Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Khoa Môi trường Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN, 10 năm xây dựng và phát triển
Được thành lập từ ngày 21 tháng 10 năm 1995, theo Quyết định 435/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước. Đây là cơ sở đào tạo cử nhân và thạc sĩ Khoa học Môi trường đầu tiên của cả nước.

Trong những năm cuối thế kỷ XX, nhân loại đã bước vào một thời kỳ mới với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và sự bứt phá trong lĩnh vực kinh tế của các nước đang phát triển. Bên cạnh đó đây cũng là thời gian mà loài người phải đương đầu với những vấn đề nóng bỏng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sống của mình trước nguy cơ suy thoái và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, việc đào tạo nguồn nhân lực để nghiên cứu khoa học và giải quyết các vấn đề môi trường là một nhu cầu xã hội quan trọng. Xuất phát từ thực tế đó, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN được thành lập từ ngày 21 tháng 10 năm 1995, theo Quyết định 435/TCCB của Giám đốc ĐHQGHN, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước. Đây là cơ sở đào tạo cử nhân và thạc sĩ Khoa học Môi trường đầu tiên của cả nước. Việc mở ngành đào tạo, cũng như thành lập Khoa Môi trường là sự đột phá có tính sáng tạo của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN; hiện nay đã được triển khai mở rộng ở quy mô toàn quốc. Điều này chứng tỏ nhu cầu đào tạo cán bộ khoa học cho các hoạt động bảo vệ môi trường và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên của đất nước đã và đang trở thành nhiệm vụ mang tính chất chiến lược.

Theo mô hình của Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có rất nhiều trường thuộc khối trường đại học cơ bản trong cả nước cũng tiến hành đào tạo bậc đại học ngành môi trường như: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2000, Đại học Huế năm 2000, Đại học Đà Nẵng năm 2001, v.v… Trong đó Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN vẫn đang giữ vai trò đi đầu về quy mô và chất lượng đào tạo cử nhân và thạc sĩ môi trường.

Sau 10 năm xây dựng, đội ngũ cán bộ của Khoa Môi trường đã có sự phát triển mạnh mẽ từ 1 giáo sư, 3 phó giáo sư, 8 tiến sĩ vào thời điểm thành lập, đến nay Khoa dã có 6 giáo sư, 8 phó giáo sư, 19 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, trong số đó nhiều thạc sĩ trẻ đang thực hiện các đề tài nghiên cứu sinh ở nước ngoài và trong nước. Về tổ chức, Khoa có 4 bộ môn và 1 Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hoá môi trường.

Về công tác đào tạo, hiện nay Khoa đang đảm nhận việc đào tạo theo các hệ khác nhau: Cử nhân chất lương cao, cử nhân (chính qui và tại chức), thạc sĩ và tiến sĩ với 3 ngành đào tạo và nhiều hướng chuyên sâu khác nhau: Quản lý môi trường, Sinh thái môi trường, Công nghệ môi trường, Mô hình hoá môi trường, Thổ nhưỡng và Môi trường đất.

Số lượng tuyển sinh đại học chính quy của Khoa cũng tăng lên nhanh chóng từ 145 sinh viên năm 1995 đến nay là khoảng 500 sinh viên hệ đại học chính qui (mỗi năm tuyển trung bình 120-150), khoảng 110 học viên cao học (mỗi khoá tuyển sinh trung bình 50-60 học viên) và 5 nghiên cứu sinh. Sau 10 năm, Khoa Môi trường đã đào tạo được 1.200 cử nhân Khoa học Môi trường, 300 cử nhân ngành Thổ nhưỡng, trên 200 thạc sĩ Khoa học Môi trường, 7 tiến sĩ và 20 thạc sĩ ngành Thổ nhưỡng. Nhiều người trong số đó hiện đang đảm nhiệm những chức vụ quản lý và chuyên môn quan trọng trong các cơ quan Nhà nước, như giám đốc sở, trưởng phòng quản lý môi trường, trưởng và phó các phòng chuyên môn trong các viện và trung tâm nghiên cứu lớn, cán bộ của các dự án quốc tế... Nhiều sinh viên tốt nghiệp ở Khoa Môi trường hiện nay đã trở thành những giảng viên về Khoa học Môi trường ở các trường đại học khác.

