23:16:16 Ngày 16/04/2024 GMT+7
Hộp đen - nhân chứng cuối cùng
Sau một loạt vụ rơi máy bay đầy bí ẩn một nhà nghiên cứu người Australia đã sáng chế chiếc hộp đen trong những năm 1950. Thiết bị ghi chép hành trình bay này nhằm góp phần làm cho ngành hàng không an toàn hơn – nhưng bản thân các phi công lại có cảm giác khó chịu trước sự hiện diện của „những tên gián điệp nằm vùng“ này.

Năm 1954 là một năm gở đối với ngành hàng không. Ngay trong những ngày đầu năm đã xẩy ra một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trên đảo Elba. Sau khi cất cánh từ sân bay ở Roma chiếc máy bay của Anh De Havilland "Comet" đã bị nổ tung trên bầu trời và rơi xuống biển Địa trung hải. 35 người bị thiệt mạng.

Chỉ có vài người đánh cá là nhân chứng duy nhất chứng kiến thảm họa này. Không một ai sống sót, không tìm được một mảnh xác máy bay nào và người ta cũng không có một dữ liệu nào để có thể lấy chúng làm căn cứ truy tìm nguyên nhân tai nạn. Trong khi đó áp lực kinh tế lại rất lớn: Loại máy bay "Comet" có chỗ cho 36 hành khách, đây là loại máy bay phản lực chở khách đầu tiên trên thế giới và đã thu được nhiều kết quả trên thương trường. Sau vụ tai nạn tất cả máy may loại này đều bị tạm thời cấm bay để điều tra, nghiên cứu. Tuy nhiên nhu cầu tiếp tục để máy bay "Comet" hoạt động cũng rất lớn. Không ai biết điều gì đã xẩy ra trong buồng lái của chiếc máy bay bị nạn , một số chuyên gia cho rằng có lẽ động cơ máy bay bị nổ và đây là nguyên nhân làm cho máy bay rơi.

Sau khi gia cố tuốc bin máy bay "Comet" được phép tiếp tục hoạt động nhưng chỉ ba tháng sau lại tiếp tục xẩy ra một vụ tai nạn. Máy bay rời sân bay Roma mới được 30 phút trước khi lên đến độ cao 10.000 mét thì bị vỡ tung. Ít lâu sau người ta đã phát hiện mảnh xác máy bay ở vùng biển gần Neapel. Đây thực sự là một thảm kịch, không chỉ với thân nhân , bạn hữu của 21 hành khách và nhân viên phi hành đoàn xấu số. Toàn bộ ngành hàng không dân dụng non trẻ mới bắt đầu trưởng thành và có nhiều hứa hẹn lại bị lao đao vì tai nạn. Chyên gia hàng không nhiều nước cùng tiến hành điều tra, nghiên cứu nhằm làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn này.

Thậm chí ở bên kia bán cầu các chuyên gia hàng không cũng tham gia quá trình nghiên cứu này. Một trong số đó là nhà hóa học trẻ tuổi và rất năng nổ David Warren, ông làm việc tại Cơ quan nghiên cứu hàng không của Australia. Sau khi ra trường Warren đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về nhiên liệu máy bay và những nguy cơ có thể xẩy ra đối với loại nhiên liệu đặc biệt này. Vì hồi đó Australia cũng chuẩn bị tiếp nhận máy bay "Comet" để đưa vào hoạt động nên viên kỹ sư 29 tuổi này được cử tham gia ủy ban điều tra nguyên nhân tai nạn.

Khi mới lên chín, David Warren đã bị mồ côi cha, bố ông đã bị thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay đầu tiên ở Australia. David Warren ngay từ nhỏ đã là người đam mê kỹ thuật, khi còn là học sinh phổ thông ông đã tự lắp ráp được một máy phát thanh. Ông bỗng nhớ đến một máy ghi âm khá gọn nhẹ do nước Đức sản xuất và được trưng bầy tại một cuộc hội chợ. Ông tự hỏi liệu có thể lắp một máy ghi âm tương tự trong buồng lái để ghi lại các cuộc nói chuyện và những dữ liệu quan trọng nhất liên quan đến chiếc máy bay đồng thời bảo vệ an toàn thiết bị đó khi máy bay bị tai nạn?

Warren trình bầy với Ủy ban về ý tưởng của mình nhưng bị từ chối. Không nản chí, ông viết về suy nghĩ này và công bố trên báo chí nhưng không nhận được hồi âm. Cuối cùng Warren chấp nhận bỏ tiền túi để chế tạo thiết bị này vào lúc rảnh rỗi, đó là năm 1957 và ông đặt tên cho thiết bị này là "Memory Flight Unit".

Cấu trúc của thiết bị này khá đơn giản nhưng chặt chẽ và thông minh: một sợi thép mong manh như thường thấy trong các thiết bị âm thanh giây hiện đại thời đó được từ hóa nhờ một đầu viết được điều khiển bằng điện. Với thiết bị này người ta có thể ghi lại các cuộc chuyện trò của phi công và mỗi giây có thể ghi lại tới tám dữ liệu bay. Cứ sau bốn tiếng đồng hồ băng ghi chép này lại bắt đầu lại từ đầu. Kỹ sư Warren lắp thiệt bị này trong một cái hộp có khả năng chịu va đập rất lớn.

Điều mà viên kỹ sư người Australia này không biết là thời đó hai anh em Wright trong các chuyến bay có động cơ đầu tiên của mình cũng đã lắp một thiết bị khá đơn giản để ghi các dữ liệu về chuyến bay như tốc độ bay, số vòng quay của cánh quạt... Tuy nhiên thiết bị ghi chép này không lắp đặt trong hộp an toàn đề phòng máy bay rơi, đối với anh em nhà Wright điều này hoàn toàn không cần thiết vì các chuyến bay của họ chỉ cách mặt đất dăm mét?

Tuy nhiên thiết bị ghi chép về chuyến bay của hai chuyên gia người Pháp François Hussenot và Paul Beaudouin được trình diễn năm 1939 còn hay hơn nhiều. Hai kỹ sư này sử dụng một đoạn phim dài 8 mét lắp đặt trong một cái hộp tối. Khi máy bay hoạt động những thước phim âm bản này sẽ được lộ sáng nhờ một tấm gương. Phim quay nhanh hay chậm tùy thuộc vào độ cao và tốc độ của máy bay. Các dữ liệu được ghi lại nhờ cơ chế này. Thiết bị này để ở trong một cái hộp kín mít, sơn đen, có lẽ vì thế mà thiết bị ghi chép bay đều mang tên Black Box (hộp đen).

Hai nhà sáng chế người Pháp đặt tên thiết bị này là Hussenograph, tuy nhiên trong hoạt động thực tiễn thiết bị này có một số bất lợi: phim chỉ sử dụng được một lần, sau mỗi lần xử dụng phải thay phim. Tuy nhiên thiết bị Hussenograp lại không thể ghi được các cuộc trao đổi. Vì vậy thiết bị rất ít được đưa vào sử dụng, thường người ta chỉ lắp đặt Hussenograph trong các chuyến bay thử.

Thiết bị ghi bằng giây thép của kỹ sư Warren không có những điểm yếu này. Tuy nhiên sáng chế của viên kỹ sư người Australia lại không được chú ý một phần cũng vì ở nước này vào thời điểm đó hầu như không có vụ tai nạn máy bay. Vì thế cơ quan hữu trách tại đây thậm chí còn cho rằng thiết bị này "ít có giá trị trực tiếp đối với ngành hàng không dân dụng". Không quân Australia còn dự báo, với thiết bị này người ta sẽ nghe được "những lời lẽ thô tục trong buồng lái" thay vì những thông tin hữu ích. Trong khi đó cánh phi công lại coi thiết bị này như một tên gián điệp cài trong máy bay để theo dõi rình rập họ.

Khi người phụ trách cơ quan Hàng không dân dụng Anh tới thăm Australia và được nghe kể về thiết bị của Warren ông đã mời nhà sáng chế mang theo cả máy Recorder sang London. Hãng truyền hình BBC đặc biệt ấn tượng về chiếc máy này nên đã lập tức giới thiệu trên truyền hình và phát thanh Anh quốc. Chỉ ít lâu sau trên thị trường Anh xuất hiện máy ghi dữ liệu và âm thanh. Do hình dáng và mầu sắc của thiết bị này nên người ta đặt tên nó là "Red Egg" (trứng đỏ).

Pháp và Kanada cũng hồ hởi tiếp nhận thiết bị này riêng nước Mỹ tỏ ra rất dè giặt. Đúng vào thời kỳ đó viên kỹ sư người Mỹ James Ryan cũng đang chuẩn bị xuất xưởng loại thiết bị ghi chép của mình. Tuy nhiên thiết bị này có điểm yếu là không ghi lại được các cuộc trò chuyện.

Theo nhận định của các chuyên gia thì ưu điểm lớn nhất của thiết bị ghi chép của kỹ sư Warren là có thể ghi lại mọi âm thanh trong buồng lái. Hiện nay những máy recorder hiện đại lắp trên máy bay có thể lưu giữ trên một nghìn dữ liệu. Tuy nhiên những tiếng động trong buồng lái có khi đem lại một bước ngoặt, đầy bất ngờ trong quá trình điều tra tìm nguyên nhân tai nạn.

Xuất phát từ các vụ tai nạn đối với máy bay "Comet" nên ngày nay tất cả các máy bay dân dụng đều được trang bị máy ghi chép về chuyến bay. Mãi 52 năm sau vụ tai nạn của máy bay "Comet" chuyên gia hàng không Paul Withey, nhận nhiệm vụ của cơ quan "National Geographic" đã giải mã được nguyên nhân tai nạn. Nhờ kính hiển vi điện tử ông đã khẳng định nghi ngờ của các Ủy ban điều tra trước đó là có lý: buồng áp lực của máy bay "Comet" có vấn đề về vật tư – mà nguyên nhân là do lắp đặt cửa sổ buồng áp lực không chuẩn xác.

 Nguyễn Xuân (tổng hợp) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC