10:05:50 Ngày 19/04/2024 GMT+7
Ngành Việt Nam học ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới
Là nhận định của GS. Phan Huy Lê - Khoa Lich sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN - khi diễn ra Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4.
Thưa giáo sư Phan Huy Lê, xin giáo sư cho biết vì sao lĩnh vực khoa học lịch sử luôn là một đề tài được các nhà Việt Nam học trên thế giới quan tâm nghiên cứu?
Các học giả quốc tế khi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam thường bắt đầu bằng ngôn ngữ tiếng Việt, thứ đến là lịch sử, rồi họ đi vào nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dần dần sau này mới đi sâu vào các lĩnh vực kinh tế xã hội. Đó gần như là xu hướng, quá trình người ta tiếp cận với Việt Nam.
Tiếng Việt là công cụ đầu tiên, sau đó lịch sử là cái bao quát tất cả. Lịch sử ở đây không phải chỉ là lịch sử Việt Nam (hiểu theo nghĩa là quá trình hình thành phát triển của xã hội Việt Nam, đất nước Việt Nam) mà còn có nghĩa là lịch sử của tất cả các ngành của Việt Nam, vì ngành nào cũng có lịch sử của nó.
Chẳng hạn, khảo cổ học cũng có lịch sử của nó, tiếng Việt cũng có lịch sử của nó, các lĩnh vực kinh tế hoặc thủ công cũng có lịch sử của nó. Cho nên, lịch sử bao trùm hết, mảng lịch sử chiếm ưu thế tại hội thảo là điều tất nhiên.
Qua 3 cuộc hội thảo trước, chúng ta đã thu được kết quả nào quan trọng?
Về phía Việt Nam, qua 3 lần hội thảo đều thu được những kết quả tốt từ những nghiên cứu của nước ngoài. Những kết quả này có những cái chưa công bố và phần lớn được công bố rồi nhưng họ trình bày một cách cập nhật và trực tiếp tại Việt Nam. Đây là góc nhìn rất mới.
Tôi nghĩ rằng cả về phương diện học thuật và thực tiễn, các hội thảo này rất có ý nghĩa thực tiễn với chúng ta. Một kết quả nữa cực kỳ quan trọng là thông qua các cuộc gặp gỡ và trao đổi này, hình ảnh Việt Nam trên thế giới được nhìn nhận một cách toàn diện hơn, khách quan hơn.
Các nhà Việt Nam học, bằng các công trình của mình, trong số họ có nhiều người giữ vai trò chuyên gia tư vấn cho chính quyền của các nước và đang có quan hệ với Việt Nam, chính họ là nhịp cầu và đồng thời là kênh rất quan trọng để chúng ta phát triển quan hệ giữa Việt Nam và thế giới trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.
Giáo sư có nhận xét gì về thành phần các nhà Việt Nam học quốc tế tham gia vào Hội nghị lần này?
Số lượng đăng ký tham gia rất lớn, số nước có học giả tham gia cũng lớn là 36, vượt 3 hội nghị trước đây. Gần đây, ngành Việt Nam học trên thế giới có sự phát triển vững hơn, có chiều sâu hơn và tương đối mở rộng hơn trên phạm vi thế giới, không chỉ là các nước nghiên cứu Việt Nam truyền thống như trước đây.
Trong hội nghị này có đoàn Mông Cổ khá đông, các nước Đông Nam Á, châu Phi cũng có mặt nhiều hơn, rồi các nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan đều có mặt.
Như vậy, căn cứ vào số lượng quốc tịch các học giả tham gia, hội nghị Việt Nam học lần này mở rộng hơn. Điều đó chứng tỏ rằng nghiên cứu Việt Nam trên thế giới đã phát triển hơn. Tức là số nước và số học giả ở các nước quan tâm nghiên cứu Việt Nam tăng lên. Điều đó dễ hiểu vì vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trở thành đối tượng cả thế giới đều quan tâm. Bây giờ Việt Nam có quan hệ với gần như cả thế giới nên các nước đều dành một phần quan tâm của mình đối với Việt Nam. Tôi thấy đó là điều đáng mừng.
Xin cảm ơn Giáo sư!
 Mỹ Trà (thực hiện) - Bản tin số 261 - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài mới hơn
  • Không có bài nào mới hơn !
Các bài cũ hơn
  • Không có bài nào cũ hơn !
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC