Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
"Cánh cửa" xây ĐH đẳng cấp quốc tế đã mở!
Ông Trần Xuân Giá - Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng quốc gia về giáo dục khẳng định như vậy khi trao đổi với Tiền phong về vấn đề này.

Vừa được cử làm Tổ trưởng Tổ công tác soạn thảo đề án xây dựng trường ĐH Đẳng cấp Quốc tế, ông Giá nói: Để công việc diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng, với Tổ công tác này tôi cũng xin cơ chế như đối với Ban chỉ đạo Nhà nước dự án khu khí - điện - đạm Phú Mỹ: Những gì phát sinh mà vượt thẩm quyền của tôi thì tôi sẽ xin ý kiến trực tiếp của Thủ tướng và trong vài ba ngày Thủ tướng phải trả lời.

Đâu là những vấn đề khó khăn nhất mà ông đã tiên liệu khi bắt tay vào công việc đứng đầu Tổ công tác?

Khó khăn nhất chính là vấn đề tìm cho được mô hình về một trường đại học của Việt Nam nhưng phải đạt đẳng cấp quốc tế. Rất khó!

Về việc này, tôi nghĩ trước hết hãy xây dựng một trường đại học có chất lượng đào tạo ngang hàng với những trường đại học hàng đầu của các nước trong khu vực đã. Bởi khó có thể mơ tưởng một đứa bé mới ra đời ngay lập tức sẽ trở thành lực sĩ. Vì vậy, cần phải có những bước đi phù hợp.

Có phải ý đồ xây dựng các trường đại học chất lượng cao đã có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bằng việc ra đời các trường Đại học Quốc gia ở hai đầu đất nước (lúc bấy giờ kể cả con dấu của Đại học Quốc gia đã được xác định là con dấu Quốc huy)…?

Có thể nói mong muốn đối với Đại học Quốc gia khi nó mới thành lập cũng có nhiều điểm tương đồng so với mong muốn của việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế bây giờ.

Song vì sao chưa thể nói là việc xây dựng Đại học Quốc gia đã thành công như mong muốn ban đầu? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có một nguyên nhân liên quan đến vấn đề các học giả đang tranh cãi hiện nay là: Nên xây dựng một trường hoàn toàn mới hay hình thành từ các trường sẵn có để tận dụng cơ sở cũ, tận dụng bộ máy và nhân lực cũ…

Đối với loại ý kiến “tận dụng”, có người cho rằng chúng ta chỉ cần khắc phục những khiếm khuyết của các cơ sở hiện có. Về mặt lý thuyết, ý kiến này có thể đúng, nhưng trong cuộc sống vượt qua chính mình thường là điều rất khó, rất chậm.

Tôi lấy ví dụ đơn giản, nhân sự của một trường học thì ai cũng biết rằng phải có đội ngũ người thầy tốt, có trình độ, lương tâm, không chỉ có khả năng giảng dạy mà còn có khả năng nghiên cứu khoa học..., nhưng khi đưa các thầy mới về cơ sở cũ (dù rằng các thầy mới có đầy khả năng) thì liệu các thầy giáo ở cơ sở cũ có dễ dàng chấp nhận?

Tôi không phủ nhận những ưu việt của việc kế thừa, của việc xây mới trên một cái nền có sẵn. Nhưng thường là tận dụng cái cũ thì rất khó phát huy cái mới.

Trong khi đó, vấn đề của trường đại học đẳng cấp quốc tế hiện nay là phải phát huy tối đa và toàn diện những cái mới. Đó là con đường nhanh nhất để đạt được mong muốn hiện nay đối với việc xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế cho đất nước.

Tôi khẳng định rằng, trường đại học đẳng cấp quốc tế cần phải có những quyết định riêng của Chính phủ, phải có quy định khác so với hệ thống hiện có, nếu không thì không thể “chào đời” như mong muốn.

Trong số những nguyên lý cơ bản được chắt lọc từ kinh nghiệm của các trường đại học ưu tú trên thế giới, nhiều người đã tỏ ra băn khoăn về tính độc lập và không gian học thuật tự do của một trường đại học đẳng cấp quốc tế tại VN?

Thực ra “cánh cửa” để xử lý vấn đề đặt ra đó đã được mở! Cả trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng X, cũng như trong các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.

Những văn bản trên đây đã “mở đường” cho tính độc lập và không gian học thuật tự do trong một trường đại học đẳng cấp quốc tế ở nước ta. Cần phải khẳng định rằng trường đại học đẳng cấp quốc tế mà chúng ta dự định xây dựng phải có tính tự chủ cao hơn.

Xin ông cho biết về lộ trình sắp tới của Đề án?

Tổ công tác được giao bốn việc cụ thể như sau: Xây dựng Đề án thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt.

Hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng Đề án và đề xuất các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án sau khi đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án; Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh việc xây dựng các chuyên ngành mũi nhọn đẳng cấp quốc tế trong những trường đại học khác.

Mục đích nhằm nâng dần trình độ giáo dục đại học Việt Nam lên tầm tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Việc đầu tiên, trong thời gian ngắn nhất có thể, phải thiết kế xong Đề án. Theo tôi việc này phải mất ít nhất khoảng một năm.

Dự án càng mới, càng khó, càng phức tạp, thì sự chuẩn bị thiết kế càng cần phải kỹ lưỡng. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá.

Trong 4 nhiệm vụ được giao thì ở giai đoạn này chúng tôi tập trung nhiều nhất vào nhiệm vụ đầu tiên.

Xin cảm ơn ông!






 Theo TPO - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan