Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021 - 2030 ban hành ngày 08/02/2022 đã khẳng định tầm nhìn và là khung chiến lược chung cho các đơn vị thành viên của ĐHQGHN triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đồng hành cùng Chiến lược này, các chính sách về phát triển và chế độ ưu đãi các nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh và thực tập sau tiến sĩ, cho phép nghiên cứu sinh được miễn phản biện kín, đặc cách tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ nếu có công trình khoa học xuất sắc của ĐHQGHN là cơ sở đề thu hút các cán bộ trẻ và là tiền đề để xây dựng các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm mạnh bền vững. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, ĐHQGHN sẽ có nhiều nhóm nghiên cứu trẻ với nhiều kết quả về đào tạo và nghiên cứu khoa học có tầm quốc tế. Bên cạnh thế mạnh về nghiên cứu cơ bản, ĐHQGHN sẽ có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ gắn liền với các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xã hội. Hệ thống các phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu mạnh đa ngành, liên ngành sẽ là điểm hút các hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp làm cơ sở để hình thành các trung tâm kết nối và chuyển giao doanh nghiệp. Trường ĐH Công nghệ với mục tiêu trở thành trường đại học nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ hàng đầu của Việt Nam, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu tiên tiến của châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đạt chuẩn mực trình độ quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trong thời gian vừa qua, Trường ĐH Công nghệ đã triển khai một số chính sách tập trung đầu tư xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao. Nhà trường đã nhận được nhiều đầu tư của Chính phủ, của ĐHQGHN để xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng thực hành và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, trọng điểm. Từ năm 2019, Nhà trường đã thực hiện mô hình phân cấp đầu tư về KHCN cho các đơn vị. Thủ trưởng các Khoa, Viện, Trung tâm nghiên cứu chịu trách nhiệm quyết định các hướng nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm cần đầu tư trong ngân sách phân cấp tự chủ của đơn vị. Nhà trường, hằng năm, đã hỗ trợ các Giáo sư và nhóm nghiên cứu kinh phí 50 triệu đồng cho các nhiệm vụ thường xuyên về KHCN. Bên cạnh các đối tác trong nước, Trường ĐH Công nghệ cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI. Trong vài năm qua, cán bộ Nhà trường đã triển khai nhiều hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các đối tác mạnh như Viettel, Samsung, SamSung Display, McNEX, Cammsys, ITMs, Dai Nippon Printing, ... Trong năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, cán bộ Nhà trường đã triển khai 07 đề tài cấp nhà nước; 12 đề tài cấp bộ; 24 đề tài cấp ĐHQGHN; 74 đề tài cấp cơ sở; 05 Hợp đồng, nhiệm vụ hợp tác KHCN trong nước; 06 Hợp đồng, nhiệm vụ hợp tác KHCN quốc tế. Tổng kinh phí của các đề tài được ký mới từ nguồn ngân sách nhà nước đạt gần 15 tỷ đồng, nguồn hợp tác với các doanh nghiệp/ địa phương với tổng kinh phí gần 6,5 tỷ đồng và nguồn hợp tác với các đối tác nước ngoài với tổng kinh phí là 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đề tài KHCN cấp cơ sở có nguồn kinh phí từ ĐHQGHN, Nhà trường đã hỗ trợ kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp cho nhiều đề tài KHCN cấp cơ sở và các hoạt động KHCN khác đạt gần 4 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021, cán bộ nhà trường đã công bố 304 bài báo trong đó có 160 bài báo trong danh mục ISI và SCOPUS với trên 100 bài thuộc tạp chí Q1, Q2; 18 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ đã được chấp nhận hợp lệ, lần lượt tăng 111% và 225% so với kết quả đạt được của năm 2020. Nếu bám với các mốc chỉ tiêu trong Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN, Trường ĐH Công nghệ gần tiệm cận với các chỉ số đặt ra và có thể hoàn thành các mục tiêu về KHCN trong ngắn hạn đến năm 2025 và trung hạn 2030. |