Sau Cách Mạng tháng Tám, Đại học Đông Dương được đổi tên là Đại học Quốc gia Việt Nam và hiện nay có tên gọi là Đại học Quốc gia Hà Nội. Dẫu ở giai đoạn nào thì đây cũng là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu có tầm vóc khu vực và thế giới.
Hiện nay, trước yêu cầu mới xây dựng thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực như các đại học lớn trên thế giới, Đại học Quốc gia Hà Nội đang đứng trước những thách thức mới. Phóng viên VOV đã phỏng vấn GS.TSKH Đào Trọng Thi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
P.V: Thưa Giáo sư, với bề dày truyền thống 100 năm, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay đang ở vị trí nào trong hệ thống các trường đại học ở khu vực và trên thế giới?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Có thể nói, với tên gọi Đại học Đông Dương thì ngay từ khi ra đời đây đã là đại học lớn nhất khu vực, không bởi tên gọi mà chính vì đây là trường đại học đầu tiên, có nhiều ngành nghề đào tạo, có sơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giảng viên giỏi và đông đảo.
Sau Cách mạng tháng Tám, với tên gọi Đại học Quốc gia Việt Nam, trường cũng đã khẳng định được vị thế của mình. Khi được mang tên Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nước cũng đã đầu tư để xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực. 100 năm qua, tên tuổi của nhiều giáo sư, giảng viên, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều ngành học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã được thế giới công nhận... Chúng tôi luôn tự hào rằng Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những Đại học lớn trong khu vực và thế giới.
|
GS. TSKH Đào Trọng Thi tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐHQGHN |
P.V: Thưa Giáo sư, có nhiều tiêu chí đánh giá "tầm" của một đại học lớn, nhưng có lẽ yếu tố quan trọng là cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Những điều kiện này của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay như thế nào?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Đúng là cơ sở vật chất và con người là hai trong nhiều yếu tố quan trọng nhất của một cơ sở đại học. Với Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay cơ sở vật chất đã và đang được nhà nước đầu tư. Việc xây dựng trung tâm đại học tại Hòa Lạc cũng như hệ thống các phòng học chức năng, thư viện điện tử..., chúng tôi cho rằng, so với nhiều nước trên thế giới thì cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay không thua kém. Nhưng để cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội sánh vai với các đại học lớn trên thế giới thì chúng ta phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa.
Về con người Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tự hào về đội ngũ giảng viên với hàng trăm giáo sư đầu ngành của Việt Nam và thế giới; đội ngũ tiến sỹ khoa học và tiến sỹ đủ mạnh để có thể đảm nhận đào tạo và nghiên cứu các chuyên ngành phức tạp. Yêu cầu với đội ngũ giảng viên hiện nay cũng ngày càng cao hơn. Đội ngũ giảng viên phải đạt từ 85% trở lên có trình độ sau đại học, trong đó 60% có học vị tiến sỹ và 20% có trình độ giáo sư, phó giáo sư.
P.V: Vâng, nhưng có một thực tế là tại Đại học Quốc gia Hà Nội đang có tình trạng hẫng hụt giảng viên trẻ. Vậy nhà trường có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Tình trạng hẫng hụt giảng viên trẻ hiện nay của Đại học Quốc gia Hà Nội là có thật. Lý do thì nhiều nhưng có lẽ do quy mô của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng mở rộng, và đặc biệt do một thời gian dài khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường nhiều sinh viên giỏi khi ra trường đã không mặn mà với khoa học cơ bản mà chạy sang các đơn vị kinh doanh kiếm được nhiều tiền hơn... Hiện nay, chúng tôi đang khắc phục tình trạng này bằng cách mời các giáo sư hết tuổi ở lại tiếp tục giảng dạy và mời các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ từ các đơn vị ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia giảng dạy. Chúng tôi đã mở hệ cử nhân tài năng và bồi dưỡng các sinh viên giỏi có khả năng để họ trở thành giảng viên của các trường đại học thành viên. Nhiều giảng viên trẻ được gửi đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài các trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Với các giảng viên trẻ, chúng tôi yêu cầu về trình độ chuyên môn khá cao và đặc biệt là phải giỏi ngoại ngữ và có thể làm việc độc lập hoặc giảng dạy được ít nhất bằng một ngoại ngữ.
* Xin cảm ơn Giáo sư./.
|