Năm 1970 nhiều trường đại học đã trở về Hà Nội sau những năm tạm xa Thủ đô để sống và học tập ở nơi sơ tán. Trên các đường phố Hà Nội bắt đầu có bóng dáng sinh viên.
Năm 1970 cũng là năm mà các trường đại học trở lại nếp tuyển sinh thông qua một kỳ thi quốc gia mà những năm trước đó do hoàn cảnh chiến tranh việc thi đại học bị gián đoạn.
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trở lại Thủ đô ở một cơ sở mới: trước đó nơi đây là ký túc xá sinh viên Trường Trung cấp Cơ điện, mà bây giờ chúng ta quen gọi là ký túc xá Thượng Đình, 334-336 Nguyễn Trãi. Trong những năm trường sơ tán nơi đây biến thành kho chứa hàng quân sự, giờ đây ngổn ngang như một bãi chiến trường. Khu nhà F1, F2, F3, nhà liên hợp trở nên cũ kỹ, đáng thương, sân trường đầy bùn lầy, nước đọng còn hằn sâu những vết xe lăn. Các phòng ở của sinh viên, phòng làm việc, phòng học hoen ố, lở loét, không cửa ngõ, không bàn ghế, không giường chiếu.
Tôi nhận làm giáo viên chủ nhiệm đón tiếp sinh viên Khoa Toán, khoá 15 về đây. Lớp có chẵn 100 người góp mặt từ nhiều miền đất nước. Bằng nhiều phương tiện giao thông, kể cả đi bộ hàng chục, hàng trăm cây số, các em đã cố gắng đến đây cho kịp ngày tựu trường: 20/10/1970.
Vất vả và khó khăn không che nổi niềm vui của họ. Không một ai để lộ vẻ bận rộn của người dân của một nước đang có chiến tranh. Các em có quyền được vui, được phấn khởi, bởi lẽ các em đã qua được kỳ thi đại học khá căng thẳng, lại được học ở Hà Nội, không phải đi sơ tán như những sinh viên khoá trước.
Chúng tôi đón các em ở Ký túc xá Thượng Đình. Lúc đầu, Trường phân cho các em ở 20 người một phòng, mỗi lớp được một phòng học ở nhà Liên hợp. Các em cứ vô tư mà nhận phòng, không cần biết phòng đó có cánh cửa hay không, có giường thật hay không, giường có giát hay không, không cần biết phòng học có bàn ghế hay không...
Chắc chắn ai cũng biết mình đang cần cái gì lúc này, nhưng chẳng có ai nghĩ rằng mình sẽ tìm cho riêng mình căn phòng ấm hơn, chọn cho mình một chỗ hơn. Lúc đó cũng chẳng biết hỏi ai, thắc mắc với ai, thiếu thốn thì tìm ở đâu, vì trong hoàn cảnh nửa nước còn chiến tranh hầu như ai cũng tự giác thừa nhận sự thiếu thốn đó, dẫu biết rằng sự thiếu thốn nhiều khi cũng có phần vô lý. Và mọi người cứ vui vẻ hồn nhiên nhận phần thiệt thòi cho riêng mình, nhường cái tốt cho bạn. Họ nhường cho nhau cái giường sắt đỡ hoen rỉ hơn, dễ coi hơn, chia nhau từng mảnh gỗ để đóng lại cái giát giường đã mục nát... chia sẻ, đùm bọc có lẽ là một phần tính cách của lớp thanh niên ngày ấy.
Tôi còn nhớ người gây ấn tượng đầu tiên trong lớp Toán K15 ngày ấy là anh lớp trưởng, người đầu tiên trong lớp gọi tôi là Thầy. Lúc đó tôi hơi ngỡ ngàng, không phải chỉ vì tôi chưa dạy anh một chữ nào, mà trước mặt tôi là một con người với vẻ mặt vui tươi, hiền hậu, đầy tự tin. Đó là anh Hoàng Văn Bắc, anh lớn hơn tôi chừng ba bốn tuổi, anh đã đi qua những năm tháng sản xuất và chiến đấu, giờ đây trở lại trường đại học. Bằng sự tận tuỵ và tấm lòng chân thành với tập thể anh nhanh chóng trở thành người anh cả tin cậy và là trung tâm tình cảm của lớp Toán K15.
Năm học 1970-1971 của các sinh viên Toán K15 bắt đầu với đầy đủ sự thiếu thốn và khó khăn. Thầy giáo để tạm giáo trình trên khung cửa sổ, mỗi sinh viên chia nhau 3 chiếc ghế hai người, có em kê cả sách lên đùi mình hoặc lên lưng người khác để viết miễn sao học cho được, dạy cho được. Thầy vẫn nhiệt tình và trò vẫn say sưa như vậy.
Trong không khí đất nước đang sống và làm việc, học tập trong tình trạng chiến tranh, mọi người đều ý thức được trách nhiệm của mình đối với thời cuộc. Sinh viên khoá 15 cũng là lớp sinh viên đầu tiên thực hiện lệnh động viên tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng quân thù. Năm 1971, lớp Toán K15 phải chia tay những sinh viên đầu tiên ra trận. Cuộc chia tay có người ở lại, người ra đi nhưng mọi người đã sẵn sàng cho hôm nay hoặc ngày mai, ngày kia sẽ lên đường ra trận. Trong lớp người ra trận đầu tiên ấy có Y, có Thạc, có Cẩm, Minh, Khanh,... những người đã có mặt ở trận quyết chiến giữ Thành Quảng Trị năm 1972, đã hy sinh hoặc đã để lại một phần máu thịt của mình ở chiến trường ấy.
Phần còn lại của lớp cũng chia tay với Hà Nội để lên đường sơ tán đến nơi mới tiếp tục dạy và học. Năm 1974, họ tốt nghiệp ra trường. Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Người ở lại mong chờ những người ra đi trở về.
Tôi còn nhớ một ngày thu năm 1975, một em sinh viên cũ của lớp toán K15 từ chiến trường trở về. Em tranh thủ ghé thăm tôi. Vì vui mừng mà chúng tôi lặng đi. Mở đầu câu chuyện em báo tin cho tôi Y và Thạc đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Thế là những sinh viên mà tôi đã biết có người đã hy sinh cả cuộc sống của mình trên mảnh đất quê hương tôi.
Tôi đưa em lên nộp hồ sơ xin học. Tôi cứ nghĩ rằng những người như em đáng được ưu tiên, đáng được trân trọng. Nào ngờ ông cán bộ của trường xem qua hồ sơ trong chốc lát rồi trả lại với một giọng nói lạnh tanh:” Hết hạn rồi, trường không nhận!”. Thật bất ngờ đối với Thầy trò tôi, hôm đó chỉ chậm đúng 10 ngày theo quy định của trường. Nhưng ai lại nỡ từ chối những người từ chiến trường trở về.
Tôi biết em đã trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản. Lúc đó hình ảnh người đảng viên rất đáng trân trọng và kính phục. Tôi hỏi em:
- Em được kết nạp Đảng rồi à?
Em đã trả lời tôi bằng giọng nói hồn nhiên đến ngạc nhiên:
- Em được kết nạp vào Đảng sau chiến thắng Quảng Trị, chúng nó hy sinh hết, em còn sống được kết nạp Đảng. Có lẽ là em không có cơ hội học tiếp, em sẽ xin một việc gì đó để làm.
Tôi động viên em dăm ba câu và chẳng biết nói thêm với em điều gì. ít lâu sau, tôi được biết anh Bắc lớp trưởng và các bạn cũ đã động viên em tìm đường cho em trở lại học tập.
Giờ đây tất cả các em lớp Toán K15 đã trưởng thành, đã tốt nghiệp đại học, là Cử nhân, là thạc sĩ, là tiến sĩ Toán học, là những cán bộ tin cậy của Đảng và nhà nước, là những giảng viên ở nhiều trường đại học. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng, nhưng lớp Toán K15 vẫn còn nguyên phiên hiệu của nó. Họ luôn luôn tìm đến nhau, biết về nhau và chia sẻ với nhau những niềm vui nỗi buồn. Lớp Toán K15 đã đến với nhau trong những hoàn cảnh đặc biệt và họ đã gắn bó với nhau thật đặc biệt khác với những gì vốn có.
Giờ đây những sinh viên ngày ấy đều đã qua tuổi 50. Chúng tôi gặp nhau vẫn xưng hô với nhau là Thấy trò. Nhưng hai tiếng thầy trò giờ đây chỉ để làm cho chúng tôi gần gũi nhau hơn mà thôi. Lớp sinh viên Khoa Toán K15 ngày ấy được chia thành hai lớp Toán và Cơ, nhưng họ coi nhau như một. Cùng sống với nhau, cùng học với nhau, cùng chia nhau những khó khăn gian khổ và khi trên chiến trường những người lính như Y và Thạc cùng gánh bớt cho nhau một nửa quả đạn của quân thù và hy sinh cho cùng một lý tưởng...
Trên đây là một phần trong ký ức của tôi về lớp Toán K15 ngày ấy và bây giờ. Đó là một lớp người đã sống và mang đầy đủ tính cách của lớp thanh niên ngày ấy. Họ biết sống và biết cống hiến. Mỗi khi khó khăn, mỗi khi đất nước cần đến họ, cái bản lĩnh thanh niên ấy trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, dám hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho lý tưởng.
Không phải ai cũng có thể viết thành văn, thành thơ nhưng họ đều có chung một ý nghĩ, một tình cảm, mà tất cả những điều đó các bạn đã đọc được trong nhật ký của Nguyễn Văn Thạc. Thạc đã nói lên được tiếng nói của cả một thế hệ thanh niên ngày ấy, đáng được trân trọng và gìn giữ cho thế hệ ngày nay và mai sau.
|