Lại có những cư xá sinh viên, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú và các công trình phúc lợi công cộng. Nếu như thế, chúng ta chỉ có thể nghĩ đến một Hoà Lạc ở miền Bắc hay một Thủ Đức ở miền Nam trong tương lai của các Đại học Quốc gia.
Ấy vậy mà trong cuộc đời đi dạy học của tôi, tôi đã được thấy một làng đại học của ta theo hình mẫu đó. Riêng về cảnh quan thiên nhiên thì nó không thua bất cứ làng đại học quốc tế mà tôi đã có nhiều dịp biết đến.
Làng đại học mà tôi đang nói đây không ở Hà Nội hay một đô thị nào. Nó tồn tại trong cảnh rừng núi thâm u, trong những tháng năm nghèo khó và gian khổ nhất. Đó là “làng đại học” sơ tán của Đại học Tổng hợp Hà Nội ở thung lũng Đại Từ (Thái Nguyên) trong cuộc kháng chiến lần thứ hai.
Một làng đại học vô tiền khoáng hậu.
Tôi nghĩ thế e chủ quan nên đã kiểm thảo lại. Vài năm trước, một lần trên đường đi Sơn Tây, khi qua Hoà Lạc được mọi người hồ hởi giới thiệu vùng đất mới của Đại học Quốc gia buổi ban sơ. Nhìn cảnh quan của thung lũng chạy dài tới chân Ba Vì thật đẹp, những triền đồi cây cối xanh mướt, khe đá, suối nhỏ reo, tôi ngờ ngợ cảnh này như đã gặp đâu đó. Rồi tôi giật mình. Thôi đúng rồi, cái cảnh “mây núi hiu hiu chiều lặng lặng” này chính là một phiên bản của làng đại học Đại Từ thời sơ tán bốn năm ngày ấy, không lẫn vào đâu được. Cũng cảnh đấy người đây, chỉ có điều xưa là chạy giặc, còn nay thì xây nhà cho tương lai. Hai bản quy hoạch tổng thể hiện đại mà Đại học Quốc gia mới công bố càng củng cố lòng tin của tôi rằng ngày xưa Đại học Tổng hợp đã từng có một làng đại học như thế, không phải dưới chân Ba Vì mà dưới chân Tam Đảo với một quy hoạch “tự cung, tự cấp” thời chiến.
|
Đoàn cán bộ của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây nay là trường ĐHKHXH&NV và ĐHKHTN - ĐHQGHN trong lần về thăm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 2003. Ảnh: Bùi Tuấn |
Xuân - hè năm 1965, tiếng bom rền nổ, nhiều đội tìm kiếm địa điểm sơ tán của trường Đại học Tổng hợp được tung lên các miền trung du và thượng du Việt Bắc với yêu cầu tìm cho được một căn cứ sơ tán an toàn, thuận tiện, gần dân, xa các trọng điểm đánh phá… Thật là khó. Các địa danh Bắc Giang, Vĩnh Phú, Thái nguyên, Tuyên Quang trở nên quen tai, nhưng cũng đã có mặt các trường đại học khác. Tháng 8, sau đợt tuyên truyền xung phong ở tuyến lửa khu IV trở về, lớp sinh viên tốt nghiệp chúng tôi hay tin một số chúng tôi sẽ ở lại trường, nhưng trường sẽ chuyển cư đến một vùng đất mới ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái nguyên. Chợt nghe tôi bỗng nhớ ngay câu ngạn ngữ: “Lử khử lừ khừ, chẳng ở Đại Từ, cũng ở Vũ Nhai” và hình dung ra những cơn sốt rét rừng đang chờ đợi một mai. Trong khi đợi quyết định bổ nhiệm, chúng tôi tham gia vào các dịch vụ chuẩn bị di chuyển của trường. Từ ngôi trường Lê Thánh Tông, từ Mễ Trì… cứ chiều xuống là những chiếc xe tải ngụy trang lặng lẽ theo đường lên tỉnh trung sơn mang theo phòng thí nghiệm, thư viện, nhà ăn,… trường mang một cái “mên” (e-mail) mới, thuở ấy chưa biết đến chữ @, một hòm thư lưu với mật danh T104-BC11C. Nghe những người đi trước kể lại thì Đại Từ nơi ấy cảnh đẹp nhưng hiu hắt và dân nghèo lắm. Sinh viên các lớp khoá 7, 8, 9 sau nghỉ hè lập các đại đội, đi tàu đến ga Phổ Yên rồi hành quân bộ băng rừng theo lối Quân Chu - Ký Phú. Lớp Ngữ văn K8 tôi nhớ là sinh động hơn cả, họ có tới 108 thành viên kéo nhau lên núi. Đúng là Lương Sơn Bạc. Lớp này học giỏi, văn nghệ hay, và rất đa dạng vì được trộn bởi các sinh viên giỏi từ phổ thông vào với các sinh viên Cao đẳng Thư viện học nối tiếp và một phần nữa là các sinh viên đi học nước ngoài trở về học tiếp theo tinh thần “khoa học xã hội phải do ta đào tạo!”.
|
PGS.TS Phạm Xuân Hằng - Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV cùng tập thể giáo viên tại Ủy ban ND Huyện Đại Từ - Thái Nguyên, tháng 10/2004 |
Đầu tháng 10, tôi được lệnh theo các thầy lên nơi sơ tán. Là đứa em út của khoa tôi hiểu tinh thần “làm dâu trăm họ” không được từ nan như thầy Nguyễn Tài Cẩn dặn dò khi tôi nhận việc ở bộ môn.
Chiến tranh lan đến đã làm tôi chấm dứt mơ màng với những chiều thu bát phố Hà Nội “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”. Đeo ba lô leo lên chiếc xe ca Ba Đình hun khói, không hẹn ngày về, tôi nhớ câu thơ:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại,
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Nhưng chúng tôi thì không thể không ngoảnh lại. Với tôi, tình cảm mà Quang Dũng nói trong bài thơ “Tây tiến” là rất thật, vẫn nhắc nhở, thôi thúc “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Qua đất trung du, thấp thoáng khu gang thép Thái Nguyên, rồi Quán triều, Bờ đậu,… Đại Từ mở đầu bằng một cuộc xe lội nước qua ngầm sông Công, ở trên cao là một cây cầu treo sơn cước. Từ đây tôi bắt đầu nhìn thấy “cảnh rừng Việt Bắc thật là hay”. Mươi lăm năm trước, phố huyện Đại Từ là “đô thị” tấp nập của một thời kháng chiến chống Pháp, còn nay là một phố nhỏ hoang sơ thời chiến. Xe qua những quả đồi, con dốc trên một đoạn đường hơn mười cây số đầy sỏi đá mấp mô thì bỗng chốc hiện ra trước mắt chúng tôi một thung lũng xanh rờn, chúng tôi như bừng tỉnh khi ra khỏi bìa rừng. Thung lũng chạy dài tới tận chân Tam Đảo sừng sững, có dòng suối lớn uốn quanh với những xóm mờ xa sau luỹ tre trong khói lam chiều. Đây rồi, chính là làng đại học của chúng tôi, nơi mà trước đây chúng tôi chỉ mường tượng qua bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu.
|
PGS.TS Trần Kim Đỉnh - Chủ tịch Công đoàn ĐHQGHN với cô giáo và học sinh trường mẫu giáo xã Văn Yên. |
Chúng tôi đổ bộ xuống, lội qua dòng nước suối trong vắt, và bắt đầu một cuộc đời mới.
Thung lũng Đại Từ ngày ấy không khác gì một bồn địa Hoà Lạc của Đại học Quốc gia nay. Làng Đại học của chúng tôi bao gồm các xã Văn Yên, Ký Phú, Vạn Thọ, Lục Ba, gọn ghẽ trong một hình chữ nhật, mỗi bề khoảng 4-6 cây số (khoảng 2.500 hecta) là diện tích lý tưởng cho một làng đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Cảnh quan nơi đây thật đa dạng sinh học, có núi có sông, có rừng, có bãi. Thú rừng còn nhiều. Mỗi ban mai chúng tôi nghe “gà rừng gáy trên nương rồi”. Sau này khi có dịp đến rất nhiều làng đại học trên thế giới, tôi mới hiểu là Đại học Tổng hợp ngày ấy đã chọn được một nơi đắc địa về “hạ tầng” thiên nhiên.
Lại một quy hoạch cũng thật tự nhiên được nhà trường bố trí. Các khoa được sắp xếp men theo các sườn núi cách nhau vài ba cây số. Tôi nhớ Khoa Địa ở Lục Ba, Khoa Sử ở xóm Chùa (nay đã là đáy hồ Núi Cốc), Khoa Văn ở xóm Núi và Tràng Dương, Khoa Toán ở xóm Bầu, Khoa Hoá ở xóm Bậu, Khoa Sinh ở Ký Phú. Hiệu bộ và Khoa Lý đóng ở giữa thung lũng, trung độ, gần đường, tiện đến các khoa, cách đó hơn một cây số là thư viện trường trên những quả đồi có tên rất hay là làng Duyên.
|
Ngôi trường mẫu giáo xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên xây bằng tiền do cán bộ giáo viên của ĐHQGHN quyên góp. |
Một quy hoạch như thế, như có người nói, “nay có mời tây đến làm cũng không hơn”. Phỏng theo một bài ca dao kháng chiến, chúng tôi ca:
Trường tôi mây chắn núi bưng,
Mai nứa trên rừng kết lá ngụy trang,
Lá nguỵ trang hôm tươi hôm úa,
Núi quanh miền hôm trắng hôm xanh,
Trường tôi một dạ nhiệt thành,
Đói no chẳng quản, rách lành chẳng nao,…
Đúng là như thế. Trong bốn năm có lẻ, cái làng đại học nên thơ và gian khó ấy đã bất chấp đói rét, cơ hàn, bom đạn, đào tạo nên nguồn lực khoa học cho chiến tranh và cho hoà bình. Nhiều chính khách, những tài năng lớn trong khoa học và nghệ thuật đã lớn lên từ những gánh cơm, gánh củi rừng Đại Từ ngày ấy. Một làng đại học Việt Nam xuất phát từ thực tế sinh động của ta với những cái đầu có trí tuệ, biết nhìn xa thuở ấy, thì dù gian khó, vẫn có hiệu quả cao. Không ai có thể kể hết được mọi chuyện toàn cảnh của trường trong những tháng năm đó. Riêng tôi, làng đại học Đại Từ đã để lại những cảm xúc đầu đời thật dung dị và và vô cùng sâu sắc.
Tôi đặt chân đến trường được hai tháng thì làng đại học đã bước đầu ổn định, lớp học, phòng thí nghiệm, lán trại đã gần xong, đường sá đã được tu sửa… tất cả bằng sức lao động của thày và trò chúng tôi. Trong lao động, sự vui nhộn là liều thuốc bổ vô giá. Không biết từ đâu ở Khoa Ngữ văn đã ra đời một tiểu thuyết chương hồi truyền miệng: ”Sơ tán diễn nghĩa”, các nhân vật đều có từ người thật việc thật. Có những chương nhớ mãi tới bây giờ, cứ sau mỗi chương thì hình như sinh viên các lớp lại sáng tác về chuyện lớp mình rồi nối vào, thành ra có nhiều dị bản. Có những chương ngày ấy ai cũng biết, như:
Ngụy hiệu trưởng dắt xe lên non,
Hoàng chủ nhiệm cưỡi trâu qua suối.
Chả là từ ngày lên đây, GS. Ngụy Như Kontum đã để lại Hà Nội chiếc xe hơi “Mốt-cô-vich” đời 1946 cũ kỹ, thay vì nó, ông đạp xe đạp đi hết khoa này khoa khác để kiểm tra, động viên thầy trò. Còn GS. Hoàng Xuân Nhị - Chủ nhiệm khoa tôi, thì một hôm đeo ba lô chở gạo qua suối Đôi, nước lũ to, thầy lúng túng, các trò K8 bèn nghĩ ra kế cho người mượn trâu để thầy ngồi lên, ôm thầy rồi đánh trâu qua suối an toàn. Thầy trò mừng lắm. Lại một chương khác rất hay, ngọn nguồn chắc cũng từ K8:
“Rừng Tràng Dương, Trương Khuê chạy lợn
Núi Tương Tư, Cung Việt đề thơ”.
Xóm Tràng Dương là bản doanh của lớp K8, lớp đông vui nhất, có nhiều giai thoại nhất, hồi trên có nguyên do là trong số sinh viên của lớp này leo núi vào rừng đốn gỗ có anh Trương Khuê, người Nam bộ, sinh viên ngành Ngôn ngữ. Anh mới bên nước Đức về học tiếp, vốn thư sinh, trông như tây, lại chưa quen rừng núi nên khi gặp một chú lợn rừng, sợ quá bèn bỏ chạy đứt hơi. Anh em hỏi ra mới biết, liền đi lùng lợn cỏ để săn thì không được, cứ tiếc mãi. Còn một người bạn khác là nhà thơ Phan Cung Việt, hồi đó đang tập làm thơ, đồn rằng, có lần hứng chí, bắt chước người xưa, anh đã đề thơ lên vách núi.
|
Khánh thành nhà mẫu giáo xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. |
Nói vậy thì nói chứ cuộc sống miền sơn cước cũng không phải ngay lập tức làm cho chúng tôi quen được. Những ngày tháng thanh bình ở thủ đô và lời hẹn hò ngày về vẫn thấm trong lòng chúng tôi một nỗi nhớ khôn nguôi. Nhìn làng đại học mới, khói sóng lúc hoàng hôn, chúng tôi không khỏi nhớ nhà và cảm thấy cô đơn:
“Đây bốn bề núi núi,
Heo hút vắng tăm người,
Đèo cao rồi lũng hẹp,
Dăm túp lều chơi vơi,
Chúng tôi sống ở đó,
Cách xa hẳn cuộc đời,
Ngày ngày ngóng đợi tin xuôi ngược,
Chỉ thấy mây xanh bát ngát trời”.
(thơ Thôi Hữu)
Chuyện học ở làng đại học ngày ấy cũng thật nghiêm túc và tự giác, sinh viên có giờ học, giờ tự học, tự tu, giờ tăng gia và thể thao, tối đi ngủ sớm (10 giờ) để lấy sức cho ngày hôm sau. Ngày nghỉ thì đi củi đi nương, giúp dân. Bà con nông dân miền sơn cước tiếp xúc với thầy và trò hiểu ra những người trí thức chính là con em họ gần gũi họ, chính vì vậy, cũng như anh vệ quốc quân ngày trước, với chúng tôi, bà con đã:
“Yêu quý con như đẻ con ra,
Cho con nào áo nào quà,
Cho con củi sưởi, cho nhà con ngơi.”
Trường sở là những lớp học triền đồi hay ven suối, do bàn tay thầy trò dựng lên, thật chính quy. Mỗi lớp bốn năm chục mét vuông, đào sâu xuống đất thành hố, xung quanh là luỹ cao, trên nữa là phên tre vách nứa với các cửa sổ đầy nắng. Bàn ghế thẳng tắp, bục thầy kê cao bên bảng đen. Mỗi lớp học đều nối với “thông hào luồn dưới bóng cây xanh rờn”. Trừ khi có báo động máy bay đến còn thì lớp học thật yên bình. Tiếng thầy giảng lạc vào không gian trong tiếng suối, tiếng chim hót xa xa. Chúng tôi hát “Bài ca người thợ rừng” của Phạm Tuyên mà thấy mình giống như họ vậy.
“Rừng ơi, ta đã về đây
Mang sức của đôi tay
Lao động khó khăn không quản ngại,
Rừng ơi! Trong tiếng ca hôm nay
Vang lên cuộc đời sáng tươi trong tương lai,…”
Tôi nhớ nhất là những cái thư viện. Trước chiến tranh, dù nghèo, Đại học Tổng hợp đã thu xếp được một thư viện khá tốt với nhiều sách trong nước và ngoài nước, nhất là đã thường xuyên cập nhật được thông tin khoa học nhờ có rất nhiều sách tiếng Nga và tiếng Hán do được hưởng giá tiền bao cấp. Mỗi khoa lại có một thư viện riêng nữa. Khi trường sơ tán chúng tôi lo lắm về tương lai các thư viện. Vậy mà nhờ cái nhìn xa của ông hiệu trưởng, trường và các khoa đã có những cố gắng cao nhất để giữ gìn và phổ biến các sách thư viện. Tại khu sơ tán, thư viện trường (chúng tôi quen gọi là thư viện Làng Duyên) và thư viện các khoa được dựng ở những nơi thoáng mát nhất, với những cái lán khang trang và xinh xắn nhất. Sách báo được giữ gìn cẩn thận trên các giá và phục vụ người đọc cả tuần, thầy và trò lui tới thư viện rất đông. Đội tự vệ chúng tôi được phát súng và đạn, nhưng duy nhất chỉ có thư viện khoa là được canh phòng vào buổi tối với hai đội viên mang theo chăn chiếu đến ngủ.
Làng đại học ở giữa lòng Việt Bắc đã giúp chúng tôi hiểu thêm rất nhiều về thực tế. Công tác điền dã vô cùng thuận lợi cho nhiều chương trình. Việc thực tập thường niên của sinh viên năm thứ ba thất đa dạng và hứng thú cả về tự nhiên và xã hội, tính chất kinh viện và sách vở đã giảm đi. Tôi đã có dịp nhắc đến một lớp học của khoa tôi tại thực địa. Để góp phần nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc, thí nghiệm một cách đào tạo mới, cuối năm 1966, trường đã cho phép chúng tôi mang hẳn một lớp học rời khỏi trường ở Đại Từ đến rẻo cao tận Cao Bằng để học và thực tập điền dã trong suốt một học kỳ. Thi và kiểm tra tại thực địa. “Chiến binh tại ngoại” chúng tôi đã thực hiện rất xuất sắc lớp học mang mật danh “Lớp văn hoá Kim Đồng” ấy.
Nói như vậy nhưng cuộc sống vật chất thì vô cùng gian khổ. Ngoài cơm ngô thì sắn tươi là nguồn bổ sung quan trọng nhất. Năm đầu còn đỡ, mấy năm sau thì cơm ngô cũng không còn, chỉ trường diễn bột mỳ luộc và sắn. Thịt thì hầu như không có, họa hoằn chúng tôi mới có chút mỡ tráng chảo. Ai cũng gầy xanh, còn quần áo thì chỉ nhất bộ lành lặn. Cả dân tộc đang gồng mình lên trong cơn thử thách, chúng tôi nào dám đơn sai.
Ngày ấy cũng có nhiều chuyện vui.
Một lần, khoa bạn ở trường ĐHSP Việt Bắc tặng chúng tôi một con dê do đã hỗ trợ nhiều cho việc giảng dạy. Một thầy dắt con dê đi bộ cả ngày mới đến chỗ chúng tôi. Hôm sau bày việc liên hoan, thầy Nguyễn Hàm Dương, vốn là một đầu bếp giỏi, sai anh Nguyễn Thiện Giáp buộc con dê vào một gốc cây, rồi cầm roi quất, đuổi dê chạy đi chạy lại cho nó toát mồ hôi. Một lúc sau, định thịt dê thì thầy Dương ngửi rồi kêu lên: “Thôi chết tôi rồi, dê không toát mồ hôi mà chỉ có chú Giáp toát mồ hôi thôi!”. Buổi tối, uống rượu không có đèn, tôi hỏi: “Nước xáo ở đâu?” mọi người bảo ở trên bếp, tôi xuống bếp quơ nồi và chan vào đầy bát cơm rồi ăn hết. Thấy mọi người khen nước xáo ngọt và ngon, tôi băn khoăn, sao tôi thấy béo và nhạt thếch. Hỏi ra mới biết tôi đã chan phải nước rửa bát ở trên bếp, còn nồi nước xáo thì ai đó đã đặt xuống bên cạnh lúc tối trời.
Một lần khác, tôi suýt bị mất danh hiệu Lao động tiên tiến khi làm Thư ký bộ môn. Tôi bị một thầy Phó chủ nhiệm gọi lên Văn phòng khoa. Với vẻ nghiêm khắc, thầy bảo tôi: “Sao cậu tếu thế? Hãy nhìn kìa”, tôi nhìn lên cái bảng tin văn phòng thì thấy dòng chữ: “Tổ Ngôn ngữ học chưa họp sơ kết học kỳ hôm nay (vì chưa bắt được chó!)”. Tôi ngớ người và không hiểu ai tếu thế, nét chữ hơi nguệch ngoạc. Thì ra trời mưa, tôi nhờ cháu Cường - con anh Nguyễn Xuân Lương, tiện đường báo hộ mấy thầy cô là hoãn họp. Con chó đặt mua để liên hoan bị sổng ra, chúng tôi chưa bắt lại được, đang bực mình. Cháu Cường cẩn thận ghé qua Văn phòng khoa viết thêm lên bảng, cháu thật thà ghi cả thông tin phụ. Mấy hôm sau, chúng tôi họp tổ và liên hoan. Thầy Dương nói: “Cậu yên tâm đi, không mất danh hiệu đâu. Tớ đã ghi lại ở bảng là hôm nay tổ ta họp vì bắt được chó rồi!”.
Ngày tháng trôi qua, chúng tôi lưu lại làng đại học Đại Từ vừa bốn năm, nhiều lúc đã thấy như quen cảnh quen người.
Rồi ngày về cũng đến. Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc. Nhưng trường chúng ta chưa được về thẳng Hà Nội mà về ngoại vi thành phố và phải phân tán. Thế là chúng tôi lại bắt tay vào một chiến dịch hồi hương mừng vui và sôi nổi. Lòng chúng tôi ấm lên khi từ nơi định cư mới khi đêm đêm nhìn thấy từ xa mấy ngọn đèn đỏ trên tháp cao của Đài phát thanh Mễ Trì. Nơi đó có xóm đại học yêu quý của chúng tôi dù còn vắng lặng nhưng lòng đã thấy ấm. Nhưng sau lưng chúng tôi làng đại học Đại Từ cũng dần chỉ còn trong ký ức từ ngày ấy.
Một chiều hoa gạo nở đỏ sườn núi, ngồi trên thùng xe tải lội qua sông Công rời con suối Đôi quen thuộc, chúng tôi trở về xuôi. Tôi nao lòng nhớ về bốn năm trước. Mới đó mà đã bốn năm trời. Có tiếng hát bên cạnh, tôi quay sang, thầy Lê Khánh Soa, khoa tôi, đang khe khẽ với bài ca “Nụ cười sơn cước”:
“Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi,
Mây mờ buông xuống núi đồi,
Và trong lòng mưa hơn ở ngoài trời,
Cỏ cây hoa lá, nhớ tiếc mãi người đi,
Và dâng sầu lên đôi mắt người về...”.
Vâng! Lòng chúng tôi đúng là như thế đó khi chúng tôi rời làng đại học thân quen, một thời, một thuở. Với làng đại học sơn lâm, chúng tôi đã lớn lên nhiều lắm.
Canbbera, 8-2004
|