Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Kỷ niệm 60 năm lễ khai giảng đầu tiên nền giáo dục đại học cách mạng Việt Nam (15/11/1945 - 15/11/2005)
Ngày 15/11/2005, ĐHQGHN đã trọng thể tổ chức Kỷ niệm 60 năm lễ khai giảng đầu tiên của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một mốc lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự ra đời nền giáo dục đại học cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là dịp tôn vinh các nhà giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Phạm Gia Khiêm - Phó Thủ tướng Chính phủ; Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà XHCNVN, GS. Vũ Đình Hoè - nguyên Bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; các các đồng chí lãnh đạo đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, một số trường đại học khu vực Hà Nội, đại diện gia đình GS. Nguyễn Văn Huyên, các đồng chí trong Ban chỉ đạo kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - ĐHQGHN, các đồng chí trong Ban Giám đốc, Thường vụ Đảng uỷ, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể ĐHQGHN, các giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị trực thuộc và đại diện các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên ĐHQGHN.

GS.TSKH Đào Trọng Thi đọc diễn văn tại buổi lễ

GS.TSKH Đào Trọng Thi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQGHN đã phát biểu ôn lại hoàn cảnh ra đời, cơ cấu tổ chức và không khí buổi lễ khai giảng của Đại học Quốc gia Việt Nam - trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư nhấn mạnh: “Chúng ta tập trung tại đây, cùng nhau ôn lại một sự kiện quan trọng trong chuỗi những ngày hào hùng của cuộc Cách mạng Tháng Tám và Lễ tuyên ngôn minh chứng trước toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam độc lập diễn ra tròn 60 năm trước đây. Chúng ta có quyền tự hào về quá khứ, về những gì cha anh chúng ta đã làm nên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, về những gì các thế hệ tiền bối của chúng ta đã dày công nỗ lực phấn đấu vì một nền giáo dục đại học Việt Nam hiện đại bằng cả trí tuệ, mồ hôi và xương máu… Chúng ta có quyền tin tưởng rằng với sự nỗ lực, đồng tâm, cố gắng không ngừng của toàn thể cán bộ viên chức, học sinh sinh viên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự quan tâm tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương, sự hợp tác của các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế, sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội, ĐHQGHN nhất định sẽ thực hiện thành công sứ mạng được Đảng, Nhà nước và xã hội giao phó, đó là xây dựng và phát triển thành công mô hình trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà”.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm

Tiếp đó, Cụ Vũ Đình Hoè - giáo sư lão thành 94 tuổi, nguyên Bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam DCCH, người có vai trò rất quan trọng đối với nền giáo dục cách mạng Việt Nam giai đoạn đầu khi nước Việt Nam mới giành được độc lập khỏi ách đô hộ thực dân, người đã từng trực tiếp chứng kiến và tham dự Lễ khai giảng lịch sử đầu tiên của nền giáo dục đại học cách mạng Việt Nam ngày 15/11/1945 - đã phát biểu, kể lại hoàn cảnh ra đời của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam 60 năm về trước: “Trong hoàn cảnh vận mệnh tổ quốc như “Ngàn cân treo sợi tóc”, các trường đại học vẫn bình tĩnh khai giảng, càng làm cho thế giới thấy sức mạnh của Cách mạng Việt Nam, càng cho họ thấy Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà coi trọng truyền thống hiếu học và trọng trí thức của dân tộc Lạc Việt 4000 năm văn hiến. Và Chính phủ tin chắc rằng đông đảo giới thanh niên, đội quân xung kích của Cách mạng tháng Tám, sẽ hưởng ứng nhiệt liệt, mặc dầu họ bận bịu công việc cứu quốc đến đâu đi nữa”. GS. Vũ Đình Hoè cũng nhắc nhở các bạn học sinh, sinh viên: “Hãy rèn tập cho mình một nhân cách thanh niên trí thức của thời đại Hồ Chí Minh… Hãy tìm đến với thư viện, với sách vở, bây giờ thì cả với máy vi tính nữa, và muốn chúng phát huy tác dụng tối đa thì phải thông thạo, ít nhất ở mức độ đọc hiểu 1 - 2 ngoại ngữ. Cuối cùng là phải tự định hướng nghề nghiệp; mà muốn vậy hãy cố gắng chủ động tiếp cận môi trường nghề nghiệp tương lai của mình; ngay khi còn ngồi trên ghế trường đại học, hãy tận dụng mọi cơ hội để học việc”.

Toàn cảnh buổi lễ

Nhân sự kiện trọng đại này của ĐHQGHN, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà lãnh đạo cách mạng lão thành, người đã nhiều năm quan tâm đến sự nghiệp khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo của đất nước, đồng thời là một trong số những vị giáo sư đầu tiên đã từng được Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục bổ nhiệm giảng dạy môn Kinh tế tại Trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày ấy đã gửi thư chúc mừng tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức, các em học sinh, sinh viên ĐHQGHN.

Các quý vị đại biểu và học sinh, sinh viên ĐHQGHN tham dự buổi kỷ niệm đã được xem một số hình ảnh tư liệu về Lễ khai giảng đầu tiên của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 1511/1945.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 1 cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể và 11 cá nhân thuộc ĐHQGHN. Phó Thủ tướng đã phát biểu chúc mừng ĐHQGHN và đánh giá cao những cố gắng và thành tựu mà ĐHQGHN đạt được trong 60 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ đánh giá cao những cố gắng và thành tựu của ĐHQGHN trong 60 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất. ĐHQGHN là một trong những cơ sở đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học có quy mô lớn, có uy tín về chất lượng đã được xã hội thừa nhận… Chính phủ tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành và các địa phương, sự phối hợp của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học khác và sự nỗ lực phấn đấu của chính mình, ĐHQGHN sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, vững bước xây dựng và phát triển, xứng đáng là một trong những trung tâm đại học hàng đầu của cả nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới nền giáo dục đại học, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

TS. Đinh Hường

Sau khi TS. Đinh Hường (CBGD Trường ĐHKHXH&NV) đại diện các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên ĐHQGHN phát biểu; em Đặng Ngọc Liên (sinh viên Khoa Kinh tế) đại diện cho gần 50.000 HS-SV ĐHQGHN đã phát biểu bày tỏ những suy nghĩ và tình cảm của mình trước sự kiện trọng đại này của ĐHQGHN và hứa: “Toàn thể HS-SV ĐHQGHN sẽ nỗ lực không ngừng trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tham gia nhiệt tình vào phong trào đổi mới phương pháp học tập do Đoàn thanh niên ĐHQGHN phát động, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của ĐHQGHN”…

Sinh viên Đặng Ngọc Liên

Kế tục truyền thống 60 năm nền giáo dục đại học cách mạng Việt Nam, truyền thống 100 năm xây dựng và phát triển từ Đại học Đông Dương (1906 - 2006), ĐHQGHN sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, tạo những bước đột phá về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm phát triển ĐHQGHN thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng đại học nghiên cứu, ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiến tới đạt trình độ quốc tế với khẩu hiệu hành động trong giai đoạn phát triển mới là:
Phát triển - Hiện đại - Chất lượng cao.

 Lưu Mai Anh
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :