* NGND.GS Vũ Dương Ninh (nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học từ tháng 10/1995 - 2000):
Tôi thuộc thế hệ những sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên Khoa Lịch sử, trường ĐHTHHN (năm 1959). Từ đó, nghề dạy học như một tiền duyên định trước đã gắn bó với tôi đến tận bây giờ, và chính “nghiệp làm thầy” đã đem lại cho tôi niềm vui, sự trẻ trung và tình yêu cuộc sống.
|
GS. Vũ Dương Ninh Ảnh: BT | Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, lúc ấy tôi và GS.TSKH Vũ Minh Giang (hiện là Phó giám đốc ĐHQGHN) cùng công tác tại Khoa Lịch sử (ĐHTHHN); chính GS. Giang là người đưa ra sáng kiến thành lập một khoa nghiên cứu đặc thù về quốc tế. Bối cảnh đất nước ta trong những năm đó có những chuyển biến rất quan trọng đặc biệt là ở chính sách đối ngoại. Công cuộc đổi mới được đẩy mạnh trên mọi phương diện của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Bất cứ người nào có trách nhiệm trong lúc ấy đều hiểu rằng để có thể hội nhập và tiến kịp với các nước ở trong khu vực cũng như trên thế giới bắt buộc chúng ta phải tìm hiểu về họ. Nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu quốc tế trở nên hết sức cấp thiết. Chính bởi vậy, năm 1993 ngành Quốc tế học thuộc Khoa Lịch sử bắt đầu tuyển sinh. Tôi và một số thầy cô trong tổ nghiên cứu và giảng dạy về Lịch sử thế giới trở thành những hạt nhân nòng cốt để “nuôi, dạy” một ngành học hết sức mới mẻ này. Đến năm 1995, cùng với nhiều khoa và bộ môn khác, Khoa Quốc tế học mới chính thức được thành lập. Cùng với nhiệm vụ đào tạo ở trình độ đại học, vấn đề nghiên cứu khoa học được đặt ra ngay từ những ngày đầu tiên. Đó là hai mảng công việc gắn kết chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau.
Khoa mới, công việc mới, điều khó khăn trước tiên là phải định hướng đào tạo và nghiên cứu cho ngành Quốc tế học. Những kết quả ban đầu của đường lối đổi mới của Đảng thúc giục phải mau chóng xây dựng một ngành học phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế, đào tạo một nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu đó. Mục tiêu chung là tương đối rõ nhưng cụ thể hóa trong chương trình đào tạo và nghiên cứu như thế nào lại là vấn đề không đơn giản. Có không ít tài liệu về chuyên ngành này của các trường đại học Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan… nhưng tiếp thu và vận dụng vào Việt Nam ra sao thì đó là những điều trăn trở đặt ra không chỉ giải quyết bằng ngày, bằng tháng mà phải mất nhiều năm vừa nghiên cứu, vừa thử nghiệm, mày mò tìm lối đi sao cho hợp lý.
Khái niệm về Khoa Quốc tế học cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm đến, ở đây tôi chỉ nêu ra hai cách hiểu cơ bản. Một là đồng nhất đối tượng nghiên cứu của Quốc tế học với Khu vực học mà điều khác biệt chỉ là sự phân chia khu vực phương Đông (Khoa Đông phương học) và khu vực phương Tây (Khoa Quốc tế học, vì không muốn gọi là Tây phương học). Hai là Quốc tế học không hoàn toàn đồng nhất với Khu vực học mà nó nghiên cứu các vấn đề quốc tế bao gồm các vấn đề toàn cầu, các vấn đề khu vực và mối quan hệ giữa các khu vực, các quốc gia. Cũng từ đó có 2 hướng đi: Hoặc đi sâu vào ngôn ngữ và văn hoá khu vực / quốc gia hoặc đi sâu vào chính trị và kinh tế của khu vực / quốc gia làm nền tảng cho việc nghiên cứu quan hệ quốc tế. Khoa Quốc tế học chọn hướng đi thứ hai và sau này được thể hiện trong sự phân chia thành 3 chuyên ngành nghiên cứu về châu Âu, châu Mỹ và về Quan hệ quốc tế. Sự chọn lựa này gặp nhiều trắc trở do cách nhìn vấn đề khác nhau, đã có lúc có ý kiến là Khoa nên giải thể để ghép vào như một bộ phận của Khu vực học, hoặc chí ít phải đổi tên là Khoa Quan hệ quốc tế để đưa ra khỏi lĩnh vực Khu vực học. Vạn sự khởi đầu nan, những ý kiến giao động đó là khó tránh khỏi nhưng kinh nghiệm xây dựng một số ngành học mới trong trường đã giúp Khoa đứng được để tiếp tục con đường tìm tòi đầy gian khổ của mình. 10 năm, khoảng thời gian cũng tạm đủ để đánh giá hiệu quả cũng như chất lượng của một ngành học. Tôi vẫn quan niệm rằng, 10 năm đầu tiên xây dựng và phát triển của Khoa Quốc tế học chỉ là thời gian khởi động cho một cuộc hành trình lâu dài mà điểm đích thì không phải dễ dàng mà đến được. Phải gặp khó khăn, trắc trở thì mới thấy được thành quả mà các thế hệ giảng viên và sinh viên những khóa đầu tiên đạt được thật đáng quý và đáng trân trọng. Nó đánh dấu sự nhận thức rõ ràng về mối liên hệ hữu cơ giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu và phục vụ thực tiễn. Nó cũng thể hiện sự nỗ lực của mỗi cán bộ khoa học phải vươn lên trong điều kiện hết sức khó khăn. Trong những thành công của Khoa có sự hợp tác rất nhiệt tình và hiệu quả của các nhà khoa học ở các khoa trong trường, các trường đại học, các viện nghiên cứu, nhiều cơ quan quản lý và hoạch định chính sách cùng các tổ chức quốc tế. Chúng tôi muốn nhân dịp kỷ niệm này bày tỏ lòng trân trọng về sự giúp đỡ và lòng biết ơn chân thành về những đóng góp to lớn của quý vị đối với sự phát triển của Khoa Quốc tế học trong một thập niên qua…
* TS. Lê Thế Quế - Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học (từ 2000 đến nay):
Năm 1998, nhận lời mời của GS. Vũ Dương Ninh, tôi bắt đầu về công tác tại Khoa. Chủ nhiệm khoa đầu tiên của Khoa là GS.NGND Vũ Dương Ninh. Tôi là Chủ nhiệm khoa từ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai (năm 2000) cho đến nay.
|
GS. Lê Thế Quế Ảnh: BT | Khi về Khoa, tôi thấy mình đứng trước một nhiệm vụ rất nặng nề. Nhà trường và Khoa có yêu cầu về cán bộ thì có khả năng đến đâu mình sẽ cố gắng hết sức đến đó. Việc thành lập Khoa có một ý nghĩa hết sức lớn đối với chương trình đào tạo của Trường ĐHKHXHNV và ĐHQGHN. Với việc thực hiện đường lối đối ngoại: độc lập - tự chủ - đa dạng hoá của Việt Nam, quan hệ của với các nước trong khu vực và trên thế giới có những bước thay đổi và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ký được Hiệp định khung với châu Âu... Trong bối cảnh như việc, việc thành lập một khoa đào tạo ngành Quốc tế học rất phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập quốc tế. Ngành Quốc tế học ra đời cũng góp phần thúc đẩy quá trình đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của đất nước đồng thời cũng góp phần tích cực vào việc thực hiện phương hướng xây dựng một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của ĐHQGHN. Khoa có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế theo đường lối đổi mới của Đảng ta.
Khoa ra đời phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với xu hướng phát triển của ĐHQGHN nói chung và của Trường ĐHKHXH&NV nói riêng, nên ngay từ khi mới thành lập Khoa đã nhận được sự ủng hộ của ĐHQGHN, của Nhà trường, của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài trường cũng như bạn bè quốc tế. Ngay từ khi thành lập, Khoa đã thu hút được sự quan tâm của đội ngũ các nhà giáo (già có, trẻ có) rất tâm huyết với một lĩnh vực mới. Sau 10 năm xây dựng, đội ngũ cán bộ của Khoa đã phấn đấu đảm nhiệm được cơ bản nhiệm vụ đào tạo của mình. Sinh viên của Khoa ra trường được công tác trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là làm việc tại các cơ quan có liên quan đến vấn đề quốc tế. Nhiều em đã phát huy tốt khả năng và kiến thức lĩnh hội được trên ghế nhà trường. Đây là những tín hiệu đáng mừng. Sản phẩm của Khoa đã dần dần được xã hội thừa nhận.
|
Tập thể cán bộ khoa Quốc tế năm 2000 |
Với tư cách là người tham gia quản lý nhiều năm, tôi cho rằng: điều may mắn là tôi được sống trong tập thể đoàn kết nhất trí, có tinh thần tương trợ lẫn nhau, không khí làm việc cởi mở, chan hoà, hợp tác với nhau. Số lượng cán bộ của khoa chưa hẳn là đông (17 cán bộ), nhưng phải gánh vác công việc của một khoa hàng mấy chục người. Khó khăn lại không ít, song Ban chủ nhiệm khoa và cán bộ, giảng viên luôn có sự hoà đồng, tạo thuận lợi để giúp nhau cùng phát triển. Các cán bộ của Khoa rất có trách nhiệm, sẵn sàng gánh vác, chia sẻ công việc với nhau. Cả Khoa có 17 cán bộ, trong đó có 15 cán bộ giảng dạy, nhiều lúc Khoa có vài người đi công tác, vài người đi học nhưng công việc vẫn chạy đều. Cán bộ trong Khoa rất thông cảm với nhau, giúp đỡ nhau về cả vật chất lẫn tinh thần. Đây là một điều vô cùng đáng quý, một trong những nguyên nhân để Khoa đạt được những thành tích như ngày hôm nay.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Khoa đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là sự nhìn nhận, đánh giá, sự ghi nhận của Chính phủ với những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, sinh viên của Khoa trong chặng đường 10 năm qua. Những thành tựu mà Khoa đạt được trong 10 năm ấy có sự góp sức, chung tay của tất cả cán bộ, giáo viên, sinh viên trong Khoa. Đó là kết quả bước đầu khởi điểm để có được những thành tựu lớn hơn về sau. Nhân dịp này tôi muốn nhắn gửi tới tập thể cán bộ, giáo viên, sinh viên của Khoa rằng: Vui mừng trước những thành tựu đó nhưng chúng ta cũng cần phấn đấu hơn nữa để đạt được những thành tích lớn hơn trong tương lai. Đứng trước những thời cơ và thách thức trong chặng đường trước mắt, tôi mong rằng tập thể cán bộ, giáo viên, sinh viên của Khoa tiếp tục đồng lòng, nhất trí, nỗ lực hơn để xây dựng Khoa Quốc tế thuộc Trường ĐHKHXH&NV trở thành một tập thể vững mạnh, trở thành một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của xã hội. Ban chủ nhiệm khoa xin ghi nhận những đóng góp của thầy và trò Khoa Quốc tế. Đối với sinh viên, ngoài việc phải giỏi chuyên môn các em cần cố gắng tích cực học tập ngoại ngữ, nâng cao nhận thức chính trị để khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc mình đảm nhiệm.
10 năm đối với một cơ sở đào tạo chưa phải là dài, song với những thành tích, với những xuất phát điểm đã có, tôi tin rằng Khoa Quốc tế sẽ ngày càng phát triển. Rất mong rằng, trong tương lai, với sự nỗ lực của chính mình Khoa Quốc tế học Trường ĐHKHXH&NV sẽ phát triển lên một tầm cao mới, góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực tài năng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước; góp phần xây dựng Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN ngày càng phát triển.
|