Văn hóa 12:17:48 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Lắm mối tối nằm không
Chỉ nghe qua, ta cũng thấy câu thành ngữ này đích thị bắt nguồn từ chuyện tình duyên đôi lứa. Ngày xưa, trai gái muốn thành gia thất thường phải nhờ tới các ông mai bà mối. Bây giờ, chuyện mối lái nên duyên vợ chồng đã không còn khắt khe, nhiêu khê như trước. Nhưng vai trò của "tác nhân ngoại cảnh" này vẫn rất cần. Ấy vậy, sự đời kia vẫn éo le thay. Có khi cờ đã đến tay, mà vẫn không nên cơm cháo gì.

Nam thanh nữ tú đến tuổi dựng vợ gả chồng, họ muốn chung xây tổ ấm với ai là quyền của họ. Nhưng nhiều khi họ cũng rất cần có sự quan sát, thẩm định, tư vấn và sau đó là sự tác thành của những người khác. Trong cộng đồng dân gian làng xã ngày xưa, chuyện "đèn nhà nào nhà ấy rạng, tre làng nào làng ấy vượt" là lẽ thường tình. Cách sống đơn lẻ, biệt lập, khép kín làm cho thông tin về mọi người trong cộng đồng ít được chia sẻ “Làng trên xóm dưới biết gì nhau đâu”. Vì vậy, việc một chàng trai nào đó muốn tìm vợ và tìm vợ sao thật ưng ý cho mình là điều không dễ. Chàng dứt khoát phải nhờ tới các bà mối "mát tay". Họ thường là những người đứng tuổi, từng trải, có kinh nghiệm nhìn đời và cũng có tài ứng xử, ăn nói khéo léo. Chính họ sẽ là nhân tố "khơi mào phản ứng" se duyên cho đôi trẻ nên chồng nên vợ.

Ấy thế mà, có người lắm mối đâm ra tối lại nằm không. Cứ theo logic thì ta có thể suy ra hàm ý câu này như sau: Lẽ ra, nam hay nữ đến tuổi lập gia đình cần yên bề gia thất, có người mối lái cho thì nên vợ nên chồng. Và như vậy, tối đến "ắt phải có người nằm cùng (tức đã xây dựng gia đình)" mới phải. Song điều trớ trêu là, có khi "lắm mối thật nhưng đến tối lại phải nằm không một mình (do chẳng kiếm được ai để nên vợ nên chồng)".

Nghịch lí như vậy vẫn có và điều lạ lùng là không hiếm. Ta thường thấy nhiều chàng trai rất bảnh, người cao ráo đẹp đẽ, nhà cửa bố mẹ đàng hoàng, tưởng "vơ tay trái" cũng được vợ nhưng rồi lạ thay, thời gian cứ như nước chảy qua cầu, sau bao năm chàng vẫn độc thân. Hoặc có khá nhiều cô gái xinh tươi mĩ miều, với những ưu thế như vậy, lẽ ra các cô ấy sẽ rất dễ dàng tìm được chàng trai vừa ý cho đáng tấm chồng. Thế mà buồn thay, cô lặng lẽ bỏ qua hết cơ hội này đến cơ hội khác. Ðến một lúc nào đấy, xuân sắc lỡ thì, bạn bè cùng lứa của cô đều con bế con bồng mà cô nàng vẫn phòng không gối chiếc. Mà đến nước này, thời gian không còn đứng về phía cô nữa. Cái tuổi cứ thế nó đuổi xuân đi. Cao không tới, thấp không thông. Cô như kẻ giữa dòng rất khó tìm bến đỗ. “Trai quá lứa, gái lỡ thì/ Hoa kia đã héo, nụ thì không ra...”. Cành cao không hái, bây giờ gặp cành thấp hơn, vì ngại, vì sĩ diện và cũng lại chờ cơ hội "may ra...", thế là nàng lại tặc lưỡi cho qua...

“Lắm mối tối nằm không”, câu thành ngữ trên chuyển đến cho chúng ta một thông điệp rất rõ ràng: Hãy biết tìm ra cơ hội và tận dụng cơ hội. Ai đó có nhiều mai mối, có thể có nhiều quan hệ với nhiều người nên tâm lí thường dễ bị phân tán, san sẻ tình cảm, khó đưa ra một quyết định hợp lí và chính điều này khiến họ phải trả giá về sự lưỡng lự đó. “Người ta một hẹn thì nên/ Em đây chín hẹn lại vô duyên cả mười”. Việc hôm nay chớ để ngày mai. Ðó là một cách nhìn nhận, một thái độ biết người biết ta trước cuộc sống. Nếu không "thánh nhân sẽ đãi kẻ khù khờ chứ không đãi kẻ vật vờ đắn đo" đâu. Chuyện "trăm năm tính cuộc vuông tròn" kia quan trọng thật. Ta không thể bồng bột xốc nổi. Song không phải vì thế mà ta thiếu tự tin, quyết đoán. Có nhiều cô gái, đứng ở núi nào rồi cũng có cảm giác là có một ngọn núi bên cạnh cao hơn. Mà với cô, sao nhiều "núi" thế? Cứ chờ và chọn với thái độ "kiêu kì bắc bậc". So đo tính toán, rốt cuộc cô thành kẻ trắng tay trong cuộc chơi tình ái.

Từ chuyện nhân duyên, câu thành ngữ này đã đi vào cuộc sống như một bài học khuyên người ta về lẽ đời vậy. Bởi, có khi trong công việc, chúng ta có quá nhiều quan hệ hứa hẹn với bao điều tốt lành, nhưng rốt cuộc thì sự tình vẫn không được giải quyết thoả đáng như dự định. Hi vọng tràn trề mà cuối cùng sự đời chẳng đâu vào đâu cả. Biết đưa ra quyết sách trong một thời điểm cụ thể, như vậy chúng ta đã có một tầm nhìn đúng đắn và biết tận dụng cơ hội. Nếu không, chính điều tưởng như là ưu thế kia lại trở thành hiệu ứng "bu-mê-răng" quay ngược điều bất hạnh về bạn. Người ta vẫn thường bảo nhau: Coi chừng không khéo như chuyện “Lắm mối tối nằm không đấy” nhé! Không những thiệt cho mình mà còn chuốc lấy điều tiếng không hay với thiên hạ.

 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQG Hà Nội - 237
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC