Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nhà xuất bản ĐHQGHN, từ ý tưởng đến hiện thực
Hoạt động báo chí, xuất bản trong trường đại học, bao gồm cả các tạp chí khoa học, là tiếng nói chuyên môn thể hiện quan điểm, phương hướng và những thành tựu học thuật của tập thể khoa học của Nhà trường. Thế nhưng, con đường dẫn đến sự ra đời của các cơ quan báo chí, xuất bản trong trường đại học ở nước ta, nhất là các nhà xuất bản, lại vô cùng gian truân, trắc trở.

Vào những năm trước thời kỳ đổi mới, các cơ quan báo chí, xuất bản đều trực thuộc các bộ, ngành hoặc các tỉnh, thành phố và hoạt động theo cơ chế bao cấp. Do cơ chế quản lý và sự hạn chế của điều kiện kỹ thuật in ấn, hoạt động xuất bản ở các trường đại học thường chỉ là tổ chức in rônêô nhân bản các giáo trình, tài liệu học tập để cung cấp cho sinh viên theo kiểu “tự cung tự cấp”. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), cho dù được xác định là trường đại học trọng điểm đầu ngành, nhưng với vị thế là một cơ sở đại học trực thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cũng không là ngoại lệ nằm ngoài tình hình chung nói trên. Phấn đấu để xứng đáng là một trung tâm khoa học hàng đầu của đất nước, Nhà trường đã sớm chú trọng đầu tư phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và đặc biệt quan tâm đến nhu cầu công bố các kết quả nghiên cứu của đội ngũ cán bộ giảng dạy, bắt đầu bằng những cố gắng ấn hành các số Thông báo Khoa học không thường kỳ - một kiểu tập san không chính thức chỉ lưu hành nội bộ. Rồi sự nỗ lực kiên trì, bền bỉ cũng được đền đáp khi vào năm 1985 số đầu tiên của Tạp chí Khoa học ĐHTHHN do GS. Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHTHHN trực tiếp làm Tổng biên tập, được ra mắt đông đảo cộng đồng khoa học nước nhà. Tập thể khoa học Trường ĐHTHHN, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có thể tự hào rằng đây là Tạp chí Khoa học đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất của một trường đại học thời kỳ đó được Bộ Văn hoá Thông tin cấp phép xuất bản và phát hành chính thức, có mã số tiêu chuẩn quốc tế ISSN.

Tôi còn nhớ khi tôi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường ĐHTHHN vào tháng 4 năm 1992, tình hình Nhà trường đang mất ổn định nghiêm trọng, kéo dài do tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ tập thể lãnh đạo mà nguyên nhân trực tiếp là những sai phạm trong hoạt động gia công lắp ráp tivi và trong công tác chấm phúc tra tuyển sinh đại học từ năm học trước (1991 - 1992). Ưu tiên hàng đầu của tôi và tập thể Nhà trường khi đó là tập trung công sức, trí tuệ để kiện toàn ban lãnh đạo và bộ máy quản lý, từng bước giải quyết các vụ việc nổi cộm tồn đọng nhằm ổn định tình hình Nhà trường và tích cực chuẩn bị cho năm học mới. GS. Nguyễn Văn Thoả, Phó tổng biên tập thường trực Tạp chí, đã đến gặp tôi để bàn về các giải pháp cấp bách nhằm duy trì hoạt động của Tạp chí, đảm bảo xuất bản kịp thời các số tạp chí thường kỳ theo kế hoạch. Thời kỳ này, để xuất bản được các số tạp chí không chỉ phải lo có nguồn bài đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng mà còn phải huy động đủ kinh phí để biên tập và in ấn. Mà trong hoàn cảnh rất eo hẹp về tài chính, đặc biệt là nguồn vốn tự có của Nhà trường gần như cạn kiệt, thì đây quả là một trở ngại lớn.

Một số cán bộ từng làm việc tại NXB

Tạp chí Khoa học do Trường ĐHTHHN trực tiếp quản lý và cấp kinh phí hoạt động, do đó không có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng như các tạp chí độc lập trực thuộc các bộ, ngành. Để có thể sử dụng tư cách pháp nhân và con dấu của Nhà trường trong giao dịch, đồng thời có đủ quyền lực điều tiết kinh phí và các điều kiện cần thiết cho Tạp chí hoạt động, anh Thoả đề nghị tôi nhanh chóng tiếp nhận trách nhiệm Tổng biên tập Tạp chí do Hiệu trưởng tiền nhiệm GS. Nguyễn An kiêm nhiệm bàn giao lại.

Bây giờ tôi xin có đôi dòng về công tác xuất bản. Trước đó, hoạt động xuất bản ở Trường ĐHTHHN bao gồm hai mảng chính: phần lớn các giáo trình, tài liệu môn học do Phòng Đào tạo phụ trách biên tập và in ấn, nhân bản để sử dụng nội bộ, không chính thức phát hành. Một số không nhiều sách giáo khoa, giáo trình hoặc sách tham khảo, tra cứu có nhu cầu sử dụng rộng rãi do bộ phận Tạp chí - xuất bản tổ chức xuất bản và phát hành theo phương thức xin giấy phép xuất bản riêng cho từng ấn phẩm. Bộ phận Tạp chí - xuất bản cũng đảm nhận trách nhiệm xuất bản Tạp chí Khoa học. Bước vào nhiệm kỳ Hiệu trưởng của tôi, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, việc quản lý toàn bộ hoạt động tạp chí, xuất bản đã được quy về một đầu mối là Phòng Tạp chí - xuất bản được thành lập trên cơ sở hợp nhất bộ phận Giáo trình của Phòng Đào tạo và bộ phận Tạp chí - xuất bản do GS. Nguyễn Văn Thoả làm trưởng phòng. Trong thâm tâm, tôi và anh Thoả đã nung nấu ý đồ thành lập Nhà xuất bản ĐHTHHN (tiếp sau Tạp chí Khoa học ĐHTHHN).

Khoảng năm 1993, Nhà nước chủ trương xiết chặt công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản. Các nhà xuất bản, báo, tạp chí đều đặt dưới sự quản lý trực tiếp của các bộ, ban, ngành hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Số phận của Tạp chí Khoa học của chúng ta trở nên rất mỏng manh vì khó có thể phân định được vai trò quản lý giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo và Trường ĐHTHHN đối với Tạp chí. Theo quy định, Tạp chí được coi là trực thuộc Bộ, “ngang hàng” với chính Trường ĐHTHHN vậy! Nếu tiếp cận một cách hành chính cứng nhắc thì đây quả thực là một bài toán không có lời giải. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã phải rất vất vả, gian nan mới bảo vệ được sự tồn tại của Tạp chí và do đó đành phải tạm gác lại giấc mơ về Nhà xuất bản của trường.

Thật ra, theo thông lệ quốc tế, trong cơ cấu các cơ quan báo chí, xuất bản của một trường đại học, ngoài các tạp chí học thuật và nhà xuất bản còn phải có một tờ báo riêng đóng vai trò cơ quan ngôn luận của Nhà trường nữa thì mới được coi là “trọn bộ”. Năm 1993, do yêu cầu của công tác tuyên huấn, và để chuẩn bị tiền đề cho việc ra đời một cơ quan ngôn luận chính thức, Trường ĐHTHHN đã xuất bản định kỳ hàng tháng Bản tin sử dụng nội bộ do GS. Phùng Hữu Phú, Bí thư Đảng uỷ, Phó hiệu trưởng trực tiếp làm Trưởng ban biên tập, còn anh Phạm Thành Hưng làm Uỷ viên thư ký, tương đương vai trò Thư ký toà soạn (anh Phú hiện là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội). Anh Hưng sau này làm Tổng biên tập Bản tin ĐHQGHN một thời gian trước khi chuyển về Nhà xuất bản làm Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập). Như vậy, ngay trong lòng Trường ĐHTHHN khi đó đã manh nha một hệ thống báo chí - xuất bản toàn diện nhưng còn rất hạn chế về tính chất, phạm vi lưu hành cũng như về tư cách, địa vị pháp lý.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Quyên (trái), nguyên trưởng ban biên tập sách Khoa học tự nhiên của NXB

Bước ngoặt có tính chất quyết định trong quá trình xây dựng Nhà xuất bản đại học đầu tiên ở Việt Nam là việc thành lập ĐHQGHN, một mô hình tổ chức đại học đa ngành, đa lĩnh vực với quyền tự chủ cao chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục đại học nước nhà. Cùng với những tiền đề chuyên môn, nghiệp vụ đã được Trường ĐHTHHN chủ động chuẩn bị, địa vị pháp lý của ĐHQGHN như một cơ quan thuộc Chính phủ đã làm cho ý tưởng thành lập Nhà xuất bản ĐHQGHN trở nên khả thi và chín muồi. Nắm bắt cơ hội đó, tôi và lãnh đạo Trường ĐHTHHN đã tự nguyện và chủ động chuyển giao Tạp chí Khoa học và Bản tin cho ĐHQGHN. Tạp chí Khoa học ĐHTHHN được đăng ký lại với tên mới là Tạp chí Khoa học ĐHQGHN và tôi tiếp tục đảm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí. Bản tin ĐHQGHN cũng được chính thức đăng ký và được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép xuất bản lưu hành nội bộ. PGS. Nghiêm Đình Vỳ, Phó giám đốc ĐHQGHN (hiện là Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương) được phân công làm Tổng biên tập Bản tin. GS. Nguyễn Văn Thoả được cử làm Phó tổng biên tập “thường trực” của cả Tạp chí và Bản tin. Lãnh đạo ĐHQGHN cũng tin tưởng giao nhiệm vụ cho anh Thoả chuẩn bị đề án và các thủ tục thành lập Nhà xuất bản ĐHQGHN.

Rồi thời khắc mong đợi cũng đến. Ngày 12/12/1995, được sự đồng ý của Bộ Văn hoá - Thông tin, GS.VS Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định thành lập Nhà xuất bản ĐHQGHN. Ngoài bộ phận xuất bản, Nhà xuất bản ĐHQGHN còn gồm Nhà in ĐHQGHN (hình thành trên cơ sở hợp nhất các xưởng in của 3 trường ĐHTHHN, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ) và toà soạn Tạp chí, toà soạn Bản tin. GS. Nguyễn Văn Thoả được bổ nhiệm làm Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản. Nhân dịp này, tôi muốn ghi nhận tâm huyết và đóng góp của GS. Nguyễn Văn Thoả, người xứng đáng được ghi công đầu trong nỗ lực nhằm biến đề án Nhà xuất bản ĐHQGHN từ “ý tưởng khả thi” trở thành hiện thực.

Trong thời kỳ đầu sau khi thành lập, đội ngũ cán bộ của Nhà xuất bản rất mỏng cả về số lượng lẫn trình độ và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoại trừ Nhà in có đội ngũ cán bộ công nhân viên cơ hữu, hầu hết cán bộ của các bộ phận còn lại, kể cả các cán bộ quản lý chủ chốt đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm hoặc bán chuyên trách. Ngay cả PGS. Nghiêm Đình Vỳ là Phó giám đốc ĐHQGHN được phân công phụ trách Nhà xuất bản, cũng phải trực tiếp kiêm nhiệm cương vị Tổng biên tập. Có tận mắt chứng kiến cái thuở “bần hàn” mười năm trước mới cảm nhận hết được sự trưởng thành vượt bậc của Nhà xuất bản hôm nay. Được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của ĐHQGHN, Nhà xuất bản đã nhanh chóng vươn lên khẳng định chỗ đứng của mình trong mạng lưới các nhà xuất bản của cả nước, đứng vào hàng “top ten” về quy mô xuất bản, từng bước phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và xây dựng thương hiệu của mình.

Trong quá trình phát triển, năm 1999 Nhà in đã tách ra thành đơn vị trực thuộc ĐHQGHN. Năm 2001, Tạp chí Khoa học cũng tách ra hoạt động độc lập với tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tổ chức xuất bản theo 5 chuyên san: Toán - Lý, Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật - Kinh tế, Ngoại ngữ, trong đó hai chuyên san Toán - Lý, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ được xuất bản bằng tiếng Anh; còn Bản tin thì trở thành đơn vị trực thuộc ĐHQGHN nhưng được giao cho Ban Chính trị và Công tác HS-SV quản lý để gắn kết chặt chẽ với công tác tuyên huấn. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Nhà xuất bản và Nhà in đã chuyển sang hoạt động một cách có hiệu quả theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

Kỷ niệm 10 năm thành lập, những cán bộ công nhân viên đã từng hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, báo chí ở Trường ĐHTHHN trước kia và ĐHQGHN hiện nay hoàn toàn có quyền tự hào chính đáng vì đã góp phần xây dựng và phát triển Nhà xuất bản đại học đầu tiên, mở đường cho sự ra đời mạng lưới các nhà xuất bản đại học trong toàn quốc: Nhà xuất bản ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được thành lập và chắc chắn còn nhiều nhà xuất bản của các trường đại học khác sẽ tiếp tục được thành lập trong tương lai, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đại học nước nhà. 

 GS.TSKH Đào Trọng Thi
Giám đốc ĐHQGHN
Ảnh: BT - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :