Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn với quản lý tạo bước chuyển mới trong công tác đào tạo
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã ký Quyết định số 3875/QĐ-Bộ GD&ĐT, ngày 21/7/2005 bổ nhiệm có thời hạn GS.TS Nguyễn Hữu Đức giữ chức vụ Hiệu trường Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN.

Sáng ngày 07/9/2005, tại hội trường 10-12, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN đã trang trọng tổ chức Lễ  công bố Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và khai giảng năm học 2005 – 2006.

Nhân dịp này, Biên tập viên Website ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với tân Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN về một số nội dung hoạt động của nhà trường:

P.V: Chúc mừng GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhân dịp ông nhậm chức Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN. Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết một vài cảm nghĩ của mình trong buổi lễ long trọng ngày hôm nay?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Ngày hôm nay, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và xúc động trước sự đồng lòng ủng hộ của tập thể cán bộ – viên chức và sinh viên Trường ĐH Công nghệ, trước sự tín nhiệm của Đảng uỷ, Ban Giám đốc ĐHQGHN và trước sự tin tưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đây là lễ khai giảng đầu tiên tôi giữ vai trò đứng đầu một trường đại học. Trách nhiệm lớn quá, mọi người gửi vào mình nhiều niềm tin quá nên tôi lại băn khoăn tự hỏi làm sao để có thể đảm đương tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN giao phó.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển cùng cán bộ giảng viên ĐHQGHN trong Lễ khai giảng năm học 2005 - 2006 Trường ĐH Công nghệ

P.V: Thưa Giáo sư, theo đánh giá của cá nhân ông, trong thời điểm hiện tại, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN đang có những thuận lợi và khó khăn gì?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định thành lập vào ngày 25/5/2004 - một mô hình đại học hiện đại trong đại học đa ngành. Tính đa ngành của các đơn vị trong ĐHQGHN tạo một thế mạnh cho trường trong hướng phát triển và hội nhập. Kinh nghiệm, truyền thống và thế mạnh của hai khoa Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông là những nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhà trường trong thời gian tới. Đặc biệt, các lĩnh vực đào tạo và khoa học của trường đều là những lĩnh vực đang được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Vậy nên, có thể nói, Trường ĐH Công nghệ đang có một thời cơ và một vận may. Đồng thời, chúng tôi cũng đang có lắm thách thức. Đội ngũ cán bộ khoa học của nhà trường còn rất mỏng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Đặc biệt, đối với một số ngành khoa học mới, chúng tôi còn chưa đủ thời gian và một số điều kiện khác để đào tạo các nhà khoa học đầu đàn. Tuy vậy, với sự đồng thuận của tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên, với tiềm năng to lớn về tài nguyên trí lực và một số giải pháp sáng tạo, một số kết quả khả quan ban đầu đã được tạo ra. Hiện nay, Trường ĐH Công nghệ không chỉ là một địa chỉ được học sinh, sinh viên cả nước quan tâm mà còn là một đối tác tin cậy của rất nhiều cơ quan nghiên cứu, tập đoàn sản xuất công nghệ cao trong nước và trên thế giới.

P.V: Xin Giáo sư cho biết một số nội dung hoạt động trọng tâm của nhà trường trong năm học 2005 - 2006?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Trong năm học này, toàn thể cán bộ - công chức nhà trường tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo; tạo bước đột phá về qui mô và giá trị của các hoạt động khoa học - công nghệ, từng bước xây dựng và phát triển Trường ĐH Công nghệ theo hướng đại học nghiên cứu; bước đầu tạo vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện được mục tiêu đó, Trường ĐH Công nghệ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý đại học theo phương châm liên kết và hợp tác; phát triển đội ngũ theo hướng chuẩn hoá; nâng cao đặc trưng công nghệ và khả năng thích nghi nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuẩn, tổ chức tốt các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo quốc tế; hình thành, củng cố và phát triển một cách ổn định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, từng bước tăng cường định hướng công nghệ và nâng cao giá trị khoa học, thực tiễn của hoạt động khoa học - công nghệ; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý hành chính và phục vụ, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xây dựng một môi trường văn hoá đại học tiên tiến, mang đậm bản sắc nhân văn.

P.V: Thưa Giáo sư, ông có nói về một môi trường giáo dục đại học nhân văn và một số biện pháp mang tính đột phá trong hướng phát triển của nhà trường thời gian tới. Những nội dung cụ thể liên quan trực tiếp đến vấn đề này ở Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN là gì, thưa ông?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Chúng ta đã biết rằng cùng có điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học như nhau, cùng có chỉ số thông minh IQ như nhau, nhưng thành công của các nhà khoa học và kết quả học tập của sinh viên còn tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng của môi trường văn hóa của trường đại học. Vì vậy, danh tiếng và sức hấp dẫn của một trường đại học đối với các nhà khoa học trẻ và sinh viên mới bao giờ cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố này. Đây cũng là yếu tố góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xây dựng ý thức tự hào và trách nhiệm, tình thần đoàn kết nhất trí của cán bộ, sinh viên đối với sự nghiệp phát triển Trường ĐH Công nghệ. Tôi nghĩ rằng, với vị trí của một trường mới được thành lập và sự ảnh hưởng trong xã hội còn khá khiêm tốn như hiện nay, tôi cùng toàn thể cán bộ giảng viên và sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN phải có trách nhiệm tiếp tục giữ vững và dần nâng cao vị thế của nhà trường trong nền giáo dục quốc gia cũng như khu vực và quốc tế. Một môi trường giáo dục đại học mang đậm chất nhân văn cũng là một trong những điều kiện để chúng tôi tiếp tục thu hút được đội ngũ sinh viên giỏi và giảng viên tốt.

P.V: Thưa Giáo sư, ông có thể cho biết những thông tin cụ thể hơn về nhiệm vụ trọng tâm "xây dựng và phát triển Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN theo định hướng đại học nghiên cứu, liên kết và hợp tác"? Ban Giám hiệu cùng các thành viên trong trường đã nghĩ tới những giải pháp để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, thưa Giáo sư?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Trên thế giới, các lĩnh vực khoa học – công nghệ ưu tiên được gói gọn trong 4 chữ cái tiếng Anh là GRIN, trong đó G – Genomics (công nghệ gen), R – Robotics (tự động hóa), I – Informations (công nghệ thông tin và truyền thông), N – Nanotechnology (công nghệ nanô). Nhà trường cũng đã xác định bốn lĩnh vực khoa học – công nghệ ưu tiên là: Công nghệ thông tin và truyền thông, Điện tử và tự động hóa, Khoa học và Công nghệ nanô, Công nghệ sinh học phân tử, trong đó CNTT đã được chọn là trung tâm, các lĩnh vực khác được CNTT hỗ trợ và tiếp đó sẽ phát triển thị trường cho CNTT. Đó là một cách chọn lựa phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với các định hướng ưu tiên của nhà nước, đáp ứng được cả mục đích đầu tư nền tảng (công nghệ thông tin) và cả đầu tư đón đầu (công nghệ nanô) và đặc biệt rất phù hợp với mô hình của một Trường ĐH Công nghệ trong thời kỳ kinh tế tri thức.

Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng, cần được đánh giá có cùng trọng số với nhiệm vụ đào tạo, là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa một trường đại học với các trường nghề, trường phổ thông. Đồng thời, nghiên cứu khoa học là phương thức để nâng cao chất lượng đào tạo. Ban Giám hiệu nhà trường đang nỗ lực tăng cường nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học, khuyến khích cán bộ giảng dạy tham gia đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đăng tải, công bố công trình khoa học trên các tạp chí khoa học, tuyển tập hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Số lượng các công trình khoa học, uy tín của các tạp chí khoa học, số lần các công trình khoa học được trích dẫn lần lượt sẽ là các tiêu chí đánh giá khách quan cho chất lượng các đề tài khoa học.

