Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Giáo sư Trần Quốc Vượng với Ký túc xá Mễ trì
Cuộc họp bàn kế hoạch năm học 2005 – 2006 của Ký túc xá Mễ trì kéo dài thêm quá nửa giờ do tin Giáo sư Trần Quốc Vượng qua đời. Tin buồn đến với những người tham dự cuộc họp không bất ngờ nhưng ai nấy đều cảm thấy trống vắng, mất mát bởi sự ra đi của Thầy.

Chúng tôi - người được học Thầy thì ít, người không được học Thầy thì nhiều hơn - nhưng khi gặp và được trò chuyện với Giáo sư đều gọi ông bằng Thầy. Những kỷ niệm không thể nào quên và những đóng góp của Thầy trong việc xây dựng nếp sống văn hoá đối với học sinh sinh viên (HSSV) ở Ký túc xá Mễ Trì cứ ùa về trong tâm tưởng của những người tham dự cuộc họp.

Năm 1995, khi Trung tâm Nội trú Sinh viên ĐHQGHN được thành lập, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sống và học tập, Ký túc xá Mễ trì vẫn còn là một “điểm nóng" về công tác an ninh trật tự. Có nhiều nguyên nhân kể cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng trên. Công tác quản lý và phục vụ HSSV đặt ra những thách thức trước yêu cầu mới trong sự phát triển của ĐHQGHN. Đứng trước những khó khăn, không ít người có trách nhiệm đã phải xin chuyển công tác khác. Chúng tôi những người ở lại phải chụm đầu bàn bạc tìm kiếm các giải pháp quyết tâm xây dựng Ký túc xá theo mô hình quản lý mới.

GS.Trần Quốc Vượng (người thứ 2 từ trái sang) tại hội trường ký túc xá Mễ Trì
trong lễ khai giảng năm học 2004 - 2005. Ảnh: B.T

Cùng với những giải pháp về cải tạo cơ sở vật chất và đổi mới công tác quản lý, vấn đề đặt ra là phải xây dựng nếp sống văn hoá trong sinh viên nội trú để HSSV nâng cao ý thức trách nghiệm. Nhưng làm thế nào để có thể thay đổi sự tự nhận thức trong HSSV một cách tự giác và có sức thuyết phục khi cơ sở vật chất chưa hoàn thiện? Trong khó khăn chúng tôi đã nghĩ đến Giáo sư Trần Quốc Vượng. Trong thâm tâm, chúng tôi mong muốn bằng uy tín và sự uyên thâm của mình, Giáo sư sẽ thuyết phục được HSSV xây dựng nếp sống văn hoá thông qua các buổi nói chuyện về văn hoá và ứng xử. Nhưng thật tình khi đó chúng tôi đã rất lo việc không thể mời Giáo sư đến nói chuyện với HSSV nội trú về thực hiện quy chế ở thời điểm này vì chưa có tiền lệ và một số lý do khác.

Khi ấy, anh Lê Liêm - Phó ban Quản lý Ký túc xá - vốn là học trò “đặc biệt" của Thầy hăng hái xung phong đi làm nhiệm vụ "giao liên". Sau nhiều lần điện thoại, chúng tôi mới được gặp Thầy tại nhà. Chúng tôi đã rất mừng khi gặp được Thầy và được Thầy mời mỗi người một chén rượu. Mặc dù đã thông tin sơ bộ với Thầy qua điện thoại nhưng sau khi nghe chúng tôi trình bày hết ý tưởng, một thoáng ưu tư hiện lên qua nét mặt Thầy. Nhâm nhi chén rượu trên tay, hồi lâu, Thầy nói:

- Ý tưởng của các cậu hay, tôi nhận lời. Nhưng thời gian này tôi bận, tôi sẽ hẹn lại sau.

Một ngày mùa Đông năm 1995, khi năm học mới vừa bắt đầu được hơn một tháng, không có ô tô đưa đón, chúng tôi phải dùng xe máy đón Thầy. Buổi nói chuyện được tổ chức vào 19h30 nhưng Thầy đồng ý đến Ký túc xá từ 16h00. Chúng tôi rất vui bởi có khoảng hai giờ để được ngồi bên Thầy, được nghe Thầy trò chuyện.

19h30, chúng tôi mời Thầy đến Hội trường Nhà văn hoá sinh viên Mễ Trì. Không còn một chỗ trống. Không chỉ có sinh viên ngành khoa học xã hội mà gần như toàn bộ HSSV Ký túc xá Mễ Trì đã háo hức chờ đợi khi nghe loa truyền thanh thông báo về buổi nói chuyện của Giáo sư Trần Quốc Vượng.

Tôi vẫn nhớ như in buổi nói chuyện của Thầy với HSSV Ký túc xá Mễ Trì khi đó. Ban tổ chức chúng tôi chỉ kịp làm nhiệm vụ giới thiệu trong vòng 3 phút trước lúc Thầy diễn thuyết. Thầy không bước lên bục để sẵn micrô trên sân khấu mà yêu cầu mang micrô xuống và đứng ngay cạnh hàng ghế đầu để nói chuyện. Thầy cởi chiếc đồng hồ cầm trên tay và thông báo buổi nói chuyện chỉ kéo dài khoảng một tiếng. Cả hội trường im lặng chờ đợi. Những cán bộ quản lý chúng tôi dường như cũng nín thở đợi chờ. Không gian như ngưng lại khi Thầy bắt đầu nói về nếp sống văn hoá nói chung và những nét đặc trưng trong văn hoá của người Hà Nội. Những đôi mắt chăm chú dõi theo những cử chỉ và lời nói của Thầy.

Thầy nói say sưa không giải lao đến 22h00. Trong hơn hai giờ đồng hồ không một ai rời hội trường. Khi Thầy kết thúc buổi diễn thuyết, chúng tôi nhìn xuống hội trường vẫn thấy HSSV đứng chật cả hai hành lang và phía sau. Trong cả buổi nói chuyện, Thầy không hề đề cập đến nội quy, quy định về ở nội trú cũng không nói nhiều đến trách nhiệm của mỗi HSSV và của người quản lý và phục vụ. Nhưng khi ra về ai cũng cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nếp sống văn hoá trong cuộc sống hiện tại, trách nhiệm đối với việc xây dựng môi trường sống trong Ký túc xá.

Tôi đưa Thầy về nhà trong đêm lạnh và có mưa. Thầy nhắc tôi đi chậm có lẽ do trời quá lạnh. Trở về nhà trong giá rét nhưng tôi thấy ấm lòng bởi Thầy đã truyền cho chúng tôi - những người làm công tác quản lý HSSV nội trú - cách nhìn nhận những con người, những sự việc mang tính nhân văn và văn hoá. Buổi nói chuyện của Thầy đánh thức lòng tự trọng trước những nét đẹp cuộc sống của người Hà Nội trong mỗi HSSV.

Những năm sau, tuy không phải năm nào cũng đến nhưng cả thảy đã có 5 lần Thầy đến nói chuyện với HSSV nội trú ở Ký túc xá Mễ Trì (từ năm 1995 đến nay). Và lần nào tình cảm của các thế hệ sinh viên đối với Thầy cũng sâu đậm như buổi nói chuyện đầu tiên.

Đời sống và sinh hoạt của HSSV Ký túc xá Mễ Trì có được như ngày hôm nay là do sự hội tụ của nhiều yếu tố. Và ảnh hưởng của Giáo sư Trần Quốc Vượng với nếp sống văn hoá của HSSV là không nhỏ.

Thầy đã đi xa nhưng kỷ niệm về những buổi nói chuyện của Thầy tại Ký túc xá Mễ Trì hôm nào vẫn còn tươi rói trong tâm trí của biết bao thế hệ HSSV và những người làm công tác quản lý và phục vụ tại đây.

Chúng tôi viết những dòng này thay cho một nén tâm nhang để xin được đưa tiễn Thầy về cõi vĩnh hằng.

 Hải Long - Ban Quản lý KTX Mễ Trì - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :