TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Dự án Hòa Lạc 16:46:40 Ngày 18/09/2007 GMT+7
Hiệu quả sử dụng trang thiết bị dự án giáo dục đại học tại các phòng thí nghiệm của Khoa Môi trường
Khoa Môi trường được thành lập từ năm 1995. Trải qua 12 năm xây dựng và trưởng thành, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của khoa đang từng bước được xây dựng và hoàn thiện.

Hiện nay, Khoa đã có 5 phòng thí nghiệm: gồm 2 phòng thí nghiệm chung, 2 phòng thí nghiệm chuyên đề và 1 phòng máy tính dành cho công tác nghiên cứu xây dựng mô hình hóa môi trường và GIS.

Khoa Môi trường đang đảm nhận nhiệm vụ đào tạo đa dạng với nhiều hệ đào tạo khác nhau: đại học chính quy ngành Khoa học môi trường, Công nghệ môi trường và Khoa hoc Đất; hệ cử nhân khoa học tài năng ngành Khoa học môi trường, sinh viên tại chức, học viên cao học và NCS. Trong những năm gần đây, số lượng tuyển sinh hàng năm của Khoa Môi trường là rất lớn: khoảng 150 sinh viên hệ đại học chính qui, 10-20 sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng, 50 học viên cao học và khoảng 5-10 NCS.

Ngoài chức năng đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học của Khoa đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Khoa Môi trường đã chủ trì và tham gia rất nhiều các đề tài, dự án hợp tác Quốc tế, nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Đại học Quốc gia, cấp Trường và nhiều hợp đồng nghiên cứu khoa học ký kết với các cơ quan ngoài từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, Khoa Môi trường là địa chỉ có uy tín trong các dự án đánh giá tác động môi trường cho các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và các khu đô thị, dân cư mới. Việc gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn là vấn đề rất được quan tâm trong Khoa. Trang thiết bị chủ yếu được sử dụng phục vụ cho cho đào tạo và nghiên cứu khoa học các ngành:

Ngành Khoa học môi trường, Khoa Môi trường là địa chỉ triển khai đào tạo chính quy bậc đại học và sau đại học về môi trường trong nước. Sau 12 năm đào tạo, đã có gần 300 thạc sỹ và trên 1.500 sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học Môi trường đang triển khai công tác bảo vệ môi trường trên các địa bàn khác nhau của đất nước từ Trung ương đến địa phương. Các trang thiết bị của dự án góp phần đắc lực vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học : phân tích môi trường, quan trắc môi trường, ..; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và luận văn của sinh viên, đặc biệt là bậc đào tạo sau đại học và NCS.

Ngành Khoa học đất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã được thành lập hơn 40 năm. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành đã đào tạo được hàng trăm cử nhân, khoảng hơn 100 thạc sĩ và 12 tiến sĩ thuộc 2 ngành Thổ nhưỡng và Môi trường đất. Do đặc điểm của ngành Khoa học Đất là một ngành thực nghiệm ở cả trong phòng thí nghiệm và ngoài thực nghiệm. Hiện nay ngành Khoa học đất ở trường là cơ sở duy nhất đào tạo cán bộ chuyên sâu về khoa học đất và môi trường đất, nước. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bên cạnh kiến thức cơ bản, cần có các trang thiết bị nghiên cứu thực nghiệm để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Ngành Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tuy là một ngành mới, nhưng nhu cầu được đào tạo của các cử nhân, học viên cao học và các nghiên cứu sinh cho tới nay là rất lớn. Hàng năm, có khoảng 50 cử nhân công nghệ và nhiều học viên cao học, NCS đang theo học theo hướng chuyên ngành này. Xu hướng giảng dạy, học tập và nghiên cứu tại phòng thí nghiệm đối với các chuyên ngành khoa học kỹ thuật nói chung và ngành công nghệ môi trường nói riêng là nhu cầu tất yếu để có thể kết hợp và thực thi giữa lý thuyết và thực hành... Với các hướng đào tạo và nghiên cứu về công nghệ xử lý môi trường: xử lý khí thải; xử lý bụi; xử lý các chất thải rắn (rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt…); xử lý nước thải (nước thải công nghiệp, nước cấp và nước thải sinh hoạt…) và xử lý các chất thải nguy hại, xử lý ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm tiếng ồn… Việc đảm bảo các phương tiện thực hành trong phòng thí nghiệm là nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành không chỉ nắm vững các kiến thức lý thuyết cơ bản mà cả những kỹ năng cần thiết cho tiến hành thực nghiệm trong lĩnh vực Công nghệ môi trường.

Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc & Mô hình hoá Môi trường trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một cơ sở mới được thành lập (tháng 12 năm 2003), các trang thiết bị nghiên cứu, thiết bị phụ trợ phục vụ cho hoạt động của trung tâm còn rất hạn chế, đặc biệt các thiết bị quan trắc và đo đạc cũng như các phần mềm chuyên dụng phục vụ cho việc ứng dụng công cụ GIS và mô hình hoá toán học trong tính toán và mô phỏng quá trình lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường biển ven bờ chưa được đầu tư.

ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TRANG THIẾT BỊ

Được sự quan tâm của Ban giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Dự án Giáo dục đại học và Ban giám hiệu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và NCKH của Khoa đã có sự cải thiện đáng kể. Hiện nay, hầu hết các trang thiết bị do dự án cung cấp đã được triển khai lắp đặt tại 3 phòng thí nghiệm và 1 trung tâm của Khoa (PTN Công nghệ môi trường; Phân tích môi trường và Môi trường đất; Trung tâm NCQT và MHH môi trường).

Nhìn chung, các trang thiết bị đã được sử dụng rất hiệu quả cho công tác đào tạo và NCKH (xem bảng 1, 2, 3) đặc biệt là các thiết bị phân tích trong phòng và đo đạc ngoài trời. Các trang thiết bị, máy đo khi đưa vào các đề tài nghiên cứu và hợp đồng dịch vụ khoa học đều có thu một phần kinh phí để bảo dưỡng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số hạn chế trong việc khai thác các thiết bị như:

- Thiếu hoá chất, dụng cụ nhỏ lẻ để thay thế, vận hành, đặc biệt là các thiết bị thay thế ( điện cực, chi tiết máy ) khi mua lẻ khó khăn và đắt.

- Một số trang thiết bị chưa thể vận hành do điều kiện về cơ sở vật chất PTN hiện có chưa đáp ứng yêu cầu (ví dụ về đường điện, nước).

Để khắc phục Khoa cũng đã được nhà trường (Đại học quốc gia và Trường ĐHKHTN) cấp một số trang thiết bị nhỏ lẻ từ nguồn vốn đối ứng để tăng cương hiệu quả sử dụng thiết bị.

Về công tác quản lý: Khoa đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý trang thiết bị và cơ sở vật chất của Trư­ờng trong đó có trang thiết bị từ dụ án nhằm phát huy tối đa việc đ­ưa các trang thiết bị phục vụ NCKH và đào tạo, đặc nhất cho đào tạo hệ Cử nhân KHTN và chất lượng cao. Các thiết bị được kiểm kê và quản lý trang thiết bị theo quy định mới của Trường.

Tuy nhiên, hoạt động và công tác quản lý của phòng thí nghiệm chung của Khoa còn một số bất cập, vì Khoa hiện tại chưa có đủ số lượng cán bộ nghiên cứu làm việc trực tiếp trong các phòng thí nghiệm, các cán bộ giảng dạy môn học đang phải kiêm nhiệm, sử dụng trực tiếp các thiết bị trong các phòng thí nghiệm. Mặt khác, việc quản lý thiết bị có khó khăn vì số lượng thiết bị hạn chế, nhưng nhu cầu sử dụng của cán bộ và sinh viên rất lớn, v.v.

Trong thời gian tới, Khoa đang có chủ trương tổ chức và hoàn thiện lại cơ cấu và phân định rạch ròi chức năng nhiệm vụ của các phòng thí nghiệm, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm nâng cao công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa :

- Triển khai thực hiện quy hoạch các phòng thí nghiệm: sữa chữa 4 phòng (nhà để xe ô tô ở tầng 1 nhà T2) để xây dựng Phòng thí nghiệm Phân tích chuyên đề và Phân tích môi trường đại cương (tiếp nhận máy từ dự án của Khoa). Hình thành Phòng phân tích môi trường trung tâm đăng ký phân tích các thông số môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia.

- Thực hiện tốt đề tài, nhiệm vụ NCKH năm 2007, đăng ký thực hiện; tiến hành đăng ký đề tài các cấp ở ĐHQG (TN, QT, QG và TĐ) cho năm 2008 và các năm tiếp theo. Đăng ký và đấu thầu thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, các địa phương và các hợp đồng dịch vụ khoa học.

- Tiếp tục triển khai đầu tư mua sắm trang thiết bị theo các nguồn vốn ngân sách cho các trang thiết bị nhỏ lẻ...

- Tiếp tục triển khai quản lý thiết bị theo cơ chế mới của Trường (mã hóa các trang thiết bị chủ yếu, lập file quản lý dữ liệu,...).

- Đề ra qui định cụ thể về hoạt động của các PTN để quản lý và khai thác tốt các trang thiết bị đã được đầu tư phục vụ đào tạo và NCKH.

Trong xu thế phát triển chung của đất nước về nâng cao chất lượng đào tạo và xu thế hội nhập Quốc tế khi Việt Nam đã gia nhập WTO, việc đầu tư trang thiết bị, tăng cường năng lực cho phòng thí nghiệm cho nghiên cứu khoa học ngành Khoa học đất, ngành Công nghệ Môi trường, và Trung tâm NCQT&MHH của Khoa Môi trường trường ĐHKHTN là rất cần thiết. Vì vậy, trong khuôn khổ của dự án GDĐH giai đoạn tiếp theo, Khoa rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị, máy và phần mềm chuyên dụng trong lĩnh vực nghiên cứu, phân tích đánh giá và xử lý môi trường để tăng cường hơn nữa hiệu quả và chất lượng đào tạo cũng như NCKH của Khoa; phù hợp với mục tiêu xây dựng Trường ĐHKHTN thành Trường Đại học nghiên cứu tiên tiến và ngày càng khẳng định vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội trong nước và Quốc tế .

 PGS.TS. Lưu Đức Hải - Chủ nhiệm Khoa Môi trường - Trang Tin tức Sự kiện
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