Thưa các vị quan khách và các vị giáo sư kính mến!
Các em sinh viên nam nữ thân mến!
Trước hết tôi chân thành cám ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được tham dự buổi Lễ trọng thể này. Chắc chắn tôi sẽ học được nhiều điều bổ ích, biết được nhiều tin hay về các tiến bộ của ngành ta mà đã hơn nửa thế kỷ nay tôi phải xa cách nên chưa nắm được.
Tôi rất mừng. Nhưng ... trong lòng có điều lo. Vì Ban tổ chức đặt ra một câu hỏi, buộc tôi phải trả lời ngay lúc này, trước toàn thể Hội nghị.
Hỏi: Tại sao hồi ấy, cuối năm 1945, Nam bộ đang mịt mù khói lửa ngoại xâm, ngoài Bắc thì đê vỡ lung tung, nạn đói khủng khiếp năm trước đang rập rình tái diễn, Kho bạc Nhà nước bảo hộ để lại vẻn vẹn chỉ có một triệu tiền Đông Dương, vậy mà Chính phủ cách mạng nhân dân lâm thời hàng ngày phải lo cái ăn, cái hút cho hàng chục vạn tướng và quân Tầu trắng; lại còn phải đối phó với bọn phản động luôn luôn hò hét: "cầm Hồ, diệt Cộng". Vận mệnh Tổ quốc thật như "ngàn cân treo sợi tóc". Thế mà các ngài phụ trách Bộ Quốc gia giáo dục lại xin Chính phủ và Hồ Chủ tịch mở cửa gấp các trường đại học - là nghĩa làm sao? Trong khi đó đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên đang được thu hút vào các phong trào quyên vàng để Chính phủ mua súng cho bộ đội, quyên từng bát gạo cho dân nghèo nấu cháo húp cầm hơi; cũng lại chính họ vác cuốc xẻng đào, san đất ở các vườn hoa, hè phố để trồng khoai lang cho đồng bào có cái ăn thay cơm vào những tháng tới giáp hạt. Các ngài há không thấy khai giảng Đại học trong tình hình nước sôi lửa bỏng như vậy là một việc làm "lạc điệu" hay sao?
Xin trả lời: Không. Không lạc điệu chút nào! Chính hoàn cảnh khó khăn như vậy mà các trường đại học vẫn bình tĩnh khai giảng, càng làm cho thế giới thấy sức mạnh của Cách mạng Việt Nam, càng cho họ thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà coi trọng truyền thống hiếu học và trọng trí thức của dân tộc Lạc Việt 4000 năm văn hiến. Và Chính phủ tin chắc rằng đông đảo giới thanh niên, đội quân xung kích của Cách mạng tháng Tám, sẽ hưởng ứng nhiệt liệt, mặc dầu họ bận bịu công việc cứu quốc đến đâu đi nữa.
|
GS.TSKH Đào Trọng Thi tặng hoa cho GS. Vũ Đình Hoè tại buổi lễ |
Dân ta đánh giặc rất hăng, mà học cũng rất hăng. Vì giác ngộ rất cao cái chân lý ngàn đời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa nhắc nhở: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Dốt thì mất Độc lập như chơi. Chính vì vậy chỉ một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập Hồ Chủ tịch đã ký các sắc lệnh thanh toán nạn mù chữ và thành lập ngành Bình dân học vụ. Song như vậy chưa đủ. Cách mạng cần trí thức cao. Tôi khâm phục cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên khi từ năm 1969 ông đề ra vấn đề nghiên cứu vai trò của các ông đồ Nho trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc ta. Hơn ba chục năm đã trôi qua, đến nay vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng một ông bạn thanh khí khác của tôi, nay cũng đã thành người thiên cổ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên về cuối đời đã tổng kết những trăn trở của mình về mối quan hệ giữa Cách mạng và Trí thức bằng mấy vần thơ:
Cách mạng là Nhân nghĩa,
Ông Đồ là Thi thư,
Bút tuôn dòng Nhân ái
Từ ngón tay Ông Đồ.
Sau nhiều năm mầy mò tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi mạo muội khẳng định: Hồ Chủ tịch hơn ai hết hiểu rõ chân lý trên đây. Liên minh Công - Nông - Trí làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực vô địch của cách mạng Việt Nam - mới đích thực là Tư tưởng Hồ Chí Minh. Mà trí thức, xưa thì từ cửa các trường Đại tập, nay từ cửa các trường Đại học mà ra. Cho nên chỉ 20 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập Hội đồng Chính phủ trong phiên họp dưới sự chủ toạ của Hồ Chủ tịch ngày 22 - 9 - 1945 đã "quyết nghị đến 15 - 11 - 1945 trường Đại học sẽ mở cửa". Lý do sâu xa là như thế. Việc làm ấy đáp ứng rất trúng ý nguyện của sinh viên, của thanh niên. Họ đến dự khai giảng rất đông. Và Đại học Quốc gia Việt Nam không chỉ khai giảng lại các trường, khoa sẵn có, mà còn mở khoa mới. Đó là các lớp xã hội - chính trị đặc biệt, với những giảng viên lỗi lạc như Gs. Võ Nguyên Giáp, Gs Phạm Văn Đồng, Gs Trần Văn Giàu, Gs Hồ Hữu Tường v.v..., với các môn triết học, sử học cũng như các môn chuyên nghiệp về kinh tế, tài chính, về luật học cùng hai môn ngoại ngữ Anh văn và Nga văn. Tôi trộm nghĩ Lớp xã hội - chính trị ấy mang đầy đủ tinh thần Đại học, hơn nữa bắt đầu xây đắp nền tảng triết lý giáo dục cho toàn bộ hệ thống giáo dục của nước Việt Nam mới trên cơ sở hoà hợp văn minh Đông và Tây. Văn minh Đông phương là châm ngôn từ ngàn đời nay lại toả sáng:
Ngọc bất trác bất thành khí
Nhân bất học bất tri lý
Học phải đến nơi đến chốn thì mới tri được Lý. Lý đây chính là Đạo lý, là Đạo "ở đời", Đạo "làm Người" ("ở đời làm Người" là lời Hồ Chủ tịch thường nói). Đạo làm Người tới tuyệt đỉnh là Đại Nghĩa và Chí Nhân. Đại Nghĩa dân tộc là "không có gì quý hơn Độc lập Tự do". Chí Nhân là "thương người như thể thương thân", "tứ hải giai huynh đệ". Rồi từ "nhiễu điều phủ lấy giá gương", "bầu ơi thương lấy bí cùng" ta sẽ góp sức làm nên "Thế giới đại đồng".
Văn minh Tây phương là các khoa học chuyên môn, kỹ thuật, rất cần cho cuộc sống thời nay. Nhưng cái nền vẫn luôn luôn phải là tinh thần đại học xưa (tức Đại tập), không thì thế giới đại loạn. Tôi nhấn mạnh lại: Tinh thần đại học.
Những điều tôi vừa trình bày trên đây, đó là cái bất biến của nền giáo dục mới, vì mục đích nhân sinh và xây dựng trên các nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng. Còn hệ thống và phương thức tổ chức đào tạo, nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, kế hoạch thực hiện thì có thể phải thay đổi, theo các điều kiện khách quan và chủ quan của từng địa điểm và từng thời gian hoạt động. Nay Đảng lãnh đạo đã đề xuất và đang thực thi đường lối Đổi mới, mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới; một nền kinh tế thị trường năng động và luôn biến động đang hình thành mà hệ thống giáo dục không thay đổi, tiếp tục chú trọng một mớ kiến thức kinh điển và kinh viện, thì sinh viên ra trường bị thất nghiệp cả loạt là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên có điều an tâm là nếu rèn được cho họ một nhân cách, một bản lĩnh vững vàng thì dẫu có thất nghiệp nhất thời, họ vẫn tìm ra cách sống có ích cho mình và cho xã hội.
Kính thưa quý vị quan khách và các vị giáo sư!
Đây có đông đảo anh chị em sinh viên. Tôi xin phép được tâm sự đôi lời với các em.
Trước hết tôi nhắc nhở các em nên nhớ rằng: có người thích nói Bác Hồ không qua Đại học nào mà kiến thức đông, tây, kim, cổ Bác đều uyên thâm. Không phải đâu! Bác Hồ chúng ta từng thụ giáo đại học ở nơi cha mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Hồi trước, Phó bảng Sắc cùng Giải San (Phan Bội Châu) từng học đại tập với người thầy yêu nước nổi tiếng khắp vùng là cụ Cử Nguyễn Thức Tự. Khi Ông Đồ Tự mất, đám đưa tang của môn sinh và dân chúng dài 2 - 3 cây số và Phan Bội Châu viếng bài thơ có câu:
Kinh sư dị đắc
Nhân sư nan tầm
(Thầy dạy chữ nghĩa dễ kiếm / Thầy dạy làm người khó tìm)
Cụ Phó bảng Sắc hẳn noi gương Thầy Tự, đã làm "nhân sư" - ông thầy đại tập, rèn đạo "ở đời làm người" cho Nguyễn Tất Thành.
|
GS. Vũ Đình Hoè và GS.VS Nguyễn Văn Đạo |
Có cái vốn đại tập căn bản ấy rồi, Bác Hồ của chúng ta lại làm sinh viên đại học, không phải một lần mà hai lần nữa trong đời. Lần đầu vào năm 1924 tại trường Đại học các dân tộc phương Đông ở Mạc Tư Khoa để được trang bị những kiến thức xã hội - chính trị khả dĩ làm nổi nhiệm vụ một cán bộ Quốc tế Cộng sản. Lần thứ hai vào năm 1935 - 1938, Bác học ở trường Đại học Lênin. Xong chương trình đại học, Bác học tiếp lớp nghiên cứu sinh, vừa chuẩn bị bảo vệ luận án phó tiến sĩ về đề tài "Phong trào nông dân ở Trung Quốc" vừa tham gia giảng lịch sử Đảng Bôn - sê - vích và các nguyên lý tổ chức Đảng cho nhóm học viên Việt Nam tại Học viện các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Phải nhắc lại hơi dài như thế để thấy Bác Hồ coi trọng học vấn đại học, coi trọng kiến thức khoa học trong vận động cách mạng như thế nào.
Các em thân mến! Các em là ngày hôm nay của nền Đại học Việt Nam và là ngày mai của kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật nước nhà. Vậy các em phải tập (theo tinh thần đại tập nói trên) và học như thế nào?
Về tập, tức về rèn luyện, các em hãy cố gắng: "Sống, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại". Vấn đề là hiểu và làm như thế nào. Theo thiển ý của tôi thì điều quan trọng nhất không phải là thuyết giáo Tư tưởng Hồ Chí Minh mà là rèn tập cho mình một nhân cách thanh niên trí thức của thời đại Hồ Chí Minh. Không phải cứ học nhiều, có nhiều bằng cao thì là trí thức. Nếu giật bằng cao chỉ cốt để leo cao cho dễ dàng mưu lợi riêng thì dẫu có danh viện sĩ cũng chỉ là kẻ cơ hội có mảnh văn bằng, chứ quyết không phải là trí thức. Người trí thức trước hết phải có nhân cách. Người thanh niên trí thức thời đại Hồ Chí Minh càng phải có nhân cách, lấy tư tưởng Nhân nghĩa Hồ Chí Minh làm cái gốc cho nhân cách mình, bao gồm lòng yêu nước, thương dân, nhất là dân nghèo, yêu dân chủ và lẽ công bằng là tinh thần của cuộc cách mạng do cụ Chủ tịch Mặt trận Việt Minh lãnh đạo; dám đấu tranh kiên trì chân lý như Nguyễn Ái Quốc từng bảo vệ đường lối "Kách mệnh" của mình; ham học hỏi và biết độc lập suy nghĩ như Nguyễn Ái Quốc khi phê phán một vài nguyên lý Mác - Lênin không hoàn toàn phù hợp với thực tế cách mạng Việt Nam. Tuy cách mạng Việt Nam có điều kiện thuận lợi: "Đây suối Lênin, kia núi Mác", - nhưng vẫn là: "Hai tay xây dựng một sơn hà!"
|
GS. Vũ Đình Hòe với sinh viên ĐHQGHN |
Qua đài báo tôi được biết các em đang có các phong trào thanh niên tình nguyện về phục vụ đồng bào các vùng sâu vùng xa, thanh niên tự rèn tập sáng tạo khoa học, tuổi trẻ kinh doanh, lập nghiệp . Các em đang nối tiếp truyền thống ý thức trách nhiệm trước dân của các thế hệ trí thức Việt Nam: các nhà Nho từng hô hào nhau "dũng thoái" (nghĩa là "dũng cảm thoái lui", tức từ bỏ quan trường cùng bổng lộc triều đình) lui về "vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" (làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã). Tiếp bước ông cha, lớp trí thức "Tây học" chúng tôi từng kêu gọi nhau: "Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng", "lập tiểu doanh điền". Tất nhiên, do điều kiện thực tế dưới chế độ phong kiến và chế độ thuộc địa, lớp ông cha, cũng như lớp chúng tôi, làm được ít lắm. Sở dĩ tôi nhắc lại ở đây thì chỉ là để chứng minh ý thức thường trực về trách nhiệm trước đồng bào như một đặc trưng trong nhân cách của trí thức Việt Nam mà các em đang có điều kiện phát huy đến cao độ. Vậy hãy đẩy mạnh hơn nữa các phong trào này! Đây là phương thức tốt nhất để rèn luyện nhân cách.
Đó là nói về "tập", còn về "học" thì sao?
Các em là sinh viên đại học, không phải học sinh phổ thông "cấp 4". Chỉ cung kính tiếp thu những điều thầy cô dạy bảo và chăm chăm trả lời cho phù hợp để được điểm cao thì chưa phải là học đại học. Tiếng Việt ta nói "học hỏi". Vậy chưa hỏi là chưa học, đặc biệt ở đại học. Hãy tham gia vào bài giảng bằng các câu hỏi của mình, thậm chí - hãy "cãi lại" (tôi để trong ngoặc kép) thầy cô, đương nhiên một cách lễ độ và có lý lẽ. Tôi đã trải qua những tình huống đó trong đời dạy học của mình, lại là dạy ở các lớp trường tư, nhiều học sinh cùng tuổi với thầy nên dám "ngang bướng" lắm (ngang bướng hợp lý). Hãy tìm đến với thư viện, với sách vở, bây giờ thì cả với máy vi tính nữa, và muốn chúng phát huy tác dụng tối đa thì phải thông thạo, ít nhất ở mức độ đọc hiểu, 1 - 2 ngoại ngữ. Cuối cùng là phải tự định hướng nghề nghiệp; mà muốn vậy hãy cố gắng chủ động tiếp cận môi trường nghề nghiệp tương lai của mình; ngay khi còn ngồi trên ghế trường đại học, hãy tận dụng mọi cơ hội để học việc, kể cả trong trường hợp không được trả đồng nào. Học việc cơ mà, không phải trả học phí là may rồi. Chỉ môi trường nghề nghiệp mới cho các em biết mình còn dốt chỗ nào, thiếu những kiến thức và kỹ năng gì để kịp thời tự bổ khuyết.
Làm được những điều trên đây, tôi tin chắc các em sẽ thành công. Được trò chuyện cùng các em tôi cảm thấy mình trẻ lại, dường như đang là sinh viên của trường Đại học này, như 75 năm trước.
Thưa toàn thể quý vị và các bạn thân mến!
Tôi đã lạm dụng thời giờ của Hội nghị; xin được quý vị và các bạn rộng lượng đại xá.
Xin chân thành cám ơn và kính chúc Đại học Quốc gia Hà Nội phát huy tốt đẹp truyền thống chim đầu đàn của nền Đại học Việt Nam.
|