Tin tức  Tin tức chung 23:13:59 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Chân dung nhà báo hiện đại và sứ mệnh thiêng liêng
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bài viết “Chân dung nhà báo hiện đại” (*) do TS. Phạm Hải Chung, giảng viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đề cập tới những yêu cầu đối với nhà báo trong kỷ nguyên số. “Các nhà báo trong thời đại kỹ thuật số phải hoạt động trong một thế giới mà chu kỳ tin tức chuyển động nhanh hơn. Do đó, việc cân bằng giữa thông tin kịp thời và chuyên sâu thường khó khăn hơn. Vai trò của báo chí ngày nay vẫn luôn là mang đến sự thật, nhưng là một cách tiếp cận hay ho và hấp dẫn độc giả”. Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu một góc nhìn của Nhà báo – Giảng viên Phạm Hải Chung.

Chân dung nhà báo hiện đại

The Guardian là một tờ báo của Anh ra đời năm 1821 và đang có nhiều thay đổi để đón nhận được công chúng hiện đại. Tôi vào xem một nội dung tuyển dụng vào tháng 6 năm 2021 cho vị trí “phóng viên kì cựu” (Senior reporter) làm việc cho tờ báo này tại văn phòng ở Úc. Nội dung và tiêu chí tuyển dụng cơ bản tóm tắt như sau:

“Vị trí này, phóng viên sẽ thực hiện tin bài thời sự và các bài điều tra dài kỳ về nhiều chủ đề. Vị trí này đòi hỏi ứng viên có kinh nghiệm khai thác đề tài và nghiên cứu các câu chuyện độc đáo; có khả năng tìm hiểu thông tin, dữ liệu và khai thác đề tài bằng việc sử dụng các kênh điều tra khác nhau.

Ứng viên phải có kiến thức tốt về các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế, về luật, thành thạo mạng xã hội, có các ý tưởng và góc nhìn mới trong môi trưởng áp lực, nhạy cảm với tin tức, khả năng giao tiếp xuất sắc. Kinh nghiệm sáng tạo video, audio và viết blog trực tiếp tốt. Quan tâm đến một lĩnh vực chuyên môn sẽ là một lợi thế”.

Một thông tin tuyển dụng của báo Guardian

Những tiến bộ của truyền thông đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực báo chí, khi các nhà báo và phóng viên trên khắp thế giới hoạt động theo những cách gần như không giống so với nghề của một thế kỷ trước. Nếu chúng ta lướt qua các tờ báo quốc tế khác, sẽ thấy mẫu số chung cho các nhà báo bây giờ là khả năng nhạy bén tin tức, những kĩ năng đa nền tảng chỉ là yếu tố cần, khả năng phân tích kiểm chứng thông tin với những góc nhìn mới và sâu sắc là yếu tố đủ.

New York Times có 7,5 triệu người trả phí vào cuối năm 2020. Cuộc chuyển dịch lớn nhất của New York Times về nhân sự đó là việc sa thải rất nhiều bộ phận quảng cáo kinh doanh, thay vào đó là tuyển các nhà báo có kĩ năng về dữ liệu, phân tích và những ý tưởng táo bạo đổi mới tờ báo phù hợp với công chúng hiện đại. Chính vì vậy khi Michael Barbaro đầu quân cho New York Times đã trở thành một hiện tượng với mục The Daily có những Podcast có vài triệu lượt tải về trong giới trẻ. Một trong những thành tựu lớn nhất của The Daily là đã tương tác được với hàng triệu thính giả trẻ thế hệ Millenials - 20 phút trên smartphone - mỗi ngày.

Từ “Know First” thành “Facts First”

Hàng chục năm qua, CNN nổi danh với slogan “Be the First to Know with CNN”. Năm 2017, kênh truyền hình này đã chạy một chiến dịch xây dựng thương hiệu với “Facts First” (tạm dịch: Sự thật đầu tiên). Điều đó cho thấy báo chí ngày nay đã khác xa so với trước đây. Vai trò đưa tin, vốn là ưu việt hàng đầu của báo chí hàng trăm năm nay, không còn ở vị trí thượng tôn nữa. Hay nói cách khác, báo chí “nhường” công việc đưa tin, loan tin cho mạng xã hội, internet, còn mình gánh vác một sứ mệnh thiêng liêng: cung cấp sự thật, là kênh để kiểm chứng thông tin.

Nhà báo - Tiến sĩ Phạm Hải Chung tại một buổi bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ truyền thông của các đơn trong ĐHQGHN, tháng 10/2020

Như vậy, trong thời đại bùng nổ tin tức, tiêu chí sự thật được đặt lên hàng đầu. Nhà báo cần năng lực phân tích và xây dựng câu chuyện dựa trên bằng chứng và sự kiện chứ không phải cảm tính. Kỹ năng tư duy phản biện rất quan trọng khi phân tích về một sự việc và đánh giá độ tin cậy của các nguồn tin.

Báo chí dữ liệu đã trở nên quan trọng bởi vì, trong thế giới ngày nay, bất kỳ ai có điện thoại thông minh và tài khoản mạng xã hội đều có thể trở thành nhà báo, điều đó tạo ra tình trạng quá tải thông tin, và ý kiến thường làm mờ sự thật. Mục tiêu của báo chí dữ liệu là trở thành người cung cấp bối cảnh cho một sự kiện và giải thích ý nghĩa thực sự của nó.

Các nhà báo trong thời đại kỹ thuật số phải hoạt động trong một thế giới mà chu kỳ tin tức chuyển động nhanh hơn. Do đó, việc cân bằng giữa thông tin kịp thời và chuyên sâu thường khó khăn hơn. Vai trò của báo chí ngày nay vẫn luôn là mang đến sự thật, nhưng là một cách tiếp cận hay ho và hấp dẫn độc giả.

Nhà báo vẫn luôn cần cốt lõi đạo đức nghề nghiệp vững chắc, tư duy cổ điển và những kĩ năng phù hợp thời cuộc.

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ VIỆN ĐÀO TẠO BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN THÔNG, TRƯỜNG ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là một trong 2 cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông lớn nhất ở Việt Nam, đào tạo cả 3 bậc học từ cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước với các công trình nghiên cứu khoa học, là một trong những đầu mối lớn trong giao lưu quốc tế về nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông với nhiều cơ quan tổ chức báo chí nước ngoài.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoảng Hải trao tặng Cờ thi đua cấp cho Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXHNV, ĐHQGHN 

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Năm 1990: Thành lập Khoa Báo chí tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1991: Ngày 12/10/1991, khai giảng khóa học đầu tiên ngành Báo chí, tại giảng đường 19 Lê Thánh Tông với 160 sinh viên.

Năm 1997: Đào tạo trình độ Cao học

Năm 2005: Đào tạo trình độ Tiến sỹ

Năm 2008: Đổi tên từ Khoa Báo chí thành Khoa Báo chí và Truyền thông

Năm 2012: Đào tạo ngành Quan hệ công chúng trình độ đại học

Năm 2014: Liên kết với đại học Stirling (Vương quốc Anh) đào tạo cấp bằng Thạc sỹ khoa học Quản trị truyền thông

Năm 2017: Đào tạo trình độ Thạc sỹ Báo chí theo định hướng ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2018: Thành lập Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trên cơ sở sáp nhập, nâng cấp hai đơn vị thuộc Trường ĐHKHXH&NV là Khoa Khoa Báo chí & Truyền thông và Trung tâm nghiệp vụ Báo chí – Truyền thông (CMP)

Sứ mệnh: Phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, đáp ứng nhu cầu cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tầm nhìn: Nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và từng bước hội nhập quốc tế. Phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, đáp ứng nhu cầu cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa.

CÁC THÀNH TỰU TIÊU BIỂU

Từ 1990 đến nay, Viện đã đào tạo hơn 10.000 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, hơn 700 thạc sỹ và tiến sỹ, phục vụ hiệu quả cho nền báo chí và ngành công nghiệp truyền thông Việt Nam.

Số lượng sinh viên của Viện có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm luôn đạt tỷ lệ hơn 80%. Hơn 100 cựu sinh viên của Viện đạt giải báo chí quốc gia và giải báo chí của các ngành, các cấp. Nhiều cựu sinh viên của Viện đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Triển khai thành công nhiều chương trình nghiên cứu, nhiều đề tài khoa học cấp Quốc gia, Bộ, Ngành. Tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, triển khai nhiều dự án hợp tác trọng điểm.

>>> Tin bài liên quan:

- Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông và quản trị thương hiệu

Hội thảo tập huấn “Nâng cao năng lực quản trị đại học”

Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực quản lý và phát triển hoạt động khoa học và công nghệ

Tổ chức các khóa tập huấn Nhà giáo dục truyền cảm hứng cho giảng viên ULIS

ĐHQGHN đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ truyền thông và quản trị thương hiệu

Khai giảng khóa bồi dưỡng Nâng cao năng lực quản lý bộ môn trước yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy 

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông – Những điểm mới trong đào tạo và nghiên cứu

- Lễ kỉ niệm 30 năm truyền thống Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

 Phạm Hải Chung - (*) Saigon Times, 6/2021
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC