Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, rất nhiều thế hệ thanh niên kể cả các cán bộ khoa học, các nhà giáo đã hăng hái tòng quân. Sau cuộc chiến, các chiến sĩ lại tiếp tục sự nghiệp làm “người lái đò”. Một người cán bộ, chiến sĩ đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu đã trở về, tiếp tục công tác, phấn đấu để trở thành một giáo sư, một nhà giáo có uy tín là GS.TS. Lâm Ngọc Thiềm - CBGD Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN. Khi chúng tôi đến căn nhà số 16 ngõ 134/15/12 Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Giáo sư đón chúng tôi với nụ cười đôn hậu trên môi. Qua câu chuyện thầy kể, chúng tôi như được trở về với quá khứ của thầy.
Năm 1972 - năm cao điểm của chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Từng đoàn quân rầm rập ra mặt trận. Trong đoàn quân ấy có thầy trò trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN). Ở tuổi 32, Tiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm (lúc đó gọi là Phó tiến sĩ) đã rời bục giảng đến với chiến hào vào những ngày nóng bỏng cuối tháng 5/1972.
|
Tổng bí thư Lê Duẩn với GS. Lâm Ngọc Thiềm |
Đúng 9 giờ, sau một số thủ tục giao quân, thầy trò nhà trường trong quân phục màu xanh, khoác ba lô trên vai bắt đầu hành quân về phương Nam. Sau 2 ngày 2 đêm bộ hành, đoàn quân đã tới địa điểm tập kết của Sư đoàn 338B quân tăng cường. Tại đây đoàn tân binh được phiên chế thành các tiểu đội để luyện tập.
Chưa quen với đường dài, nắng mưa, thời tiết khắc nghiệt, binh nhì Lâm Ngọc Thiềm cùng các đồng đội ngày luyện tập các kỹ chiến thuật của lính bộ binh như lăn lê, bò toài, đánh công đồn, đánh giáp lá cà, đánh vu hồi..., đêm đến sọt tre trên vai với 35kg gạch đá hành quân băng rừng trong mọi hoàn cảnh để rèn luyện sức dẻo dai chịu đựng cho những cuộc hành quân vượt Trường Sơn sắp tới. Thời gian trôi nhanh, kỳ luyện tập kết thúc, các tân binh được phân về các quân binh chủng, kẻ vượt Trường Sơn vào B, người ra biển cả chuẩn bị đọ súng với tàu chiến Mỹ. Thầy về với Quân chủng Phòng không - không quân bằng cuộc bộ hành từ Hà Trung (Thanh Hoá) tới thành phố cảng Hải Phòng của Sư đoàn 363 phòng không bảo vệ vùng trời phía đông của Thủ đô.
Thầy được phiên chế về Đại đội 512, Trung đoàn 252 pháo cao xạ phòng không với tư cách là binh nhì, pháo thủ số 3 trong tư thế sẵn sàng đánh trả những cuộc tập kích liên tục trong cuộc chiến tranh phá hoại leo thang của Mỹ ra miền Bắc ngày đó. Từ tháng 8 đến tháng 11/1972 đơn vị đã tham gia 14 trận giáng trả những đợt tấn công dữ dội của máy bay cất cánh từ hạm đội Mỹ ở vịnh Bắc Bộ vào bắn phá các mục tiêu xung yếu của ta tại thành phố Hải Phòng. Kể về những trận đánh, giọng thầy sôi nổi hẳn lên: "Đánh địch có nhiều phương án rất linh hoạt. Có lần Đại đội bố trí một trận địa giả để thu hút hoả lực của địch và cần một chiến sĩ dám chấp nhận hy sinh. Tôi đã được phân công làm nhiệm vụ này. Tại trận địa giả khi nhận được lệnh từ sở chỉ huy phát ra đúng lúc máy bay địch bổ nhào công kích vào trận địa cũng là lúc tôi phải giật pháo hoả mù. Pháo nổ, khói bay mù mịt, máy bay địch tưởng là trận địa pháo của ta thi nhau bổ nhào dội bom, lúc đó pháo cao xạ từ trận địa thực đồng loạt phát hoả làm cho chúng trở tay không kịp. Lần đánh trả này đơn vị chúng tôi đã hạ được máy bay địch và cuộc tập kích đó đã bị bẻ gẫy. Đối đầu với máy bay địch trong chiến tranh phá hoại ngày đó, chúng tôi lấy tấm gương chiến đấu của liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân: nhằm thẳng quan thù mà bắn. Là một nhà giáo - chiến sĩ tôi cũng đắm mình vào khí thế: “tất cả cho tiền tuyến - tất cả để chiến thắng” của lớp thanh niên thời đó sục sôi căm thù địch, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Sau trận đánh, trên báo tường của đơn vị, tôi đã tâm sự:
... Tôi đi vào trận đánh hôm nay,
Như trước đây ta bước lên bục giảng,
Tay dập xoá bảng đen mầu phấn trắng,
Nét dọc ngang bề bộn những phương trình.
