Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhà xuất bản ĐHQGHN - 10 năm nhìn lại
Nhân dịp Nhà xuất bản ĐHQGHN kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (12/12/1995 - 12/12/2005), phóng viên chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn các đồng chí trong Ban giám đốc Nhà xuất bản. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

TS. Phùng Quốc Bảo - Giám đốc Nhà xuất bản ĐHQGHN: “Chúng tôi luôn có mong muốn là được phục vụ hiệu quả, kịp thời”

PV: Thưa ông, xin ông cho biết vài nét về Nhà xuất bản ĐHQGHN.

TS. Phùng Quốc Bảo: Trong những học liệu phục vụ đào tạo, giáo trình, sách giáo tham khảo là yếu tố cơ bản nhất để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học. Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, ĐHQGHN đã quan tâm đến việc xây dựng và đảm bảo một hệ thống giáo trình đầy đủ, tiên tiến, hiện đại, tiếp thu được tri thức thế giới và trí tuệ, kinh nghiệm của các thế hệ thầy cô giáo trong ĐHQGHN. Ngay sau khi thành lập, ĐHQGHN đã xúc tiến việc thành lập riêng cho mình một nhà xuất bản để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị đặt ra. Ra đời tháng 12/1995, Nhà xuất bản ĐHQGHN là nhà xuất bản đầu tiên của một mô hình đại học mới ở Việt Nam, có nhiệm vụ xuất bản giáo trình, sách tham khảo phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu.

TS. Phùng Quốc Bảo

Nhà xuất bản hiện có 32 cán bộ, viên chức với 6 phòng, ban và 1 cửa hàng giới thiệu sách. Hai ban biên tập Khoa học Tự nhiên - Công nghệ và Khoa học Xã hội - Nhân văn, Phòng Kỹ thuật xuất bản đã từng bước đáp ứng được nhu cầu công tác xuất bản theo hướng chuyên môn hóa công việc. Các phòng, ban khác đã triển khai công việc theo chuyên môn, nghiệp vụ và ngày càng có hiệu quả, nề nếp và ngày càng ổn định.

Nhà xuất bản ĐHQGHN từ quí I năm 2002 trở về trước là một đơn vị sự nghiệp có thu, được bao cấp. Từ khi chuyển sang cơ chế hạch toán, tự chủ 100% chi phí hoạt động thường xuyên, Nhà xuất bản đã không tránh khỏi những chao đảo vì mất đi chỗ dựa “bao cấp tài chính”. Trước cơ chế thị trường xuất bản, Nhà xuất bản ĐHQGHN cũng chịu sự tác động và chi phối khá dữ dội của quy luật cạnh tranh và những tiêu cực trong hoạt động xuất bản chung của cả nước.

Trong tình hình mới, lãnh đạo Nhà xuất bản ĐHQGHN đã thay đổi cơ cấu tổ chức, đồng thời ban hành các quyết định quản lý hoạt động xuất bản có hiệu quả, đảm bảo chất lượng, xây dựng kịp thời các văn bản quy định liên quan đến công tác xuất bản, liên doanh, liên kết, về Định mức lao độngQuy chế chi tiêu nội bộ. Từ tháng 4/2005, Nhà xuất bản đã ban hành và áp dụng Nội quy lao động gắn với việc thực hiện chức trách, chấp hành kỷ luật lao động với hoàn thành nhiệm vụ và thi đua khen thưởng.

Sách được xuất bản ở Nhà xuất bản ĐHQGHN dưới mọi hình thức đều được triển khai theo một quy mô thống nhất, nhằm đảm bảo chất lượng (cả về nội dung, kỹ thuật, mỹ thuật). Một quy định mới, quan trọng trong quy trình xuất bản là tác giả cùng với biên tập viên phải kiểm tra lần cuối cùng và ký tên vào từng trang của bản photo can. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của tác giả và biên tập viên về ấn phẩm của mình với độc giả và xã hội. Để chống in lậu, đảm bảo quyền lợi của Nhà xuất bản và khách hàng, từ ngày 15/7/2003 Nhà xuất bản ĐHQGHN đã tổ chức dán tem chống in lậu và hàng giả trên bìa sách.

Trong giai đoạn trước mắt, Nhà xuất bản ĐHQGHN cũng gặp phải những khó khăn như: Các cán bộ quản lý công tác xuất bản còn ít kinh nghiệm, phải kiêm nhiệm nhiều công việc; Đội ngũ biên tập viên còn mỏng, không thể đảm nhiệm biên tập các ngành chủ yếu trong ĐHQGHN; hầu hết cán bộ biên tập chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ; Hệ thống trang thiết bị chưa đồng bộ, đã cũ, … Đây là những khó khăn đòi hỏi phải có thời gian để khắc phục.

Trong 10 năm qua, Nhà xuất bản ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Tập thể và cán bộ Nhà xuất bản đã được tặng nhiều bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin, bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN.

Từ khi thành lập tới nay, Nhà xuất bản ĐHQGHN đã xuất bản được hơn 2.908 đầu sách. Nếu như tỷ phần của sách giáo trình, sách tham khảo bậc đại học trong những năm đầu chỉ chiếm khoảng 20% thì trong những năm gần đây, tỷ phần đó đã tăng bình quân 40%/năm, riêng đối với sách khối khoa học tự nhiên và công nghệ là 60%. Chất lượng nội dung, kỹ thuật, mỹ thuật của các xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, bản quyền của sách được pháp quy hoá. Mặc dù có một vài thiếu sót về nghiệp vụ xuất bản, nhưng nhìn chung sách của Nhà xuất bản không vi phạm về chính trị, tư tưởng, có nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt yêu cầu đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong ĐHQGHN và nhiều trường đại học khác. Đặc biệt là, trong hoạt động xuất bản của mình, Nhà xuất bản ĐHQGHN đã tạo dựng được lòng tin và uy tín khoa học trong ngành, với các đối tác trong và ngoài ĐHQGHN. Đó là tiền đề, là cơ sở, là nguồn động viên quý báu, tạo nên sức mạnh của Nhà xuất bản ĐHQGHN.

PV: Với tư cách là Giám đốc Nhà xuất bản, nhìn lại chặng đường phát triển 10 năm qua, ông có nhận xét và suy nghĩ gì?

TS. Phùng Quốc Bảo: Là một đơn vị phục vụ trực thuộc ĐHQGHN, chúng tôi luôn có mong muốn là được phục vụ hiệu quả, kịp thời, theo nhịp bước cùng các cơ sở đào tạo trên lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN. Chúng tôi không thiếu quyết tâm và lòng nhiệt tình cùng với ý chí kiện toàn, đổi mới Nhà xuất bản để đáp ứng nhiệm vụ chính trị được giao, song chúng tôi rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sự đảm bảo về tinh thần của ĐHQGHN cũng như sự ủng hộ và phối hợp đồng bộ trong quá trình biên soạn, xuất bản, in, phát hành giáo trình, sách tham khảo của các cơ sở đào tạo trong ĐHQGHN.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xuất bản và phát hành, lãnh đạo ĐHQGHN đã quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách tới các cán bộ, viên chức Nhà xuất bản ĐHQGHN, đồng thời động viên và khích lệ mọi người nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không khí làm việc, hiệu quả công tác của các cá nhân và tập thể Nhà xuất bản ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tinh thần đoàn kết nội bộ, hợp tác tương trợ trong từng bộ phận cũng như trong toàn Nhà xuất bản ĐHQGHN ngày càng được củng cố và phát triển. Với tinh thần ấy, chúng ta có thể tin tưởng rằng Nhà xuất bản ĐHQGHN sẽ ổn định, phát triển, tiến lên cùng nhịp với các đơn vị thành viên khác trên lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, xứng đáng với vị thế của ĐHQGHN trong nền giáo dục đại học nước nhà.

 TS. Phạm Thành Hưng - Phó giám đốc Nhà xuất bản ĐHQGHN: “Tôi tin vào tương lai phát triển của Nhà xuất bản trong sự nghiệp chung của ĐHQGHN”

PV: Thưa ông, với tư cách là Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản ĐHQGHN, ông có thể cho biết đôi nét về tình hình xuất bản của đơn vị trong thời gian vừa qua?

TS. Phạm Thành Hưng: Một năm qua tiến độ xuất bản của chúng tôi tăng trưởng không như mình kỳ vọng. Lý do thứ nhất là những trở ngại xuất phát từ hiệu lực của việc ký kết công ước Berne. Sách dịch của Nhà xuất bản buộc phải gác lại nhiều bản thảo để xác định bản quyền. Chúng tôi chỉ yên tâm xuất bản những cuốn sách của các tác giả đã qua “50 lần giỗ kị”. Nhiều cuốn sách dịch được xuất bản nhiều lần trước đây cũng không thể tái bản một cách “tự nhiên chủ nghĩa” nữa. Việc chúng ta tham gia công ước Berne trong chừng mực nào đó đã ghi nhận những tiến bộ của chúng ta về sở hữu trí tuệ, về quyền con người. Nó cũng chứng tỏ những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của cá nhân, tôi nghĩ, chúng ta tham gia công ước quốc tế này hơi sớm. Nếu chậm lại một vài năm, chúng ta có thể tận dụng thêm được nguồn trí tuệ nhân loại. Nói một cách nôm na, ta học khôn thiên hạ nhiều, chứ thiên hạ học khôn ta là mấy. Lý do thứ hai xuất phát từ sự thực thi Luật xuất bản mới. Luật xuất bản mới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản song cũng trao cho người làm công tác xuất bản trọng trách mới trước ấn phẩm của mình. Nhà xuất bản cũng như các đối tác liên kết đều có một khoảng thời gian phân vân, chờ đợi sự chỉ đạo cụ thể của các cơ quan lãnh đạo, chủ quản. Cho đến nay, đã có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật xuất bản mới. Tuy vậy, quy trình vận hành chưa thật thông suốt, nhịp nhàng. Hai yếu tố đó đã tác động nhất định tới tiến độ sản xuất của Nhà xuất bản ĐHQGHN.

PV: Trong cơ chế thị trường hiện nay, với nhiệm vụ là quản lý công tác xuất bản, phát hành các loại giáo trình, sách tham khảo, nghiên cứu, tra cứu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ, sinh viên, học sinh trong và ngoài ĐHQGHN, Nhà xuất bản ĐHQGHN đã có những chủ trương gì để nâng cao hơn nữa số lượng và chất lượng nội dung bản thảo, thưa ông?

TS. Phạm Thành Hưng: Nâng cao chất lượng và số lượng xuất bản là vấn đề muôn thuở của tất cả các nhà xuất bản. Tuy nhiên với tư cách là nhà xuất bản của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao, có tính chất nghiên cứu, chúng tôi chủ trương hướng sản xuất vào mảng sách giáo trình và sách chuyên đề có hàm lượng trí tuệ lớn. Lãnh đạo ĐHQGHN cũng đã nhắc nhở và thường xuyên động viên Nhà xuất bản về nhiệm vụ đặc thù này. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc không chỉ vào nỗ lực, ý chí chủ quan mà còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ cụ thể của lãnh đạo ĐHQGHN thông qua những hành lang cơ chế và đầu tư tài chính. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo các đơn vị thành viên vẫn hay quên một thực tế ngặt nghèo này : Chúng tôi là một đơn vị phải tự hạch toán độc lập. Cho nên chủ trương đôi khi lại vấp phải những trở ngại tài chính. Nếu chủ trương nâng cao chất lượng có nghĩa là phải thắt lưng buộc bụng, tự an ủi và hy vọng vào tương lai. Mà trong cơ chế thị trường và mức sống chung của xã hội Việt Nam hiện tại, khi thu nhập thấp thì rất khó động viên sản xuất, rất khó thuyết phục người lao động.

TS. Phạm Thành Hưng

PV: Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Nhà xuất bản ĐHQGHN, ông có tâm nguyện gì muốn bày tỏ chăng?

TS. Phạm Thành Hưng: Để tồn tại và phát triển thành một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, tự hạch toán, Nhà xuất bản vẫn cần một sự hỗ trợ tài chính cụ thể và hiệu quả của ĐHQGHN. Giai đoạn quá độ này cần phải kéo dài từ 5 đến 10 năm. Một trong những lý do của sự hỗ trợ này là vấn đề đội ngũ. Từ biên tập viên , cán bộ phát hành, đến Ban giám đốc chúng tôi lâu nay vẫn chưa có một sự chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với cơ chế thị trường. Đây vẫn là một bộ máy xuất bản nghiệp dư, chưa đủ thời gian, độ chín để tự mình trở thành chuyên nghiệp. Vốn là một cán bộ giảng dạy văn học và báo chí ở Trường ĐHKHXH&NV, hiện tại tôi cảm thấy phải cố gắng nhiều mới hoàn thành chức trách Tổng biên tập và cảm thông được với những khó khăn vất vả của các biên tập viên của mình. Tuy vậy tôi tin vào tương lai phát triển của Nhà xuất bản trong sự nghiệp chung của ĐHQGHN.

TS. Phạm Thị Trâm - Phó giám đốc Nhà xuất bản ĐHQGHN: “Còn rất nhiều cần phải làm, phải bắt tay vào một cách thực sự”

PV: Thưa bà, TS. Phạm Thành Hưng - Phó giám đốc Nhà xuất bản ĐHQGHN vừa nói đến vấn đề quản lý bản quyền tác giả, bà có thể cho biết thêm hiện nay Nhà xuất bản ĐHQGHN thực hiện việc quản lý bản quyền tác giả như thế nào không?

TS. Phạm Thị Trâm: Đây là vấn đề gần như thách đố Nhà xuất bản. Việc xuất bản một cuốn giáo trình, cuốn sách tham khảo, sách chuyên khảo… không đơn thuần như xuất bản một tác phẩm văn học. Việc vi phạm bản quyền không đơn thuần là việc sử dụng lại nguyên tác. Trong thời đại thông tin như hiện nay, việc tiếp cận, khai thác các nguồn tư liệu rất phong phú và đa dạng. Vấn đề là tác giả sử dụng tài liệu khai thác đó như thế nào khi viết sách. Vì lúc đó ranh giới bản quyền là một điều tế nhị và mong manh. Trong thực tế làm công tác xuất bản, nặng về nghiệp vụ biên tập, việc xác định phần nào, chương nào là vi phạm bản quyền là một điều rất khó. Hiện tại chúng tôi chỉ quản lý thuần túy về mặt thủ tục hành chính, cụ thể qua phiếu Đăng ký bản quyền của tác giả, qua các hồ sơ thẩm định của các Hội đồng khoa học, các giấy ủy quyền tác giả… Dưới góc độ xuất bản, đó là cứ liệu phòng thân của chúng tôi.

TS. Phạm Ngọc Trâm

PV: Vậy, theo bà, làm sao để chúng ta giảm được tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay?

TS. Phạm Thị Trâm: Trong những năm gần đây vấn đề bản quyền, vấn đề sở hữu trí tuệ đã được xã hội quan tâm, đặc biệt là khi công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam, việc ý thức khi sử dụng bản quyền đã được hâm nóng và đi vào thực tế với phạm vi sâu rộng hơn. Tuy nhiên việc vi phạm bản quyền cũng không phải đã được chấm dứt. Viết sách cũng đang nằm trong thực tế đó. Tôi nghĩ việc quản lý và sử dụng bản quyền đã có luật bản quyền. Đó là là pháp chế, tuy nhiên cũng phải đề cao vấn đề tự trọng khoa học của người viết sách. Ngoài ra Nhà xuất bản cũng luôn cần đến những hội đồng thẩm định có tính chất chuyên gia để trước khi bản thảo đến Nhà xuất bản thực sự là sản phẩm tinh thần, trí tuệ đích thực của tác giả.

PV: Là một Phó giám đốc mới phụ trách kế hoạch xuất bản của Nhà xuất bản, bà có suy nghĩ gì trước những chặng đường phát triển tiếp theo của đơn vị mình?

TS. Phạm Thị Trâm: Tôi rất tin tưởng và hy vọng, không phải là cảm tính mà trên những dữ kiện và tiêu chí khoa học thực sự, xuất phát từ thực tiễn. Theo đánh giá của riêng tôi thì hiện nay chúng tôi vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác và thăng hoa được, một số lĩnh vực có tính chất then chốt chưa được đầu tư một cách thích đáng, thiếu tính chuyên nghiệp. Điều đó nói lên rằng, còn rất nhiều cần phải làm, phải bắt tay vào một cách thực sự. Xuất bản là một lĩnh vực đặc thù, vì vậy người làm công tác xuất bản không được tự mình thỏa hiệp và bảo thủ.

PV: Xin cảm ơn Ban giám đốc Nhà xuất bản ĐHQGHN đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.

 MAI ANH (thực hiện)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :