Nhớ lại những ngày đầu triển khai học chế, với cơ sở vật chất khá khiêm tốn, không có kinh nghiệm kế thừa, không có nguồn hỗ trợ tài chính nào khác, cả thầy, sinh viên, bộ máy quản lý của Trường Đại học Bách khoa bước vào công tác tổ chức đào tạo bằng những bước đi mới mẽ, bở ngở và gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Điểm lại chặng đường 13 năm triển khai đầy gian nan và thử thách tại ĐHBK-TPHCM, có thể nói thầy và trò của nhà trường đã phát huy trí tuệ tập thể, vừa làm vừa học, từng bước xây dựng được nền móng vững chắc cho công tác tổ chức giảng dạy-học tập theo HCTC như hiện nay là việc làm hết sức có ý nghĩa. Nó vừa là phần thưởng cho người đi tiên phong trong tiến trình đổi mới quản lý và tổ chức đào tạo trong giáo dục đại học, vừa tích lũy những kinh nghiệm để cùng chia sẽ với các đồng nghiệp như sau:
|
TS. Trương Chí Hiền |
1. Những mong muốn khi áp dụng HCTC tại trường
- Kết hợp được đào tạo tinh hoa với đại trà.
- Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và quản lý đào tạo.
- Phát huy tối đa tìm năng và khả năng người học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu suất, hiệu quả đào tạo.
- Hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, thích hợp với cơ chế kinh tế thị trường.
2. Cách làm
- Trước hết Đảng ủy và Ban Giám hiệu bàn bạc nhất trí cao chuyển sang HCTC toàn trường, không thí điểm trước cho riêng ngành nào, khóa học nào; ứng dụng ngay học chế tín chỉ chính thống không qua bước trung gian học phần với đơn vị học trình; không phiêu lưu nhưng không rụt rè do dự trong giải pháp.
- Từ năm 1991 Trường đã cử cán bộ tìm hiểu học hỏi kỹ nhiều trường trên thế giới đã ứng dụng thành công HCTC, cũng như mời chuyên gia từ Mỹ, Canada v.v… báo cáo trao đổi kinh nghiệm
- Dân chủ trong bàn bạc thống nhất chủ trương: trước hết trao đổi ở các bộ môn, tiếp đến tổ chức hội nghị 2 ngày cho các cán bộ chủ chốt toàn trường gồm chủ nhiệm ngành, trưởng bộ môn, khoa, phòng ban, ký túc xá sinh viên, các GS, PGS, Tiến sĩ. Sau khi sôi nổi thảo luận tổ chức bỏ phiếu kín với 103 phiếu thuận chuyển sang HCTC, chỉ có 3 phiếu trắng.
- Tập trung nguồn tài chính của toàn trường và đội ngũ cán bộ soạn thảo mới các quy chế quy định, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cho tất cả các ngành học, trung tâm dữ liệu, phần mềm quản lý, giáo trình, mua máy chấm, đèn chiếu, nối mạng toàn trừơng v.v…
3. Những thuận lợi và khó khăn gặp phải
+ ĐHBK TP HCM đã tạo lập được "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa", tạo nhiều điều kiện để phát huy sáng kiến của cơ sở đó là những yếu tố thuận lợi nhất góp phần cho sự ứng dụng thành công HCTC. Những mục tiêu đề ra khi thực hiện dự án đã được hiện thực bằng các kết quả như sau:
- Xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ các văn bản có tính pháp lý phục vụ cho công tác tổ chức và quản lý đào tạo như: các quy định về trách nhiệm và quyền hạn các cấp trong quản lý đào tạo, quy chế học vụ, quy chế giảng dạy, quy định công tác sinh viên và cố vấn học tập (hiện nay là giáo viên chủ nhiệm). . . Nó còn là những điều kiện cần thiết để cho sinh viên chủ động trong xây dựng kế hoạch học tập
- Xây dựng chương trình đào tạo cấu trúc mềm dẽo vừa đảm bảo khối lượng kiến thức cơ bản, kiến thức kỹ thuật cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung các kiến thức chuyên ngành mà xã hội đang cần. Tạo ra sự liên thông giữa các Khoa, các ngành trong trường nhất là các ngành mới.
- Hiện đại hóa quá trình quản lý đào tạo (tin học hóa toàn bộ quá trình quản lý), tạo ra một tác phong làm việc công nghiệp trong toàn thể các cán bộ công nhân viên của Trường
- Quá trình học tập được đo lường bằng số tín chỉ tích lũy, tạo điều kiện cho sinh viên, dưới sự hỗ trợ của Giáo viên chủ nhiệm (GVCN), sẽ chủ động thiết kế tiến độ học tập theo khả năng, theo điều kiện về tài chính. Tuy số sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn không nhiều do chương trình học khá nặng, vì khi chuyển sang học chế tín chỉ thời gian khoá học được chúng tôi thiết kế chỉ còn 9 học kỳ, có nội dung kiến thức của 10 học kỳ theo hệ niên chế trước đây.
- Trong quá trình tổ chức đào tạo theo HCTC đã có nhiều hình thức liên thông mới xuất hiện mà trong học chế niên chế không thể có được như: xây dựng các chương trình đào tạo có tính liên ngành, công nhận các môn học thay thế của các khoa khác đang giảng dạy, sinh viên học thêm lấy các kiến thức của ngành khác hoặc học lấy hai bằng trong thời hạn cho phép của khóa học.
- Bên cạnh các tác động tích cực sâu sắc đến lĩnh vực học tập của SV thì HCTC còn giúp cho Trường đạt đến các mục đích sâu xa hơn không kém phần quan trọng là tạo ra yêu cầu bắt buộc phải có sự thay đổi thực sự trong phương pháp giảng dạy, trong sự chuẩn bị đầy đủ tài liệu tham khảo, giáo trình, bài giảng. Tất cả các hoạt động đó vừa có tác dụng nâng cao chất lượng giảng dạy, vừa tạo cho SV năng lực tự học, một thói quen phục vụ cho việc học tập suốt đời sau này.
+ Bên cạnh các thuận lợi cơ bản nêu trên, trong quá trình thực hiện HCTC Trường cũng gặp phải không ít những khó khăn, trở ngại:
- Trở ngại lớn nhất là tư duy người quản lý, người dạy, người học, ngại thay đổi, thu động trong thu nhận và xử lý thông tin, chưa thích nghi với hình thức tổ chức đào tạo của HCTC. Việc đổi mới chương trình đào tạo, nội dung các môn học, phương pháp giảng dạy, quản lý theo HCTC v.v… không dễ, nhất là cho một số các thầy cô lớn tuổi, nhiều năm sau còn không ít tranh luận, phản bác vì các lý do khách quan cũng như chủ quan trong tiếp cận vấn đề.
- Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật được yêu cầu rất cao của HCTC lại được thực hiện trong môi trường xã hội chỉ mới bắt đầu chuyển biến trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới của đất nước tạo ra những lực cản hữu hình, vô hình cho việc cải tổ công tác tổ chức đào tạo. Chúng tôi nhận thức rằng trường chúng tôi tiến hành thực hiện HCTC trong môi trường mà giáo dục phổ thông còn duy trì những khuôn mẫu cứng nhắc, chưa động viên được tính độc lập, sáng tạo trong học sinh. Điều đó đã và đang tạo ra sức ì tồn tại trong lớp sinh viên mới trúng tuyển nhập học. Nó còn là thách thức cho nhà trường trong công tác giáo dục để trang bị cho sinh viên tính tự chủ tự giác, tự chịu trách nhiệm trong môi trường tổ chức đào tạo của HCTC.
- Bài toán khó tiếp theo là nguồn lực hạn chế chưa đáp ứng nhiều nhất các nguyện vọng đăng ký lựa chọn học tập của sinh viên. Đây là thách thức gay gắt nhất do mức đầu tư quá ít ỏi cho nhà trường, nên hạn chế rất nhiều cho việc phát triển cơ sở vật chất, rút ngắn khoảng cách về mặt bằng khoa học công nghệ so với các nước phát triển trong khu vực.
- HCTC buộc phải có các hình thức tổ chức và sinh hoạt Đảng, Đoàn, Hội sinh viên thích hợp. HCTC phát huy tối đa tiềm năng và khả năng cá nhân người học, mỗi sinh viên có lịch trình học tập tự chọn riêng, có thời khóa biểu riêng, không còn quá dựa vào lớp nữa, điều này làm cho nhiều lãnh đạo cấp trên băn khoăn lo lắng. Từ đó những giải pháp cần thiết được xem xét bổ sung như từ năm 1995 xếp thời khóa biểu dành cho sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn thể và sau đó chuyển sinh hoạt này về ngày thứ bảy ngay khi Trường chuyển tổ chức giảng dạy từ sáu ngày sang năm ngày một tuần. Chúng tôi cho rằng đó là những giải pháp mang ý nghĩa ứng dụng khi triển khai HCTC trong điều kiện ở Việt Nam.
4. Một số suy nghỉ về các vấn đề cần tiếp tục xem xét hoàn thiện
+ Để tạo điều kiện thuận lợi cho HCTC hoạt động cấp trên cần có các quy định cho phép các cơ sở đào tạo tăng cường tính tự chủ và chịu trách nhiệm về các quyết định chuyên môn trong tài chính, trong huy động nguồn lực, tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đây là những điều kiện cần thiết để Trường thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng giáo dục, tạo điều kiện phát huy tốt nhất các ưu điểm của học chế tín chỉ.
+ Tiếp tục tìm kiếm các hình thức hoạt động đoàn thể thích hợp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phẩm chất đạo đức cho SV, trên cơ sở xem sinh viên là một công dân trong xã hội.
+ Năm 2001 Bộ Giáo dục & Đào tạo có ban hành Quyết định số 31 về thí điểm tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ cho hệ đại học và cao đẳng chính quy. ở quyết định này đã có một số điểm tương đối cấp tiến. Tuy nhiên, có lẽ khi biên soạn lại chịu ảnh hưởng của Quy chế 04 dành cho hệ niên chế, nên quyết định này vẫn chưa thật sự trao cho sinh viên quyền chủ động trong chọn lựa nội dung học tập theo nhu cầu, chưa trao cho thầy/cô giáo sự chủ động trong kế hoạch đánh giá sinh viên, thiếu chú trọng đánh giá quá trình. . . Tất cả những điều này gây ra các phức tạp trong thực hiện các hoạt động tổ chức giảng dạy, học tập, làm cho việc cải cách không triệt để, dẫn đến bình mang nhãn hiệu tín chỉ nhưng đựng rượu được pha chế theo công thức hỗn hợp của niên chế và tín chỉ!
Để thay lời kết có thể nói rằng quyết định chuyển đổi đào tạo sang HCTC của Trường ở 13 năm trước đây là một chủ trương đúng, đi vào trong thực tế hoạt động của nhà trường. Nó cũng đang được nhà nuớc và Bộ chỉ đạo triển khai trong thời gian sắp đến. Nhiều năm qua, có rất nhiều trường đại học trong cả ba miền của đất nước đã đến gặp gỡ để nghe những kinh nghiệm xây dựng HCTC của trường ĐHBK - TPHCM. Chúng tôi cho rằng có lẽ khó tìm được mô hình HCTC kiểu mẫu để áp dụng cho tất cả, bởi lẽ ngoài những đặc tính chung là lấy người học làm trung tâm, HCTC còn phải phù hợp với môi trường, bản sắc văn hoá của từng nhà trường. Ngay cả trong các trường đại học ở Mỹ, tuy vẫn giữ nguyên tắc lượng hóa môn học là số giờ thực hiện các loại hình giảng dạy của môn học trong một tuần, nhưng lại có các quy định rất khác nhau. Tại MIT thì sử dụng đồng thời cả credit unit và ED point (engineering design) trong lượng hoá, trong đó credit unit bao gồm cả giờ giảng dạy kế hoạch và giờ chuẩn bị. Tại Tufts university thì hầu hết các môn học là 1 credit ( tương đương 4 credit tại các trường khác), một số môn đồ án hoặc tự chọn được lượng hoá 1/2 credit và cả chương trình học Bachelor of Science chỉ lượng hoá bằng 39 credit. . .
Tuy nhiên, với một số thuận lợi và khó khăn nêu trên chúng tôi nghỉ rằng chỉ những tập thể nhà trường có quyết tâm cao, dũng cảm và sáng tạo mới có thể triển khai thành công HCTC. Bài viết này dựa trên thực tế triển khai HCTC tại trường, có tham khảo ý kiến của GS. TSKH Trương Minh Vệ (nguyên Hiệu trưởng ĐHBK TPHCM), nhằm cung cấp thêm một số thông tin để bạn đọc tham khảo, chắc chắn rằng còn có những ý kiến nhận định chủ quan, mong nhận được nhiều ý kiến phê phán và đóng góp sửa chữa.
|