Trong những năm qua, nhà trường đã và đang thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp, tăng cường điều kiện và phương tiện để đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc Đại học. Một trong những chủ trương quan trọng là đổi mới quy trình đào tạo thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ.
Từ năm 1987, Đại học Đà Lạt là một trong những trường đại học đi đầu trong việc thực hiện chủ trương đào tạo đại học theo hai giai đoạn của Bộ. Vào thời điểm đó, quy trình đào tạo này là yêu cầu của thực tiễn đáp ứng nhu cầu của kinh tế xã hội. Mặt khác, quy trình đào tạo mới này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường khi thực hiện liên kết đào tạo với các trường đại học khác. Giai đoạn này các kinh nghiệm về liên kết đào tạo của Đại học Đà Lạt vẫn đang là điều mới mẻ trong ngành Đại học và dù có nhiều khâu phải điều chỉnh, nhưng bước đầu đã được ghi nhận như một sự đóng góp đáng kể cho yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương và đã được các địa phương hưởng ứng.
|
Từ năm 1994 trường Đại học Đà Lạt đã chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ cùng với việc áp dụng chương trình đào tạo mới (7 CT đại cương). Trường đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại các chương trình đào tạo trên cơ sở thực hiện quy định của Bộ về cấu trúc và khối lượng kiến thức bậc Đại học dựa trên những quan niệm mới phù hợp với sự chuyển đổi kinh tế xã hội của đất nước và học chế tín chỉ đã là tiền đề cho việc liên thông đào tạo giữa các ngành học, tăng tính chủ động, khả năng thích nghi, chuyển đổi của sinh viên trong quá trình học tập và sau khi ra trường.
Qua hơn 10 năm thực hiện kế hoạch đào tạo theo học chế tín chỉ nhà trường nhận thức được những điều kiện cần thiết để triển khai công tác đào tạo như sau:
1. Xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo
Cùng với việc hoàn thiện mục tiêu, chuyển đổi học chế, phát triển quy mô đào tạo, từ năm 1998 đến năm 2000 nhà trường đã tích cực hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo các ngành theo chủ trương “mềm hóa” chương trình hai giai đoạn và xây dựng chương trình khung các ngành đào tạo đại học theo chủ trương của Bộ. Ngoài việc tuân thủ khung chương trình và phần “cứng” gồm một số học phần bắt buộc chung của Bộ và quy định của Trường, các Khoa, Ban chuyên môn được chủ động trong việc sắp xếp, điều chỉnh, xây dựng lại nội dung chương trình đào tạo của Khoa sao cho đúng yêu cầu ngành đào tạo, có lưu ý đến đặc thù của đối tượng đào tạo và địa bàn tuyển sinh (nơi sẽ tiếp nhận và sử dụng sinh viên khi ra trường) đồng thời phải bám sát và đảm bảo được mục tiêu đào tạo của Khoa và của Trường.
2. Biên soạn giáo trình, đề cương chi tiết học phần phục vụ dạy – học
Tổ chức tốt công tác đào tạo theo học chế tín chỉ cần biên soạn bộ đề cương chi tiết các học phần (syllabus) trong đó ghi đầy đủ nội dung của học phần với các chương mục, mục đích, yêu cầu của môn học, hình thức thi, cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên, giáo trình chính và các tài liệu tham khảo… Các đề cương chi tiết học phần này được công bố cho sinh viên vào đầu mỗi học kỳ, giúp cho sinh viên chủ động rất nhiều trong việc tham khảo tài liệu, chuẩn bị lên lớp, tự học và thi …; về phía Trường thì thông qua các đề cương này có thể quản lý nội dung giảng dạy, nhất là đối với môn học có nhiều giảng viên cùng tham gia giảng dạy.
3. Cải tiến, đổi mới phương pháp dạy – học, phương pháp đánh giá
Đi đôi với việc đổi mới chương trình, giáo trình là yêu cầu đổi mới cơ bản phương pháp dạy – học. Chuyển từ hướng đào tạo tinh hoa sang hướng đào tạo đại chúng đòi hỏi phương pháp dạy – học mới; từ chỗ ngưới học là người tiếp nhận kiến thức thụ động trong lớp học, theo quan niệm hiện nay, người học được xem là trung tâm của hoạt động đào tạo; phương pháp giáo dục đại học mới phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành…Với quan niệm ấy, trong xây dựng nội dung chương trình giảng dạy cần chú ý xu hướng giảm bớt tính hàn lâm và tăng kỹ năng thực hành( tăng số giờ thực hành, thảo luận, xêmina, tự học của sinh viên hoặc tự nghiên cứu tài liệu…).Điều này giúp sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công việc sau khi ra trường. Đặc biệt với các ngành Khoa học tự nhiên, các ngành liên quan đến công nghệ thông tin (máy tính, tin học, điện tử…). Các ngành Khoa học xã hội – nhân văn thì tăng thêm giờ tham quan thực tế, thực tập điền dã, mở rộng quan hệ, tiếp nhận thông tin mới từ các ngành khoa học liên quan ngoài trường( qua hình thức mời giảng, tổ chức các cuộc nói chuyện, trao đổi học thuật, thông tin khoa học với các chuyên gia đầu ngành…)
Để có thể tiến tới việc giảm bớt giờ lên lớp lý thuyết và tăng giờ tự học, tăng tính chủ động cho sinh viên, giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo trong học tập, được sự khuyến khích của lãnh đạo nhà trường, giáo viên một số ngành đã cố gắng đầu tư để thay đổi phương pháp giảng dạy, áp dụng các phần mềm dạy học, sử dụng các trang thiết bị trong hiện đại trong giảng dạy (projector, overhead, video, các phương tiện nghe nhìn…), tăng cường thảo luận, cung cấp đầy đủ giáo trình, đề cương chi tiết môn học, giới thiệu tài liệu tham khảo để sinh viên có thể tự học ngoài giờ lên lớp…
Biện pháp thống kê, điều tra xã hội học thăm dò môn học cũng đã được Trường chuẩn bị. Việc thống kê, xử lý những phiếu thăm dò này giúp cho các cấp quản lý đào tạo nắm bắt được tình hình tiếp thu môn học của sinh viên, mức độ hữu ích của môn học, qua đó Khoa quản lý hoặc tự thân giảng viên có thể tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy, nội dung bài giảng, thậm chí tác phong lên lớp cho phù hợp hơn với yêu cầu học tập của sinh viên.
Ngoài những hình thức thi, kiểm tra truyền thống như thi tự luận, vấn đáp… nhà trường còn áp dụng nhiều hình thức thi cử khác giúp đánh giá được khả năng tự học hỏi, sự phát triển tư duy, năng lực sáng tạo của sinh viên trong học tập như: cho viết tiểu luận, làm semina chuyên đề, giải quyết tình huống (case-study), làm bài thi trắc nghiệm khách quan ….
Để có hiệu quả đào tạo cao, ngoài các giải pháp được thực hiện để quản lý đầu ra, Trường cũng rất chú trọng đến việc quản lý đầu vào, đặc biệt là khâu tuyển sinh. Điểm xét tuyển vào Trường cao cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình và chất lượng học tập ở bậc đại học của sinh viên.
4. Tăng cường cơ sở vật chất để đảm bảo quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ.
Thông qua các chương trình mục tiêu và từ các nguồn vốn khác nhau (kinh phí Nhà nước, kinh phí từ quỹ học phí, kinh phí các dự án…) trong vài năm gần đây, nhà trường đã tăng cường mạnh khâu cơ sở vật chất phục vụ yâu cầu dạy – học ngày một phát triển và đổi mới.
Việc tăng cường cơ sở vật chất là điều kiện cần thiết để tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ vì tổ chức lớp học của học chế tín chỉ là”lớp học phần “. Tổ chức đào tạo theo niên chế thí lớp học là “lớp sinh viên” được tổ chức theo từng khoa và khoá đào tạo, có tính tương đối ổn định để phục vụ công tác quản lý sinh viên và để tổ chức, duy trì các sinh hoạt đoàn thể, phong trào thi đua còn “lớp học phần” là lớp gồm các sinh viên đăng ký học cùng một học phần trong một học kỳ để phục vụ cho việc tổ chức giảng dạy, xếp thời khoá biểu, học và thi… Nhà trường qui định số sinh viên tối thiểu cho từng lớp, nếu số sinh viên đăng ký học ít hơn số qui định (25 sinh viên) thì học phần không được tổ chức giảng dạy, sinh viên sẽ được đăng ký lại học phần khác. Thời khoá biểu của việc đào tạo theo học chế tín chỉ được xếp theo các học phần, từ 7 giờ đến 21 giờ hàng ngày nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu của sinh viên đăng ký chọn lựa các học phần khác nhau.
5. Áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống quản lý
Nếu việc ứng dụng những phát triển công nghệ thông tin được xem là một công cụ và động lực quan trọng trong việc đổi mới nội dung, phương pháp, phương thức dạy – học đại học, thì vai trò của công nghệ thông tin cũng không thể thiếu trong việc đổi mới hệ thống quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ.
Từ năm 1994, ngay khi chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, nhà trường đã đầu tư trang bị một phần mềm tin học gồm 10 phân hệ để quản lý đào tạo (Tuyển sinh, quản lý sinh viên, chương trình đào tạo, đăng ký học phần, thời khóa biểu, quản lý điểm, học bổng học phí, khen thưởng kỷ luật…). Phần mềm quản lý đã giúp Trường quản lý sinh viên và quá trình học tập của sinh viên một cách xuyên suốt từ lúc bắt đầu tuyển sinh cho đến lúc ra trường.
Phần mềm quản lý này ngày càng phát triển và được hoàn thiện thêm theo yêu cầu đào tạo; lúc đầu chỉ được nối mạng giữa các Phòng chức năng của khu vực quản lý cấp Trường, nay đã được nối mạng từ Trường đến các Khoa, Ban, Bộ môn và sinh viên có thể theo dõi kết quả học tập của mình qua trang Web của Trường.
Trang web của Trường bước đầu được hình thành và đang tiếp tục triển khai để đạt mục tiêu giới thiệu các thông tin liên quan đến hoạt động của Trường, cơ cấu tổ chức, các chương trình đào tạo, các đề cương chi tiết học phần, các bài giảng của giảng viên, các số liệu về sinh viên, tra cứu kết quả học tập, xem thời khóa biểu…
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác quản lý đào tạo của Trường đạt hiệu quả cao, được quy trình hóa và mang tính khoa học. Các vấn đề được giải quyết đồng bộ, chính xác và nhanh gọn. Tổ chức tốt công tác quản lý đào tạo là một tiêu chí quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ.
Qua việc thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ trong năm 2005 trường Đại Học Đà Lạt đã được Bộ xác định là 1 trong 10 trường đại học đầu tiên tham gia kiểm định chất lượng và đó cũng là yếu tố cần thiết để ngày 27 tháng 10 năm 2005 vừa qua tổ chức quốc tế BVQI (thuộc Vương quốc Anh chuyên cấp chứng nhận quản lý ISO quốc tế) đã trao bằng chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và là trường đại học đầu tiên trong hệ thống các trường đại học đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục của nước ta được cấp chứng chỉ ISO tiêu chuẩn quốc tế.
|