Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
20 năm xây dựng và phát triển
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐHQGHN là một trong những trung tâm về môi trường được thành lập sớm nhất ở Việt Nam (ngày 15 tháng 11 năm 1985). Năm 1995, Trung tâm sát nhập với Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (lúc đó là trường thành viên của ĐHQGHN) và trở thành một trung tâm nghiên cứu trực thuộc ĐHQGHN.

Trung tâm có 4 chức năng chính: nghiên cứu khoa học, đào tạo, tư vấn và dịch vụ trong lĩnh vực đa dạng sinh học, môi trường và phát triển bền vững.

Trong 20 năm qua, Trung tâm đã thu được những kết quả đáng ghi nhận trong các mặt hoạt động.

Về khoa học - công nghệ (KHCN): Trung tâm đã chủ trì 3 trong 5 chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước về tài nguyên và môi trường từ 1985 đến nay, 7 đề tài KHCN trọng điểm cấp nhà nước, hàng trăm đề tài nghiên cứu và phát triển cấp bộ/ ĐHQGHN và hợp đồng với các địa phương, gần 50 đề tài hợp tác quốc tế. Kết quả của các đề tài này đã phục vụ thiết thực cho sự phát triển của các địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, nhất là cho vùng núi và ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và hoạch định chính sách ở các cấp.

Các cán bộ của Trung tâm còn tham gia tư vấn hay soạn thảo nhiều chiến lược và chương trình hành động quốc gia trong các lĩnh vực có liên quan, như : Chương trình quốc gia Nâng cao nhận thức đa dạng sinh học đến năm 2010 ; Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học của Việt Nam; Chương trình đất ngập nước quốc gia; Chiến lược quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên đến năm 2010 ; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã đến 2010; Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Công ước Stokholm về các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân huỷ (POPs) ; Thống kê và đánh giá quốc gia về hoá chất bảo vệ thực vật ở Việt Nam…

Về hoạt động xuất bản: Trong thời gian qua, Trung tâm đã xuất bản được 54 cuốn sách (cả tiếng Anh và tiếng Việt). Ngoài ra, cán bộ của Trung tâm còn có nhiều bài báo, báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và xuất bản, Trung tâm còn chủ trì và phối hợp với các cơ quan bạn ở trung ương và địa phương tổ chức 40 hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Đây không những là cơ hội để các cán bộ của Trung tâm chia sẻ các kết quả nghiên cứu mà còn là cơ hội để học hỏi, nâng cao trình độ và mở rộng quan hệ hợp tác.

Về đào tạo: Ngoài hàng trăm lớp tập huấn ngắn hạn ở địa phương cho các đối tượng khác nhau: cán bộ chính quyền và các đoàn thể, giáo viên và học sinh phổ thông, nhân dân của từng đề tài cụ thể, trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức 21 khoá đào tạo từ 3 tháng đến 1 năm tập trung với khoảng 600 học viên chủ yếu đến từ các tỉnh (các sở KHCN, sở tài nguyên và môi trường, các vườn quốc gia …). Đây là các lớp đào tạo quan trọng để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công tác của các sở hiện nay.

Từ năm 2003, Trung tâm đã được phép của ĐHQGHN mở mã ngành đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) thí điểm về “Môi trường trong phát triển bền vững” và từ năm 2005, Trung tâm được phép liên kết với Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam để đào tạo bậc thạc sĩ mã ngành này. Đây là một cơ hội tốt để Trung tâm phát huy thế mạnh của ĐHQGHN và xây dựng một mô hình điểm nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước và của ĐHQGHN hiện nay là tăng cường liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tiễn.

Trong những năm vừa qua và tiếp tục trong thời gian tới, Trung tâm được Quỹ học bổng Nagao (Nhật Bản) chọn làm đại diện tại Việt Nam. Cho tới nay, Trung tâm đã chủ trì xét chọn và trao học bổng (với mức 700.000 đồng/tháng) cho hơn 200 học viên cao học của 7 trường đại học và 4 viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong phạm vi cả nước.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học đã, đang và sẽ hỗ trợ có hiệu quả cho công tác đào tạo và tự đào tạo. 6 luận án tiến sĩ, 6 luận văn thạc sĩ bảo vệ ở nước ngoài, 2 luận án tiến sĩ và 5 luận văn thạc sĩ bảo vệ trong nước đều là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học do Trung tâm tiến hành.

Về hợp tác quốc tế : Trong 20 năm qua, Trung tâm đã thực hiện gần 50 đề tài hợp tác quốc tế với nhiều đối tác, cơ quan, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như: WWF, IUCN, Quỹ Ford, MacAthur Foundation, Chính phủ Hà Lan, Danida (Đan Mạch), CIDA (Canada), SNV,…

Trung tâm là thành viên của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đồng thời là Cơ quan Thẩm quyền Khoa học Công ước CITES của Việt Nam và đã tham dự đầy đủ những hoạt động của các tổ chức trên.

Xây dựng đội ngũ cán bộ : Nhận thức rõ thế mạnh của một đơn vị nghiên cứu chính là việc xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, Trung tâm luôn ý thức rõ nhiệm vụ và đã từng bước hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận cả về mặt quản lý và chuyên môn.

Hiện nay, Trung tâm có 50 cán bộ, trong đó có 6 cán bộ kiêm nhiệm, 4 cán bộ biên chế, 31 cán bộ hợp đồng làm việc và 9 cán bộ hợp đồng lao động. Tất cả các cán bộ hợp đồng đều làm việc và hưởng các chế độ theo đúng các quy định của Nhà nước. Vừa qua, được sự giúp đỡ tận tình của Ban giám đốc và Ban Tổ chức Cán bộ ĐHQGHN, Trung tâm đã hoàn thành công tác định biên cán bộ và đang tiến hành kiện toàn tổ chức theo định biên này.

Bên cạnh công tác đào tạo cho các đối tượng học viên, tự đào tạo thông qua các đề tài NCKH, Trung tâm còn đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo thông qua các khoá đào tạo chính quy ở trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2000 - 2005, Trung tâm đã cử 6 cán bộ đi đào tạo tiến sĩ và 8 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài. Trong đó 4 cán bộ của Trung tâm đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, 4 cán bộ hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ. Số còn lại hiện đang học sau đại học tại các nước Hoa Kỳ, Thái Lan, Bỉ. Ngoài ra, Trung tâm đã cử trên 30 cán bộ tham gia các khoá tập huấn, đào tạo ngắn hạn ở trong và ngoài nước như: Úc, Nhật, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Thái Lan, áo, Srilanka, Bồ Đào Nha, Philippines, Campuchia...

 Hoạt động của tổ chức Đảng và Đoàn thể: Nhận thức rõ vai trò của các đoàn thể đối với các hoạt động chung của Trung tâm, Ban giám đốc đã từng bước khôi phục lại hoạt động này, trước hết là tổ chức Công đoàn và chi đoàn Đoàn thanh niên thông qua Đại hội Công đoàn và Đại hội Đoàn thanh niên lần thứ nhất tổ chức vào năm 2001.

Từ đó đến nay, hoạt động của hai đoàn thể này đã từng bước đi vào nề nếp và đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Ban chấp hành Công đoàn đã động viên các đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động chính quyền, chăm lo đến đời sống tinh thần của anh, chị em trong Trung tâm, tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà đối các cán bộ công đoàn viên hoặc thân nhân bị ốm đau,… Trong năm 2004, Trung tâm đã cử 3 cán bộ ưu tú tham gia khoá bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Các cán bộ này đã hoàn thành khoá học với tinh thần và kết quả tốt. Công đoàn đã giới thiệu 2 đoàn viên ưu tú để Chi bộ bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Công đoàn của Trung tâm đã tham gia hầu hết các phong trào công đoàn chung của ĐHQGHN như các đợt hưởng ứng, quyên góp ủng hộ đồng bào bị lụt bão, xây nhà tình nghĩa,… Năm 2004, Công đoàn Trung tâm đã được ĐHQGHN trao bằng khen Công đoàn cơ sở loại khá.

BCH Chi đoàn Trung tâm đã chỉ đạo các đoàn viên tham gia tích cực vào một số hoạt động của Đoàn thanh niên ĐHQGHN như tham gia viết bài, báo cáo khoa học và cử các đoàn viên tham gia Chiến dịch Thanh niên tình nguyện, hưởng ứng các hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị của cả nước cũng như các phong trào do Đoàn Thanh niên ĐHQGHN phát động. Chi đoàn của Trung tâm đã được Đoàn Thanh niên ĐHQGHN đánh giá cao và trao tặng danh hiệu Chi đoàn cơ sở xuất sắc.

Đảng viên của Trung tâm sinh hoạt trong Chi bộ Đảng các trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đảng uỷ ĐHQGHN. Năm 2004, Chi bộ đã được công nhận là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch và vững mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, hoà với không khí đổi mới chung của cả nước và ĐHQGHN trong công tác tổ chức, quản lý các hoạt động KHCN, Trung tâm đang dần hoàn thiện về mọi mặt, phấn đấu trở thành một trung tâm chất lượng cao (centre of excellency) có thương hiệu trong và ngoài nước theo khẩu hiệu: Tổ chức - Hội nhập - Chất lượng cao.

Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường là một mô hình thí điểm của ĐHQGHN về một đơn vị KHCN có quyền tự chủ cao, tự chịu trách nhiệm cao, hoàn toàn tự trang trải về mặt tài chính. Sau hơn 20 năm phát triển, Trung tâm đã phát huy được vai trò của mình trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, phục vụ xã hội. Bên cạnh một số tồn tại và yếu kém cần được khắc phục trong thời gian tới, Trung tâm đang dần từng bước phát triển thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo về tài nguyên và môi trường có thương hiệu trong nước và nước ngoài góp phần thực hiện sứ mệnh to lớn của ĐHQGHN.

 GS.TSKH Trương Quang Học
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường - ĐHQGHN
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   |