau:

Sự hưởng ứng và ủng hộ từ phía xã hội rất cao. Tỷ lệ thí sinh thực tế đến làm bài thi ĐGNL đạt mức gần 96% đã nói lên điều đó.

Hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử. Hình thức thi mới này đã hạn chế gần như tuyệt đối hiện tượng quay cóp, trao đổi bài, trông chờ sự trợ giúp từ người khác. Bởi vì, với thời gian trung bình để làm bài là khoảng 1,4 phút/câu, các câu hỏi được chọn ngẫu nhiên, nếu thí sinh không tự làm thì không thể trông vào tài liệu và người khác. Trong suốt kỳ thi không có thí sinh vi phạm kỷ luật do mang tài liệu vào phòng thi.

Hạn chế tối đa việc học lệch, học tủ. Gần 78% thí sinh được hỏi khẳng định là bài thi đánh giá toàn diện. Như vậy, họ không thể học tủ môn nào trong chương trình THPT.

Kết quả đánh giá khách quan, chính xác và đáng tin cậy. Việc chấm thi bằng máy tính, thông báo kết quả ngay, hạn chế hoàn toàn sự can thiệp của mọi cá nhân khác vào kết quả và loại bỏ sai sót chủ quan của người chấm. Có rất nhiều thí sinh cho biết kết quả thi thử và thi chính thức điểm không khác biệt đáng kể.

Thí sinh thích ứng tốt với công nghệ thi hiện đại. Nhìn chung các thí sinh đều thích ứng tốt với hình thức thi trên máy tính. Số lượng thí sinh phải chuyển ca thi do trục trặc trong thao tác trên máy tính rất ít. Điều đó chứng tỏ việc áp dụng công nghệ thông tin vào thi cử không phải là trở ngại lớn với họ, kể cả các em ở các tỉnh nông thôn hay miền núi.

Tổ chức một kỳ thi công nghệ cao không quá khó và hoàn toàn có thể kiểm soát. Qua thực tế kỳ thi có thể thấy chỉ cần có bước chuẩn bị thật tốt, đúng quy trình kỹ thuật, lường trước các yếu tốt phát sinh, kỳ thi trên máy tính hoàn toàn có thể thực hiện và kiểm soát được.

KẾT LUẬN

Từ kết quả khách quan của kỳ thi đợt 1, có thể khẳng định đây là thành công bước đầu của ĐHQGHN trong nỗ lực đổi mới thi theo hướng ngày càng khách quan, chính xác, công bằng, minh bạch, thuận tiện, giảm chi phí, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội. Thành công của kỳ thi đã khẳng định cho tính đúng đắn và sáng tạo của một chủ trương lớn. Đồng thời kỳ thi cũng đã đem lại những bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tổ chức và phối hợp giữa ĐHQGHN với các bộ ngành và các địa phương, tạo tiền đề vững chắc cho các đợt và các năm tiếp theo.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 phục vụ tuyển sinh đại học của ĐHQGHN sẽ diễn ra từ ngày 1/8 tới 6/8/2015. Sau khi kết thúc kỳ thi đợt 2 cũng như hoàn tất việc xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển, ĐHQGHN sẽ tổng kết toàn diện và sâu sắc hơn đối với công tác đổi mới tuyển sinh trong năm 2015.

 Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn - Bản tin ĐHQGHN số 292+293
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :