Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, 20 năm xây dựng và phát triển (11/1985 - 11/2005)
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị thuộc ĐHQGHN được thành lập ngày 15/11/1985. Với những thành tích đã đạt được qua 20 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, Trung tâm đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

I. LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA TRUNG TÂM

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các bộ môn khoa học Mác - Lênin của các trường đại học, cao đẳng, môn chính trị của các trường Trung học chuyên nghiệp trong cả nước, thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V, theo đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngày 15/11/1985, Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục & Đào tạo) Nguyễn Đình Tứ đã ký Quyết định số 1582/QĐ về việc thành lập Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Việc ra đời của Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin phản ảnh nhu cầu khách quan là việc bồi dưỡng, cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy các bộ môn khoa học Mác - Lênin, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ này là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ phải được tiến hành tập trung, với quy mô lớn, theo sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tư tưởng - văn hoá Trung ương. Do đó, Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp thấy cần thiết phải thành lập một tổ chức đủ mạnh đảm nhận công việc này.

Bộ chọn nơi đặt Trung tâm ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, vì lúc bấy giờ ở Trường vốn có một Bộ môn Mác - Lênin (bao gồm Triết học Mác - Lênin, Kinh tế học chính trị Mác - Lênin và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam), có nhiều cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm. Hơn nữa, lúc này trong Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có Khoa Triết học, Khoa Kinh tế chính trị (trực thuộc Ban giám hiệu nhà trường) và Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (trực thuộc Khoa Lịch sử của Trường), với đội ngũ giảng dạy đông đảo cả về số lượng, đứng hàng đầu trong cả nước về chất lượng. Đặt Trung tâm ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp muốn huy động được đông đảo cán bộ của nhà trường phục vụ cho công tác bồi dưỡng do Trung tâm đảm nhiệm. Chính vì vậy, sau khi có quyết định thành lập Trung tâm, Bộ trưởng Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp đã có Quyết định số 1648/QĐ, ngày 12/12/1985, cử đồng chí Nguyễn Duy Quý, Phó Hiệu trưởng kiêm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.

Như vậy, cuối năm 1985 trở đi, các tổ chức trực thuộc Ban Giám hiệu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có thêm tổ chức mới - đó là Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin với con dấu và tài khoản riêng.

 

Tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Giảng viên lý luận chính trị - ĐHQGHN

II. QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG TÂM

Trong 20 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm, có thể phân chia theo 3 giai đoạn sau đây:

1985 - 1990; 1991 - 2000; 2001 - 2005.

 

1. Giai đoạn 1985 - 1990

Ngay từ cuối năm 1985 đầu năm 1986, Trung tâm đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trước hết, Trung tâm tiến hành kiện toàn về mặt tổ chức. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bổ nhiệm hai Phó Giám đốc của Trung tâm là đồng chí Nguyễn Mạnh Chinh và đồng chí Hoàng Đôn, đồng thời một số cán bộ được điều động về Trung tâm như: Trần Đăng Huân, Võ Phương Thảo, Đào Xuân Chúc, Trần Đức Vui...

Ban lãnh đạo của Trung tâm đã xây dựng kế hoạch trước mắt và lâu dài để triển khai thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm.

Theo đề nghị của Trung tâm, lãnh đạo Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có quyết định bố trí cho Trung tâm lúc đầu là 1 phòng, sau đó là 2 phòng tầng 4 nhà C khu vực Thượng Đình của Trường để làm trụ sở của Trung tâm.

Như bất kỳ một đơn vị khoa học nào lúc mới thành lập, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ. Nhờ sự quan tâm của Đảng ủy và Hiệu trưởng nhà trường, nên những khó khăn ban đầu ấy đã từng bước được khắc phục.

Số cán bộ thuộc biên chế của Trung tâm được tăng dần theo thời gian, cả về cán bộ khoa học và cán bộ phục vụ.

Sau khi Trung tâm được thành lập một thời gian ngắn, tháng 12-1986, Đảng đã tiến hành Đại hội lần thứ VI - Đại hội có vai trò lịch sử trọng đại, mở đầu thời kỳ đổi mới một cách toàn diện ở nước ta.

Đại hội đề ra nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là phải thấm nhuần, nắm vững và thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội VI. Thực hiện nhiệm vụ này, đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp là phải tổ chức một cách nghiêm túc việc học tập, nghiên cứu Văn kiện Đại hội VI cho đội ngũ giảng viên lý luận Mác - Lênin của các trường đại học và cao đẳng trong toàn quốc.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Khoa giáo Trung ương và theo kế hoạch hướng dẫn của Vụ Công tác Chính trị của Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp, Trung tâm đã triển khai thực hiện tốt việc tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội VI cho đông đảo lực lượng cán bộ giảng dạy Mác- Lênin của các trường Đại học, cao đẳng và Trung học, Dạy nghề trong cả nước, được các đồng chí lãnh đạo của Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp, cũng như người học đánh giá cao.

Bên cạnh việc tổ chức học tập Nghị quyết của các Đại hội Đảng, Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ tổ chức cho đội ngũ cán bộ giảng viên Mác - Lênin trong toàn quốc học tập các Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào dịp nghỉ hè. Những năm đầu tổ chức học tập trung, mời giảng viên kiêm nhiệm là chính. Các giảng viên phần lớn là giảng dạy ở Trường Đảng, Viện nghiên cứu và các trường đại học. Bên cạnh đội ngũ giảng viên có trình độ cao và rất có kinh nghiệm, Trung tâm còn đảm nhiệm về mặt tài liệu, cán bộ giáo vụ, hướng dẫn thảo luận và viết thu hoạch.

Mặc dù cơ sở vật chất còn nhỏ bé, nhưng ở giai đoạn này, lãnh đạo của Trung tâm đã đặt ra vấn đề phải chăm lo xây dựng trước mắt là tủ tài liệu, lâu dài là xây dựng một thư viện nhỏ để phục vụ trực tiếp cho việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy Mác - Lênin trong toàn quốc. Nhờ chủ trương đúng đắn và phù hợp đó, sau này Trung tâm đã soạn được các tài liệu không chỉ cho cán bộ giảng dạy, mà còn tiến xa hơn đối với học tập của sinh viên. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của Trung tâm, việc này thực hiện còn rất hạn chế.

Ngoài nhiệm vụ chính lúc này là tổ chức quán triệt Nghị quyết của Đại hội và các Nghị quyết của Trung ương Đảng, lãnh đạo Trung tâm đã chuẩn bị kế hoạch và từng bước tổ chức các lớp nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy Mác - Lênin ở các trường đại học.

Căn cứ vào yêu cầu của đội ngũ cán bộ giảng dạy Mác - Lênin, lãnh đạo Trung tâm đã chủ động đề xuất và được sự đồng ý của lãnh đạo của Bộ Đại học & Trung học chuyên nghiệp cũng như Ban Khoa giáo Trung ương, về mở lớp bồi dưỡng Lịch sử triết học bao gồm Lịch sử triết học phương Tây và nhất là Lịch sử triết học phương Đông (Lịch sử triết học phương Đông lúc này ở các khoa đào tạo triết học ở Trường Đảng cũng như ở trường đại học nước ta còn đề cập rất ít).

Việc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin đặt vấn đề bồi dưỡng Lịch sử triết học cho đội ngũ cán bộ giảng Mác - Lênin là việc làm thiết thực để thực hiện sự chỉ đạo và mong muốn của Trung ương Đảng. Để triển khai nhiệm vụ này, Trung tâm xây dựng kế hoạch mời giảng viên và soạn đề cương nội dung gửi các giảng viên kiêm nhiệm. Có thể nói, Trung tâm đã mời được đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao để giảng dạy về lịch sử triết học cả phương Tây và phương Đông.

Đội ngũ giảng dạy hết sức nhiệt tình như các đồng chí: GS. Trần Đình Hượu, GS. Nguyễn Tài Thư, GS. Hà Văn Tấn, GS. Phan Ngọc, GS. Lê Hữu Tầng, GS. Nguyễn Hữu Vui, GS. Lại Văn Toàn, GS. Nguyễn Duy Thông,... lớp học đạt kết quả tốt. Lớp đầu tiên gồm 150 học viên tham dự. Như vậy, về việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ giảng dạy đã được tổ chức hết sức chu đáo, đặc biệt là sử dụng lợi thế mời được cán bộ giảng dạy kiêm chức tốt nhất trong từng chuyên ngành cụ thể.

Căn cứ vào kết quả của lớp bồi dưỡng về Lịch sử triết học, các lớp kế tiếp được mở là Kinh tế chính trị. Sự hấp dẫn đối với học viên ở các lớp học về Kinh tế chính trị là ngoài những kiến thức sâu về Kinh tế học Mác - Lênin, lúc này do nước ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội VI phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, nên các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng dạy về Kinh tế học chính trị Mác - Lênin trở nên cấp bách.

Các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ giảng dạy Lịch sử Đảng trong hoàn cảnh này cũng vô cùng quan trọng. Cùng với bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, việc giảng dạy bộ môn Lịch sử Đảng có nhiệm vụ làm cho người học thấy rõ sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

Những biến động đang diễn ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu lúc này gây ra sự dao động ở một bộ phận cán bộ đảng viên về chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, xuất hiện yêu cầu mới là phải tăng cường và đổi mới việc giảng dạy các bộ môn khoa học Mác - Lênin trong các trường đại học và cao đẳng, cũng như ở các trường trung cấp, dạy nghề.

Từ đó, nhiệm vụ đặt ra với Trung tâm là hết sức nặng nề và hoạt động của Trung tâm phải được củng cố và tăng cường hơn nữa. Trường Đại học Tổng hợp, từ lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường, đến Ban Giám hiệu đã có nhiều quyết định đúng đắn nhằm tăng cường sự hoạt động của Trung tâm. Nhiều cán bộ được bổ sung về Trung tâm như các đồng chí Trương Văn Phước, Nguyễn Văn Dương, PGS. Trần Duy Khang, Phạm Việt Trung và nhiều cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp đại học ở trong nước và nước ngoài cũng lần lượt bổ sung về Trung tâm như các đồng chí: Đinh Xuân Lý, Nguyễn Vũ Hảo, Phạm Hồng Tung, Phùng Xuân Nhạ, Hoàng Đình Thắng, Lê Văn Lực, Đậu Đình Tùng, Băng Tâm... và nhiều cán bộ khác làm giảng viên kiêm nhiệm của Trung tâm.

Theo quy định, các học viên hoàn thành các khoá học bồi dưỡng, nâng cao trình độ được cấp chứng chỉ theo từng môn học. Các cán bộ đã tham gia những lớp, khoá bồi dưỡng nhận được chứng chỉ dần tăng lên. Từ đó, một sáng kiến xuất phát từ Trung tâm là các học viên có thể được bảo vệ luận văn để cấp bằng Thạc sĩ sau khi đã tích lũy đủ chứng chỉ bồi dưỡng. Chủ trương này phải đến giai đoạn sau từ năm 1992 trở đi mới trở thành hiện thực. Nhưng nguồn gốc coi như hình thành ngay ở giai đoạn đầu của Trung tâm.

Về quan hệ hợp tác quốc tế: trong giai đoạn đầu này, Trung tâm đã chú trọng đến việc hợp tác với một số nước xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở văn bản hợp tác về mặt khoa học và đào tạo cán bộ giữa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lômônôxốp, Trung tâm đã tiến hành hợp tác với Viện nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy Mác - Lênin. Trong sự hợp tác này, Trung tâm đã đón đoàn cán bộ của Viện nâng cao trình độ sang thăm Trung tâm và Trung tâm cũng đã cử cán bộ sang trao đổi và làm việc với Viện nâng cao trình độ của Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp.

Ngoài trường Lômônôxốp, Trung tâm còn hợp tác với khoa Mác - Lênin của Trường Đại học Tổng hợp Humbôn Berlin của CHDC Đức.

Quan hệ hợp tác trên đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực bồi dưỡng cán bộ giảng dạy Mác - Lênin giữa hai nước, nhất là trong việc trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này và gửi cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng.

Có thể khẳng định rằng, trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng và phát triển, Trung tâm đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặt ra, tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự phát triển của Trung tâm ở giai đoạn tiếp theo.

Không phải mọi hoạt động của Trung tâm ở giai đoạn đầu đều diễn ra dễ dàng, chỉ có ưu điểm, thành tựu. Trên thực tế, Trung tâm đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn và trong triển khai các hoạt động cũng có một số vấp váp, khuyết điểm.

Nhìn một cách tổng thể, các chủ trương của Trung tâm ở giai đoạn đầu về cơ bản là đúng đắn, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ Trung tâm là rất lớn. Tuy đội ngũ cán bộ của Trung tâm còn mỏng, không đồng bộ, nhưng tinh thần làm việc hăng hái, đoàn kết, dám nghĩ, dám làm với tinh thần thực sự cầu thị. Nhờ vậy, Trung tâm đã đặt được nền móng vững chắc cho sự trưởng thành vượt bậc ở các giai đoạn sau.

 2. Giai đoạn 1991-2000

Đây là giai đoạn nêu cao tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, tận dụng những thuận lợi cơ bản, khắc phục những khó khăn, vượt qua những thách thức, tạo nên bước chuyển biến quan trọng trong việc kết hợp nhiệm vụ bồi dưỡngđào tạo với những hình thức, phương pháp và bước đi phù hợp, đáp ứng tốt và kịp thời yêu cầu cấp bách về nâng cao trình độ lý luận và thực hiện từng bước mục tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, sau khi ĐHQGHN được thành lập, ngày 27-10-1995, Ban Khoa giáo Trung ương có công văn số 383-KG/TW gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; Giám đốc ĐHQGHN, về việc nhất trí đặt Trung tâm bồi dưỡng giáo viên Mác - Lênin thuộc Đại học Tổng hợp cũ trực thuộc ĐHQGHN; tiếp đến, ngày 8-11-1995, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo có công văn số 7569/TCCB gửi Giám đốc ĐHQGHN đề nghị Ông Giám đốc ĐHQGHN làm các thủ tục cần thiết đặt Trung tâm bồi dưỡng giáo viên Mác - Lênin trực thuộc ĐHQGHN. Thực hiện các công văn trên, ngày 16-1-1996, Giám đốc ĐHQGHN ra Quyết định số 31/TCCB thành lập Trung tâm bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trực thuộc ĐHQGHN trên cơ sở Trung tâm bồi dưỡng giáo viên Mác - Lênin thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây.

Từ sau khi "Điều lệ tổ chức và hoạt động" của Trung tâm được Giám đốc ĐHQGHN ký quyết định và ban hành, bộ máy của Trung tâm đã có bước phát triển mới.

Về chức năng, nhiệm vụ: So với những năm trước, giai đoạn 1991-2000 đã có bước phát triển mới. Từ một Trung tâm có chức năng bồi dưỡng, nâng cao trình độ là chủ yếu, đến nay được ĐHQGHN xác định bao gồm 3 chức năng (đều có vai trò quan trọng): Chức năng bồi dưỡng đội ngũ, chức năng đào tạo sau đại học và chức năng nghiên cứu khoa học.

Gắn liền với sự phát triển và hoàn thiện bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, trong giai đoạn 1991-2000, nhất là từ sau năm 2000, Trung tâm đã có bước phát triển mới trên những lĩnh vực sau:

- Trước hết là ngày 24-5-2000, Giám đốc ĐHQGHN quyết định bổ nhiệm PGS.TS. Vũ Văn Hiền giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2000-2004. Tiếp theo, ngày 8-6-2001, Giám đốc ĐHQGHN quyết định bổ nhiệm Ths. Đinh Xuân Lý giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;

- Bổ sung thêm cán bộ, nâng tổng số cán bộ của Trung tâm từ 5 người (8 người nếu tính cả kiêm nhiệm) lên 11 người; đã thành lập một Hội đồng khoa học và đào tạo của Trung tâm, gồm 19 thành viên, đều là những Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đủ năng lực và trình độ tư vấn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học cho Giám đốc Trung tâm;

- Sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng là ngày 14-8-2000, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có công văn số 4635-CV/VPTW gửi ĐHQGHN, Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thường trực Bộ Chính trị về Đề án Đào tạo thạc sĩ khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh do Trung tâm bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trình. Thực hiện công văn trên, ngày 5-1-2001 Giám đốc ĐHQGHN ra Quyết định số: 09, giao nhiệm vụ cho Trung tâm bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đào tạo sau đại học theo hình thức Chính quy không tập trung đối với giáo viên lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của các trường đại học, cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp; tiếp theo, ngày 27-12-2001, Giám đốc ĐHQGHN có công văn số: 533/ĐT-SĐH cho phép Trung tâm bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo thạc sĩ các khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh theo hình thức Tích luỹ chứng chỉ;

- Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, trên cơ sở ý kiến đồng ý của Bộ Giáo dục và đào tạo, ngày 27-8-2002, Giám đốc ĐHQGHN ra Quyết định số: 586, đổi tên Trung tâm bồi dưỡng cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thành Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị;

- Tăng cường thêm một bước cơ sở vật chất và tiềm lực khoa học và đào tạo. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, được sự giúp đỡ của ĐHQGHN, đến năm 2000, Trung tâm đã có một cơ sở vật chất, bao gồm phòng làm việc của Ban giám đốc và các phòng, giảng đường, phòng sinh hoạt xêmina, phòng tư liệu thư viện và nhiều đầu sách, tài liệu quý và một hệ thống thiết bị hiện đại (máy vi tính, điện thoại và fax...).

- Đầu năm 2000, Trung tâm đã bổ sung, hoàn thiện xong 4 bộ chương trình khung đào tạo thạc sĩ của 4 chuyên ngành: Triết học, CNXHKH, Kinh tế chính trị, Lịch sử ĐCSVN và bước đầu biên soạn chương trình đào tạo thạc sĩ tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một hệ thống đề cương bài giảng chuyên đề sau đại học (gồm 04 chuyên ngành, trên 2000trang) gắn với chương trình đào tạo thạc sĩ đã được biên soạn công phu, có chất lượng và ấn hành cùng hệ thống tư liệu, tài liệu tham khảo khác, kịp thời phục vụ cho công tác đào tạo sau đại học có chất lượng cao.

Mặc dù biên chế có hạn, song Trung tâm đã hình thành được một mạng lưới cộng tác viên đông đảo, kể cả các cộng tác viên về bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Phương pháp dạy học, Phương pháp nghiên cứu khoa học thì số cán bộ đã lên tới gần 200 người, trong đó số cán bộ có học vị, học hàm là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ khoảng 155 người. Hầu hết trong số họ là những cán bộ khoa học đầu ngành lý luận Mác - Lênin của các trường đại học lớn, các cơ quan, các viện nghiên cứu Trung ương, các ban ngành Trung ương. Đây là điều kiện quan trọng để Trung tâm có thể hoàn thành tốt các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 * Những thành tựu đạt được

·        Tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ lý luận chính trị của toàn ngành

Dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, Trung tâm đã tổ chức 22 lớp tập huấn, trên 8 đợt bồi dưỡng quy mô lớn, nhằm quán triệt các quan điểm cơ bản của Nghị quyết Đại hội VII và Đại hội VIII và các Nghị quyết của BCHTW cho 10.000 lượt cán bộ giảng dạy theo học.

Nét mới trong các đợt tập huấn này là cùng với việc quán triệt các nghị quyết của Đảng nói chung, đội ngũ cán bộ lý luận đã tìm hiểu các quan điểm của Đảng trên các lĩnh vực lý luận, đặc biệt là sự bổ sung, phát triển lý luận của Đảng ta về tính chất thời đại, về thời kỳ quá độ, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, về xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân... từ đó lý giải các vấn đề có liên quan đến hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa khẳng định tính đúng đắn của học thuyết, vừa làm rõ những nét phát triển mới của lý luận được Đảng ta nghiên cứu bổ sung và phát triển.

Cũng trong các đợt tập huấn này, các chuyên ngành Mác- Lênin (Triết, Kinh tế chính trị, CNXHKH, Lịch sử Đảng...) đều tiến hành sinh hoạt khoa học chuyên ngành, nhằm rà soát, bổ sung chương trình, giáo trình trên các chương mục, bài giảng còn có nhiều khó khăn, vướng mắc, kịp thời đưa những tri thức mới vào hệ thống bài giảng, nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn của môn học, góp phần nâng cao chất lượng môn học.

·        Bồi dưỡng sau đại học và đào tạo thạc sĩ theo phương thức "tích lũy chứng chỉ", tiến tới bảo vệ luận văn để được cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành

Đây là bước chuyển biến căn bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trung tâm.

Thực hiện chủ trương của Bộ (công văn số 8502 ngày 28/12/1992), với sự giúp đỡ của Trường Đại học Tổng hợp (trước đây) và ĐHQGHN (từ 1996 đến nay), Trung tâm đã chuyển trọng tâm công tác sang nhiệm vụ bồi dưỡng các lớp chuyên đề theo chương trình đào tạo thạc sĩ của Bộ, theo phương thức tích lũy chứng chỉ.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, song cũng đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, chu đáo. Sau khi hoàn thành khung chương trình chuẩn và hệ thống chương trình chuyên đề, tuyển sinh đầu vào và đội ngũ giảng viên, trong 2 năm 1992-1993, Trung tâm đã tổ chức thí điểm hai lớp chuyên đề Triết học, Kinh tế chính trị tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được Bộ Giáo dục- Đào tạo phê chuẩn, Trung tâm đã mở rộng hình thức này sang các môn học khác. Từ năm 1994 đến năm 2000, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp chuyên đề thuộc 4 chuyên ngành: Triết học, Kinh tế chính trị, CNXHKH và Lịch sử Đảng CSVN theo chương trình đào tạo thạc sĩ tại Hà Nội, T.p Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bắc Thái và đã cấp chứng chỉ sau đại học cho gần 2000 cán bộ trong và ngoài ngành.

Triển khai đề án đào tạo sau đại học theo yêu cầu chuẩn hóa cán bộ từ năm 1993-2000, số cán bộ được đào tạo thạc sĩ chuyên ngành của Trung tâm được thực hiện dưới hai loại đối tượng và yêu cầu khác nhau, trên cơ sở xem xét, đánh giá quá trình đào tạo và trình độ cán bộ.

- Một là, đối tượng bổ sung và hoàn chỉnh kiến thức cao học cho 3 chuyên ngành Mác - Lênin là Triết học, CNXHKH, Lịch sử Đảng CSVN. Đối tượng là những cán bộ giảng dạy đã học qua chương trình đào tạo sau đại học nhưng chưa được cấp bằng và một số người đã có 2 năm thực tập sinh chuyên ngành ở Liên Xô, Đông Âu (trước đây) được đào tạo, bổ sung kiến thức chuyên ngành từ 6 - 9 tháng mà đủ điều kiện, thì được tiến hành bảo vệ luận văn để cấp bằng thạc sĩ. Loại hình chuẩn hóa đặc thù này có 46 người theo học, trong đó có 22 người được cấp bằng thạc sĩ.

- Hai là, đại đa số cán bộ giảng dạy được đào tạo bằng hình thức tích lũy chứng chỉ theo chương trình chuẩn hóa cao học và cấp bằng thạc sĩ (tương đương với hệ chính quy không tập trung sau này).

Cho đến năm 2000, Trung tâm có trên 550 học viên là cán bộ giảng dạy và cán bộ chính trị của 132 cơ sở (chủ yếu là các trường đại học, cao đẳng và THCN) theo học các lớp đào tạo chứng chỉ của Trung tâm, trong đó có gần 400 người được Bộ Giáo dục- Đào tạo ra quyết định đủ điều kiện bảo vệ luận văn để cấp bằng Thạc sĩ thuộc chuyên ngành: Triết học; CNXHKH; Kinh tế chính trị và Lịch sử Đảng CSVN.

Như vậy, với hai hình thức đào tạo nói trên, Trung tâm đã thu hút gần 600 người theo học, trong đó có trên 400 người đã bảo vệ luận văn và được cấp bằng thạc sĩ về 4 chuyên ngành đào tạo.

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức nhiều lớp chuyên đề sau đại học về Lịch sử các học thuyết kinh tế, Quản lý kinh tế, Kinh tế học, Quản trị kinh doanh, Kinh tế thị trường, Lịch sử triết học, Triết học hiện đại, Lịch sử tư tưởng XHCN trước Mác, Lịch sử Đảng CSVN, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, về Phương pháp nghiên cứu khoa học, Lý luận và phương pháp giảng dạy đại học, về Khoa học chính trị, Đạo đức học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, về Quan hệ quốc tế, về đường lối đôi ngoại của Đảng... cho cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị của các trường đại học, các trung tâm giáo dục chính trị ở TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên...

Có thể nói rằng, việc chuyển hướng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ của Trung tâm sang hình thức bồi dưỡng đào tạo sau đại học theo chương trình đào tạo thạc sĩ bằng phương thức tích lũy chứng chỉ là một cố gắng lớn, một thành công của Trung tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy Mác - Lênin của toàn ngành.

Kết quả nổi bật của phương thức đào tạo này là vừa bổ sung, nâng cao trình độ lý luận, khả năng vận dụng kiến thức và trình độ giảng dạy chuyên ngành của đội ngũ, vừa thực hiện một bước quan trọng trong việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, xoá "điểm trắng" về học vị thạc sĩ đối với cán bộ giảng dạy lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng, đảm bảo trường nào cũng có ít nhất từ 2 thạc sĩ; nhiều trường đạt tỷ lệ thạc sĩ từ 50% trở lên, có trường đạt gần 100%. Từ kiến thức đã được bồi dưỡng và đào tạo, đội ngũ này có khả năng đảm bảo vai trò nòng cốt trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn các cán bộ trẻ trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng môn học theo yêu cầu của Bộ. Một đóng góp quan trọng của Trung tâm là với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", Trung tâm đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Về khách quan, trong giai đoạn 1991-2000, bên cạnh hình thức đào tạo chính quy tập trung (phù hợp với đối tượng trẻ tuổi), phương thức đào tạo chính quy không tập trung và hình thức tích lũy chứng chỉ mà Trung tâm là đơn vị đầu tiên thực hiện là một phương thức đào tạo cơ bản, lâu dài thích hợp với đội ngũ cán bộ giảng dạy các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện tốt phương thức này, Trung tâm phải có một sự nỗ lực rất lớn, vì vừa phải có quyết tâm cao trong việc đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục & Đào tạo, vừa phải nâng cao trình độ tổ chức quản lý trên tất cả các khâu, từ chương trình, giáo trình, đội ngũ cán bộ giảng dạy, đến việc thực hiện một cách chặt chẽ quy chế tuyển sinh, quy chế giảng dạy, học tập, thi cấp chứng chỉ và bảo vệ luận văn, đảm bảo việc cấp bằng thạc sĩ của Đại học Quốc gia phản ánh đúng thực chất của đội ngũ này theo tiêu chuẩn cần có mà Đại học Quốc gia quy định.

·        Tăng cường sinh hoạt khoa học và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một trong những chức năng của Trung tâm nhằm nâng cao tiềm lực khoa học của Trung tâm, góp phần tích cực vào nhiệm vụ bồi dưỡng đào tạo cán bộ.

Trước những năm 90, số lượng cán bộ còn ít và chỉ đủ điều kiện đảm bảo công tác bồi dưỡng cán bộ lý luận của ngành. Từ năm 1992, nhất là từ 1996-2000, do chức năng nhiệm vụ đào tạo sau đại học được xác định và đội ngũ cán bộ được tăng cường về số lượng và chất lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức.

Trọng tâm của hoạt động khoa học được Trung tâm xác định là nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến việc tổng kết, phát triển lý luận của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới đất nước, có liên quan đến việc khẳng định và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, và tư tưởng Hồ Chí Minh từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đến nay, làm cơ sở bổ sung chương trình, giáo trình và hệ thống chuyên đề phục vụ việc bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ của các trường đại học, cao đẳng, THCN của ngành.

- Trong giai đoạn 1991 đến 2000, Trung tâm đã liên kết với các cơ sở đào tạo lớn như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường ĐKHXH&NV tổ chức 10 cuộc hội thảo khoa học xung quanh các vấn đề lý luận được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Đại hội VII), công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Đại hội VIII), trong đó có một số vấn đề lớn như vấn đề tính chất thời đại, nội dung cơ bản của thời kỳ quá độ, đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội và con đường xây dựng CNXH ở nước ta; sự phát triển về mặt lý luận của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN, về Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân,. về đường lối đôi ngoại đổi mới của Đảng ...

- Trung tâm đã tập trung chỉ đạo hoạt động khoa học của các bộ môn chuyên ngành nhằm bổ sung, hoàn chỉnh bốn bộ chương trình và hệ thống bài giảng chuyên đề sau đại học của các chuyên ngành (trong đó có môn học tư tưởng Hồ Chí Minh), được Đại học Quốc gia thẩm định và cho phép ấn hành, sử dụng trong công tác đào tạo sau đại học.

- Trung tâm đã tổ chức đăng ký và triển khai 8 đề tài nghiên cứu khoa học với 2 đề tài cấp Đại học Quốc gia và 6 đề tài cấp Trung tâm, trong đó có các đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn như đề tài về sự phát triển lý luận của Đảng về con đường tiến lên CNXH ở Việt Nam; về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng trong giai đoạn đổi mới.

- Gắn liền với các đề tài nghiên cứu khoa học là công tác sưu tầm, biên soạn hàng chục đầu sách, sắp xếp hệ thống danh mục và in ấn hàng vạn trang tài liệu tham khảo và lưu trữ trên mạng máy tính, phục vụ trực tiếp cho học viên trong việc sưu tầm tư liệu làm luận văn và phục vụ giảng dạy trong các trường.

Nhìn chung, giai đoạn 1991-2000 là giai đoạn đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của Trung tâm về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, trong đó nổi lên hàng đầu là bước chuyển biến từ đơn vị chỉ có chức năng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sang giai đoạn thực hiện cả chức năng đào tạo, bồi dưỡng sau đại học, thực hiện tốt yêu cầu chuẩn hóa từng bước đội ngũ cán bộ lý luận Mác - Lênin theo trình độ thạc sĩ chuyên ngành. Các thành tựu đã đạt được của Trung tâm tuy là bước đầu, song có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vai trò, vị trí của Trung tâm trong việc đào tạo sau đại học đã được khẳng định. Việc triển khai phương thức đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ) chính quy không tập trung, đào tạo theo phương thức tích lũy chứng chỉ là sự cố gắng, sáng tạo đáng ghi nhận của Trung tâm, tạo cơ sở vững chắc cho giai đoạn sau (2001-2005) Trung tâm trở thành một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sau đại học của ĐHQGHN.

3. Giai đoạn từ 2001 - 2005

- Đây là giai đoạn tiếp tục ổn định, bổ sung về chức năng và mở rộng về nhiệm vụ, củng cố về tổ chức bộ máy, tăng cương nhân lực trẻ có trình độ, đủ điều kiện đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Từ năm 2000 trở về trước, nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm là thực hiện chức năng bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và tham gia đào tạo sau đại học, chủ yếu bằng hình thức tích luỹ chứng chỉ. Nhưng từ năm 2001, ngoài nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ĐHQGHN chính thức tiếp tục giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học cho Trung tâm. Từ đó, Trung tâm trở thành một đơn vị đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN (chủ yếu là đào tạo cao học) theo 4 chuyên ngành: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử ĐCSVN, với hai hình thức chủ yếu: Đào tạo cao học chính quy, chính quy không tập trung và tiếp tục đào tạo thạc sĩ theo hình thức tích luỹ chứng chỉ - theo quy chế đào tạo sau đại học của Bộ Giáo dục - Đào tạo và của ĐHQGHN.

Nét nổi bật về nhiệm vụ của Trung tâm trong giai đoạn này là: cùng với nhiệm vụ đào tạo sau đại học, nhiệm vụ giảng dạy các môn Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các khoa trực thuộc Đại học Quốc gia, thì nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được Trung tâm hết sức coi trọng, coi đó là một trong hai nhiệm vụ chính trị chủ yếu, xác định làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo sau đại học và giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

PGS.Vũ Văn Hiền - Giám đốc Trung tâm tặng hoa bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tới GS.TSKH Đào Trọng Thi, GS.VS Nguyễn Văn Đạo, GS.VS Nguyễn Duy Quý - những người luôn gắn bó và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trung tâm

- Về cơ cấu tổ chức: Căn cứ vào Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trung tâm được ban hành theo Quyết định số 649/TCCB, ngày 10/10/1996 của Giám đốc ĐHQGHN, Trung tâm đã kiện toàn lại Ban giám đốc, các phòng chức năng, các bộ môn khoa học trực thuộc, bổ nhiệm nhân sự phụ trách các phòng, các bộ môn khoa học, thành lập Hội đồng khoa học - cơ quan tư vấn công tác bồi dưỡng, đào tạo, nghiên cứu và hoạt động khoa học cho Ban giám đốc.

Các tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng cũng được củng cố thêm một bước quan trọng.

 * Những kết quả bước đầu đã đạt được

·        Về công tác bồi dưỡng.

- Hàng năm, Trung tâm đã cùng tham gia với Vụ công tác chính trị, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn định kỳ vào dịp hè cho đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh các trường đại học, cao đẳng, tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Nội dung bồi dưỡng là Nghị quyết Đại hội IX, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức, về an ninh quốc phòng, về đối ngoại...

- Trung tâm đã triển khai thường xuyên các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chuyên ngành, bao gồm những vấn đề mới trong 5 bộ giáo trình quốc gia về Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử ĐCSVN, về tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề về phương pháp nghiên cứu và giảng dạy các bộ môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

·        Về đào tạo cao học:

Đào tạo theo 2 hình thức: chính quy tập trung và chính quy không tập trung, kể cả đào tạo thạc sĩ theo hình thức tích luỹ chứng chỉ. Từ năm 2001 đến năm 2005, trung bình mỗi năm thi tuyển được 50-55 học viên cao học các chuyên ngành: Triết học, Kinh tế chính trị, CNXHKH, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến nay đã có 250 học viên, trong đó đã có 55 học viên đã bảo vệ luận văn và được nhận bằng Thạc sĩ do Giám đốc ĐHQGHN cấp.

·        Về công tác giảng dạy :

Hàng năm Trung tâm đảm nhiệm việc giảng dạy các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên chính quy thuộc Đại học Công nghệ, khoa Luật và khoa Kinh tế.

Để phục vụ công tác đào tạo sau đại học, Trung tâm đã hoàn chỉnh 4 chương trình đào tạo thạc sĩ về Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng; tổ chức biên soạn và in ấn hàng trăm bài giảng chuyên đề và tư liệu cho học viên nghiên cứu, học tập và tham khảo.

·        Về nghiên cứu khoa học và hoạt động khoa học:

Từ năm 2001 đến năm 2005 Trung tâm đã nghiệm thu 2 đề tài nghiên cứu khoa học đặc biệt cấp Đại học Quốc gia; 2 đề tài cơ bản cấp Đại học Quốc gia; 20 đề tài cấp Trung tâm (cấp cơ sở).

Nội dung các đề tài tập trung vào mục tiêu chủ yếu là làm sáng tỏ cơ sở khoa học của một số vấn đề lý luận chính trị - xã hội, giải đáp những vấn đề thực tiễn do cách mạng nước ta đặt ra.

Nghiên cứu khoa học trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, một yêu cầu thiết thực đối với mỗi cán bộ giảng dạy của Trung tâm. Bước đầu hình thành một lực lượng cán bộ giảng dạy trẻ có triển vọng nghiên cứu khoa học tốt.

Từ sau Đại hội IX của Đảng (2001) đến nay, Trung tâm đã tổ chức một số Hội thảo khoa học với những nội dung: quán triệt các quan điểm của Đại hội IX vào giảng dạy các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kỷ niệm các ngày lễ lớn.

 Gắn liền với các Hội thảo khoa học là việc tổ chức biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, các đầu sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn thiết thực, thu hút được đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quân sự, một số Viện nghiên cứu và các trường đại học lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tham gia. Các ấn phẩm quan trọng đã được xuất bản phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai biên soạn Giáo trình chuyên đề sau đại học các chuyên ngành khoa học Mác - Lênin và tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Trung tâm đã tổ chức biên soạn hàng chục nghìn trang tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị ngành đại học, cao đẳng.

GS. Đào Trọng Thi - Giám đốc ĐHQGHN trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cho tập thể Trung tâm

 THAY LỜI KẾT

Phát huy truyền thống rất đáng tự hào qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị - ĐHQGHN bước vào giai đoạn mới với mục tiêu và phương hướng phát triển như sau:

* Mục tiêu:

Phát huy tối đa và hiệu quả mọi nguồn lực nhằm nâng cao căn bản chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng Trung tâm trở thành đơn vị đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, góp phần tích cực vào phát triển ĐHQGHN thành trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của cả nước

* Phương hướng phát triển

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Trung tâm tập trung phấn đấu theo những phương hướng dưới đây:

- Tạo sự nhất trí cao về nhận thức tư tưởng và quyết tâm cao trong thực hiện lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn thể cán bộ và học viên.

- Tạo những bước đột phá về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị với nghiên cứu khoa học trong một lộ trình tổng thể và mang tính khả thi.

- Phát triển đội ngũ cán bộ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, cán bộ cơ hữu và cán bộ kiêm nhiệm, cộng tác viên nhằm đảm bảo xây dựng Trung tâm thành một sơ sở hàng đầu về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị và là một cơ sở nghiên cứu, tư vấn có vị thế cao trong hệ thống các cơ sở nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

- Hiện đại hoá và nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong tất cả các hoạt động của Trung tâm./.

 Mai Anh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :