Chắc chắn Trần Văn Giàu là một trong những tác gia đương đại lớn nhất của Việt Nam. Ông khởi nghiệp khảo cứu và trước tác từ rất sớm. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, ngay khi còn học tại Trường Đại học Phương Đông mang tên Lênin ở Mạc Tư Khoa, ông đã tham gia soạn thảo và chắp bút cho một số văn kiện quan trọng của Quốc tế Cộng sản có liên quan đến việc chỉ đạo Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1935 đến năm 1941, suốt gần bảy năm trong nhà tù đế quốc, lúc ở Khám Lớn (Sài Gòn), khi ở Côn Đảo và trong trại tập trung Tà Lài, Trần Văn Giàu thường xoay trần trên nền xi măng của xà lim, cặm cụi, bí mật soạn ra hàng chục tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Vượt qua sự rình rập, đòn roi khủng bố của mật thám, vị “Giáo sư đỏ” ngày ấy đã hăm hở tham gia giảng dạy cho các lớp huấn luyện của Đảng ở trong tù, góp phần trang bị cho nhiều lớp cán bộ, đảng viên những tri thức lý luận và kỹ năng tuyên truyền, tổ chức cốt yếu nhất.
Trong những ngày tháng gấp rút chạy đua với thời gian, chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Kỳ ở vào đêm trước cuộc Cách mạng tháng Tám, đích thân Bí thư xứ uỷ Trần Văn Giàu lại soạn ra nhiều cuốn sách nhỏ làm tài liệu huấn luyện, tuyên truyền trong công nhân và nhất là trong giới trí thức, công chức cao cấp, để qua đó, bằng lý luận và nhiệt huyết, thuyết phục, lôi kéo họ về phe cách mạng. Tiếc rằng cho tới nay, phần lớn những tác phẩm này của ông - hiển nhiên là có giá trị đặc biệt, còn đang bị thất lạc, chưa tìm lại được bao nhiêu.
|
Đồng nghiệp và học trò tặng hoa GS. Trần Văn Giàu nhân dịp khoa Lịch sử trường ĐHKHXH&NV đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2000 |
Cuộc cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nhưng chỉ gần ba tuần sau thực dân Pháp đã núp bóng quân Anh quay lại phát động chiến tranh nhằm tái lập chế độ thực dân ở Việt Nam. Nhân dân Nam Bộ là những chiến sĩ tiên phong anh dũng đối đầu với quân giặc Pháp. Trần Văn Giàu đứng ở vị trí tiên phong trong đội quân tiên phong ấy. Thời gian này, do yêu cầu của công tác cách mạng, ông đã thảo một số lời kêu gọi nhân dân Gia Đinh - Sài Gòn sẵn sàng chống thực dân Pháp trở lại gây hấn. Năm 1949, bất thần ông được gọi ra chiến khu Việt Bắc, được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau. Từ năm 1951 đến 1954 ông là Giám đốc, là giáo sư trực tiếp giảng dạy ở Trường Dự bị Đại học và Trường Sư phạm cao cấp trong vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Thời kỳ này ông vẫn tiếp tục viết, chủ yếu là các tài liệu lý luận tuyên truyền, huấn luyện chính trị.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ năm 1954 đến 1960 Trần Văn Giàu là một trong những giáo sư đầu tiên của nền Đại học Việt Nam mới, góp phần xây nền, đắp móng cho sự hình thành và phát triển của Trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là khoảng thời gian có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời ông. Từ đây hoạt động học thuật trở thành lĩnh vực hoạt động chính mà ông dành trọn vẹn thời gian, niềm đam mê, trí tuệ và nhiệt huyết, cống hiến hết mình. Những ngày đầu tiên ấy, ở trường đại học thầy thiếu tài liệu để dạy, trò thiếu sách để học. Trong bối cảnh đó, những công trình khoa học đầu tiên mà Trần Văn Giàu biên soạn như: Triết học phổ thông, Chống xâm lăng (3 tập, 1956), Lịch sử Việt Nam, thời kỳ từ 1897-1914 (viết chung, 1957), Giai cấp công nhân Việt Nam - sự hình thành và phát triển của nó từ giai cấp "tự mình" đến giai cấp "cho mình" (1957), Lịch sử cận đại Việt Nam (chủ biên, gồm 4 tập, 1960 - 1963), có giá trị như những cẩm nang cho thầy và trò các ngành khoa học xã hội - nhân văn.
