Văn hóa 16:44:36 Ngày 20/04/2024 GMT+7
Mèo trong tranh Đông Hồ
Làng Đông Hồ ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam có nghệ thuật vẽ tranh dân gian nổi tiếng từ xưa đến nay hình thành nên dòng tranh Đông Hồ.

 Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam. Từ xa xưa, mỗi khi Tết đến xuân về, không nhà nào là không có ít nhất một bức tranh Đông Hồ. Hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình giáo dục phổ thông, nổi tiếng với bài Bên kia sông Đuống của nhà thơ Hoàng Cầm:

“Bên kia sông Đuống Quê hương ta lúa nếp thơm nồng Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

Những bức tranh nổi tiếng và được nhiều người biết đến như tranh: Đàn Lợn, Chuột rước đèn, Thầy đồ Cóc hay là Ếch đi học, Đại cát (Việc tốt lành hay là may mắn lớn), bản in bằng khuôn gỗ khắc; Tranh Lý Ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) ý nói người học trò mong mỏi học tập rồi thi đỗ ví như “Cá vượt vũ môn” hóa thành rồng, Hái dừa hay là Hứng dừa; Tranh Mục đồng thổi sáo, Mục đồng học bài.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, trong 12 con giáp của Việt Nam, có bảy con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và đã trở thành vật nuôi trong nhà (trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý.

Bên cạnh đó, từ khi các dòng tranh dân gian ra đời thì hình ảnh con mèo mới có dịp đi vào văn hóa nghệ thuật và mèo cũng là một trong số hơn 200 đề tài khác nhau được thể hiện qua tranh Đông Hồ. Các bức tranh này, chủ yếu sử dụng mèo như một hình ảnh ẩn dụ để gửi gắm quan niệm nhân sinh của người xưa như: Em bé ôm mèo, Đám cưới chuột…

Tranh về chuột và mèo là chủ đề được mọi người ưa thích trong dịp xuân về. Trong các bức tranh loại này có bức tranh Đám cưới chuột rất sâu sắc về ý nghĩa nhân sinh.

Bức tranh hài hước ở chỗ, làm sao lại có con chuột đi rước dâu, lấy vợ? Người nghệ nhân dân gian dã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa loài chuột để chúng mang dáng dấp con người, cũng biết làm đám cưới, lấy vợ. Châm biếm ở chỗ, chú rể chuột kia muốn đón dâu lại phải mang chim, mang cá cống cho mèo.

Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị, bóc lột trong xã hội xưa. Những chú chuột là hình ảnh ẩn dụ cho người nông dân lam lũ, thật thà, chất phác. Bức tranh không có chú thích gì nhưng bất cứ ai nhìn thấy cũng nhận ra sự ẩn dụ tinh tế của người nghệ nhân dân gian. Loài chuột vốn ranh ma, tinh quái, đa nghi, luôn cảnh giác với loài mèo - kẻ thù không đội trời chung, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ. Chính vì thế, bức tranh Đám cưới chuột ra đời nhằm châm biếm, đả kích sâu sắc chế độ phong kiến bất công, cổ hủ, thối nát, luôn chèn ép những người nông dân hiền lành “một nắng hai sương”.

Chuột thừa hiểu muốn tổ chức an toàn đám cưới đầy đủ lễ nghi rước kiệu, có kèn có nhạc, có “võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau” thì phải vui vẻ tự nguyện mà hối lộ cho mèo trên đường đi. Chữ Hán “hưng tác” viết trên đầu con chuột trong tranh thể hiện thái độ vui vẻ “hối lộ” cho mèo hai món mà mèo ưa thích là cá và chim. Chuột biết sự yên ổn của mình cần kèm theo sự vừa lòng, no đủ của mèo. Đó là tình trạng tham nhũng hối lộ, thời nào cũng có trong xã hội. Điểm đặc sắc của tranh này là thái độ lịch sự của mèo, ngồi nhận quà trong tư thế ôn hòa, đuôi quặp về phía trước dưới mông, vui vẻ đưa tay nhận quà hối lộ từ chuột.

Như vậy, mối quan hệ giữa mèo và chuột trong bức tranh dân gian trên toát lên tính nhân văn vừa thể hiện sự uy nghiêm nhưng vị tha của mèo, vừa có ý nói lũ chuột mưu trí, gan dạ, biết nhường nhịn và mưu cầu hạnh phúc, khát khao được sống chung với mèo trong hoà bình.

Tiến sĩ Hán học Cung Khắc Lược, người đã từng công tác tại Viện Hán Nôm, nghiên cứu rất nhiều về văn hóa dân gian cho rằng: “Nhân vật mèo đứng đó chỉ như một lẽ tự nhiên của cuộc sống, một lẽ đời mà họ hàng nhà chuột hiểu hơn ai hết: tôi hạnh phúc và tôi muốn mèo cũng được hưởng những niềm vui ấy và “mừng mà làm” để hài hòa cuộc sống, để đôi bên cùng được hưởng niềm vui trong một ngày mà không ai muốn có chiến tranh xảy ra, ngày hạnh phúc không chỉ của đôi lứa mà còn là một sự cam kết thầm kín về một ngày sinh sôi nảy nở không xa, đích đến của mọi giao kết âm dương trên đời mang tên Phát triển”.

Nhưng cuộc sống không đơn giản là đám cưới, cũng không chỉ có một loài mang tên Chuột sinh sống. Đó là lý do vì sao đoàn chuột chú bác kia mới cần phải khiến mèo cũng cảm thấy mình được no say trong một ngày mà cả làng say sưa uống rượu mừng. TS. Cung Khắc Lược nói: “Đoàn chuột tống lễ rõ ràng già dặn hơn đoàn đưa dâu rất nhiều, nhất là nhân vật chuột đi đầu. Âu đó cũng là lẽ thường tình, họ đủ khôn ngoan hơn và tất nhiên, khéo léo hơn để hiểu rằng trong thế giới cộng sinh, sự nhường nhịn và chia sẻ là cần thiết”.

Tư duy cộng sinh này rốt cục cũng đã mang lại kết quả tốt đẹp cho họ hàng nhà Chuột. Đám cưới diễn ra thật tốt đẹp, thật hứa hẹn. Họ hàng nhà Chuột, trải qua bao đời đã trở nên mềm dẻo và thích ứng. Gọi đó là tư tưởng cũng tốt mà là bản năng sinh tồn mách bảo thì có lẽ giản dị và phù hợp với người Việt hơn, một dân tộc có những con người hiền hòa muốn chung sống hòa bình, muốn tất cả cùng được hưởng niềm vui, vì đích đến của cuộc sống, dù rộng lớn bao nhiêu thì cũng là sinh sôi nảy nở.

Theo nhận xét của GS. Ngô Đức Thịnh - Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, thì ý nghĩa triết lý của bức tranh dân gian Việt Nam rất sâu sắc, biểu hiện thái độ sống ôn hòa, mang tính triết lý nhân sinh là tính cộng sinh với kẻ thù (cùng nhau tồn tại, sống nương tựa vào nhau). Suy rộng ra, qua phân tích hai bức tranh này cho thấy người Việt Nam xử lý tình huống và các mâu thuẫn có tính ôn hòa, tình cảm hơn người Trung Quốc.

Trong dòng tranh Đông Hồ còn có bức tranh “Em bé ôm mèo” cùng chủ đề tranh chúc tụng với các bức tranh: Em bé ôm phật thủ, Tranh nhân nghĩa (Em bé ôm cóc), Tranh lễ trí (Em bé ôm rùa), Tranh phú quý (Em bé ôm vịt), Em bé ôm tôm... Tranh thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên Đán tràn đầy hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật gần gũi với làng quê Việt Nam như trâu, gà trống, vịt, mèo... là biểu trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ cần cù, thông minh.

Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà Chú chuột đi chợ đường xa...

Con mèo đã trở thành hình tượng rất đỗi thân quen với người dân Việt. Một chú mèo là vật nuôi yêu quý trong nhà để bắt chuột, để em bé ôm trên tay hay chơi đùa cùng. Mèo là con vật nhanh nhẹn, khôn ngoan.

Xem bản PDF tại ĐÂY

 Linh Giang - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC