Văn hóa 08:24:44 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Nguyễn Bính: đắm mình trong tình quê
Nguyễn Bính (1918-1966) là một trong những tác giả tiêu biểu của làng thơ Việt. Bạn đọc biết đến một Nguyễn Bính luôn hồn hậu, chân thành trong tình yêu với những “Cô hái mơ”, “Chân quê”, “Tương tư”… Bên cạnh mảng thơ tình, Nguyễn Bính còn được biết đến với những thi phẩm chứa đựng cảm hứng sâu sắc về quê hương.

Nguyễn Bính: Đắm mình trong tình quê  >> Hà Võ (PDF)

Năm 1942, Nguyễn Bính viết bài “Anh về quê cũ” có đoạn:

“…Thôn Vân có biếc có hồng
Biếc trong nắng sớm, hồng trong vườn chiều
đê cao có đất thả diều
Giời cao lắm lắm có nhiều chim bay
Quả làng nặng trĩu từng cây
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen…”
đây là những lời thơ về quê ngoại của nhà thơ. Bước ra từ những vần lục bát là một làng quê nhiều màu sắc và là những mảng màu hài hòa, đầy tâm tình và thi vị. Làng quê đó là khát vọng về sự hài hòa, là biểu trưng của ước mong về một cuộc sống tốt đẹp, hòa đồng với thiên nhiên. Ba cặp lục bát nhưng xuất hiện tới 4 chữ “có” như làm hiện lên một Nguyễn Bính đang háo hức, đang tự hào, đang đắm mình trong cảnh sắc làng quê.
Viết về làng quê, Nguyễn Bính thường không quá đi vào miêu tả chi tiết mà thường sử dụng bút pháp “chấm phá”. Những mảng màu, những cảnh sắc trong thơ Nguyễn Bính như nương tựa vào nhau:
“…đèo cao cho suối ngập ngừng
Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều”
 (“đường rừng chiều”, 1938)
Sự hài hòa cảnh sắc làng quê trong thơ Nguyễn Bính rất khác so với trong thơ Anh Thơ và đoàn Văn Cừ. Cảnh sắc làng quê trong thơ Anh Thơ là cái đẹp trong sự bình dị, là cái đẹp đi từ sự quan sát:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi…
 Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời…”
            (“Chiều Xuân” – Anh Thơ)
Còn với đoàn Văn Cừ thì những “bức tranh thơ” của ông không phải chỉ đơn sơ vài nét như những bức tranh xưa của Á đông. Bức tranh nào cũng đầy dẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Mỗi bức tranh là một thế giới linh hoạt" (Hoài Thanh-Hoài Chân).
“Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc…”
            (“Chợ tết” – đoàn Văn Cừ)
Cảnh sắc hài hòa trong thơ Nguyễn Bính không chỉ dừng lại ở những mảng khối, màu sắc mà sự hài hòa đó bắt đầu từ những tình quê rồi chạm tới tình quê. Hoài Thanh đã có một sự so sánh khá tinh tế: “đồng quê xứ Bắc đã gây cảm hứng cho nhiều nhà thơ. Nhưng mỗi nhà thơ xúc cảm một cách riêng. Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê. Anh Thơ không nhà quê một tý nào. Anh Thơ là một người thành thị đi du ngoạn nên chỉ thấy cảnh quê…”
đọc Nguyễn Bính nhiều khi cảnh sắc lúc đầu hiện lên rất đằm, rất ám ảnh nhưng rồi cứ nhòa dần, nhòa dần chỉ còn lại cái tình trong cảnh.
Cảnh sắc làng quê với những mảng màu tươi sáng đầy chất thơ trong các sáng tác của Nguyễn Bính thường đi kèm với tình quê da diết. Sự hài hòa của thiên nhiên, của cảnh sắc làng quê lồng trong sự hài hòa của tình người đã tạo nên những sắc thái rất riêng trong thơ ông:
“Qua giậu tầm xuân thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quá, bướm yêu yêu
Em sang bắt bướm vườn anh mãi
Quên cả làng Ngang động trống chèo”
 (“Hết bướm vàng”)
Cảnh sắc quê hương trong cảm quan xa lìa về không gian lại càng kéo gần lại sự da diết trong tâm tình. Hình ảnh quê hương trở về qua những kỷ niệm. Quê hương ở chốn xa xôi và cũng đang ở ngay trong lòng người con xa quê:
“Nợ tình chưa trả tròn một món
Sòng đời thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc, xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.”
(“Hành phương Nam”)
 
“Thày ơi đừng chặt vườn chè
Má ơi đừng bán cây lê con trồng
Nhớ thương thầy mẹ vô cùng
Lạy thày lạy mẹ thấu lòng cho con”
 (“Thư gửi thày mẹ”)
 
“Một chút công danh rất hão huyền
Và dang dở nữa cuộc tình duyên
Thu sang quán lẻ con đăm đắm
Rõi bóng quê nhà mắt lệ hoen”
(“Bắt gặp mùa thu”)
Cảnh sắc làng quê trong thơ Nguyễn Bính dù hiện lên qua thực tại quan sát hay hoài niệm tưởng nhớ thì cũng đằm sâu một mối tình quê. Nguyễn Bính đã đi từ tình quê và những xúc cảm về quê hương mình để thổ lộ cho nên cảnh sắc làng quê trong thơ ông cũng đã chạm đến những khoảng sâu của cảm xúc.

“Khi nào anh cũng là người của xứ đồng, của cái diều bay, của dây hoa lý, của mưa thưa, mưa bụi giữa mọi công ăn việc làm vất vả sương nắng. Bởi đấy là cốt lõi cuộc đời và tâm hồn thơ Nguyễn Bính. Quê hương là tất cả và cũng là nơi in đậm dấu vết đời mình”

(Lời Tô Hoài trong cuốn “Nguyễn Bính-Thơ và đời”)
“Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối, là hoàn cảnh tự nhiên của ta, và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”
(Hoài Thanh-Hoài Chân: “Thi nhân Việt Nam”)
 
 Hà Võ - Bản tin số 243, tháng 5/2011
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC