Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Tháng Giêng trảy hội thơ: Khi "thơ trẻ" - thơ già" được phân ra hai chiếu…
Mưa bụi phơi phới bay giữa tiết trời của buổi sáng xuân lạnh se se, hàng ngàn người trẻ có, già có, tây có, ta có đã tề tựu đầy đủ trên sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để đón chờ một sự kiện đặc biệt: Ngày thơ Việt Nam lần thứ IV.

Có người bảo do năm nay ngày thơ rơi đúng vào ngày nghỉ nên lượng công chúng đến dự đông hơn, cũng có thể như vậy! Chỉ có điều, nguyên tiêu năm nay đã không còn cảnh đìu hiu chợ chiều như ngày thơ những năm trước, với số lượng người đến dự chật kín cả những lối vào, đặc biệt là đông đảo các bạn trẻ, ngày thơ Việt Nam đã có được những giây phút thật sự thơ, thật sự trẻ trung, sôi động…

"Chiếu thơ già", đa giọng điệu…

Hồi trống khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam rền vang, cùng lúc đó, lá cờ thơ được kéo lên, phần phật tung bay. Màn thả thơ tuy ngắn nhưng khá ấn tượng. 53 quả bóng bay đỏ chở 53 câu thơ được tuyển chọn kỹ lưỡng như: "Một tiếng chim kêu sáng cả rừng" (Khương Hữu Dụng), "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng" (Trần Đăng Khoa),… cụm vào nhau rồi tản ra giữa bầu trời. Ngay sau đó, trước sự chứng kiến của hàng ngàn bạn yêu thơ trên sân Khuê Văn Các, lần đầu tiên Hội nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kết nạp cho 40 hội viên mới (trong đó có 21 tác giả thơ). Theo Ban tổ chức thì trong ngày thơ của những năm tiếp theo, để góp phần giới thiệu và tôn vinh các gương mặt thơ sẽ lồng ghép thêm vào nội dung lễ trao giải thưởng hàng năm.

Sân nhà Thái Miếu, cũng như mọi năm vẫn được xem là lãnh địa của các nhà thơ già thích sự trầm mặc, từ tốn. Chương trình thơ Đất nước mùa xuân là nơi cùng lúc diễn ra các màn trình diễn thơ của các tác giả đã thành danh như Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Trần Nhuận Minh,… chương trình giao lưu giữa các nhà thơ với bạn đọc, thi câu đối, họa thơ, hát thơ, kết hợp với sân chơi thi pháp… Đến với sân thơ năm nay, điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy đó là gian xin và cho chữ thư pháp luôn đông đảo và rôm rả hơn các khu vực khác. Trên "chiếu thơ già", điểm đổi mới rõ rệt là đã bớt đi rất nhiều phần "hát thơ", trình diễn những bài thơ được phổ nhạc để dành đất nhiều hơn cho thơ thuộc các thể loại khác nhau. Ở các sạp phát hành thơ, ngoài những tập thơ do các cây bút sáng tác, còn bày bán những sản phẩm lạ như 999 câu ca dao thành ngữ nói về ăn, 100 câu thành ngữ Pháp trong so sánh với thành ngữ Việt, hay "Lời của người xưa" tập hợp 100 bài phú được ghép bằng thành ngữ,… Một cụ già râu tóc bạc phơ, dậy từ 4 giờ sáng đi mấy chục cây số từ ngoại thành vào dự ngày thơ hồ hởi thổ lộ: "Không khí của ngày thơ hôm nay thật là vui. Sân thơ của các nhà thơ lão thành thực sự khiến chúng tôi cảm thấy thỏa mãn bởi sự phong phú về nội dung cũng như hình thức thể hiện…".

Sân thơ trẻ, nhiều vẻ phô bày…

"Cũng như tất cả các bộ môn nghệ thuật khác, thơ thời kinh tế thị trường dẫu hay đến mấy cũng phải nhờ đến bàn tay bà đỡ của các mạnh thường quân cũng như sự quảng bá của đội ngũ tiếp thị chuyên nghiệp mới dễ dàng hút được người nghe, người đọc và có thể bay xa…" - một nhà báo trẻ đã vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi khi vừa đặt chân vào sân nhà Thái Học, nơi trưng bày những cây thơ của các nhà thơ trẻ. Sân thơ trẻ, một nét mới đặc sắc của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Một không gian thơ tương đối hiện đại và bộc lộ cá tính rõ rệt thể hiện qua những cây thơ và những gian trưng bày, bán thơ có tặng phẩm. Phần trưng bày thơ gây nhiều chú ý bởi những câu thơ tự chọn kèm theo poster chân dung các nhà thơ trẻ được phóng lớn với kỹ thuật xử lý ảnh hiện đại giúp những khách yêu thơ trước tiên thỏa mãn phần "nhìn". Từ những tên tuổi nhà thơ trẻ đã khá quen thuộc như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Đoàn Ngọc Thu cho đến những cái tên mới xuất hiện như Từ Nữ Triệu Vương, Trương Quế Chi, Dạ Thảo Phương,… tất cả đều bộc lộ khá rõ cá tính tính thơ của mình qua cách thức bài trí cây thơ. Cảm nhận lạc quan đầu tiên là các nhà thơ nữ Việt Nam, tuy không thuộc hàng "sắc nước hương trời" nhưng đều rất "ăn ảnh"! Một sân thơ trẻ như thế có lẽ hơn bất cứ lúc nào thỏa mãn ý thích tự thể hiện "bản ngã" vốn khá "bức xúc" ở các nhà thơ trẻ, đặc biệt là những cây bút nữ. Một Phan Huyền Thư với "cây tương tư", Trần Hoàng Thiên Kim với "cây chữ" (những câu thơ thể hiện bằng nghệ thuật thi pháp), Dạ Thảo Phương với "cây mù" (nguyên văn là câi mù), một Vi Thùy Linh với cả "phóng sự" ảnh về việc Linh và thơ Linh từng đến Pháp, Lê Ngân Hằng với "cây ủ mùa",… Tên lạ, tên quen, người mới, người cũ nhưng nhìn chung không khí tràn ngập những hình thức yêu mình và yêu thơ một cách hồn nhiên…

Chỉ có 10 triệu đồng kinh phí cho sân chơi thơ trẻ, các nhà thơ cũng đã tạo được một sự thu hút đáng kể đối với người yêu thơ, níu chân họ lại với diễn đàn thơ của mình. Cũng có đủ thơ, nhạc, có guita đệm cho Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến hát, có nhà thơ tự thể hiện tác phẩm mà mình tâm huyết, có cả hai MC là Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Thị Minh Thái vừa dẫn chương trình vừa đóng vai trò những nhà phê bình thơ tại chỗ. Thơ trẻ, đang được người ta chú ý bởi cách nghĩ, thái độ thơ với cuộc sống, bút pháp thể hiện và ngôn ngữ thơ đổi mới. Sự xuất hiện của những nhà thơ trẻ (theo cách nói của một nhà thơ lão thành mà chúng tôi xin giấu tên ở đây) đã giúp cho những thính giả, độc giả thơ có cảm giác mình trở thành khán giả, vừa được nghe, vừa được xem, họ được kéo vào cuộc chơi, họ sẵn sàng giao lưu, sẵn sàng bày tỏ thái độ của mình đối với nhà thơ tại chỗ…

Tôi bước chân ra khỏi hội thơ mà lòng còn vương vấn bao nỗi niềm. Có vẻ như hội thơ năm nay vui hơn vì gọn hơn dù lắm trò hơn, điều mà một ngày hội nên có. Nhưng hình như giữa cái ồn ào của thơ, của người, trong lòng vẫn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì, có thể đó chính là độ lắng đọng, sâu đằm, một khoảng lặng cần thiết mà thơ xưa nay vẫn thường tạo ra để người ngoài cuộc có thể gần gũi các nhà thơ và dễ dàng chia sẻ với thơ hơn…

 Văn Trương Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :