Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
“Người thầy trước hết phải đáp ứng được 3 tiêu chí: trách nhiệm, tâm và tầm”
PGS.TS. Hồ Sĩ Đàm đã trở nên vô cùng thân thuộc với những người đam mê Tin học vì thầy đã là Chủ biên của 6 bộ sách giáo khoa Tin học THPT, chủ biên bộ Chương trình và sách giáo khoa cho ngành CĐSP Tin học, chủ biên sách giáo khoa Tin học cơ sở cho nhóm ngành A của ĐHQGHN.

 4 khoá liên tục từ năm 1991 đến nay thầy đảm nhiệm trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Bộ môn Tin học của Bộ Giáo dục & Đào tạo, 16 năm liên tục tham gia huấn luyện học sinh đội tuyển quốc gia về tin học, 8/16 lần là Trưởng đoàn Olympic Tin học Việt Nam dự thi Quốc tế, 14/16 lần là Trưởng ban ra đề thi và Chấm thi tuyển chọn đội tuyển Quốc gia đi thi quốc tế, 10 năm là Phó chủ tịch Hội đồng giám khảo hội thi “Tin học trẻ không chuyên toàn quốc”... đó chỉ là một phần nhỏ những công việc mà thầy tham gia. Từ năm 1971 đến nay thầy đã kinh qua rất nhiều cương vị công tác, từ dạy phổ thông đến dạy đại học và sau đại học; Chủ nhiệm bộ môn Tin học (1986-1989), Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin ĐHKHTN (1995-1999), Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ - ĐHQGHN (1999-2004). Với những đóng góp không ngừng nghỉ thầy đã 5 lần được nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp trường và cấp ĐHQGHN, 1 Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN, 7 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Huy chương của Liên hiệp Hội Khoa học & Công nghệ. Tháng 9/2004, thầy đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nhận bằng khen nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập khoa Công nghệ Thông tin

Hơn ba mươi năm gắn bó với nghiệp dạy học với bao kỷ niệm buồn vui mà đầy lạc quan tin tưởng, thầy luôn trăn trở làm sao để ngành Tin học Việt Nam thực sự có một chỗ đứng vững trãi trên trường quốc tế. Muốn vậy trước hết phải có những sinh viên tin học giỏi. Điều này gắn bó chặt chẽ với vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy đại học, PGS. Hồ Sĩ Đàm trả lời rất thẳng thắn: “Tôi luôn tôn trọng học trò và coi họ là đối tác chứ không phải là những người học thụ động.Theo tôi, con người có 5 kỹ năng: nhìn, nghe, nói, viết, thực hành, trong đó 2 kỹ năng đầu (do Thượng đế trao tặng) chỉ đem lại 20% khả năng tiếp nhận thông tin, 3 kỹ năng sau (phải sử dụng tư duy) đem lại 80% khả năng tiếp nhận thông tin của con người. Vậy thì phải làm sao để người học phát huy tối đa khả năng của 3 kỹ năng đó. Điều này dẫn đến việc phải có chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp tức là xét cho đến cùng thì lý thuyết trong dạy học cũng vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể cho rằng khả năng của người học kém mà trước hết phải xem lại phương pháp giảng dạy của người thầy”.

Đã 3 năm nay, thầy Đàm tổ chức điều tra xã hội học trong sinh viên bằng việc đưa ra 48 câu hỏi để sinh viên đưa ra nhận xét về công tác giảng dạy, quản lý của các thầy cô, các phòng ban chức năng. Qua đó, có thể đánh giá một cách khách quan công tác giảng dạy, công tác quản lý của thầy cô, của trường và điều đặc biệt quan trọng là có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại để nâng cao chất lượng dạy và học.

PGS.TS. Hồ Sĩ Đàm (người ngoài cùng bên trái)

Tâm huyết với ngành Tin học, thầy luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để tin học phục vụ con người một cách tối đa. Thầy nói: “Chúng ta vẫn nói phải Tin học hoá nhưng mới chỉ Tin học hoá trong phục vụ làm việc. Mà đây chỉ là phần rất nhỏ. Theo tôi, chúng ta đã quên chưa đề cập đến phần lớn hơn, đó là phục vụ người học. Phải làm sao để mỗi sinh viên ĐHQGHN có thể sử dụng vi tính thành thạo, có khả năng cập nhật thông tin nhanh ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Ngược lại thì thông tin về học tập, về khoa học công nghệ v.v... cũng phải được nhà trường cập nhật thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Chúng ta đừng để sinh viên mất quá nhiều thời gian với những thủ tục hành chính rườm rà, họ cần được quan tâm và phục vụ bằng những điều kiện tốt nhất, hiện đại nhất”. Điều thầy Đàm trăn trở cũng chính là mong ước của rất nhiều sinh viên ĐHQGHN nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung hiện nay. Để có được một nền kinh tế tri thức thì giáo dục cũng cần phải có một tầm cao mới. Và do vậy, theo thầy Hồ Sĩ Đàm, người thầy trước hết phải đáp ứng 3 tiêu chí: trách nhiệm, tâm và tầm.

 Nguyễn Thanh Tú
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :