TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 10/12/2018 GMT+7
TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng: "Ấn tượng đẹp về sự tiên phong của ĐHQGHN"
"Mười năm làm việc với vai trò là Ủy viên Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Trưởng đại diện của Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation –VEF) là một khoảng thời gian có nhiều ấn tượng khó quên trong đời tôi", TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng cho biết. Dù đã kết thúc công việc tại ĐHQGHN và chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sống và làm việc nhiều năm nhưng bà vẫn nhắc về Ban Giám đốc cũng như đội ngũ giảng viên nơi đây với một tình cảm yêu mến và trân trọng.

Xin bà chia sẻ thêm đôi nét về những ấn tượng của bà đối với ĐHQGHN sau mười năm công tác?

Dù làm việc ở vai trò là Ủy viên Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục của ĐHQGHN hay Trưởng đại diện của VEF, tôi đều gặp nhiều thuận lợi vì có được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Giám đốc cùng tập thể giáo viên, sinh viên. Tôi xem ĐHQGHN như "ngôi nhà thứ 2" của mình, dù là người Nam sống và làm việc ở Hà Nội, tôi hầu như không gặp khó khăn nào về cách biệt văn hóa Bắc - Nam.

Bằng việc thành lập Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN đã thực sự khẳng định sứ mệnh tiên phong của mình. Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến được thiết lập và chia sẻ với Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các cơ sở giáo dục trên cả nước. Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện để đào tạo ra những kiểm định viên đầu ngành, nhằm thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước. Ngoài ra, ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực, từ đó đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện "ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm" cho kỳ thi THPT quốc gia.  Có thể nói, ĐHQGHN đã luôn làm tốt vai trò đơn vị đầu ngành, tiên phong và chia sẻ kinh nghiệm với các cơ sở giáo dục đại học khác để tìm ra hướng đi tốt cho giáo dục quốc gia.

Người tiên phong thường phải chấp nhận khó khăn, thử thách, ĐHQGHN cũng không ngoại lệ, phải không thưa bà?

Đúng vậy. Ở bất cứ lĩnh vực nào, chỉ có những người dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng đương đầu với thách thức, khó khăn mới dám tiên phong trên con đường mới. Và tôi đã thấy điều này rất rõ ở những người lãnh đạo tại ĐHQGHN, đó là những người tôi rất kính phục.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy được sự cẩn trọng trong bước đi của Ban Giám đốc ĐHQGHN. Trước khi bắt đầu áp dụng một mô hình hay chương trình mới nào, các thầy cô giáo cũng đều nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bài học kinh nghiệm từ các nước có điều kiện tương đồng, từ đó đúc kết những kinh nghiệm, thử thách ở từng thời điểm, sao cho phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam. Mặt khác, các mô hình, chương trình mới luôn được áp dụng thí điểm ở quy mô nhỏ để có những thay đổi, cải tiến phù hợp trước khi được áp dụng ở quy mô đại trà. Sự cẩn trọng này nhằm tránh sai sót tối đa trên con đường cải cách giáo dục nói chung.

Đó là những nhận định ở vai trò ủy viên Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục, vậy còn ở vị trí Trưởng đại diện của VEF, hẳn bà cũng có những kỷ niệm đáng nhớ?

Được làm việc ở VEF là một may mắn của tôi, vì đây là cơ hội để tôi được tiếp xúc, làm việc với rất nhiều ứng viên tài năng từ các trường. Và tôi hạnh phúc khi thấy rất nhiều sinh viên Việt Nam tài giỏi. Nhân đây, tôi cũng xin giới thiệu đôi nét về VEF. Quỹ Giáo dục Việt Nam được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ theo Đạo luật Quỹ Giáo dục Việt Nam năm 2000 nhằm tăng cường mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua ba chương trình chính là: (1) Chương trình Học bổng, đưa các công dân Việt Nam sang Hoa Kỳ theo học các chương trình đào tạo sau đại học; (2) Chương trình Học giả, tài trợ cho các công dân Việt Nam đã có bằng tiến sĩ có cơ hội phát triển chuyên môn thông qua các khóa học, các hoạt động nghiên cứu, và quan sát tại các trường, viện nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ và (3) Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam.

Theo thống kê thì trên cả nước, ĐHQGHN là một trong hai đơn vị ứng viên hàng đầu cho Quỹ giáo dục VEF, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt ĐHQGHN có số lượng ứng viên nhận học bổng VEF nhiều nhất trên cả nước. Điều đó cho thấy chất lượng sinh viên tại ĐHQGHN cũng như các trường thành viên rất tốt. Nhiều giáo sư Hoa Kỳ sang giảng dạy tại Việt Nam cho biết họ rất ấn tượng với sinh viên ở các trường thuộc Đại học Quốc gia. Nhiều ứng viên sau khi được học tập với học bổng VEF đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Mặc dù cơ hội làm việc ở nước ngoài luôn rộng mở sau khi tốt nghiệp, họ vẫn quyết tâm trở về để góp phần phát triển quê hương. Hầu hết sinh viên nhận học bổng VEF đều tài năng, ham học mà lại vui vẻ, thân thiện. Điều này đã trở thành một ấn tượng đẹp khiến cho nhiều giáo sư Hoa Kỳ phải quay trở lại Việt Nam nhiều lần sau khi hết khóa học. Có một lưu ý từ các giáo sư Hoa Kỳ là chúng ta cần quan tâm hơn đến các ngành khoa học cơ bản. Báo cáo của VEF về giáo dục đại học Việt Nam có đoạn viết: “Không nên bỏ các môn cơ bản của các ngành khoa học kỹ thuật dù có thể chưa có ứng dụng ngay tại thời điểm học, bởi kiến thức nền tảng của những môn này rất quan trọng với sinh viên khi học lên cao trong các ngành khoa học kỹ thuật”

Cá nhân bà nhận định thế nào về vấn đề này?

Những ngành khoa học cơ bản đang chịu nhiều "thiệt thòi", vì cơ hội nghề nghiệp không nhiều, lại khó có thu nhập cao. Chẳng hạn như ngành Toán học, là ngành đã giúp Giáo sư Ngô Bảo Châu được thế giới biết đến, nhưng lượng sinh viên theo học rất ít, vì sau khi tốt nghiệp chỉ có thể đi dạy hoặc làm nghiên cứu. Thực tế, ngành này lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng tạo tri thức mới cho nhân loại.

TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng và nhà báo Xuân Lộc

Theo đánh giá của các chuyên gia Hoa Kỳ, chương trình đào tạo của Việt Nam còn khá nặng nề, cần phải được thiết kế lại. Nhưng dù thay đổi, cải tiến thế nào, chúng ta vẫn phải duy trì các ngành khoa học cơ bản, vì nó là kiến thức quan trọng cho các ngành khoa học ứng dụng khác. Là đơn vị đầu ngành, ĐHQGHN nói chung và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nói riêng đã luôn duy trì và tạo điều kiện phát triển những con người xuất sắc trong các ngành khoa học cơ bản. Trường luôn có những chương trình học bổng, ưu tiên dành cho sinh viên các ngành này. Đây là động lực lớn cho sinh viên giỏi và đam mê các ngành khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, các quỹ nước ngoài cũng thường có các phần học bổng ưu tiên cho các ngành STEM, trong đó có quỹ VEF.

Như vậy, hẳn là lãnh đạo ĐHQGHN có những hoạt động gắn bó với VEF?

Lãnh đạo ĐHQGHN đánh giá cao và thể hiện rõ sự quan tâm một cách rõ ràng đối với VEF. Thậm chí, ĐHQGHN còn chủ động ứng ngân sách của mình để hỗ trợ nhiều ứng viên được tham gia chương trình của VEF. Điều này thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo ĐHQGHN trong việc đào tạo giảng viên và sẵn sàng có những sáng kiến, đầu tư khi cần thiết.

Tôi còn nhớ có lần một phái đoàn giáo sư Hoa Kỳ sang Việt Nam để phỏng vấn các ứng viên nhận học bổng VEF. Lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã ngỏ lời mời phái đoàn này tham vấn cho ĐHQGHN về một số vấn đề giáo dục. Buổi trò chuyện, tham vấn đã diễn ra trong một không gian ấm áp, chân tình ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Phía các giáo sư Hoa Kỳ thì khá nhiệt tình, cởi mở chia sẻ kinh nghiệm còn phía các thầy cô ĐHQGHN thì thể hiện rõ tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Qua đó có thể thấy được ước muốn nâng cao chất lượng giáo dục của Ban Giám đốc xuất phát từ mong mỏi bên trong chứ hoàn toàn không phải là do áp lực từ bên ngoài. Và đây là yếu tố quan trọng để hướng đến một trường đại học tinh hoa. Tôi mới được nghe một thông tin tuyệt vời là ĐHQGHN và ĐHQG TP.HCM được xếp hạng trong top 1000 đại học hàng đầu trên thế giới, kết quả này hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực của ĐHQGHN trong thời gian qua.

Được biết Quỹ VEF đã kết thúc 18 năm hoạt động tại Việt Nam, quả là đáng tiếc...?

Đúng là đáng tiếc, nhưng hầu hết những người tham gia VEF như tôi đều đã biết trước điều này. Nên chúng tôi đã cố gắng làm tốt tất cả các hoạt động trước khi nói lời chia tay VEF. Có thể nói, Quỹ giáo dục Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đó là thắt chặt mối quan hệ hai nước thông qua giáo dục. Hiện nay, mạng lưới hơn 600 anh chị em nghiên cứu sinh các ngành STEM, khoảng 200 các thầy cô học theo Chương trình Học giả, hàng trăm giáo viên Việt Nam được đào tạo theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lan tỏa văn hóa giữa hai nước. Chiếc cầu nối giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục rộng mở về kinh tế, giáo dục cũng như các lĩnh vực khác, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lãnh đạo và cán bộ giảng viên ở ĐHQGHN.

Cảm ơn bà về những chia sẻ trên.

>>> Các tin tức liên quan:

- Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam: Nhiều tập thể, cá nhân ĐHQGHN được tặng thưởng Huân chương Lao động

25 năm ĐHQGHN và sự nghiệp khoa giáo hưng quốc

 - Phát huy và vững bước truyền bá tinh thần học thuật

 - QS World Ranking 2018: ĐHQGHN lần đầu tiên vào top 1000 thế giới

 - Đại học Quốc gia Hà Nội vươn lên vị trí thứ 124 trong bảng xếp hạng QS Châu Á năm 2019

 Xuân Lộc - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