Hợp tác giữa trường đại học và viện nghiên cứu đã được nói đến nhiều và thực hiện rất lâu. Tuy vậy, cơ chế liên kết vẫn còn lỏng lẻo. Gần đây, chúng tôi đã có sáng kiến xây dựng hệ thống các khoa và phòng thí nghiệm phối thuộc giữa trường và viện. Đơn vị đầu tiên triển khai mô hình hợp tác kiểu này là với Viện Cơ học (Viện Khoa học Việt Nam). Theo đó, Khoa Cơ học & Tự động hoá của Trường ĐH Công nghệ là đơn vị phối thuộc của Viện Cơ học, làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học của Trường và Viện. Khoa Cơ học & Tự động hoá được sử dụng toàn bộ tầng 4 nhà C và trang thiết bị của Viện Cơ học, huy động đội ngũ các nhà khoa học hai bên tích cực tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên và học viên cao học. Hơn thế nữa, hai phòng thí nghiệm Cơ học biển và Chẩn đoán … của Viện Cơ học được coi là hai phòng thí nghiệm phối thuộc của Khoa Cơ học & Tự động hoá. Phương hướng phát triển và kề họach đầu tư cho hai phòng thí nghiệm này thuộc về Viện Cơ học. Khoa Cơ học & Tự động hoá được sử dụng hai phòng thí nghiệm này để tổ chức đào tạo các chuyên đề tương ứng trong các chương trình đào tạo đại học và sau đại học theo định mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí đào tạo của trường mà không cần phải đầu tư chiều sâu cho trang thiết bị. Hy vọng rằng, đây là một mô hình tốt có thể áp dụng cho các khoa mới của trường, nhằm tạo tập trung nguồn lực của trường xây dựng một số trường phái khoa học đặc trưng, tránh đầu tư và phát triển trùng lặp với các viện nghiên cứu trong hệ thống liên kết.

P.V: Thưa Giáo sư, ông có thể nói thêm về các ý tưởng liên kết của ông?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Có thể nói rằng trong điều kiện ngày nay, liên kết vừa là phương châm vừa là động lực phát triển của Trường ĐH Công nghệ. Liên kết trước hết với các đơn vị trong ĐHQGHN, đặc biệt với Trường ĐHKHTN, với ĐHQG TP. HCM và xác lập vị thế của trường ở phía nam của Tổ quốc. Bắt đầu từ năm học 2005-2006, Trường ĐH Công nghệ bắt đầu tổ chức đào tạo thạc sĩ Khoa học và Công nghệ nanô tại ĐHQG TP. HCM theo chương trình và bằng cấp của Trường ĐH Công nghệ.

Về liên kết quốc tế, trường chúng tôi đang cố gắng thay thế dần mô hình cũ "2 giờ + 2 ngày" (tức là mô hình các chuyên gia nước ngoài đến trường thuyết trình 2 giờ sau đó đi tham quan 2 ngày) bằng mô hình mới "2 tháng + 2 lần" (tức là mời các giáo sư nước ngoài đến trường giảng dạy và nghiên cứu trong 2 tháng (hoặc hơn) và chỉ đi tham quan một vài lần). Với mô hình này, chúng tôi bắt đầu tạo được sự hội nhập quốc tế thực sự ngay trong khuôn viên đại học của mình. Mô hình này sẽ tạo nên luồng gió mới trong các hoạt động khoa học của nhà trường. Trên thực tế, chúng tôi đã thí điểm cả việc mời giáo sư Việt kiều làm chủ nhiệm bộ môn của trường. Nhà trường còn ấp ủ và kiên trì với việc thiết lập liên kết với các công ty, các hãng sán xuất. Đó mới là cách tăng cường kinh phí hiệu quả nhất cho các họat động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện tại, tất cả đều mới khởi đầu, nhưng tôi mong trong một vài năm tới, mỗi một bộ môn sẽ liên kết được với một hãng sản xuất công nghệ cao.

P.V: Thưa Giáo sư, thế còn mô hình "đào tạo phối hợp" mà lâu nay mỗi khi nói về ông người ta đều gắn với khái niệm ấy?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Mô hình đào tạo phối hợp từ chữ tiếng Anh “sandwich” mà ra. Đôi khi người ta còn gọi là mô hình đào tạo xen kẽ, tức là đào tạo một thời gian ở trong nước, một thời gian ở nước ngoài xen kẽ nhau. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt cho Trường ĐH Công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước của Đề án 322 để tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ Công nghệ micrô-nanô và ứng dụng theo mô hình 1+1 (hợp tác với Đại học Paris Sud – CH Pháp) và chương trình tiến sĩ Khoa học vật liệu và Công nghệ nanô theo mô hình 1+3 (hợp tác với ĐH Osaka – Nhật bản). Tháng 9 này, chúng tôi tiếp tục ký kết văn bản hợp tác đào tạo tiến sĩ phối hợp với các trường trong mạng lưới thuộc đại học Paris Sud cho năm ngành: Công nghệ thông tin, Viễn thông, Công nghệ nanô, Tự động hóa và Sinh học phân tử. Chúng tôi đã chuẩn bị tốt nguồn đào tạo tiến sĩ cho các chương trình trên. Sinh viên K46 vừa ra trường có trình độ tiếng Anh rất tốt (TOEFL trên 500 điểm) và số lượng các sinh viên này được chuyển tiếp NCS khá đông.

P.V: Thưa Giáo sư, tháng 6/2005 vừa qua, ông là Trưởng ban tổ chức Cuộc gặp gỡ các nhà khoa học trẻ Việt nam lần thứ nhất tại Nha Trang. Tại cuộc hội thảo đó, người Hiệu trưởng tiền nhiệm - GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã nói về cái gọi là “Đài cầu gió đông” tại Trường ĐH Công nghệ. Ông có còn nhớ điều đó?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Ý tưởng “đài gió đông” là một ý tưởng tuyệt vời, một tầm nhìn xa về chiến lược thu hút nhân tài của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu. Triển khai ý tưởng đó, trong công tác xây dựng đội ngũ, chúng tôi đang xây dựng một "cơ chế mở" cho việc tuyển dụng các thủ khoa tốt nghiệp của trường và đối với những người có trình độ tiến sỹ. Trước mắt, nhằm tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nhà trường, Ban Giám hiệu đang tích cực chuẩn bị cho việc thành lập một Chương trình khoa học liên ngành về “Thu nhận và xử lý thông tin Y – Sinh”. Chương trình này sẽ có một phương thức họat động rất mở, một địa chỉ thu hút hợp tác quốc tế và cũng sẽ là một địa chỉ thu hút các nhà khoa học trẻ về công tác tại trường. Trước mắt, các nhà khoa học trẻ có chuyên môn Công nghệ thông tin và viễn thông đã phối hợp với nhóm Công nghệ sinh học để khởi động họat động của Chương trình với đề tài “Xây dựng ngân hàng gien cho các phần mộ liệt sĩ”. Đối với các nhà khoa học trẻ có kết quả nghiên cứu khoa học tốt, chúng tôi còn xây dựng quỹ hỗ trợ để họ có thể tham dự và trình bày công trình nghiên cứu khoa học tại các hội nghị khoa học ở nước ngoài.

P.V: Thưa Giáo sư, một cách ngắn gọn, ông có thể nêu phương châm hoạt động trong năm học 2005 - 2006 của Trường ĐH Công nghệ?

Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Đức: Phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở tạo ra bước đột phá về qui mô, chất lượng các họat động khoa học - công nghệ và nâng cao hiệu quả công tác quàn lý hành chính - Đó là phương châm của chúng tôi. Một số giải pháp về khoa học - công nghệ tôi đã nói ở trên. Tôi rất muốn nhấn mạnh thêm là tổ chức quản lý trường đại học một cách khoa học và hiệu quả cũng có tác động tới chất lượng đào tạo. Việc quản lý phải hướng tới mục tiêu động viên chất xám của các nhà khoa học phục vụ một cách tốt nhất cho họat động đào tạo và nghiên cứu khoa học cùng các họat động khác của nhà trường. Cùng với việc đưa ra một mô hình quản lý tối ưu, giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo, việc nâng cao năng lực hoàn thành chức trách của các chuyên viên cũng rất quan trọng. Những điều lớn lao thường được bắt đầu từ những điều tưởng như đơn giản đó.

P.V: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi vừa qua. Chúc Giáo sư cùng tập thể cán bộ giảng viên và sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN hạnh phúc và tiếp tục gặt hái những thành công trong sự nghiệp "trồng người".

 Trần Đỗ (thực hiện) - Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :