TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 31/08/2019 GMT+7
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đưa việc tái chế nhựa vào chương trình đào tạo và nghiên cứu
Nhựa thải đang là vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu, thậm chí đang nhấn chìm Đông Nam Á từng ngày. Không thể tiêu hủy, không thể đổ bỏ, tái chế nhựa thải vẫn là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Tại Việt Nam, nếu các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế của mình thì khả năng phát triển rất lớn. Trong tháng 5/2018, với vai trò là một trong những thành viên chủ chốt, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã đăng cai tổ chức lễ khởi động dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu.

Bao nhựa mất đến 10-100 năm để phân hủy

Đây là dự án đầu tiên về quản lý và tái chế nhựa của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu tại Việt Nam và Lào, có tổng trị giá hơn 1 triệu euro do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua chương trình  Eramus+, dự kiến triển khai trong 3 năm. Để hiểu rõ hơn về dự án này, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, một trong hai đồng chủ trì của  dự án phía Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN

VNU Media: Là dự án đầu tiên về quản lý và tái chế nhựa của Mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu, dự án này có những điểm mạnh quan trọng nào thưa GS?

GS.TS Nguyễn Văn Nội: Dự án SEA-PLASTICS-EDU là một trong những dự án đầu tiên do Liên minh châu Âu hỗ trợ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vốn là thị trường nhập khẩu lượng lớn rác thải nhựa từ châu Âu và Mỹ trong khi năng lực quản lý loại rác thải này còn hạn chế. Vì vậy, dự án là hết sức cần thiết.

Có thể nói, dự án có 4 điểm mạnh quan trọng nhất, khiến dự án được xem là giải pháp tổng thể cho vấn đề rác thải nhựa. Thứ nhất, dự án do Liên minh châu Âu tài trợ cho các nước thuộc khu vực Đông Nam Á thể hiện qui mô và sự quyết tâm của châu Âu đối với vấn đề quản lý an toàn rác thải nhựa và tiến tới xã hội không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây cũng chính là mục tiêu do chính châu Âu đặt ra cho các nước thành viên: Cấm sử dụng sản phẩm nhựa một lần từ năm 2020. Với nguồn lực và kinh nghiệm lớn của châu Âu về quản lý chất thải rắn, nhựa thải, dự án SEA-PLASTICS-EDU có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai và khả năng thành công cao.

Điểm nổi bật thứ hai là sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm  trong lĩnh vực quản lý nhựa thải, bao gồm Hiệp hội sản xuất nhựa châu Âu, Hiệp hội tiêu dùng châu Âu, Hiệp hội sản xuất nhựa của các nước Đức, Đan Mạch và Áo. Ngoài ra còn có các công ty sản xuất, tái chế nhựa thải và các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại ba nước kể trên với tư cách là các thành viên chính thức của dự án. Bên cạnh đó là sự tham gia của các công ty sản xuất, tái chế nhựa, các đơn vị quản lý nhà nước, các trường đại học tại Việt Nam và Lào là những nhân tố chính vận hành dự án, đảm bảo sự thành công của dự án và ứng dụng các kết quả của dự án vào thực tiễn cuộc sống.

Thứ ba, như tên gọi của dự án, việc xây dựng mạng lưới Đông Nam Á - châu Âu về quản lý và tái chế rác thải nhựa cho phép các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các nhà khoa học của hai khu vực này tiếp cận, sử dụng và chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm về thực trạng, cơ chế chính sách, công nghệ áp dụng trong quản lý và tái chế rác thải nhựa, qua đó tận dụng được nguồn cơ sở dữ liệu và thế mạnh của cả hai để giải quyết một cách hiệu quả, tổng thể và bền vững các thách thức về rác thải nhựa tại hai khu vực này.

Điểm mạnh thứ tư, dự án SEA-PLASTICS-EDU không chỉ trợ giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải nhựa mà còn hỗ trợ các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý và công nghệ tái chế nhựa thải.

GS.Nguyễn Văn Nội cùng nhóm dự án tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, Trường ĐHKHTN

VNU Media: Với những điểm mạnh này, có thể nói dự án cung cấp giải pháp căn cơ và tổng thể để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đang gia tăng không kiểm soát hiện nay?

GS.TS Nguyễn Văn Nội: Chúng tôi và các bên đối tác của dự án  đều nhấn mạnh, định hướng cơ chế chính sách, ý thức của xã hội về vấn đề rác thải nhựa và công nghệ là những yếu tố mấu chốt để giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Về quy mô và phạm vi, có thể nói dự án tác động tổng thể tới hầu hết các đối tượng cốt lõi và mang tính bền vững, lâu dài.

Trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, chính sách hạn chế nhập rác thải nhựa của Nhà nước đang được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, theo ý kiến cá nhân của tôi, những giải pháp căn bản nhất để giải quyết vấn đề rác thải nhựa là các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế nhựa thải nhằm giảm lượng phát thải rác thải nhựa; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa tự phân hủy; đào tạo, nâng cao ý thức của cộng đồng về rác thải nhựa; có cơ chế khuyến khích tổ chức, các nhân thu gom, tái chế rác thải nhựa ngay tại nguồn thải. Bên cạnh đó việc lựa chọn công nghệ tái chế nhựa thải thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện trong nước cũng rất cần được quan tâm để đảm bảo cho sự thành công trong quản lý nhựa thải tại Việt Nam.

VNU Media: GS từng nói Trường ĐHKHTN luôn hỗ trợ tối đa cho các dự án hợp tác quốc tế nói chung và dự án Quản lý và tái chế nhựa nói riêng. Vậy vai trò của Trường trong dự án này thế nào? Có những dự án nào do trường/cán bộ của trường nghiên cứu về quản lý, tái chế nhựa nữa không?

GS.TS Nguyễn Văn Nội: Vai trò và đóng góp  của Trường ĐHKHTN trong dự án Quản lý và tái chế nhựa thải SEA-PLASTICS-EDU là rất rõ ràng. Đầu tiên, Trường tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục hành chính nhằm đáp ứng một cách nhanh và chính xác các yêu cầu của liên minh châu Âu để có thể triển khai dự án đúng tiến độ tại Việt Nam cũng như tiếp nhận các khoản viện trợ về trang thiết bị phục vụ dự án. Trường hỗ trợ phòng thí nghiệm và các cơ sở vật chất cần thiết để có thể khai thác hiệu quả các trang thiết bị được tài trợ trong khuôn khổ của dự án. Trường  cũng phối hợp liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải giúp dự án hoạt động theo đúng yêu cầu và lộ trình đã đặt ra. Dự kiến, Trường sẽ tích hợp một số kết quả nổi bật của dự án về quản lý nhựa thải vào các module về quản lý chất thải thuộc chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh các ngành Hóa môi trường và Kỹ thuật môi trường của Trường ĐHKHTN.

VNU Media: Trong thông tin ban đầu, dự án có 3 mục tiêu tổng quát, 6 hoạt động chính, 9 giai đoạn chính. Từ khi khởi động đến nay là hơn 15 tháng, những hoạt động nào đã được thực hiện, mốc nào đã hoàn thành, mục tiêu tổng quát nào đã cơ bản đạt được thưa GS?

GS.TS Nguyễn Văn Nội: Cho đến thời điểm này, các mốc chính sau đây của dự án đã hoàn thành: (1) Khởi động dự án  (2) Dự thảo các khung và chương trình đào tạo  (3) Dự thảo, xây dựng mô hình cho các trung tâm đào tạo qui mô khu vực (4) Xây dựng các phương pháp và kỹ thuật đào tạo mới cho các trường đại học ở Việt Nam và Lào (5) Xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho quản lý và tái chế nhựa thải. Các mốc tiếp theo của dự án bao gồm việc triển khai các chương trình đào tạo về quản lý chất thải nhựa và thiết lập mạng lưới đào tạo liên quốc gia đang được các đối tác tích cực thực hiện và sẽ hoàn thành theo đúng lộ trình đã đề ra.

Các hoạt động chính sau của dự án đã được thực hiện: (1) Hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có; (2) Thành lập 02 trung tâm đào tạo qui mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa tại Việt Nam và Lào; (3) Xây dựng mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải; (4) Chương trình đào tạo giảng viên. Hai nội dung còn lại liên quan đến hoàn thiện môn học quản lý chất thải trong đào tạo Thạc sỹ và nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ đang được thực hiện.

Có thể nói, hiện nay dự án đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát số (1) Hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Lào trong việc hiện đại hóa chương trình đào tạo về tái chế nhựa và quản lý chất thải ở các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên ; (2) Kết nối thế giới học thuật và công nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải, bước đầu đã có các kết quả tốt.; (3) Nâng cao khả năng được tuyển dụng và tinh thần  khởi nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp, đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của dự án đối với các trường đại học. Mục tiêu này sẽ được đánh giá khi dự án gần kết thúc.

Chia sẻ thêm về dự án, TS.Trần Đình Trinh - Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến ứng dụng trong phát triển xanh, Trường ĐHKHTN, thành viên dự án cho rằng: Tái chế chất thải nhựa cũng có những tác động tiêu cực nhất định nếu các cơ sở tái chế không được quản lý đúng cách. Do rất nhiều chất thải nhựa được thu gom hàng ngày để tái chế nên các cơ sở thu gom có thể trở nên mất vệ sinh. Các địa điểm thu gom chất thải nhựa có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Hóa chất độc hại trong chất thải nhựa có thể lan truyền vào nước và đất. Điều này có thể gây ra ô nhiễm môi trường nước,  đất và gây hại cho sinh vật sống ở sông và ao hồ. Khi chúng hòa lẫn vào nước mưa sẽ góp phần hình thành nước rỉ rác. Hỗn hợp này có thể rất nguy hiểm nếu nó hòa vào nguồn cung cấp nước. Khi trời mưa, hầu hết nước bị ô nhiễm (nước rỉ rác) từ các bãi thu gop chất thải nhựa thấm sâu vào lòng đất và gây ô nhiễm nước ngầm.

Sau khi đã được phân loại, chất thải nhựa phải được xử lý để đạt các tiêu chí kỹ thuật của công đoạn tái chế thành phẩm. Quá trình rửa chất thải nhựa thường phát sinh nhiều chất thải. Công nghệ rửa, xử lý có vai trò quyết định đối với mức độ ô nhiễm, các tác động đến sức khỏe (công nhân thao tác và cộng đồng). Trong quá trình tái chế, bụi và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) phát tán vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm không khí.

Vấn đề quản lý và tái chế nhựa luôn là mối lo lắng trước vấn đề môi trường và làng nghề tại Việt Nam, đặc biệt làng nghề tái chế nhựa. Nếu coi tái chế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thải nhựa, bảo vệ môi trường thì cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng tới một xã hội tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái. Đặc biệt, cần hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là túi ni-lông sử dụng một lần); áp dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa. Ngoài ra để phát huy công tác quản lý chất thải rắn có hiệu quả và bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ của bốn “nhà”: nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân.

Trân trọng cảm ơn GS về những chia sẻ hữu ích này!

 Huyền Dương - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