Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Nguyễn Văn Huyên, từ dân tộc chí đến nhân học văn hóa
Đối với nhiều sinh viên và cán bộ trẻ ngày nay, tên tuổi của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên vẫn như một ẩn số lịch sử. Đáp ứng phần nào nhu cầu thông tin đó, chúng tôi trích đăng bài viết trong cuốn "Chân trời có người bay" của TS. Đỗ Lai Thúy do NXB Văn hóa Thông tin phát hành...

 

Tiểu sử của GS. Nguyễn Văn Huyên

1908: 16/10 sinh tại Hà Nội

1926: sang Pháp học

1927: đỗ tú tài phần một

1928: đỗ tú tài phần hai, cử nhân Văn chương

1931: đỗ cử nhân Luật

1934: 17/2, bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne

1935: về nước ban đầu dạy trường Bưởi, sau đó chuyển sang làm cho Viễn Đông Bác Cổ

1945: tham gia cách mạng

1946: làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục

1975: 19/10 mất tại Hà Nội

Vào giữa những năm 80, tạp chí Etudes Vietnamiennes ra số chuyên đề về Lạng Sơn. Anh Đào Hùng, bấy giờ là trưởng ban biên tập, bảo tôi về nhà ông Nguyễn Văn Huyên mượn cuốn Recueil des chants de mariage Thổ de Lạng Sơn et Cao Bằng (Những ca khúc đám cưới Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng) để tìm một trích đoạn. Tôi đến ngôi nhà số 2 Trần Hưng Đạo và rụt rè chuông. Tiếp tôi là một mệnh phụ có tuổi nhưng gương mặt còn chưa tắt một vẻ đẹp. Bà Kim Ngọc, phu nhân của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Sau tuần trà, bà lẳng lặng dẫn tôi vào một căn phòng rộng có ảnh thờ ông Huyên đặt trên một tủ sách. Tủ mở, bên trong hiện ra chồng chất những bản thảo, những phiếu điều tra điền dã. Bà nói: Năm 57, khi Viễn Đông Bát Cổ giải tán, họ trả lại toàn bộ bản thảo của nhà tôi. Công sức lặn lội khắp làng quê Bắc Bộ của ông ấy từ đầu năm 44 đến khi Cách mạng nổ ra. Bà chỉ tay vào đống tư liệu đang thiêm thiếp: "Thằng Huy chỉ cần khai thác tiếp chỗ này của bố nó cũng đủ..."(1)

Nửa tháng sau, khi tôi đến trả sách bà đã ít xa cách hơn, tuy vẫn đượm buồn. Bà dẫn tôi đi xem những bức tranh của bà. Toàn là tĩnh vật. Hoa và lá. Thiếu vắng con người. Khi ông Huyên lâm bệnh và sau đó tạ thế, buồn quá bà giải khuây, chứ có học vẽ bao giờ đâu. Những bức tranh đẹp và buồn. Sự có mặt của thiên nhiên và đồ vật chỉ làm nổi bật sự vắng mặt của một con người. Tôi thích những bức tranh của bà bởi sự vắng - mặt - có mặt đó.

Chân dung GS. Nguyễn Văn Huyên đăng trên tạp chí Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20

Cuối những năm 80, trước khi đi Liên Xô, tôi có ghé thăm bà. Bấy giờ, bà đang bị ung thư, câu chuyện của chúng tôi vẫn chỉ xoay quanh một đề tài mà bà yêu thích: ông Nguyễn Văn Huyên. Dường như bà không quan tâm đến sức khoẻ của mình lắm. Trước khi chia tay, bà còn than thở: giá ông Huyên nhà tôi mà cũng cương quyết như anh Tùng (bác sĩ Tôn Thất Tùng xin nghỉ Thứ trưởng bộ Y tế để tập trung làm chuyên môn) thì đất nước bớt đi một ông Bộ trưởng tồi và thêm được một nhà bác học (2).

Năm 1934, tại Paris, một chàng thanh niên Việt Nam 26 tuổi, vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ Văn chương (Docture ès Lettes) về "Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam", có gửi cho nhà thơ Pháp 63 tuổi công trình của mình để cảm ơn vì đã lấy một câu thơ của ông để làm đề từ (3). Đó là Nguyễn Văn Huyên. Paul Valéry, nhà thơ nổi tiếng thế giới ấy, đã gửi cho vị tiến sĩ trẻ đó một bức thư như sau:

Viện Hàn lâm Pháp

Ngày 22 tháng 3 năm 1934

Thưa ông,

Tôi xin cảm ơn ông đã viết thư và gửi cho tôi công trình của ông. Tôi lấy làm cảm kích vì ông đã quan tâm lấy làm đề từ một câu trong bài Nghĩa trang bờ biển (Cimetière Marin). Tôi càng nhạy cảm hơn nữa với phương pháp mà ông đã chọn để nghiên cứu sự sáng tác thơ ca ngẫu hứng trong các lễ hội Việt Nam. Sự hài hoà của âm thanh và cảm giác là vấn đề chủ yếu của mọi thi ca nhưng trong các ngôn ngữ của chúng tôi, vấn đề này không được xác định. Chỉ có thể được giải quyết bằng sự việc và hầu như là do sự ngẫu nhiên, bởi vì người ta không bao giờ có thể chắc chắn đem lại cho tư duy một sức biểu cảm "có tính nhạc".

Thế nhưng tôi thấy trong quyển sách của ông những thí dụ hình thành thơ ca ở trạng thái nảy sinh. Tôi tìm thấy ở đấy trạng thái bài hát và sáng tác bài hát và bằng nhịp điệu, và tôi nghĩ đến Ronsard đã làm thơ dựa vào một cây đàn Luýt. Tôi cũng sực nhớ tới bản thân mình đã từng làm nhiều bài thơ xuất phát từ những hình tượng nhịp điệu chợt đến và ám ảnh tôi, những hình tượng đó xá định dần dần những “từ" rồi cuối cùnh một "ý".

Tất cả những gì ông nói về những đối xứng, cân bằng, những nhóm, gây cho tôi hứng thú đến cao độ (nhưng tôi không hiểu tiếng Việt cho nên chỉ có thể thu hoạch được một cách nông cạn từ các phân tích của ông).

Nhờ những gì mà ông viếy về các nhà thơ Việt Nam, tôi lấy làm vui lòng được đọc những điều mà tôi tin là đúng đối với mọi thơ ca, nhưng ở đất nyứơc chúng tôi lại rất ít biết đến hoặc hiểu thấu. Khi tôi đánh bạo nói về những điều đó thì có người cho là chuyện chướng tai, lại có kẻ bảo tôi là đầu óc quá tế nhị và phức tạp. Thế nhưn tôi cảm thấy hình như mình chỉ đã làm mỗi một việc là chú ý đến ngọn nguồn.

Xin ông tin ở lòng quý mến và sự tận tâm chân thành của tôi

Paul Valéry

Sự trao đổi chân thành và lịc thiệp giữa Paul Valéry - viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp - với Nguyễn Văn Huyên - một tân khoa tiến sĩ Viẹt Nam - thật là một thuần phong mỹ tục trong học thuật. Nhưng ở đây điều đáng lưu ý hơn, theo Hà Văn Tấn, là nhà thơ Pháp đã tìm thấy ở hát đối của nam nữ thanh niên Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên những phân tích chứng minh thêm cho quan niệm về thơ của mình. Đó là ba quy luật của mọi thơ ngẫu nhiên, ý thơ và hình thức mà người sau thường bàn tới như một cách tân (4).

*

Nguyễn Văn Huyên thuộc tầng lớp trí thức Tây học du học đầu tiên. Những người được “đi Tây” bấy giờ, hoặc con em những quan lại đang làm việc trong chính quyền thuộc địa, hoặc những học sinh có tài năng xuất chúng. Nguyễn Văn Huyên thuộc loại sau. Lớp trí thức Tây học du học này không đông đảo như các lớp trí thức du học bản địa hình thành về sau này. Đó là lớp trí thức trung lưu, lớp tri thức đa số làm nghề tự do đầu tiên của xã hội Việt Nam. Họ là tác giả của nền văn nghệ và học thuật giai đoạn 1932 - 1945: Nền văn hoá đô thị.

Nguyễn Văn Huyên đi Pháp không phải học luật để sau này về làm quan, cũng không phải học khoa học kỹ thuật để sau này canh tân đất nước, cũng không phải học y để chữa bệnh thể xác cho nhân dân, mà tự chọn cho mình ngành Dân tộc học. Một ngành lùi sâu vào quá khứ và thật xa với những gì là thời sự sôi động trong đầu óc thanh niên Việt Nam đương thời. Cũng có thể thu hút ông là không khí của khoa học xã hội Pháp lúc bấy giờ với những tên tuổi nổi tiếng của dân tộc học và xã hội học như E. Durkheim (1858 - 1917) với tác phẩm "Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo" (1912), M.Mauss (1870 - 1950) với "Khảo luận về sự cho tặng" (1925), Lévy Bruhl (1857 - 1939) với các tác phẩm "Tâm thức nguyên thuỷ", "Cái siêu nhiên và cái tự nhiên trong tâm thức nguyên thuỷ", "Kinh nghiệm thần bí và những biểu tượng ở những người nguyên thuỷ " (1938)... Cũng có thể các nhà dân tộc học Pháp chuyên nghiên cứu về Việt Nam như Cadeire, Dumoutier, Przyluski...tuy đã có những công trình xuất sắc nhưng hình như còn chưa đụng đến được “điểm linh đài" của người Việt Nam. Vì dù sao họ cũng là những "ông Tây", nhìn Việt Nam từ bên ngoài và đôi lúc không khỏ bị lạc hướng bởi thị hiếu exotique...Cũng có thể vọng tuyến của Nguyễn Văn Huyên sâu xa hơn: muốn đổi thay được mình thì phải hiểu mình, mà muốn hiểu mình thì tốt nhất hãy nhìn mình bằng con mắt của kẻ khác. Phương pháp khoa học của phương Tây chính là con mắt của kẻ khác đó. Con mắt phương Tây và trái tim Việt Nam, hiểu biết và rung cảm, là đôi cánh của nhà nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực đời sống tình cảm, đời sống tâm linh của một dân tộc.

*

... Cuối năm 1935, Nguyễn Văn Huyên về nước. Ông dạy học một thời gian rồi vào làm việc cho trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole Francaise d’ Extrênme Orient). Đánh giá sự kiện ông Nguyễn Văn Huyên trở thành thành viên của truờng Viễn Đông Bác Cổ, giám đốc George Coedès viết:

“Việc ông Nguyễn Văn Huyên gia nhập trường Viễn Đông Bác Cổ năm 1935 đã là một cơ hội để trường triển khai những nghiên cứu về những tín ngưỡng và những thiết chế của đất nước Việt Nam.

Cũng với sự đào tạo vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp, tại khoa Văn và khoa Luật của Đại học Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà các nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện được.

Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần của xã hội dân quê Việt Nam"

Nguyễn Văn Huyên sống trong thời đại đang hình thành môn nhân học xã hội - nhân văn hoá. Xuất thân từ dân tộc chí (ethnographie - còn gọi là: dân tộc học miêu tả) tương ứng với giai đoạn quan sát và miêu tả, với công việc trên thực đại mà ở đấy người ta thu lượm các dẫn liệu. Nhà dân tộc chí cung cấp những chuyên khải (ví dụ như "Les Mường" của Jeane Cuisinier) phân tích một nhóm họp, một miêu tả tỉ mỉ. Nguyễn Văn Huyên đã có những tác phẩm dân tộc chí như "Hát đối của thanh niên nam nữ ở Việt Nam", "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á", "Những khúc ca đám cưới tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng"... Tuy nhiên, ông nhanh chóng chuyển sang dân tộc học (ethonogie - còn gọi là dân tộc học lý luận). Đây là bước đầu tiên tiến tới sự tổng hợp. Đối tượng nghiên cứu được mở rộng. Và cùng với điều đó là sự thay đổi phương pháp. Công việc tổng hợp hoá này, theo Claude Lévi - Strauss, có thể tiến hành theo ba hướng: địa lý (mở rộng lãnh thổ được xét đến cho nhiều nhóm người), lịch sử (tái lập quá khứ của cư dân đư?c quan sát), và hệ thống hoá (cô lập hoá một kiểu kỹ thuật, phong tục hay thể chế).

Nhân học (anthropologie) là chặng đường cuối cùng của sự tổng hợp này nhằm cấp một hiểu biết khái quát về con người, phân xuất những tri thức có giá trị cho mọi xã hội và toàn bộ sự phát triển của con người. Nhà nhân học giống nhà triết học ở chỗ họ đều là chuyên gia của những điều khái quát, như Comte nói. Nhưng khác nhau ở chỗ nhân học còn tiếp thu nhiều yếu tố của hội học. Trước hết, nhân học bao giờ cũng tự xác định mình bằng cách quy chiếu về một hệ chuẩn khoa học. Nhân học, bởi vậy, là khoa học tự nhiên của xã hội con người và nó gạt triết học sang lĩnh vực tư biện không có cơ sở vì không dựa trên quan sát, tức không xuất phát từ các sự kiện.

Đối với các nhà triết học, sự suy nghĩ về người nguyên thuỷ, hay người hoang dã chỉ có nghĩa là để tư duy về xã hội hiện đại. Trái lại, nhân học đảo ngược cách nhìn này để nhìn xá hội nguyên thuỷ ở bản thân nó, để lấy nó là đối tượng riêng của mình. Như vậy, nhà nhân học trở thành chuyên gia của người khác và tôn trọng tính khác biệt của nó để sau đó đưa ra một tương đối luận.

Nguyễn Văn Huyên chú ý đến các hiện tượng tôn giáo trước hết là xuất phát từ cái nhìn xá hội học. Trong khoa học này có khái niệm "đồng thuận xã hội" như là một trong những khái niệm - công cụ trọng yếu. Xã hội Việt Nam từ khi bước vào hiện đại có nhiều chuyển biến, con người cá nhân phát triển, sự đồng thuận xã hội bị giảm sút. Trong cấc xã hội cổ truyền, người ta thấy rõ là sự đồng thuận xã hội nằm trong các hiện tượng tôn giáo. Nếu trong các xã hội hiện đại thiếu sự hội nhập của cá nhân thì đó là vì các tín ngưỡng tôn giáo tập thể trước đây gắn bó các xã hội truyền thống nay đã lụi tàn dần. Và sự xa sút tôn giáo này làm cho con ngưòi mất chuẩn mực chung nên đã tước bỏ cơ sở cho sự đồng thuận xã hội.

Những năm du học ở Pháp, Nguyễn Văn Huyên chịu ảnh hưởng của nhà xã hội học Durkheim về luận điểm "xã hội tổng thể". Ở đây cái xã hội được đề cao, cái cá nhân phải phụ thuộc vào cái xã hội. Tức là để tìm hiểu cá nhân, tìm hiểu các yếu tố phải xuất phát từ cái xã hội. Từ đó nhìn vào các hiện tượng tôn giáo Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên thấy rằng tình cảm tôn giáo bao giờ cũng được thể nghiệm như một sự vượt khỏi mình; cá nhân bị lôi kéo ra khỏi bản thân và cộng đồng hoá với tổng thể. Y quên hẳn mình và hoà nhập vào cái tổng thể do sự hợp lý của con người tạo nên.

Không thoả mãn với cái nhìn xã hội học san bằng cá tính, Nguyễn Văn Huyên, theo M.Mauss, tìm đến với nhân học, là bộ môn khoa học coi trọng "tính khác biệt". Nếu xã hội hoc xuất phát từ sự khác nhau để đi đến những khái quát chung, tức sự giống nhau, thì nhân học, ngược lại, tìm cái khác nhau trong sự giống nhau. Đây là điều cần thiết để nhận diện một nước Việt Nam cổ truyền trong sự khác biệt với nước Trung Hoa nhằm phá tan sự ngộ nhận nền văn minh Việt Nam là cái đuôi của nền văn minh Trung Hoa của các học giả châu Âu (nên họ cứ gọi đó là nền văn minh Hoa - Việt). Tuy nhiên, tính khác biệt với tư cách là đối tượng của nhân học khác xa với cái exotique luôn đập vào mắt người du lịch.

Từ Việt Nam sang học Pháp rồi lại trở về nghiên cứu Việt Nam, có thể nói, Nguyễn Văn Huyên đã tạo ra được cái nhìn có thể nhập thân vào kẻ khác để rồi sau đó quay trở lại chính mình để làm nổi bật tính kỳ lạ của mình. Những nghiên cứu về văn hoá và tôn giáo của Nguyễn Văn Huyên như Tết Nguyên đán ở Việt Nam, Tết Thanh Minh về việc tảo mộ của Việt Nam, Lễ hội Phù Đổng - một trận đánh mang tính cách nhà trời, Sự tôn thờ Pháp Vũ Thần Mưa, Sự phụng thờ các thần bất tử ở Việt Nam, đ?c biệt là tác phẩm Văn minh Việt Nam thấm đẫm sự kỳ lạ đó.

Có thể nói, với tư cách là một nhân học xã hội và nhân học văn hoá đầu tiên của Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên đã đặt ra việc nghiên cứu con người Việt Nam một cách phổ quát, đó là con người tổng thể luận, đồng thời áp dụng khái niệm logic khác của Lévy Bruhl để nêu lên tính khác biệt của nó. Lịch sử Việt Nam là một lịch sử bắt chúng ta phải suy nghĩ xuất phát từ kẻ khác. Nguyễn Văn Huyên đã có đóng góp to lớn cho hướng đi này.

Văn hoá Việt Nam với Hàn Mạc Tử đã đi từ cổ điển qua lãng mạn, tượng trưng rồi siêu thực, tức rút gọn hơn một trăm năm văn hoá Tây Âu vào già một thập kỷ. Khoa học xã hội - nhân văn Việt Nam với Nguyễn Văn Huyên đã làm thành một tương tự: từ dân tộc chí qua dân tộc học, xã hội rồi đến nhân học văn hóa. Những chuyến đi gấp gáp về phía hiện đại như vậy, hẳn không thể không để lại sau nó những khoảng trống, những chỗ bất cập để thế hệ sau đến lấp đầy…

(1) TS. Nguyễn Văn Huy, nhà Dân tộc học, con trai của GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, hiện naylà Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Xin lưu ý đây là lời nói của một người mẹ với một người con trong nỗi nhớ tiếc chồng.

(2) Nguyễn Văn Huyên, cũng như Tạ Quang Bửu, là một Bộ trưởng có tài và tâm huyết với giáo dục, nhưng cơ chế quan liêu bao cấp đã khiến ông không phát huy được hết tài năng. Xin đơn cử một ví dụ, một vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh nọ cử vợ mình mới học xong lớp 4 sang làm Trưởng ty Giáo dục. Biết được sự việc đó, ông Huyên kiên quyết phản đối. May mà bấy giờ Chính phủ có quyết định chỉ có Bộ trưởng mới có quyền bổ nhiệm Trưởng ty nên sự phản đối của ông mới có hiệu lực. Nhưng không được là Trưởng ty Giáo dục thì ông quan nọ đẩy vợ sang làm một trưởng ban khác của tỉnh.

(3) Câu thơ của P.Valéry là: Le vent se lève!…II faut tenter de Vivre! (Gió đã nổi lên!…Phải cố mà sống!)

(4) Một tư liệu trích dẫn trong bài viết này lấy từ "Nhà bác học Nguyễn Văn Huyên với văn hóa Việt Nam" của GS. Hà Văn Tấn trong cuốn "Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên, NXB KHXH, 1995 (Tập I), 1996 (Tập II).

 Đỗ Lai Thúy* - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :