Đi theo hướng nào?
Nhu cầu xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế đã rất cấp thiết. Sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, các nhà khoa học của một số trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ như Harvard, Duke, Rice... đã sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam xây dựng mô hình ĐH này. Vấn đề là cần tận dụng cơ hội này như thế nào để tạo dựng một diện mạo mới cho giáo dục ĐH Việt Nam?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, các nhà quản lý giáo dục cũng như các nhà khoa học cũng chưa thống nhất được khái niệm và những tiêu chí đầy đủ về một nhà trường “đẳng cấp quốc tế”, chưa xác định rõ cơ chế hoạt động như thế nào, theo mô hình và những tiêu chuẩn nào. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã tỏ ra khá thận trọng với ý tưởng này.
GS Nguyễn Hữu Tăng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam cho rằng, không nhất thiết phải xây dựng một trường ĐH hoàn toàn mới. Trước mắt, chỉ cần gỡ bỏ cơ chế bộ chủ quản để các trường tự vươn lên ngang tầm quốc tế. Còn theo GS Đào Trọng Thi, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, một trường ĐH không thể trong vài năm mà đạt được đẳng cấp quốc tế, bởi một trường ĐH có uy tín bên cạnh những chuẩn mực cao về chất lượng thì phải có một truyền thống.
|
Phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ Sinh học - ĐHQGHN |
Ở một góc nhìn khác, GS Hoàng Tụy cho rằng, việc hợp tác chặt chẽ với các ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ, đồng thời huy động sự đóng góp của trí thức Việt kiều là yếu tố quan trọng để xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế trong vòng 5-7 năm tới. Lúc đầu, có thể chưa cần quy mô lớn mà xây dựng từng phần với chuẩn mực quốc tế. Nhưng ngay từ đầu, trường nên đào tạo cả 2 bậc ĐH và sau ĐH để vừa tuyển sinh viên giỏi ở đầu vào, vừa thu hút các nhà khoa học giỏi tham gia giảng dạy, nghiên cứu.
Đẳng cấp quốc tế: phải được tự chủ
Vấn đề được thống nhất mạnh mẽ giữa các nhà quản lý và giới nghiên cứu khoa học là ĐH đẳng cấp quốc tế cần một cơ chế riêng, thực sự đổi mới và đôït phá để đảm bảo cho nhà trường hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền tự chủ cao trong học thuật, nghiên cứu khoa học, tổ chức, tài chính và đào tạo. GS Đào Trọng Thi nhận định, đây là một trong những điều kiện rất quan trọng để cho các trường ĐH Việt Nam có thể tiếp cận được với trình độ quốc tế.
Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, việc lựa chọn xây mới hoặc phát triển trên nền đã có đều có những “vấn đề” riêng. Nếu lựa chọn xây trên nền đã có thì ưu điểm là chỉ cần có thêm chính sách phù hợp và cung cấp tài chính. Tuy nhiên, cách làm này sẽ buộc phải có cơ chế chính sách đủ mạnh để vượt qua trở ngại và rào cản của sự trì trệ, của thói quen và nền nếp cũ như sức ì mang tính hệ thống đã tồn tại khá lâu trong mỗi nhà trường. Kinh nghiệm từ việc thành lập ĐH quốc gia cho thấy, nếu chỉ cộng gộp nhiều trường cũ lại với nhau, thì sau hơn 10 năm xây dựng, ĐH quốc gia vẫn cách xa những ĐH tầm cỡ trong khu vực.
Trong khi đó, cách xây dựng một trường hoàn toàn mới có lợi thế rõ rệt vì thực hiện được các ý tưởng ngay từ đầu; không mất nhiều công sức và tiền của trong việc nâng cấp, chỉnh sửa cơ sở vật chất kỹ thuật vốn có, trong việc cải tổ những nền nếp, thói quen và những trì trệ của bộ máy kiểu cũ. Theo cách này, mặc dù kinh phí đầu tư ban đầu cao nhưng hiệu quả cuối cùng tốt hơn nhiều so với cách thứ nhất trong việc tạo ra một môi trường mới cả về cơ sở vật chất cũng như hoạt động học thuật.
Tất nhiên, đi theo cách nào thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và đối mặt với không ít thách thức của dư luận.
|