TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Sách và học liệu 13:02:54 Ngày 14/06/2019 GMT+7
Cuốn sách: Biển đảo Việt Nam và các mối giao thương Biển
Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách nhỏ Biển đảo Việt Nam và các mối giao thương Biển do tác giả Nguyễn Văn Kim – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN chủ biên, ấn phẩm do NXB ĐHQGHN phát hành vào cuối năm 2019 vừa qua.

Bạn đọc đang có trên tay cuốn sách nhỏ: Biển Việt Nam và các mối giao thương biển, một trong những kết quả nghiên cứu của Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á (GACS), Trung tâm Biển và Hải đảo (CSIS) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong những năm qua, với chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu về biển đảo, các mối quan hệ hải thương, bang giao trên biển... một số nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được Trung tâm Biển và Hải đảo triển khai trong quan hệ hợp tác với các địa phương, cơ quan khoa học trong nước và một số trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế.

Trong các hoạt động chung đó, nhiều nhà khoa học, giảng viên của Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á thuộc Khoa Lịch sử và Trung tâm Biển và Hải đảo thuộc Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQGHN đã tiến hành các đợt khảo sát, thám sát, khai quật khảo cổ học tại nhiều vùng duyên hải và các thương cảng: Vân Đồn, Phố Hiến, Hội Thống, Thanh Hà, Hội An, Cù Lao Chàm, Nước Mặn… Từ địa bàn phía Bắc và Trung Bộ, hoạt động nghiên cứu đã dần được mở rộng đến các thương cảng lưu vực sông Đồng Nai và hạ lưu sông Mekong, nơi từ thế kỷ II-III SCN, chủ nhân của nền văn hoá Óc Eo - Phù Nam đã từng bước chủ động tham gia vào các hoạt động kinh tế ở tầm mức liên khu vực, liên thế giới. Cùng với các hoạt động đó, Trung tâm Biển và Hải đảo cũng đã cố gắng tổ chức một số hội thảo, tọa đàm khoa học mà kết quả quan trọng nhất đạt được là đã góp phần đem lại những nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về truyền thống biển Việt Nam; đặc tính của các không gian biển; tiềm năng tự nhiên, nhân văn của các vùng biển đảo; vai trò và vị thế của biển Việt Nam trong hệ thống hải thương châu Á, thế giới.

Cùng với những công trình nghiên cứu chung, một số thành viên trong Nhóm cũng đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành các luận văn, luận án cũng như các khảo cứu chuyên sâu về biển và bang giao trên biển. Từ những công trình đầu tiên: Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Đông Nam Á - Truyền thống và hội nhập, Việt Nam trong hệ thống hải thương châu Á thế kỷ XVI-XVII đến các cuốn sách gần đây: Người Việt với biển, Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Việt Nam - Truyền thống kinh tế, văn hóa biển, Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung, v.v... là cả một chặng đường nỗ lực không ngừng của các thành viên trong Nhóm nghiên cứu và Trung tâm để thực hiện một định hướng khoa học. Trong các công trình nghiên cứu chung đó, luôn có sự tham gia của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là các nhà nghiên cứu ở ba miền Bắc - Trung - Nam, những người từng nhiều năm gắn bó với các nền văn hóa, di tích lịch sử vùng duyên hải, luôn thấu hiểu chu trình của từng con nước, sự chuyển vận của các đợt gió mùa, sinh hoạt kinh tế, văn hóa của cư dân vạn chài, mối liên hệ giữa các cộng đồng cư dân miền ngược với miền xuôi, giữa biển cả với núi rừng, giữa thị trường trong nước với các trung tâm kinh tế khu vực, quốc tế...

Tiếp nối các thành tựu đó, trong cuốn sách này, từ việc trở về với những huyền thoại thời lập quốc, luôn chứa đựng nhiều yếu tố biển, mang đậm dấu ấn của biển khơi, chúng tôi muốn tiếp tục làm sáng tỏ truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển, năng lực phát huy tiềm năng kinh tế, văn hóa biển của các cộng đồng cư dân ở các vùng duyên hải, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam. Có thể khẳng định, từ thời khởi nguyên, biển đã là môi trường sống, không gian sinh tồn của nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam. Biển cũng là môi trường tiếp giao, cửa ngõ hướng ra đại dương, hướng tới các giá trị, tiềm năng kinh tế, văn hóa, đồng thời cũng là môi trường đón nhận nhiều sinh lực sáng tạo mới của các thế hệ người Việt. Họ là sản phẩm của các thời đại văn hóa và chính các cộng đồng cư dân sống ven biển, trên biển ấy là những người bảo tồn, lưu truyền và nhân lên các giá trị văn hóa biển.

Bằng cách tiếp cận vùng, liên vùng; chuyên ngành kết hợp với liên ngành, vai trò và vị thế biển của Việt Nam trong hệ thống giao thương khu vực châu Á và thế giới được nhìn nhận, phân tích từ nhiều giác độ, chiều kích khác nhau. Một số chuyên luận trong cuốn sách cũng muốn nhìn nhận, đánh giá lại vai trò và hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong Thời hoàng kim của hệ thống thương mại châu Á. Trong thời kỳ đó, cùng với nhiều quốc gia Đông Á, Việt Nam đã dự nhập tương đối mạnh mẽ vào hệ thống hải thương khu vực và một số hoạt động kinh tế đó là mang tính toàn cầu.

Vào thế kỷ XVI-XVIII, nhận thấy xu thế và những nguồn lợi mà nền kinh tế khu vực, thế giới có thể mang lại, với tư cách là các thế lực chính trị cầm quyền, chính quyền Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đã thực thi nhiều chính sách tích cực, đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, thiết lập đồng thời nhiều mối bang giao với các quốc gia châu Á, châu Âu. Tiếp sau các hoạt động giao thương với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản... nhiều đoàn tàu buôn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), Công ty Đông Ấn Anh (EIC), Công ty Đông Ấn Pháp (CIO)… đã đến Việt Nam, xác lập quan hệ ngoại giao và tiến hành các hoạt động buôn bán. Do tác động của nền kinh tế hải thương, đời sống xã hội Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Một số cảng thị như: Phố Hiến, Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, Cù Lao Phố, Hà Tiên… đã có sự phát triển trội vượt và trở thành những mô hình cảng thị mới trên cơ sở những hoạt động và mối liên kết kinh tế mới với thị trường châu Á - châu Âu. Được kích hoạt bởi những giao lưu kinh tế Đông - Tây, ở trong nước, đã có sự xuất hiện của một số giai tầng xã hội mới và chính họ đã làm thay đổi cấu trúc xã hội truyền thống. Điều quan trọng là, họ làm thay đổi không ít những luận đề trong tư duy kinh tế truyền thống. Trong nhiều thế kỷ, nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam đã bám biển, kiến lập nhà nước, dựng xây các công trình kiến trúc kỳ vĩ từ những chất liệu, nguồn lực, tiềm năng của đại dương.

Dưới tác động của kinh tế ngoại thương, mối liên hệ kinh tế giữa các không gian kinh tế: miền Nam với miền Bắc, miền ngược với miền xuôi, trong nước và quốc tế… đã được đẩy mạnh. Trong bối cảnh các mối quan hệ kinh tế và giao lưu văn hóa ngày càng trở nên rộng mở nhưng cũng không kém phần phức tạp đó, các chính thể quân chủ cũng ngày càng có ý thức đầy đủ và mạnh mẽ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền, tài nguyên kinh tế biển và những nguồn lợi có thể thu được từ đại dương. Nhìn một cách tổng thể, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam, có nhiều lợi thế căn bản so với các quốc gia khu vực. Đường bờ biển dài với hai vịnh biển lớn gắn với hai vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Á - Đông Nam Á, và xa hơn nữa với thế giới Ấn Độ - Tây Á, lại gần các tuyến giao thương trọng yếu xuyên Thái Bình Dương đã tạo nên thế mạnh trội vượt cho Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, mặc dù đã thực thi nhiều chính sách chủ động, tích cực nhưng chính quyền Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong đã chưa thể phát huy triệt để những tiềm năng phát triển, điều kiện thuận lợi mà thời đại và môi trường kinh tế quốc tế đem lại. Bài học kinh nghiệm của quá khứ, kinh nghiệm ứng xử với môi trường chính trị, kinh tế khu vực, với các thế lực đại dương... luôn có ý nghĩa thiết thực với chúng ta hiện nay trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam.

Qua nội dung 18 chuyên luận, tôi muốn được cùng trao đổi, chia sẻ một số suy nghĩ chuyên môn với các nhà nghiên cứu, đồng nghiệp và bạn đọc. Nhân dịp cuốn sách: Biển Việt Nam và các mối giao thương biển đến với bạn đọc, xin được trân trọng cám ơn các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, chính quyền các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai… và nhiều địa phương khác trong những năm qua đã nhiệt tâm hỗ trợ cho các chương trình khảo cứu, hợp tác chuyên môn. Nhân dịp này, tôi cũng muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám đốc ĐHQGHN, Ban Giám hiệu Trường ĐHKHXH&NV, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội... đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và hỗ trợ quý báu để một số công trình khảo cứu của Nhóm 10 Nghiên cứu Thương mại châu Á Trung tâm Biển và Hải đảo được biên soạn, xuất bản theo đúng như kế hoạch. Hy vọng rằng, cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và đông đảo các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc.

 

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu, Đại học Quốc gia Hà Nội

Emai: media@vnu.edu.vn

Hotline: 0936 283 308

Giá bán: 180.000 VNĐ

 

 VNU Media - NXB ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