Tin tức 10:36:49 Ngày 18/01/2025 GMT+7
ĐHQGHN tiên phong nghiên cứu và xây dựng dự thảo bộ nguyên tắc quản trị trí tuệ nhân tạo
Trên cơ sở sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Innovation, ngày 12/12/2024, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam.

Đây là hội thảo tổng kết dự án “Xây dựng bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn về trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm ở Việt Nam” do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực hiện hơn một năm qua.

Hội thảo thu hút được sự tham dự của TS. Kim Wimbush, Tham tán CSIRO và Giám đốc Chương trình Aus4Innovation; PGS.TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS. Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao; TS. Chu Văn Thắng, chuyên gia Aus4Innovation; TS. Chu Thị Hoa , Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp; các đại biểu đến từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học khác ở Hà Nội, các viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học…

Về phía ĐHGQHN có PGS.TS Lê Tuấn Anh, Trưởng Ban Hợp tác phát triển, ĐHQGHN; về phía Trường ĐH Luật có PGS.TS Nguyễn Trọng Điệp, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Tiến Việt, Phó bí thư Đảng uỷ, PHiệu trưởng phụ trách nhà trường; PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh – Nguyên Hiệu trưởng, Trưởng nhóm nghiên cứu; lãnh đạo các Khoa chuyên môn, các giảng viên, học viên của nhà trường.

Hoàn thành 3 mục tiêu quan trọng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Khoa học Bùi Thế Duy cảm thấy rất tự hào và vui mừng khi ba mục tiêu lớn của dự án đã thành hiện thực, mặc dù một năm trước vẫn còn mơ hồ.

Thứ nhất là hình thành bộ nguyên tắc phù hợp với Việt Nam và có thể đưa vào ứng dụng ngay. Thứ hai, hình thành nhóm nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về đánh giá trách nhiệm và tác động của công nghệ mới, từ đó mở ra lĩnh vực nghiên cứu liên ngành về quản trị công nghệ mới.

Thứ ba, thông qua dự án nhen nhóm hình thành nhóm chuyên gia người Việt Nam có thể tham gia các nhóm nghiên cứu quốc tế về những vấn đề công nghệ mới. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực, trình độ, mở rộng hiểu biết, cập nhật những vấn đề công nghệ mới.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, “về mặt công nghệ, chúng ta có thể đi sau (thế giới) rất nhiều, nhưng các tổ chức quốc tế đều ghi nhận chúng ta tiên phong về quản trị trí tuệ nhân tạo”.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng Bộ nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam sẽ được hoàn thiện và sớm ban hành, Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn nhóm nghiên cứu tiếp tục đánh giá thử nghiệm, xây dựng hướng dẫn cách sử dụng và áp dụng bộ nguyên tắc này trong một số lĩnh vực cụ thể.

“Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo, tích hợp trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống hàng ngày. Trong cuộc cách mạng công nghệ này, khái niệm AI có trách nhiệm đã nổi lên không chỉ là một xu hướng mà còn là một điều cần thiết”, TS. Kim Wimbush, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation - cơ quan hỗ trợ dự án, nói.

Australia đã định vị là quốc gia tiên phong, đóng góp tích cực vào sự phát triển của AI có trách nhiệm và thông qua Chương trình Aus4Innovation, Australia đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này. “Vì Việt Nam là một quốc gia năng động, nơi có tiềm năng AI rất lớn và giàu cơ hội, nên việc thúc đẩy AI có trách nhiệm là một khía cạnh quan trọng để hỗ trợ sự phát triển toàn diện và bền vững”.

TS. Kim Wimbush cho rằng, hội thảo đóng vai trò quan trọng, không chỉ là sự kiện tổng kết dự án, mà còn là cơ hội để xem xét và thảo luận cả về lý thuyết và thực hành đằng sau AI có trách nhiệm.

7 nguyên tắc, 5 giá trị cốt lõi

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã báo cáo tổng quan về sản phẩm của dự án, đặc biệt là trình bày đề xuất dự thảo Bộ nguyên tắc và một số hướng dẫn về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam.

Dự thảo Bộ nguyên tắc và Hướng dẫn được xây dựng như một bộ quy tắc ứng xử - bộ luật mềm về trí tuệ nhân tạo, thường xuyên được cập nhật. Nội dung Bộ nguyên tắc thúc đẩy các trao đổi, thảo luận chính sách chung về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, hướng tới mục tiêu dài hạn và tổng thể là tiếp tục củng cố và phát triển những tiêu chuẩn riêng trong các lĩnh vực.

Nghiên cứu trên cơ sở tiếp cận liên ngành pháp luật, đạo đức và xã hội. Mục tiêu của dự án là xác định các nguyên tắc phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm, phù hợp với bối cảnh Việt Nam; phân tích các thách thức và cơ hội trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm tại Việt Nam đối với giáo dục, y tế và nông nghiệp; từ đó đề xuất dự thảo Bộ nguyên tắc và Hướng dẫn phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm tại Việt Nam.

Theo đó, 5 giá trị cốt lõi của phát triển AI có trách nhiệm tại Việt Nam là lấy con người làm trung tâm; thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững; thúc đẩy phát triển bao trùm; tôn trọng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội, truyền thống của Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trách nhiệm trên cơ sở hài hòa, cân bằng lợi ích và rủi ro của các hệ thống AI.

5 giá trị cốt lõi này sẽ được thẩm thấu vào 7 nguyên tắc, bao gồm: bền vững, an toàn, bảo mật; bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân; minh bạch và giải thích được; công bằng (bình đẳng, bao trùm và không biệt đối xử); tông trọng quyền tự chủ và tự quyết định; trách nhiệm giải trình; cơ chế xử lý phản hồi, khiếu nai và khắc phục thỏa đáng. Mỗi nguyên tắc nhóm nghiên cứu đều đưa ra những yêu cầu cơ bản và hướng dẫn thực hiện.

Cần có cơ chế thực thi hiệu quả

Tham dự hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao kết quả nghiên cứu, nhất là việc đưa ra được dự thảo Bộ nguyên tắc, mà nếu làm kỹ, chi tiết từng lĩnh vực, có thể áp dụng vào thực tiễn ngay khi Luật Công nghiệp công nghệ số được ban hành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Tuấn lưu ý, với nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, nhóm nghiên cứu cần rà soát các quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để không bị chống lấn hay vượt quá.

Trước sự phát triển nhanh chóng và ngày càng có những tác động mạnh mẽ đối với mọi mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, các đại biểu tham dự hội thảo đồng tình với cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu khi xây dựng Bộ quy tắc như một “bộ luật mềm” về AI, thường xuyên được cập nhật. Dự thảo cũng đã thể hiệu sự bao quát và tầm nhìn khi tiếp cận theo hướng lấy con người làm trung tâm.

Mặc dù Bộ nguyên tắc chỉ mang tính khuyến nghị nhưng các đại biểu cũng cho rằng cần có cơ chế thực thi các nguyên tắc này để có thể đánh giá hiệu quả thực chất. Bộ nguyên tắc cần góp phần định hình giá trị đạo đức trong kỷ nguyên AI. Đồng thời, phải có hướng dẫn cụ thể đối với từng nhóm khách thể, người tiêu dùng…

>>> Các tin bài liên quan:

Khoa học cơ bản với trách nhiệm quốc gia: Cần phát huy vai trò trong kỷ nguyên mới

Hội thảo khoa học quốc tế “Luật học trước biến đổi của thời đại”

Nâng cao nhận thức xã hội về các cam kết sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

 VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 395) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC