Sinh viên 17:20:17 Ngày 09/10/2024 GMT+7
Năng động, sáng tạo hơn nhờ tham gia hoạt động công tác Đoàn
Đó là chia sẻ của Lê Hoàng, 21 tuổi đến từ Mê Linh, Hà Nội, ủy viên BCH, Bí thư Chi đoàn K6 Y Đa khoa, Trường ĐH Y dược, ĐHQGHN – đã dành quãng thời gian sinh viên của mình để gắn bó với công tác Đoàn.


Được biết Hoàng là sinh viên tiêu biểu trong công tác Đoàn, vậy bạn có thể chia sẻ đôi chút về những câu chuyện nghề trong công tác Đoàn suốt quãng thời gian là sinh viên Y Dược?

Hiện tại đang là sinh viên năm thứ 5, tôi đã có cơ hội được tiếp xúc và gắn bó với công tác Đoàn được 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, bản thân tôi đã bắt đầu từ những công việc, hoạt động đơn giản nhất đến những chương trình, phong trào ở quy mô lớn hơn cũng như đạt được đến những vị trí cao hơn nhằm có thể truyền đạt và lan tỏa được nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm tới các bạn Đoàn viên trẻ. Sau khi được tín nhiệm và trở thành Bí thư Chi đoàn, nhận trách nhiệm triển khai, thực hiện, dẫn dắt các bạn thực hiện các chương trình, phong trào của Đoàn Trường. Đến năm thứ 3, tôi trở thành Ủy viên BCH Đoàn trường và được giao nhiều nhiệm vụ trong triển khai công tác và phong trào Đoàn tới các bạn sinh viên hơn. Dù là với các bạn đoàn viên trong lớp hay với các bạn sinh viên trong trường, dù là với khối lượng công việc ít hay nhiều, độ khó của công việc cao hay thấp, bản thân tôi luôn quan niệm rằng đã là cán bộ Đoàn, mình luôn phải có trách nhiệm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ mà Đoàn cấp trên giao phó, gương mẫu trong công việc và cuộc sống; trước các hoạt động, phong trào, luôn cố gắng trở thành người tiên phong nhiệt tình tham gia để nâng cao được tinh thần và kêu gọi các bạn cùng tham gia tạo nên một Đoàn thể thật vững mạnh và năng động.

Được biết Hoàng là người đã đưa ra nhiều sáng kiến trong công việc, đặc biệt là đề án thay đổi format tổ chức các chương trình thường niên trong năm để phù hợp với tình hình dịch bệnh, Hoàng có thể nói rõ thêm về dự án thiết thực này?

Thực sự là khoảng thời gian dịch bệnh bùng lên lần đầu tiên vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, đó là thời điểm mà tôi bắt đầu đi học lâm sàng tại bệnh viện sau 2 năm học lý thuyết và kiến tập tại trường. Và mọi sự chờ đợi háo hức về những buổi thực tập tại bệnh viện của tôi bỗng vụt tắt khi dịch bệnh ập đến kèm với thông báo về việc giãn cách xã hội toàn thành phố. Trước tình hình đó, tôi buộc phải thay đổi lộ trình và phương pháp học theo hướng hoàn toàn khác và đó không phải là thứ duy nhất cần thay đổi. Nhận thức được việc sinh viên phải chuyển qua trạng thái học trực tuyến, các hoạt động ngoại khóa tại chỗ bị tạm dừng, giờ giới nghiêm toàn xã hội cũng được thiết lập, tôi cùng các cán bộ Đoàn chủ chốt khác đều hiểu rằng mình cần phải thay đổi một hướng đi mới cho các hoạt động Đoàn ngay nếu không muốn một học kì hoặc thậm chí cả một năm học trôi qua mà các bạn sinh viên không được trải nghiệm bất kì một hoạt động phong trào nào.

Dịch bệnh đã phủ lên toàn xã hội một màu xám ảm đạm, u buồn nên tôi luôn tự nhủ phong trào Đoàn - Hội cũng cần phải giúp tô lại màu sắc cho những năm tuổi trẻ đáng lẽ ra sẽ thật nhiệt huyết và năng động của các bạn sinh viên. Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra từ cấp Ban Chấp hành Đoàn trường đến các Ban phụ trách Công tác Đoàn tại Trường ĐH Y Dược nhằm thống nhất đưa ra được phương án phù hợp nhất. Đến nay có thể đánh giá, tôi và các bạn đã thành công trong việc thay đổi lại các chương trình thường niên hàng năm của Đoàn trường từ hình thức trực tiếp thành trực tuyến kết hợp giãn cách tại chỗ và tuân thủ các quy tắc phòng bệnh. Điển hình có thể kể đến các hoạt động Tháng 3 kỉ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM diễn ra hàng năm với chuỗi các sự kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm làm nổi bật các khía cạnh của sinh viên như Sức trẻ với chương trình Hội thao, Trí tuệ với chương trình Rung chuông vàng, Hướng nghiệp với Hội thảo hướng nghiệp, …

Trong đợt thay đổi format lần đầu tiên năm vừa rồi, tôi và các bạn trong Ban Phong trào Đoàn trường, được sự chỉ đạo và đồng thuận của Đoàn Thanh niên, đã thực hiện được chuỗi các hoạt động trên dưới hình thức trực tuyến qua nhiều kênh truyền thông. Cụ thể, Giải chạy Online “Run for Health” thay cho Chương trình hội thao, Cuộc thi giải đố “Bounty Hunter” thay cho cuộc thi trí tuệ Rung chuông vàng, Tuần định hướng Orientation week thay cho Hội thảo hướng nghiệp thường niên. Trong các chương trình đó, Ban tổ chức đã cố gắng đem lại tối đa những khía cạnh của cuộc thi trực tiếp thông thường hàng năm nhưng cũng gặp phải những hạn chế nhất định khi phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc camera trong suốt thời lượng chương trình chứ không được tương tác với các bạn sinh viên.

Với Giải chạy Online chẳng hạn, Ban tổ chức đã tìm hiểu và sử dụng ứng dụng Strava để theo dõi lộ trình chạy của các bạn sinh viên và sau đó sẽ kiểm tra thông qua thông báo tổng của ứng dụng đối với những bạn đăng ký tham gia qua cổng chương trình. Tuy cuộc thi nhận được hơn 100 lượt đăng ký tham gia nhưng để thực sự có thể kiểm tra được đúng thực sự quá trình chạy và ghi lại qua ứng dụng của các bạn thì quả thực là khó khăn bởi nhiều yếu tố chủ quan. Song Ban tổ chức vẫn nhận được thật là nhiều sự ủng hộ và yêu mến của các bạn sinh viên và vẫn có thể thực hiện được một cuộc thi chạy đúng nghĩa và đặt nền móng cho Giải chạy Online mùa 2 vừa được triển khai trong tháng này.

Đối với chương trình Giải đố Bounty Hunter, Ban tổ chức đã tìm hiểu và thiết lập được một hệ thống để có thể livestream trực tuyến trên Facebook của Đoàn Thanh niên và kết nối với một website nhằm cung cấp cho người xem Facebook một nền tảng để có thể trả lời các câu hỏi trực tuyến của Ban tổ chức đưa ra theo thời gian thực. Sau đó hệ thống sẽ ghi nhận lại kết quả theo đáp án đúng và sắp xếp theo thời gian để Ban tổ chức có thể tổng hợp và trao giải. Để làm được như vậy, Ban tổ chức đã thực hiện các biện pháp phòng dịch cho 5 bạn được ủy quyền thực hiện mỗi khâu riêng biệt suốt quá trình 2 tiếng của mỗi buổi livestream để làm việc tại Văn phòng Đoàn của Nhà trường. Dù một khâu của công việc cần nhiều thời gian và nhân lực nhưng trong điều kiện mùa dịch phức tạp, nhưng chỉ có 1 bạn trong mỗi khâu đã đem lại nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các bạn vẫn nhận thức đúng đắn và sẵn sàng làm việc hăng hái hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, tôi có thành lập một Dự án Chuyện - Ảnh Online mang tên “Trạm dừng UMP: Nolstagia” nhằm đem đến một Album ảnh trực tuyến trong đó có chứa những câu chuyện của nhiều nhân vật trong Trường ĐH Y Dược, nhằm lưu giữ lại những kỉ niệm nơi đây để mai sau có thể đọc, nhìn và cảm nhận lại về tình cảm của những người con Y Dược. Và trong đợt dịch bệnh này, tôi và các bạn trong Ban tổ chức Dự án có triển khai phỏng vấn và biên tập nhiều câu chuyện mang “hơi thở” mùa dịch để mọi người ở nhà giãn cách có thể xem và đồng cảm hoặc chỉ đơn giản là có cái để đọc thư giãn giải trí trong mùa dịch nhàm chán này.

Thời điểm này, xã hội đã bước vào một trạng thái bình thường mới, sinh viên cũng được đến trường học tập song các quy tắc phòng dịch vẫn cần được chấp hành nghiêm chỉnh. Bởi vậy, tôi và các bạn vẫn luôn thảo luận không ngừng để tìm ra một phương án mới phù hợp hơn với tình hình dịch bệnh thay đổi từng ngày như thế này nhằm đem tới cho các bạn sinh viên những giây phút thư giãn, bổ ích và nhiệt huyết nhất.

Là cán bộ Đoàn đã có nhiều thành tích cao, Hoàng có thể chia sẻ về những thành tích đã đạt được và những thông điệp tiếp thêm sức trẻ, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cho các đoàn viên sắp tới của ĐHQGHN.

Trong 3 năm hoạt động Đoàn, tôi vinh dự nhận được Bằng khen của Thành Đoàn cho cá nhân có thành tích hoạt động Đoàn xuất sắc trong 2 năm 2019-2020, 2020-2021. Bên cạnh đó, năm 2021 tôi được trao danh hiệu Bí thư Thủ đô tiêu biểu và trong tháng 3 tới này, tôi được trở thành một trong 91 Cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu của Thành Đoàn Hà Nội. Tôi luôn tự nhủ rằng, mình đã thật may mắn khi được xét duyệt với các danh hiệu này song cũng một phần cảm thấy những danh hiệu này xứng đáng với những gì tôi đã cống hiến trong 3 năm qua và một phần trong những động lực thúc đẩy bản thân tiếp tục phát triển, phấn đấu để luôn xứng đáng với chúng.

Bên cạnh các danh hiệu giải thưởng, tôi cũng là một trong những sinh viên sáng lập các Ban trực thuộc Đoàn trường nhằm phụ trách các công tác Đoàn trường và hiện giờ đang giữ chức vụ Cố vấn chung cho năm hoạt động thứ 3 của các Ban. Các Ban trực thuộc Đoàn trường bao gồm 4 Ban với nhiệm vụ tiên phong, định hướng và tổ chức công tác Đoàn và các hoạt động phong trào của đoàn viên, sinh viên Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN. Ngoài ra hướng tới việc xây dựng môi trường tích cực giúp các thành viên có cơ hội phát triển toàn diện: khả năng lãnh đạo, khả năng tổ chức sự kiện, khả năng đối ngoại, khả năng xây dựng chiến lược truyền thông. Các Ban đã phối hợp triển khai và tổ chức nhiều chương trình với đa dạng lĩnh vực.

Thực sự đến thời điểm này nếu nhìn lại, bản thân tôi cũng đã tích lũy được cho mình một vài “kho báu” để mai sau còn “khoe” với gia đình, với bạn bè. Trong đó, theo tôi, kho báu lớn nhất mà mình có được có lẽ là sự trưởng thành trong tư duy làm việc và lãnh đạo, sự trách nhiệm không chỉ ở công việc mà trong cả cuộc sống với bản thân mình, gia đình, xã hội và cuối cùng đó là những mối quan hệ với những con người tuyệt vời mà tôi chắc sẽ không thể có cơ hội biết đến nếu không tham gia công tác Đoàn.

Bởi vậy, để nói về thông điệp truyền lửa dành cho các bạn đoàn viên trẻ sắp tới của ĐHQGHN, tôi mong các bạn khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học, hãy suy nghĩ thật kỹ về định hướng và mong muốn phát triển của bản thân. Các bạn hãy tìm đến cho mình những điểm đến phù hợp để có được một môi trường phù hợp với những con người phù hợp và tôn trọng định hướng phát triển của bản thân mình. Chỉ khi đó, nhiệt huyết của các bạn mới có thể thực sự được khai phá, bùng cháy và lan tỏa tới những người xung quanh. Chúc các bạn sẽ tìm được những điều, những người mình yêu và sẵn sàng đổ mồ hôi, công sức, nước mắt để theo đuổi và phát triển chúng.

Những định hướng của Lê Hoàng trong thời gian tới là gì?

Sinh viên Y khoa sẽ có khoảng thời gian học dài hơn các bạn sinh viên khác là 6 năm học. Chúng tôi hay nói đùa nhau là những năm 1, 2, 3 hãy cứ chơi thoải mái đi vì có thể những năm cuối sẽ chỉ “cắm đầu” ở bệnh viện và phòng học thôi. Và quả thực bây giờ khi tôi sắp bước vào năm thứ 6, năm cuối cùng, những cảm giác của một ngưỡng cửa mới đang rất gần rồi lại ùa tới. Khoảng thời gian này đối với các công tác Đoàn tại Trường, tôi đang với vai trò cố vấn cho các hoạt động để có thể trao đổi và hướng dẫn các bạn cán bộ chủ chốt mới của Đoàn trường có thể tiếp bước thực hiện cũng như động viên, tập huấn cho các bạn những kĩ năng, kiến thức cần thiết để các bạn có thể tiên phong phát triển các phong trào mới cho các bạn sinh viên trong Trường.

Và tôi sẽ dành nhiều thời gian cho việc học để chuẩn bị hành trang cho năm cuối cùng có nhiều kiến thức của y bác sỹ giỏi làm tiền đề cho công việc bác sĩ tương lai. Tôi sẽ cố gắng để sắp xếp lại và xây dựng kế hoạch cụ thể cho hành trang sắp tới của bản thân và cũng sẽ dành thời gian để tiếp tục tham gia công tác Đoàn.

Cảm ơn Hoàng về cuộc chia sẻ!

 Tùng Lâm
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN (số 393) | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC