Chân dung 03:05:38 Ngày 17/04/2024 GMT+7
Tiến sĩ trẻ và hành trình nghiên cứu virus Corona
Cựu sinh viên K11, cử nhân khoa học tài năng Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, Tuyết Nhung có thể chia sẻ đôi chút về thời sinh viên và những kiến thức được học đã giúp bạn như thế nào cho công việc hiện tại?

 

Mình cảm thấy thực sự rất may mắn khi có cơ hội được học tập tại hệ cử nhân khoa học tài năng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Ở thời điểm năm 2007 khi mình trở thành tân sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng của trường kỉ niệm 10 năm thành lập. Vào thời điểm đó, mình đã được gặp gỡ, giao lưu với các anh chị khóa trên rất xuất sắc và trở thành động lực để mình phấn đấu noi gương các anh chị.

Chương trình đào tạo này được lập ra bởi những người thầy đáng kính và rất tâm huyết như GS. Đàm Trung Đồn, GS. Nguyễn Văn Tiến, GS. Nguyễn Văn Nhân với mong muốn đào tạo nguồn nhân lực mới trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Vì vậy hệ đào tạo là nơi tập trung nhiều bạn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và thi Olympic quốc tế. Các thầy đều là những nhà khoa học hàng đầu trong nước. Đặc biệt, Trường rất hay tổ chức các hội thảo, seminar quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên được đi học tập, trao đổi ở nước ngoài.

Nhờ đó, sinh viên không chỉ tiếp thu được kiến thức mới mà còn quen dần với môi trường học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Và chương trình cũng nhận được sự đánh giá tốt, tương đương về chất lượng với các chương trình đào tạo ở nước ngoài, và thực tế sau 1-2 năm học đã có rất nhiều bạn ở lớp mình đã được nhận học tiếp ở những trường đại học hàng đầu ở Mỹ và châu Âu như MIT (Mỹ), École Polytecnique (Pháp) và các bạn bây giờ đều là những người rất thành công trong lĩnh vực của mình.

Bên cạnh đó, mình có cơ hội được thực tập nghiên cứu khoa học từ khá sớm. Từ năm thứ 2 đại học mình đã được nhận vào làm sinh viên thực tập tại bộ môn Di truyền học và dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Đinh Đoàn Long mình đã tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức thực nghiệm trong lĩnh vực Sinh học phần tử và Di truyền học. Không chỉ vậy, mình còn được đi thực tập làm khóa luận tốt nghiệp tại POSTECH (Hàn Quốc) theo chương trình trao đổi với khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Những kiến thức mình đã học và kinh nghiệm tham gia hoạt động nghiên cứu ở trường đại học, dù đa phần là kiến thức cơ bản và việc tham gia nghiên cứu mới chỉ ở bước đầu dưới sự hướng dẫn của các thầy nhưng đó chính là nền tảng vững chắc và quý báu cho việc học tập và nghiên cứu sau này của mình ở Đại học Pavia, Ý (thạc sỹ chuyên ngành Sinh học phân tử và Di truyền học) và Đại học Marseille, Pháp (nghiên cứu sinh về Virus và các bệnh truyền nhiễm). Hơn nữa, việc thường xuyên tiếp xúc với các Giáo sư nước ngoài, tham gia các hội thảo quốc tế, được đào tạo nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc, nghiên cứu độc lập, làm việc nhóm đã giúp mình hòa nhập, bắt nhịp rất nhanh vào việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.

Được biết Tuyết Nhung đã có nhiều cơ hội để làm việc tại nước ngoài nhưng vẫn trở về Việt Nam để gắn kết? Bạn có thể chia sẻ đôi chút về dự án đang triển khai, đặc biệt là những đề tài mang tính thời cuộc và quan tâm của toàn cầu như phát triển thuốc chống virus corona?

Thực ra, may mắn và trùng hợp là mình làm nghiên cứu sinh về đề tài Coronavirus, một lĩnh vực rất thời sự hiện nay trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối phó với dịch Covid-19. Nghiên cứu của mình về cấu trúc và chức năng của enzyme polymerase của virus Corona. Enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhân lên của virus, việc nghiên cứu hiểu rõ cơ chế hoạt động của enzyme là cơ sở quan trọng để phát triển thuốc chống virus Corona. Nhóm của mình đã thiết lập thành công được một phức hệ enzyme in vitro của virus SARS-CoV-1. Đây là mô hình để từ đó có thể thực hiện những nghiên cứu sâu hơn và hiểu rõ cơ chế hoạt động của từng enzyme trong phức hệ này tham gia vào quá trình nhân lên của virus SARS-CoV-1 nói riêng và các virus thuộc họ Coronavirus nói chung. Ngoài ra, phức hệ này cũng được sử dụng để sàng lọc các hợp chất (nucleoside analog) có khả năng chống lại virus Corona. Trên cơ sở nghiên cứu này có thể thực hiện các nghiên cứu đa hướng nhằm mục đích chung là tìm ra được một loại thuốc chống virus ở phổ rộng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cũng tình cờ là vào thời điểm mình bảo vệ luận án nghiên cứu sinh thì đề tài về Coronavirus nhận được sự quan tâm hơn thời điểm trước đó rất nhiều. Vì vậy có rất nhiều cơ hội cho các nhà khoa học được đào tạo trong lĩnh vực này tại thời điểm mới bắt đầu đại dịch, khi những nghiên cứu về virus này vẫn đang còn hạn chế. Trong mạng lưới nghiên cứu của thầy hướng dẫn của mình lúc đấy có Công ty dược Gilead Sciences đang cần tuyển 1 vị trí nghiên cứu về enzyme của các loại virus và thầy mình đã giới thiệu công việc này cho mình. Có thể nói đó là một cơ hội tốt để tiếp tục phát triển sâu hơn nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, mình cũng có những dự định, kế hoạch riêng ở Việt Nam, đặc biệt là mong muốn ấp ủ từ khi còn trên ngồi trên ghế trường đại học và có lẽ cũng là mong muốn chung của nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam du học ở nước ngoài. Đó là kết hợp với các nhà khoa học trong nước nghiên cứu tạo ra những giá trị hữu ích, đóng góp một phần nhỏ cho khoa học ở Việt Nam. Với kinh nghiệm và thành quả nghiên cứu đã đạt được và các mối quan hệ nhất định của mình với giới nghiên cứu chuyên ngành này ở châu Âu, mình tin rằng có thể kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong nước với các nhà khoa học quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu về virus và các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, tạo tiền đề cho việc phát triển các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm, cũng như phát triển thuốc và vaccine cho những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Là nhà khoa học nữ, bạn có gặp khó khăn gì trong công việc và cuộc sống? Bạn có thể chia sẻ về những dự định trong tương lai?

Làm nghiên cứu khoa học, nhất là về khoa học cơ bản đã khó khăn vất vả, với phụ nữ còn vất vả hơn nhiều. Mình thường xuyên phải làm việc ở phòng Lab từ sáng tới tối muộn. Các thí nghiệm không phải lúc nào cũng đạt kết quả mong muốn, phải làm đi làm lại mới đạt là chuyện bình thường. Hơn nữa, không hiếm người bị ảnh hưởng do phải tiếp xúc với hóa chất độc hại và các chất phóng xạ trong quá trình nghiên cứu thực nghiệm. Tuy nhiên, mình cũng rất may mắn vì luôn được bố mẹ, gia đình, thầy cô và bạn bè ủng hộ, động viên để theo đuổi con đường của mình tới cùng. Và thực sự cảm giác mình đã đóng góp được một chút thành quả nhỏ cho nhóm nghiên cứu và được thầy đánh giá tốt sau tất cả những nỗ lực để vượt qua chính bản thân là cảm giác hạnh phúc nhất đối với mình.

Hiện tại, mình đang làm việc cho Tổ chức Hiệp hội các phòng xét nghiệm Y tế công cộng (APHL) của Mỹ tại Hà Nội, thực hiện một số đề tài của CDC Hoa Kỳ nhằm theo dõi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam hiện nay và các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, bên mình còn kết hợp với các đơn vị của Việt Nam như Bộ Y tế, các bệnh viện và viện nghiên cứu lớn ở Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo từ các chuyên gia ở Mỹ trong lĩnh vực chẩn đoán công nghệ cao với mục đích hướng tới chung nhằm nâng cao năng lực phòng xét nghiệm ở Việt Nam. Đồng thời, mình đang có kế hoạch tiếp tục phát triển các nghiên cứu của mình trong lĩnh vực virus và sự tiến hóa của virus thông qua việc nghiên cứu sự biến đổi hệ gen của virus, mong muốn hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trong lĩnh vực này cũng như sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học trải nghiệm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Ngoài ra, mình cũng hi vọng có thể truyền tải những kiến thức khoa học phức tạp thành đơn giản để nâng cao kiến thức khoa học thường thức cho mọi người, cũng như có những hoạt động cộng đồng hướng tới những thế hệ tương lai như tổ chức các lễ hội khoa học để các em nhỏ có cơ hội được trải nghiệm thực tế và có định hướng nếu như muốn trở thành một nhà khoa học trong tương lai. Và dù trong lĩnh vực nào thì mình vẫn luôn nhớ tới lời nói của thầy Đinh Đoàn Long, người thầy hướng dẫn và luôn hỗ trợ mình từ khi còn sinh viên “Nghiên cứu khoa học như xây một bức tường, mình không cần xây cả một bức tường lớn mà chỉ cần cố gắng xây một viên gạch tốt là đã đóng góp rất nhiều rồi”. Lời dạy ấy đã luôn theo mình tới tận bây giờ và dù làm ở đâu, đề tài như thế nào thì mình vẫn luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình.

Cảm ơn bạn về cuộc chia sẻ!

 

 Tùng Lâm - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :
Bản tin ĐHQGHN số 387 | PDF
TRÊN WEBSITE KHÁC