Sự cần thiết phải xây dựng một Đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam trong lúc này là quá rõ. Nhưng đây là việc làm không dễ... Khó khăn trước tiên ở chỗ lãnh đạo đã thực sự quyết tâm chưa?
Thách thức và giải pháp
Khó khăn kế tiếp là liệu chúng ta có vượt qua được hay không những rào cản của tư duy cũ kỹ về đại học, về những thủ tục hành chính rườm rà, về cơ chế quản lý kém hiệu quả? Mấy vấn đề sau đây là cần thiết để có được một đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam.
1. Đại học đẳng cấp quốc tế cần được quyền tự chủ đầy đủ trong hoạt động của mình: Tự chủ về nội dung, chương trình đào tạo, về tổ chức và nhân sự, về hợp tác quốc tế và đặc biệt là tự chủ về tài chính, theo một quy chế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, Hội đồng quản trị đại học đẳng cấp quốc tế được tự mình quyết định mở các chương trình đào tạo, việc sử dụng phương pháp đào tạo tiên tiến, được tự đề ra và áp dụng quy trình tuyển chọn cán bộ, sinh viên, mời các chuyên gia giỏi (ở trong nước và từ nước ngoài), được trả lương cao cho cán bộ theo khả năng chuyên môn và theo chuẩn mực quốc tế.
2. Đại học đẳng cấp quốc tế cần được Nhà nước đầu tư rất lớn, được trang bị rất hiện đại
3. Đại học đẳng cấp quốc tế phải đào tạo theo nhu cầu của xã hội với chất lượng cao. Sinh viên theo học phải là những thanh niên ưu tú nhất của đất nước, giảng viên phải là những nhà khoa học xuất sắc nhất của Việt Nam, những trí thức Việt kiều và người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, tiếng Anh phải được sử dụng như một ngôn ngữ chính trong giảng dạy và học tập.
Sinh viên tốt nghiệp phải được trọng dụng và phải làm việc tốt, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển.
4. Đại học đẳng cấp quốc tế cần được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Định kỳ hàng năm, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo đại học đẳng cấp quốc tế, cho ý kiến chỉ đạo và giải quyết các vấn đề lớn nảy sinh trong quá trình hoạt động và phát triển.
Một vài khuyến nghị khác
1- Nên xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế hoàn toàn mới, không nên xây dựng từ một cơ sở đại học sẵn có để tránh sự bảo thủ, trì trệ và những yếu kém đang tồn tại của các cơ sở này, hơn nữa, đại học đẳng cấp quốc tế có sứ mệnh đặc biệt về đào tạo chất lượng cao và cần được sự ưu tiên đặc biệt về cơ chế hoạt động và đầu tư so với các trường hiện hữu.
2- Việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế là rất tốn kém (cỡ hàng trăm triệu USD) và ta cũng chưa có kinh nghiệm, nên ban đầu chỉ nên tổ chức một đại học đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội – nơi tập trung nhiều tài năng của đất nước với các ngành đào tạo: Quản lý hành chính và Quản lý giáo dục, Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin.
3- Đại học đẳng cấp quốc tế nên dựa hẳn vào một vài đại học hàng đầu của Mỹ, trước hết là Đại học Harvard và Massachusets (MIT) về chương trình đào tạo, về giảng viên và mời một người đã từng lãnh đạo trường này làm Phó giám đốc của đại học đẳng cấp quốc tế.
4- Cần có một Ban cố vấn cao cấp cho đại học đẳng cấp quốc tế với sự tham gia của một vị cựu Thủ tướng, một vài nhà khoa học nổi tiếng (ở trong nước và ngoài nước), một vài doanh nhân thành đạt.
Thiếu những điều kiện trên đây, việc xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam khó có thể thành công.
|