Từ năm 1960 sau khi chuyển sang công tác tại Viện Sử học thuộc Uỷ ban KHXH Việt Nam, Trần Văn Giàu tiếp tục công bố các công trình đồ sộ, trong đó nổi bật lên là các bộ sách Giai cấp công nhân Việt Nam - Từ Đảng Cộng sản thành lập đến cách mạng thành công (3 tập, 1962-1963), Miền Nam giữ vững thành đồng (5 tập, 1964 - 1965) và Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám (3 tập, 1973 - 1993).
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông về sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó tới nay, mặc dù tuổi cao, sức khoẻ cũng không còn được như trước nữa, nhưng với một trí nhớ vô cùng minh mẫn, ông vẫn tiếp tục miệt mài khảo cứu, suy ngẫm, hoàn thiện những công trình đã ấp ủ từ trước và công bố những công trình mới. Học trò nhiều thế hệ, từ những người từng được ông kèm cặp, nay đã trở thành những học giả danh tiếng, cho tới lớp sinh viên mới chập chững vào nghề, đọc sách ông viết và tự nhận là môn sinh gián tiếp của ông, vẫn kéo nhau về xin gặp ông để được nghe ông nói, thấy ông cười, được ông chỉ dẫn cho nhiều điều. Học giả nước ngoài, dù với nhiều quốc tịch và chính kiến khác nhau, nhưng nếu nghiên cứu về Việt Nam thời cận - hiện đại mà chưa được gặp ông - để phỏng vấn, để tham bác và tranh luận, thì vẫn còn tự coi như chưa “đắc đạo”!
Các công trình được tuyển chọn và công bố trong tập I và II của bộ sách “Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” đương nhiên là những công trình tiêu biểu nhất của ông. Mặc dù hai tập sách đã rất đồ sộ (với tổng cộng 3558 trang), nhưng đó cũng chỉ thể hiện được một phần những cống hiến học thuật mà Trần Văn Giàu đã dâng tặng cho cách mạng, dân tộc và nền khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam.
Như đã nói ở trên, Trần Văn Giàu khởi nghiệp trước tác từ rất sớm ở lĩnh vực lý luận-chính trị. Ngoài các tài liệu tuyên truyền, huấn luyện, ông cũng biên soạn khá nhiều sách triết học, kinh tế chính trị, khảo luận văn chương. Nhưng sử học chính là lĩnh vực mà tại đó ông đã khẳng định rõ ràng nhất đóng góp to lớn và uy tín học thuật bao trùm của mình.
Ảnh hưởng và uy tín của Trần Văn Giàu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận - hiện đại được khẳng định trước hết không phải bởi số lượng khổng lồ các công trình đã công bố, mà chính là ở cách tiếp cận và thái độ nghiêm túc nghề nghiệp ông thể hiện nhất quán trong tất cả các công trình đó. Không nghi ngờ gì, rằng Trần Văn Giàu là một sử gia mác-xít. Chất mác-xít - nói như lời của một học trò của ông, GS. Trần Quốc Vượng, đã “ăn” vào máu thịt ông (Trần Quốc Vượng, Khoa Sử & tôi, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 67).
Điều cần nói rõ ở đây là: thế giới quan mác-xít được thể hiện theo một cách rất riêng trong phương pháp mà Trần Văn Giàu tiếp cận và nghiên cứu lịch sử. Chắc chắn là ông thuộc vào thế hệ những trí thức Tây học đầu tiên tự nguyện tiếp nhận phương pháp tư duy mác-xít một cách hoàn toàn duy lý, khoa học và đối xử học thuyết Mác - Lênin một cách khoa học - đúng như Mác từng đòi hỏi. Nhờ thế mà trong khi vận dụng phương pháp luận mác-xít vào nghiên cứu lịch sử dân tộc, ông đã giảm thiểu được tối đa những khuyết tật do bệnh giáo điều, máy móc vốn là căn bệnh khá trầm kha của giới sử gia mác-xít không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước thuộc phe XHCN trước đây. Quả thực, ông đã nghiền ngẫm rất nhiều trong việc vận dụng lý thuyết về hình thái kinh tế - xã hội và học thuyết đấu tranh giai cấp vào việc phân kỳ lịch sử Việt Nam, và chính ông cũng sớm nhận ra rằng không thể cứ nhất nhất phải “gò” giai đoạn này hay giai đoạn khác của lịch sử dân tộc vào hình thái kinh tế - xã hội này hay hình thái kinh tế - xã hội kia.
Nguyên tắc quan trọng nhất trong nhận thức và trình bày lịch sử của Trần Văn Giàu là tôn trọng sự thực. Đó là cách viết sử mà ông gọi là “việc có ngày tháng, người có tên tuổi” (Trần Văn Giàu, Lời đề tựa cho cuốn Nam Kỳ khởi nghĩa của Trần Giang, NXB Chính trtị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 10). Sách ông viết, từ Chống xâm lăng, Giai cấp công nhân Việt Nam (hai bộ) đến Miền Nam giữ vững thành đồng và Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam cứ ngồn ngộn tư liệu, tư liệu từ nhiều phía, khai thác từ nhiều nguồn. Ông lại vốn rất cẩn trọng trong sưu tầm và sử dụng sử liệu, luôn luôn phê phán, so sánh, định rõ độ xác tín của chúng. Tư liệu ông đã dùng thường phải có chú dẫn rõ ràng. Phần nào chưa rõ, còn nghi ngờ, ông cũng nói rõ để người đọc thận trọng, tự kiểm chứng. Công trình của ông, dù ăm ắp những tư liệu nhưng người đọc không hề thấy nhàm chán, mà ngược lại bị cuốn hút mạnh mẽ do cách ông biện giải rất hùng hồn, mạch lạc. Vì thế mà không chỉ người học sử, nghiên cứu sử ở trong nước mà cả học giả nước ngoài cũng ham đọc sách của ông. Ông là học giả Việt Nam đương đại được trích dẫn nhiều nhất trong các công trình của người nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam cận đại. Lật xem phần danh mục tài liệu tham khảo ở cuối các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài nổi tiếng như David G. Marr, William J. Duiker, Jayne S. Werner, Huỳnh Kim Khánh, Alexander B. Woodside, Stein Tonnesson, Daniel Hemery, Pierre Brocheux, Martin Murray, Bernard B. Fall, Shawn F. McHale, Furuta Motoo, Wilfred Lulei, vv bao giờ cũng có một vài đầu tài liệu của Trần Văn Giàu. Không hẳn những học giả nói trên khi tham khảo sách của ông đều nhất trí với các luận điểm của ông. Nhưng dù ý kiến họ có khác hoặc trái hẳn với quan điểm của ông - trong khoa học thì điều đó cũng là chuyện bình thường thôi, thì họ đều tỏ ra nể trọng ông. Không ít người ca ngợi ông chẳng kém gì học trò ông tôn vinh ông ở trong nước.
Hai bộ sách của ông viết về lịch sử phong trào công nhân Việt Nam là những công trình được tham khảo và trích dẫn nhiều nhất ở cả trong nước và nước ngoài. Người ta tham khảo hai bộ sách này trước hết vì nó sống động và ngồn ngộn tư liệu, như đã nói ở trên. Nhưng điều làm cho các bộ sách này được đánh giá cao, tham khảo rộng rãi còn chính là vì phương pháp, cách tiếp cận mà Trần Văn Giàu thể hiện trong các công trình nghiên cứu này. Ở nước ngoài và nhất là ở Việt Nam có nhiều người đã tìm cách trình bày, lý giải các quá trình, sự kiện của lịch sử cận - hiện đại Việt Nam theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, trong phần lớn các công trình được phát hành bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều nước ấy đều có chung cách nhìn, cách trình bày khiến cho lịch sử chỉ còn là lịch sử của các chính đảng, các lãnh tụ, các tôn giáo và các nhóm élite (thượng lưu) đủ loại. Chỉ có trong các công trình nói trên của Trần Văn Giàu thì lịch sử mới thực sự được trình bày như là “sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, trong đó diện mạo, hình hài, tâm tư, nguyện vọng, hoạt động của quần chúng đã được tái hiện sinh động và cụ thể. Cách viết sử ấy của Trần Văn Giàu rõ ràng đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức luận và các tiếp cận của nhiều học giả trong và ngoài nước. Ở Việt Nam, kế tiếp công trình của ông đã xuất hiện một số nghiên cứu khác rất có giá trị về công nhân, nông dân, phụ nữ vv được thực hiện theo cách tiếp cận này. Ở nước ngoài, phải đợi tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước mới xuất hiện một vài nghiên cứu theo hướng “bottom up” (nhìn từ dưới lên), trong đó cuốn sách đồ sộ về Cách mạng tháng Tám của David G. Marr Vietnam 1945: the Quest for Power (Việt Nam năm 1945: việc giành chính quyền) là công trình tiêu biểu nhất.
Ngày nay, việc áp dụng các cách tiếp cận của nhân học, xã hội học và folklore học vào nghiên cứu và trình bày lịch sử theo kiểu “bottom up” đang ngày một trở nên thịnh hành trong giới sử gia nhiều nước, và đã bắt đầu có dấu hiệu trở thành xu hướng cực đoan, "thấy cây mà không thấy rừng". Chính trong bối cảnh này bộ sách Giai cấp công nhân Việt Nam của Trần Văn Giàu lại càng khẳng định được giá trị có tính phương pháp luận của nó. Trong khi viết sử, dù lấy phong trào quần chúng làm đối tượng chính, Trần Văn Giàu vẫn duy trì được cái nhìn đa diện, đa chiều, không cực đoan, không thiên lệch. Nghiên cứu về công nhân mà chỉ ra cái ranh giới chính trị-xã hội vừa rõ ràng, vừa mong manh giữa hai lớp người, một lớp là "thầy", lớp kia là "thợ"; chỉ ra được mối tương tác giữa chính thể, đoàn thể quần chúng và giai cấp công nhân thì ở Việt Nam chỉ có Trần Văn Giàu làm được, còn ở nước ngoài Joseph Buttinger và Martin Murray mới chỉ gợi ra được một vài ý tưởng theo hướng đó mà thôi.
Bộ sách khác của Trần Văn Giàu cũng rất nổi tiếng cả ở trong nước và ở nước ngoài chính là công trình gồm ba tập Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám mà ông công bố trong khoảng thời gian 1973-1993. Đây chính là bộ công trình mà ông Dụng công, Dụng tâm, Dụng trí nhiều hơn cả để hoàn thành. Vốn chuyên viết giáo trình, khảo cứu và dựng lại lịch sử các phong trào quần chúng, khi bắt đầu bước sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Văn Giàu biết rất rõ rằng ông đang tự mình đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp.
Trong lời nói đầu cho Tập I, ông kể rằng: "Đề tài Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám đã đến với tôi gần như tự nhiên sau khi tôi viết xong bộ Giai cấp công nhân Việt Nam." Thế nhưng: "Đơn thương độc mã đi vào lĩnh vực lịch sử tư tưởng, ít ra là trong những bước đầu, thật là đáng lo, đáng sợ, không phải không có lúc nào chùn chân. (...) ở đây vấn đề thì rất hấp dẫn, việc làm lại rất khó khăn, cái gì cũng khá mới lạ, chỉ có một cái quen thuộc là phương pháp luận, nhưng các nguyên lý của phương pháp luận ứng dụng vào lịch sử tư tưởng Việt Nam thì sao là đúng, chắc chắn phải vào việc một hồi lâu mới biết rõ được".
Tính cách, hay đúng hơn, nhân cách của Trần Văn Giàu là thế: trong hoạt động cách mạng cũng như trong lao động học thuật, ông ưa chọn việc khó, ưa làm người mở đường và khai phá, không phải cốt lập cho được kỳ công để lưu danh với hậu thế, mà cốt phá cái thế bế tắc, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Quả thật là đến cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ 20, không chỉ cách mạng Việt Nam mà chính là nhu cầu phát triển chung của đất nước, đặc biệt là của chính bản thân các ngành KHXH&NV, đòi hỏi phải có một sự trình bày mang tính hệ thống và tổng kết về diễn trình tư tưởng Việt Nam từ khi Pháp xâm lược tới 1945. Đó là nhiệm vụ nan giải và quá phức tạp, ngoài Trần Văn Giàu khó có ai có đủ tư cách, năng lực và bản lĩnh để đảm nhận. Trần Văn Giàu đã tự nhận lấy nhiệm vụ đó về mình, lao tâm, khổ tứ, thận trọng và bền bỉ khảo cứu suốt hơn 20 năm, và chính ở đây cái Tâm và cái Tài của ông đã toả sáng mạnh mẽ nhất. Ngay sau khi hai tập đầu của công trình được công bố (1973-1975) nó đã được giới khoa học trong nước và quốc tế nhiệt liệt chào đón. David G. Marr, một trong những chuyên gia lớn nhất về Việt Nam ở phương Tây đã nhận xét về bộ sách như sau: "Trong số các công trình đã xuất bản bằng mọi thứ tiếng trên thế giới thì đó là bộ sử tốt nhất về tư tưởng Việt Nam". (Marr, David G., Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945. University of California Presss, Berkeley, 1981, p. 449).
Thiết nghĩ, lời nhận xét trên đây của một sử gia phương Tây lớn như David G. Marr đã đủ nói lên chân giá trị của công trình mà Trần Văn Giàu “đau thiết” hơn 20 để hoàn thành. Ngay khi bắt tay vào soạn thảo tập I của bộ sách, Trần Văn Giàu đã khiêm tốn xác định công việc ông làm chỉ là “góp phần tìm hiểu lịch sử cách mạng Việt Nam” mà thôi. Cách tiếp cận này giúp ông nhìn vấn đề sáng tỏ hơn, bởi lẽ - như ông nói rõ, ông không có tham vọng trình bày cặn kẽ toàn bộ lịch sử tư tưởng Việt Nam cận đại, không nhất thiết phải đi sâu vào các vấn đề có tính chất triết học, thần học, luận thuyết và các nhà tư tưởng, mà chỉ tập trung làm sáng tỏ khía cạnh tư tưởng của cuộc cách mạng Việt Nam mà thôi. Tuy xác định giới hạn của đề tài như vậy, nhưng trên thực tế, Trần Văn Giàu đã không tránh né, mà ngược lại còn đi sâu khảo cứu hầu hết các cuộc đấu tranh tư tưởng phức tạp diễn ra ở Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cận - hiện đại với thái độ vô cùng thận trọng, nhờ đó mà những kiến giải ông đề xuất đã trở thành kim chỉ nam, là chỗ dựa cho hàng loạt các công trình khác về lịch sử tư tưởng Việt Nam xuất hiện sau đó.
Trong cách viết sử của phương Tây, một điều tối kị là: sử gia không được phép bộc lộ tình cảm cá nhân của mình trong khi mô tả hoặc luận giải lịch sử. Điều đó khiến cho các trang sử họ viết bao giờ cũng mang một vẻ khách quan, đôi khi tới mức lạnh lùng, mặc dù nhà sử học lớn người Đức Johann Martin Chladenius đã viết từ thế kỷ 18 rằng: “Quả thực là sai lầm khi người ta đòi hỏi rằng nhà viết sử phải thể hiện mình như một thứ người không tôn giáo, vô tổ quốc, không gia đình, mà không biết rằng đang đòi hỏi cái không thể đòi hỏi”.
Đọc sách của Trần Văn Giàu, người ta có thể cảm nhận được cả cái Tâm và cái Tình ông gửi gắm vào trong từng trang viết. Với những thán từ rất điển hình “Ô hô!”, “A ha!” “Gớm thay!” “Úi da!” người đọc như đang nghe thấy ông diễn thuyết, thấy ông khi cười vui rạng rỡ, khi hóm hỉnh, chua cay, khi nổi trận lôi đình, khi khinh bỉ, cười cợt… Có hai điều cần phải nói rõ là: thứ nhất, dù không ngần ngại thể hiện thái độ của mình như vậy, nhưng Trần Văn Giàu không hề vì thế mà vi phạm quy tắc khách quan, trung thực của người viết sử, bởi lẽ ông luôn luôn đứng vững trên lập trường dân tộc, tức là đứng về phía Quần chúng Nhân dân Việt Nam mà trình bày và phán xét lịch sử. Người ta thấy ông khen, chê mà không gò bó, gượng ép hay thiên lệch. Chẳng hạn, ngay cả khi ông “mắng mỏ” cái chủ nghĩa quốc gia của Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong là thứ “chủ nghĩa quốc gia ăn xin”, thì người ta cũng chỉ thấy có cái nghiêm khắc của Dân Tộc và Nhân dân, chứ không phải sự lên án của riêng một cá nhân con người là Trần Văn Giàu.
Thứ hai, nên nhớ rằng Trần Văn Giàu không chỉ là một sử gia lớn mà trước hết chính là một nhân vật lịch sử lớn của lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Ông không chỉ là người viết sử, mà còn góp phần làm ra lịch sử. Đối với nhiều sự kiện lớn, ông không chỉ là người trực tiếp tham gia ở “vai phụ” mà là với “vai chính”, thậm chí là người “đạo diễn” nữa. Với lợi thế của “người trong cuộc”, ông dễ dàng nắm bắt được đúng bản chất, hiểu đúng chiều sâu của sự kiện và quá trình lịch sử, vừa bằng trí tuệ, và còn bằng cả tình cảm và sự trải nghiệm cá nhân. Thế nhưng cũng vì vậy, “người trong cuộc” khi viết sử rất dễ bị “cái tôi” làm cho thiên lệch, và bản thân Trần Văn Giàu ý thức được về điều này. Chính vì vậy, viết sử, dù khen hay chê ông đều có ý thức rất rõ: không bao giờ chỉ dựa vào tình cảm, kinh nghiệm, trải nghiệm bản thân, mà nhất nhất dựa vào sử liệu. Vì vậy mà người ta, nhất là học giả nước ngoài, dù thấy ông khen - chê dữ dội, rạch ròi mà vẫn ham đọc sách ông, không chê ông cực đoan, cảm tính, võ đoán.
Cuối cùng, để tiếp cận các công trình khoa học của Trần Văn Giàu, có lẽ cũng nên biết thêm rằng ông là con người phải gánh chịu nhiều niềm đau lớn. “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” - Ức Trai - Nguyễn Trãi nói thế - vận vào người Ức Trai và Trần Văn Giàu như thế. Lộ trình bão tố gập gềnh của đời ông, từ một trí thức Tây học, con nhà giàu, trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, tù nhân, lãnh tụ, rồi cuối cùng thành học giả, thành người viết sử, là lộ trình của nhiều niềm đau nhân thế. Cha ông mất khi ông còn biệt xứ, nhiều năm sau trốn mật thám trở về lặng lẽ lạy mồ cha ở một khu ruộng giữa đêm vắng vẻ; Rồi mẹ ông cũng lặng lẽ ra đi khi ông còn bôn ba khắp các chiến trường; Người vợ hiền thục của ông phôi pha cả tuổi thanh xuân mòn mỏi đợi chồng, có lúc đã phải vào chùa đi tu để tránh sự gièm pha ác độc của dư luận … Nhưng đó mới chỉ là “những niềm đau nhỏ”. Còn những nỗi buồn, những niềm đau lớn hơn đã bám đuổi, ám ảnh ông suốt nhiều năm tháng. Có thấu hiểu những nỗi niềm của lòng ông ta mới phần nào thấy được nghị lực phi thường của ông, mới hiểu được rằng ông không chỉ là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một học giả, người Thầy lớn, mà còn chính là một NHÂN CÁCH LỚN.
Hà Nội, mùa thu năm 2004
|