Chương trình đào tạo của Khoa luôn được cập nhật và đổi mới, số lượng giáo trình biên soạn và xuất bản của cán bộ trong Khoa không ngừng gia tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, có trên 40 giáo trình của cán bộ trong Khoa đã được xuất bản. Trong số đó, nhiều cuốn đã được sử dụng làm tài liệu giảng dạy chính thức trong các trường đại học ở Việt Nam, như: Cơ sở Khoa học Môi trường, Đánh giá tác động môi trường, Khoa học Môi trường, Độc học môi trường, Kinh tế môi trường, Địa chất môi trường, Quy hoạch môi trường, Dân số và Định cư môi trường, Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững, Công nghệ môi trường, Kiểm toán chất thải, Tai biến biến môi trường, Vi sinh môi trường, Sinh thái môi trường đất, Sinh thái đất ngập nước, Đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên, Tài nguyên đất, Tài nguyên nước, Tài nguyên rừng, Tài nguyên khí hậu, Tài nguyên khoáng sản, Tài nguyên biển, Các phương pháp phân tích môi trường, Sức khoẻ môi trường, Môi trường và ô nhiễm v.v.

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cán bộ khoa học của Khoa Môi trường đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tiễn trong nhiều chương trình, dự án nghiên cứu lớn về môi trường của đất nước, như: các chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, xây dựng luật pháp và chính sách môi trường quốc gia, đánh giá tác động môi trường của các công trình kinh tế xã hội trọng điểm (Đường Hồ Chí Minh, Thuỷ điện Sơn La, Nhiệt điện Phả Lại...), các chương trình và đề tài nghiên cứu của các ngành (Than, Điện, Thuỷ sản, Nông nghiệp, Công nghiệp, Xây dựng, Giao thông...) và các địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoà Bình, Hải Dương, Nam Định, Hà Tây, Vĩnh Phúc, v.v.). Đội ngũ sinh viên và học viên cao học đông đảo của Khoa đang là lực lượng tích cực tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và quản lý môi trường trong nhiều cơ quan và tổ chức khoa học khác.

Tính đến tháng 7/2005, tập thể cán bộ Khoa Môi trường đã công bố khoảng 1.200 bài báo và các công trình khoa học. Cán bộ của Khoa đã chủ trì 4 đề tài hợp tác quốc tế với Vương quốc Bỉ, Australia, AIT, JICA; 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp ĐHQG, cấp trường và cấp tỉnh thành. Hai đề tài do các cán bộ trong Khoa chủ trì đã đạt giải “ý tưởng sáng tạo về môi trường” trong cuộc thi do Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức tháng 6/2005.

Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, sinh viên Khoa Môi trường đã tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Hàng năm, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong Khoa đã đạt được các giải cao trong các cuộc thi các cấp: giải nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục & Đào tạo (1 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba), giải nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN và Trường ĐHKHTN, giải Phát minh xanh Sony (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3). Đặc biệt, một nhóm sinh viên cử nhân tài năng đã đạt giải trong cuộc thi quốc tế về Đất ngập nước năm 2004.

Để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa Môi trường cũng đã được đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất. Hiện nay, Khoa đã triển khai 3 phòng thí nghiệm với nhiều trang thiết bị mua theo dự án WB (World Bank), dự án đầu tư trang thiết bị từ nguồn ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí 19 tỷ đồng. Khoa đã có phòng tư liệu gồm hàng nghìn đầu sách chuyên môn bằng tiếng Anh, tiếng Việt phục vụ cho cán bộ sinh viên trong Khoa và các đơn vị bạn.

Những thành tích trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tập thể cán bộ công chức Khoa Môi trường đã được cấp trên ghi nhận và tặng thưởng nhiều lần: Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, Bằng khen của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bằng khen và Giải thưởng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 10 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Môi trường luôn giữ vững truyền thống lá cờ đầu trong lĩnh vực đào tạo về Khoa học Môi trường. Cán bộ và sinh viên Khoa Môi trường luôn quyết tâm giữ vững và phát huy những thành tựu đã đạt được, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế. Với đà vươn lên của 10 năm xây dựng và trưởng thành, với đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao và giàu kinh nghiệm, tập thể cán bộ công chức Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN chắc chắn sẽ có những đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học về môi trường trong giai đoạn phát triển mới.

Trong quá trình xây dựng, Khoa Môi trường luôn nhận được sự lãnh đạo sát sao của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội, sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học của nhiều trường bạn, các viện nghiên cứu ở Trung ương cũng như các địa phương trong cả nước. Khoa Môi trường xin chân thành cảm ơn và mong được sự cộng tác tốt hơn trong thời gian tới để Khoa Môi trường, Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN ngày càng phát triển vững mạnh.

 Nguyễn Xuân Cự
TS. Phó chủ nhiệm Khoa Môi trường
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :