Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
ThS. Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN: "Tôi ủng hộ việc thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ"
Ông Nguyễn Văn Mạnh là một người làm công tác đào tạo kiêm giảng dạy ngoại ngữ bậc đại học và biên soạn sách ngoại ngữ bậc phổ thông lâu năm. Chúng tôi xin đăng một số ý kiến của ông về việc tổ chức thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ:

- Trường ĐHNN đã chuẩn bị như thế nào cho việc thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2006?

- Đối với việc chuẩn bị cho kỳ thi thử trắc nghiệm tốt nghiệp môn ngoại ngữ cho học sinh Trường PT Chuyên ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã chuẩn bị chu đáo. Thời gian qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức hội thảo về việc tổ chức thi môn ngoại ngữ theo phương thức trắc nghiệm, các cán bộ làm công tác đào tạo của Trường đã tham gia đầy đủ để lĩnh hội tinh thần tổ chức thi tuyển theo phương thức trắc nghiệm. Với các tài liệu có được từ hội thảo này, chúng tôi đã chuyển xuống cho Trường PT Chuyên ngữ, đề nghị phôtô tài liệu này và gửi cho toàn bộ học sinh khối 12 của Trường. Các giáo viên của trường sẽ hướng dẫn cụ thể các thao tác làm bài cho học sinh, còn kiểu thi trắc nghiệm thì đã quá quen thuộc với học sinh của Trường PT Chuyên ngữ rồi.

- Theo ông, cái khó của thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ đối với người tổ chức coi – chấm thi và người dự thi là gì?

- Đối với giám thị coi thi tuyển sinh đại học năm 2006 không phải là giáo viên giảng dạy ngoại ngữ thì chúng tôi sẽ phải tập huấn trước mùa tuyển sinh thật kỹ càng. Riêng đối với đội ngũ giám thị là giáo viên dạy ngoại ngữ của nhà trường thì đề thi và việc coi thi theo phương thức trắc nghiệm đã quá quen thuộc. Tôi đang băn khoăn về một số điểm trong quy chế tuyển sinh sẽ phải thay đổi, bổ sung khi áp dụng phương thức thi trắc nghiệm. Trong khi tập huấn, chúng tôi được hướng dẫn là đối với đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ thì sau khi giám thị phát đề cho thí sinh xong, các thí sinh phải úp đề xuống và chỉ được lật đề lên, làm bài khi có tín hiệu của Hội đồng tuyển sinh. Không biết khi áp dụng vào thực tế thì điều này có làm được không và kỷ luật phòng thi sẽ thực hiện như thế nào nếu thí sinh lật đề lên làm bài trước khi có hiệu lệnh làm bài. Còn một số điểm nữa cũng được thực hiện là tên hội đồng thi cũng được mã hóa, thí sinh trong phòng thi phải ngồi theo đúng thứ tự số báo danh.
Đối với học sinh, khó nhất trong khi làm bài thi trắc nghiệm là cách làm bài. Thí sinh phải dùng chì mềm, tô tròn số báo danh, mã đề thi và phương án trả lời. Nếu đã chọn phương án khác thì phải tẩy sạch phương án đã lựa chọn lúc trước.

- Ông đánh giá như thế nào về việc áp dụng thi ngoại ngữ theo phương thức trắc nghiệm?

- Là người giảng dạy ngoại ngữ và biên soạn sách giáo khoa phổ thông lâu năm, cá nhân tôi rất ủng hộ việc thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ. Từ khi có việc tổ chức thi 3 chung: đề thi môn ngoại ngữ hầu như không còn phần tự luận. Kỳ thi của năm 2006 có khác so với trước là: thay vì khoanh đáp án, các thí sinh phải dùng bút chì tô tròn đáp án mà thôi.

- Theo ông, đề thi trắc nghiệm ngoại ngữ như thế nào mới có thể đánh giá, phân loại được đúng và trúng trình độ thí sinh?

- Theo tôi, với phương thức thi trắc nghiệm, nội dung đề thi phải bao trùm kiến thức và các kỹ năng của chương trình học. Đề thi gồm nhiều tiểu mục khác nhau. Mỗi tiểu mục của đề thi chỉ kiểm tra một nội dung hoặc kỹ năng của chương trình học.

Nếu ra một đề thi để chọn học sinh giỏi thì tôi cho rằng nên có phần tự luận.

- Xin chân thành cảm ơn Ông.

 Đỗ Ngọc Diệp thực hiện - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :