Sau khi Hà Nội được giải phóng, nước ta cần khôi phục lại nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề nên rất cần sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế mà trước hết là Liên Xô và Trung Quốc. Vì vậy Bộ Giáo dục đã cho mở ở Khu Việt Nam học xá (thuộc phường Bách khoa ngày nay) 2 lớp ngoại ngữ cấp tốc (Nga văn và Hoa văn) để đào tạo cán bộ phiên dịch phục vụ các đoàn chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc.
Thực tế đòi hỏi cần phải có một đội ngũ cán bộ ngoại ngữ, trước mắt là biên dịch và phiên dịch được đào tạo bài bản. Vì vậy, ngay trong năm 1955 Trường Ngoại ngữ do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn trực tiếp làm Hiệu trưởng đã được thành lập. Ông Lê Kim Chung, ông Nguyễn Văn Tuất và ông Nguyễn Văn Trân giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Đội ngũ giảng viên của trường là các chuyên gia nước ngoài, giáo viên Việt Nam là phụ giảng.
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục GS. Nguyễn Văn Huyên và cán bộ giáo viên của trường ĐHNN năm 1957 |
Cần phải nói thêm rằng, vào năm 1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang vào lúc dữ dội nhất, theo quyết định đặc biệt của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, một nhóm thanh niên Việt Nam đã được cử sang học tiếng Hoa và tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, trở về Tổ quốc, phần lớn trong số họ làm phiên dịch và một số ít làm giáo viên ngoại ngữ. Trong số đó có các giáo viên Trường Ngoại ngữ như Trần Thống, Bùi Hiền, Phạm Quang Lộc, Nguyễn Khoa, Trương Đình Nguyên... là những giáo viên tiếng Nga, tiếng Hoa đầu tiên của Việt Nam. Học viên về học đại bộ phận là bộ đội, cán bộ kháng chiến có bằng tú tài và học sinh trung học kháng chiến.
Trường Ngoại ngữ khi ấy chỉ có vài dãy nhà ngói, lá thô sơ, tạm bợ vì phải làm gấp cho kịp ngày khai giảng. Chỉ sau một cơn bão tháng 9/1955 mái nhà tốc gần hết, cánh cửa hư hỏng nặng, cột nhà siêu vẹo. Nhà trường thiếu thốn mọi thứ, nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất chính là sách giáo khoa, tài liệu và kinh nghiệm. Các chuyên gia nước ngoài và phụ giảng Việt Nam phải làm việc hết sức căng thẳng từ sáng đến tối, soạn bài đến đâu dạy đến đó. Sau 2 năm đào tạo, học viên tốt nghiệp đi làm phiên dịch và dạy ngoại ngữ.
|
Trong giờ học của học sinh khối PTTH chuyên Ngoại ngữ (2005) |
Năm 1958, trước nhu cầu lớn về việc dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông, các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp, Trường Ngoại ngữ được sáp nhập vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành Khoa ngoại ngữ với nhiệm vụ đào tạo giáo viên ngoại ngữ có 3 phân khoa: tiếng Nga, tiếng Trung và tiếng Anh. Đến năm 1962 mở thêm phân khoa tiếng Pháp. Năm 1963, bốn phân khoa ngoại ngữ phát triển thành các khoa độc lập: Khoa Tiếng Nga, Khoa Tiếng Trung, Khoa Tiếng Anh và Khoa Tiếng Pháp. Năm 1967 Chính phủ đã thành lập Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội trên cơ sở 4 khoa ngoại ngữ nói trên. Năm 1993, trước yêu cầu đổi mới hệ thống giáo dục đại học, Chính phủ đã quyết định thành lập hai Đại học Quốc gia. Ngày 10/12/1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập. Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã trở thành một trong ba trường thành viên đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến năm 1995, Trường đổi tên thành Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy mang tên mới nhưng Trường vẫn giữ chức năng đào tạo giáo viên ngoại ngữ là chủ yếu. Ngoài ra Trường còn đào tạo cử nhân hệ phiên dịch.
|
Sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh - Mỹ trong giờ tự học |
Như vậy Trường Ngoại ngữ - đơn vị tiền thân của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay đã tồn tại từ năm 1955 đến năm 1958. Trong thời gian 3 năm ấy, với bộn bề khó khăn song những viên gạch đầu tiên đã được đặt xuống một cách vững chắc, làm nền móng cho sự nghiệp đào tạo chính quy tiếng Nga và tiếng Trung nói riêng và các ngoại ngữ khác ở Việt Nam sau này. Trong thời gian đó (10/1955) nhà trường cũng đã vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm. Bác nói với các cán bộ, giáo viên và học viên của Trường: “Người cách mạng phải học tiếng nói của Lênin”. Thấm nhuần lời dạy của Bác những học viên đầu tiên ngày ấy đã phấn đấu học tập, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều người trong số họ đã trở thành những tiến sĩ, giáo sư danh tiếng dạy tiếng Nga, tiếng Trung trong các trường đại học trong cả nước; cũng có không ít người trở thành cán bộ lãnh đạo trong các ngành quan trọng của đất nước, trong đó có những cán bộ nòng cốt tạo dựng nên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN ngày nay.
|