Trong chiến hào ta hiểu thêm giá những hy sinh,
Tổ quốc trả cho mỗi giờ ta sống,
Bao thân thương, hy vọng lẫn thành công,
Mở cho tôi một khoảng tầm viễn vọng".
Những cuộc hành quân vượt không gian và thời gian để đón đầu những trận đánh ác liệt tiếp theo vào những ngày cuối tháng 12 năm ấy, thầy Thiềm kể tiếp "...Trước trận đánh Điện Biên Phủ trên không, hình như cấp trên đã đoán được ý đồ của kẻ địch, nhằm động viên bộ đội kịp thời sẵn sàng giáng trả cuộc tập kích chiến lược của kẻ địch bằng B52 vào thủ đô, Tổng bí thư Lê Duẩn đã xuống tận trận địa để động viên bộ đội. Vào một buổi sáng cuối tháng11/1972 toàn đại đội chúng tôi quân phục chỉnh tề trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để đón đoàn khách đến thăm. Thật bất ngờ, từ xe bước ra Tổng bí thư hướng thẳng đến đoàn quân và vỗ vào vai tôi hỏi: “Thầy giáo thành chiến sĩ có cảm nghĩ gì?” Tôi còn lúng túng chưa biết nói sao, liền đọc 4 câu thơ báo tường vừa làm sau trận đánh: “Hôm qua trên bục cùng học sinh, Bảng đen tôi viết những phương trình. Hôm nay chững chạc mầu quân phục, Quen dần nếp sống một chiến binh”. Cả đại đội vỗ tay, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói tiếp: “Cả nước ra trận, phó tiến sĩ cũng thành chiến sĩ thì chúng ta không thể không chiến thắng dù kẻ địch có ngoan cố, xảo quyệt đến đâu đi chăng nữa...”. Được sự động viên của Tổng bí thư, cả đơn vị tôi dấy lên phong trào thi đua quyết đánh thắng kẻ địch từ trận đầu, loạt đạn đầu”.
12 ngày đêm năm đó đối với thầy thật khó quên. Lúc ấy thầy đã trở thành chiến sĩ tên lửa thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 238 đoàn Hạ Long. Trải qua nhiều đêm thức trắng, băng đồng, vượt sông nạp đạn đưa lên bệ phóng cho đủ cơ số, cơ động khắp các thôn xóm đón đánh B52, chấp nhận cả những hy sinh, nhiều đồng đội của thầy đã ngã xuống cho bầu trời trong xanh hôm nay. Trong khói bom giữa 2 trận đánh, thầy vẫn hình dung về Hà Nội, trái tim của cả nước, thủ đô của lương tri và phẩm giá của loài người, đã vượt qua thử thách và chiến thắng. Cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của kẻ thù đã thất bại; hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta dần chuyển sang một hình thái mới và đã toàn thắng vào mùa xuân năm 1975.
|
GS.Lâm Ngọc Thiềm với các sinh viên |
Chiến tranh đã qua đi, người thầy giáo - chiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm đã trở lại bục giảng với một tư thế vững vàng hơn. Vào một buổi sáng đẹp trời tháng 5/2004, sau 32 năm, với tư cách là chiến sĩ Điện Biên Phủ trên không, dưới chân đồi A1 giữa lòng chảo Điện Biên, nhà giáo - chiến sĩ Lâm Ngọc Thiềm tìm về mảnh đất Điện Biên Phủ, kính cẩn nghiêng mình trước mộ các chiến sĩ năm xưa đã ngã xuống để cho mảnh đất hoa ban phía Tây của Tổ quốc thanh bình ngắm trời xanh. Thầy bảo: Đấy là những kỷ niệm rất sâu sắc, rất mãnh liệt trong cuộc đời một cựu chiến binh - một nhà giáo của thầy.
|
GS.Lâm Ngọc Thiềm thắp hương tưởng nhớ đồng đội cũ |
Trước khi trở thành chiến sĩ, thầy Lâm Ngọc Thiềm là sinh viên khoá 4 ngành Hoá trường ĐHTH Hà Nội. Sau khi vào trường khoảng một tuần, thầy được cử sang Liên Xô cũ học tập và đã tốt nghiệp bằng đỏ (loại xuất sắc) rồi được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Khi về nước, thầy đã công tác tại Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) rồi trở thành một cán bộ giảng dạy tại trường ĐHTHHN. Ngót 40 năm gắn bó với với nghề dạy học, GS. Lâm Ngọc Thiềm đã có trên 70 công trình khoa học, trên 10 đầu sách giáo trình, chuyên khảo, từ điển và dịch thuật đã xuất bản, trong đó một số đã được tái bản; đã chủ trì và tham gia 5 đề tài nghiên cứu khoa học về quan hệ giữa cấu trúc hoá học với hoạt tính sinh học dành cho loại hợp chất tự nhiên được tách chiết từ thảo mộc nhiệt đới ở Việt Nam có nhiều ứng dụng trong thực tiễn. Đây là vấn đề khoa học có tính thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước do khi biết được quan hệ giữa hoạt tính và cấu trúc (Quantitative Structure - Activity Relationships - QSAR) người ta có thể tìm hoặc dự đoán được những hoạt tính vượt trội của các loại dược phẩm cần cho chữa bệnh. Với sự hướng dẫn tận tâm của thầy, có trên 20 thạc sĩ và tiến sĩ đã và đang bảo vệ thành công luận án của mình, hàng trăm sinh viên đã tốt nghiệp từ tại chức, mở rộng, chính qui đến cử nhân khoa học tài năng. Các học trò của thầy đều có chung một nhận xét rằng: thầy Thiềm rất tâm huyết với nghề, hết lòng với thế hệ trẻ trong việc truyền đạt một cách sinh động và dễ hiểu các kiến thức về hoá học cấu tạo chất - một trong những môn học khó và khá trừu tượng của ngành hoá học.
TS. Lê Kim Long hiện là Phó chủ nhiệm khối THPT Chuyên Hoá học trường ĐHKHTN, ĐHQGHN là một “đệ tử ruột” của GS. Lâm Ngọc Thiềm tâm sự: Tôi là người được sự hướng dẫn của thầy Lâm Ngọc Thiềm từ năm 1977 đến nay. Tôi luôn cảm nhận rằng được làm việc với thầy Lâm Ngọc Thiềm là một vinh dự lớn lao. Tôi được thầy chăm lo cho từng chi tiết cũng như định hướng cho các nghiên cứu có triển vọng nhất trong lĩnh vực Hoá lý thuyết và Hoá - Tin. Thầy Thiềm rất tôn trọng chính kiến khoa học của học trò và tin tưởng vào thế hệ sau. Năm nay, GS. Lâm Ngọc Thiềm đã nhiệt tình tham gia huấn luyện các em học sinh giỏi môn Hoá đi thi Olympic quốc tế tại Đài Loan và đã góp phần công sức lớn cho thành công của đội tuyển Hoá học Việt Nam (3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc). GS.TS. Lâm Ngọc Thiềm còn tham gia bồi dưỡng giáo viên dạy THPT chuyên Hoá trong dịp hè... Trong bất kể công việc nào thầy cũng rất có trách nhiệm, rất kiên trì. Thầy là một tấm gương sáng cho chúng tôi học tập.
Được biết năm nay thầy đã 65 tuổi - cái tuổi đã đến lúc được nghỉ ngơi của một viên chức nhà nước, tôi hỏi về dự định tương lai của thầy trong thời gian tới. Thầy Thiềm cười rất hiền và vui vẻ tâm sự: "Ngót 40 năm qua, tôi đã trải qua nhiều công việc từ cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dậy, đến chiến sĩ quân đội rồi lại trở về tiếp tục nghiên cứu - giảng dạy, tham gia quản lý ở cương vị Chủ nhiệm bộ môn (trường Đại học Kỹ thuật Quân sự), Chủ nhiệm khoa Tại chức (ĐHTHHN), Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng Tin học trong Hoá học, Chủ nhiệm hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng ngành Hoá trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN… nên không có lý do gì khiến tôi không yêu nghề dạy học. Tôi tự hào là nhà giáo - chiến sĩ đã từ giảng đường tới chiến hào rồi lại từ chiến hào về với bục giảng, chừng nào còn sức khoẻ tôi còn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người cả về kiến thức lẫn phẩm giá cho lớp sinh viên hôm nay”.
Khi tôi hỏi: “Thầy suy nghĩ thế nào về sinh viên ngày nay?”. Thầy trả lời: “Có người nói rằng sinh viên ngày nay thích hưởng thụ, chạy theo lối sống thực dụng, chưa có ý chí tiến thủ vươn lên. Phải thừa nhận có một bộ phận như vậy, nhưng đa phần họ vẫn ngày đêm thầm lặng, miệt mài, say mê với các đề tài khoa học trong phòng thí nghiệm, lao động học tập hết mình để trang bị cho mình một hành trang kiến thức vào đời, khi cần họ cũng sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn nếu ai đó đụng đến truyền thống 4000 nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông chúng ta như thế hệ đi trước đã từng làm”. Mới đây trong lần giới thiệu Nguyễn Văn Khiêm (SV lớp K5 CNKHTN) một sinh viên hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng vào Đảng, GS.TS. Lâm Ngọc Thiềm đã từng phát biểu: “Sinh viên Khiêm chào đời sau khi chiến tranh kết thúc đã 8 năm, làm sao em cảm nhận được chiến tranh là gì như thế hệ chúng ta, nhưng bằng nghị lực vươn lên học tập và đã giành được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic quốc tế Hoá học năm 2003, giải Nhì về thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐHQGHN. Đó chẳng phải là một sự đền ơn đáp nghĩa cho những thế hệ cha anh đi trước hay sao? và sinh viên này xứng đáng đứng trong hành ngũ của Đảng. Tôi tin ở lớp trẻ hôm nay sẽ làm nên những Điện Biên Phủ trí tuệ Việt Nam trong tương lai. Yêu nghề dạy học, tin ở thế hệ trẻ và trao lại cho họ kiến thức, kinh nghiệm và khí thế của lớp trẻ hơn 30 năm về trước là trách nhiệm và nghĩa vụ của người thầy hôm nay”.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, lớp thầy giáo - chiến sĩ của Việt Nam nói chung, của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa đã lao động và chiến đấu như thế đó. Lớp trẻ hôm nay mang trên vai trách nhiệm nặng nề là phải làm gì để xứng đáng với truyền thống xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của thế hệ đi trước, nhất là trước thềm trường ĐHTH Hà Nội bước sang tuổi thứ 60 trong lòng Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN gần tròn trăm tuổi, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.
|