Tham dự buổi lễ có các đại biểu đại diện cho một số bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Thuỷ lợi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định...; đại diện một số ban chức năng, đơn vị đào tạo, trung tâm và viện nghiên cứu thuộc ĐHQGHN, cùng đông đảo các nhà khoa học, các thế hệ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên và học viên của Trung tâm.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo - GS.TSKH Trần Văn Nhung và Giám đốc ĐHQGHN - GS.TSKH Đào Trọng Thi đã đến dự và phát biểu.
Trong diễn văn khai mạc, Giám đốc Trung tâm - GS.TSKH. Trương Quang Học đã nêu bật những nỗ lực phấn đấu và thành tích đạt được trong 20 năm xây dựng và trưởng thành của Trung tâm; đồng thời cám ơn sự quan tâm, giúp đỡ quý báu và hợp tác có hiệu quả của các đơn vị, cơ quan và cá nhân trong nước cũng như quốc tế đối với Trung tâm trong thời gian qua.
Là một trong những trung tâm về môi trường được thành lập sớm nhất ở Việt Nam (15/11/1985), năm 1995, Trung tâm Nghiên cứu TN&MT sát nhập với Trung tâm nghiên cứu rừng ngập mặn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành trung tâm nghiên cứu cùng tên trực thuộc ĐHQGHN. Từ cơ sở nghiên cứu với hơn 10 người khi mới thành lập, đến nay, Trung tâm đã thực sự lớn mạnh với đội ngũ cán bộ trên 50 người trong đó có 2 GS.TSKH, 3 GS.TS, 5 PGS.TS, 6 TS và 20 ThS... Trung tâm đã chủ trì 3 trong 5 chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp nhà nước về Tài nguyên và Môi trường; hàng trăm các dự án KH-CN các cấp và hơn 40 dự án hợp tác quốc tế. Ngoài hàng trăm lớp huấn luyện ngắn hạn ở các địa phương cho các đối tượng khác nhau, trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức 19 khóa đào tạo từ 3 tháng đến 1 năm cho hơn 600 cán bộ của cơ quan Trung ương và các sở ban ngành địa phương cũng như các khu bảo tồn trên địa bàn cả nước. Năm 2005, được phép của ĐHQGHN, Trung tâm đã liên kết với Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam tổ chức khóa đào tạo SĐH thí điểm về chuyên ngành “Môi trường trong phát triển bền vững”. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, các hoạt động của Chi bộ cũng như các đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên đã được duy trì một cách nề nếp, góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đoàn kết nhất trí chung của Trung tâm.
|
Thay mặt lãnh đạo ĐHQGHN, Giám đốc - GS.TSKH. Đào Trọng Thi đã đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đạt được của Trung tâm trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cán bộ và phục vụ thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu càng cao của xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Giám đốc hy vọng, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phát huy truyền thống vẻ vang để đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước.
GS.TSKH. Trần Văn Nhung đã phát biểu bày tỏ sự vui mừng và tin tưởng vào uy tín cũng như sự trưởng thành lớn mạnh của Trung tâm trong 20 năm qua cũng như chặng đường sắp tới.
Nhấn mạnh đến những nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn từ ngày đầu thành lập, GS. Võ Quý - người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm đã bày tỏ niềm vui mừng trước những kết quả mà lãnh đạo và cán bộ Trung tâm đã đạt được, đồng thời cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ, cộng tác của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân trong suốt thời gian qua.
Tại buổi lễ, Trung tâm đã vinh dự được nhận bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường.
Buổi chiều cùng ngày, Trung tâm đã tổ chức Hội nghị khoa học “Môi trường và Phát triển Bền vững”. Hội nghị chia làm 2 tiểu ban: Đa dạng Sinh học và Bảo vệ; Môi trường và Phát triển Bền vững; cùng tập trung thảo luận, đóng góp cho các báo cáo khoa học như: Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học động vật trong các hệ sinh thái rừng đầu nguồn Mê Kông; Tiếp cận sinh thái cảnh quan để bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Ba Bể; Mô hình kinh tế môi trường ngăn ngừa hoang mạc hóa ở Phù Cát, Bình Định; Thực trạng môi trường nước thành phố Hà Nội; Vai trò của cộng đồng làng xã trên hải đảo đối với quản lý tài nguyên và quản lý môi trường trong phát triển bền vững của vùng...
Tại phiên họp toàn thể, hội nghị đã được nghe các báo cáo đề dẫn: Nghiên cứu và đào tạo về môi trường và phát triển bền vững - GS.TSKH. Trương Quang Học, Biến đổi khí hậu toàn cầu và phát triển bền vững - GS.TS. Võ Quý, Phát triển bền vững miền núi - GS.TS. Lê Trọng Cúc, Những hoạt động chính của Trung tâm NCTN&MT trong lĩnh đất ngập nước - PGS.TS. Lê Diên Dực.
|