ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi 12:12:57 Ngày 18/04/2024 GMT+7
Đại dịch Covid – 19 làm tình trạng độc quyền xuất bản học thuật trở nên nghiêm trọng hơn
Trong suốt gần một thập kỷ, Jorge Contreras đã không ngừng đấu tranh chống lại hệ thống xuất bản học thuật có vấn đề. các nhà khoa học Phương Tây thống trị các tạp chí khoa học khi vừa là những người chiếm ưu thế về số công bố, vừa là những người làm việc trong các cơ sở có điều chi trả phí đăng ký để truy cập được các bài báo trên các tạp chí này. Contreras, GS.chuyên nghiên cứu về sở hữu trí tuệ trong Khoa học tại trường Luật, Đại Học UTAH, cho rằng đại dịch đã làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng trong xuất bản học thuật.

Đại dịch Covid-19 đã mang tới một làn sóng các bài báo nghiên cứu. Tính đến tháng 8/2021, có ít nhất 210 000 bài báo khoa học về Covid-19 được xuất bản. Trong số 720 000 tác giả của những nghiên cứu này, có gần 270 000 là các học giả đến từ Mỹ, Anh, Ý hoặc Tây Ban Nha.

Các công bố này không chỉ thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, mà còn giúp rất nhiều nhà nghiên cứu đạt được các thăng tiến trong sự nghiệp hay các khoản tài trợ mới. Mặt khác, rất nhiều công bố sử dụng dữ liệu đến từ các nước đang phát triển, được thu thập bởi các nhà khoa học không có đủ nguồn lực hỗ trợ để mở rộng các ý tưởng nghiên cứu và công bố trên các tạp chí. Những nhà khoa học như vậy thường không được ghi công trong các công bố mà được hình thành nhờ dữ liệu họ cung cấp; thậm chí, những công bố đó thường xuất hiện trên những tạp chí đắt đỏ mà họ hay cơ sở nghiên cứu của họ không có ngân sách chi trả.

Theo Contreras, sự mất cân đối này đã tồn tại trong lĩnh vực xuất bản từ rất lâu nhưng tốc độ và áp lực của Covid-19 đã khiến những bất cập đó trở nên sâu sắc hơn.

Phí xuất bản một nghiên cứu về Covid-19 có thể lên tới 5200 USD. Năm 2020, nhà xuất bản Elsevier đã công bố lợi nhuận gần 1 tỷ USD, cao hơn cả mức lợi nhuận của Apple hay Amazon

XUẤT BẢN HỌC THUẬT CHỈ DÀNH CHO GIỚI GIÀU CÓ?

Krasten Schuber, giảng viên ngành lý thuyết chính trị tại Đại học Freiburg ở Đức, đã vô cùng tức giận khi khám phá ra dịch vụ “xuất bản nhanh” của NXB Taylor & Francis. Nếu nhà khoa học bỏ ra một số tiền lên tới 7000 USD, họ có thể thúc đẩy nhanh quá trình phản biện đồng nghiệp (peer-review). Nếu bản thảo phù hợp để xuất bản, nó sẽ xuất hiện trên số mới chỉ trong vòng 3 tuần. Những người phản biện nhanh cho dịch vụ này sẽ được trả công 150 USD.

Taylor & Francis không phải là nhà xuất bản duy nhất triển khai dịch vụ xuất bản nhanh. Tuy vậy, do phản ứng bùng nổ từ dòng trạng thái Twitter của Schuber, nó đang phải hứng chịu một làn sóng phản ứng từ các nhà khoa học. Thậm chí, Devesh Kapur, giáo sư ngành nghiên cứu Nam Á tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng các nhà nghiên cứu phải tiến hành một chiến dịch tẩy chay Taylor & Francis.

Trong một email trả lời Quartz, người phát ngôn đại diện của nhà xuất bản này nói rằng hệ thống phản biện tang tốc này vốn đã tồn tại được 15 năm và nó là một dịch vụ cần thiết cho các nghiên cứu phát triển thuốc. Tuy vậy, hai giám đốc điều hành tại hai công ty dược phẩm khác nhau đã phản bác lại biện hộ này, nói rằng các nghiên cứu về thuốc của họ hiếm khi cần phải công bố với tốc độ nhanh như thế.

Bên cạnh đó, Taylor & Francis cũng không trực tiếp phản hồi về các ý kiến cho rằng mô hình của họ đang thiên vị cho những người có khả năng chi trả. Ngành công nghiệp xuất bản học thuật đang bị thống trị bởi các tạp chí đến từ vùng văn hóa nói tiếng Anh như Mỹ và Anh. Các sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín từ Mỹ và Anh được trang bị đầy đủ để có thể thành công trong một hệ thống xuất bản được vận hành bởi những giảng viên hướng dẫn của họ, tạo ra những rào cản khó có thể xóa bỏ cho những học giả đến từ các đất nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển.

CUỘC CHIẾN XOAY QUANH DỮ LIỆU COVID-19

Hơn một năm nay, các nhà khoa học phương Tây đã không ngừng kêu gọi các nhà nghiên cứu đăng tải các bộ dữ liệu liên quan tới Covid-19 lên một cơ sở dữ liệu “mở”. Khác với GISAID, cơ sở dữ liệu này cần không kiểm soát việc truy cập và sử dụng các nội dung của chúng. Những nhà khoa học này tranh luận rằng một cơ sở dữ liệu mở sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phân tích và nghiên cứu, còn cách vận hành của GISAID đang làm chậm lại những nỗ lực này.

Cho đến tháng 12/2021, GISAID đang nắm giữ hơn 6 triệu chuỗi trình tự gen của virus corona và các biến thể của nó. Trong những tuần đầu tiên khi mà chủng Omicron được phát hiện ở miền Nam châu Phi, các nhà nghiên cứu ở khu vực này đã đăng tải hàng ngàn trình tự virus, giúp các các nhà khoa học ở mọi nơi trên thế giới có thể tham gia phân tích và chuẩn bị cho các quốc gia đối mặt với làn sóng biến thể mới.

Các nỗ lực yêu cầu một cơ sở dữ liệu mới thay cho GISAID lại gặp phải những phản đối từ các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Một bài xã luận đăng tải trên IOL (một trang tin của Nam Phi) vào tháng 5/2021 đã gọi chiến dịch này là “một con sói đội lốt ‘dữ liệu mở’”, lên tiếng rằng thói quen chiếm đoạt công sức của các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển này của các học giả phương Tây làm gợi nhớ tới sự “phá sản đạo đức” của chủ nghĩa vaccine dân tộc của các nước giàu có. Christian Happi, một nhà vi sinh vật học tại Trung tâm xuất sắc về Gen của bệnh truyền nhiễm châu Phi (African Centre of Excellence for Genomics of Infectious Diseases) ở Nigeria, đã đưa một luận điểm tương tự trong một phỏng vấn với Nature rằng: “Tưởng tượng rằng các nhà khoa học châu Phi đã làm việc vất cả để đóng góp cho một cơ sở dữ liệu vốn được lập ra phục vụ mục đích phát triển và cập nhật vaccine, nhưng giờ chính họ lại không có vaccine để sử dụng… Việc này thật sự rất phi đạo đức”.

Jorge Contreras nêu ra một số động thái của các nhà xuất bản và các cơ sở nghiên cứu hướng tới việc làm cho lĩnh vực này trở nên công bằng hơn. Chẳng hạn, Taylor & Francis đã tham gia một sáng kiến của quỹ Wellcome trong đó mở truy cập miễn phí tất cả những bài báo liên quan tới Covid-19. Contreras đánh giá cao những nỗ lực đó, tuy vậy, anh cho rằng cuộc khủng hoảng xuất bản học thuật của các đất nước đang phát triển vẫn không mấy thay đổi so với 9 năm trước đây.

 

 Linh Chi - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC