Đỗ thủ khoa Khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ trường ĐHKHXH&NV nhưng mình đã chọn Khoa Ngôn ngữ. Những buổi đầu làm quen với học đại học không phải là không có khó khăn. Thầy cô không giảng giải mọi điều kỹ lưỡng như khi học cấp ba. Sinh viên phải tự tìm hiểu, tự nghiên cứu trên cơ sở gợi ý từ bài giảng. Nhiều lúc mình cảm thấy bị “choáng ngợp” và hoang mang trước cách học mới và khối lượng kiến thức quá lớn. Nhưng chỉ qua học kỳ đầu, mình đã nhanh chóng xác định cho mình phương pháp học phù hợp. Chịu khó đọc sách, đặc biệt là các giáo trình cơ bản rất có hiệu quả. Nhưng đọc phải biết chọn lọc, theo hệ thống, có mục đích chứ không đọc tràn lan. Đọc để hiểu vấn đề, tóm lại các ý chính, trình bày lại vấn đề một cách đơn giản, dễ hiểu theo tư duy cá nhân mình. Theo mình, nếu chọn được bạn để học nhóm sẽ rất tốt. Bên cạnh đó, học thi cũng phải có phương pháp. Mình vẫn không quên có lần hỏi một bạn về một ý trong bài thi, mình đã ngạc nhiên khi thấy bạn ấy đã phải ngồi một lúc lâu để nhẩm lại cả một bài học thuộc lòng trong sách. Hoá ra để nhớ ra ý thứ tư thì bạn ấy phải dò từ ý đầu tiên của bài học. Đấy là cách học rất sách vở, không hiệu quả, không phát huy được sự sáng tạo của người học. Mình đã chọn cách học có hệ thống, theo từng chủ điểm của bài. Phải nắm được: môn học đó nói về cái gì, có những mảng nội dung lớn gì, trong từng mảng nội dung lớn ấy lại chia nhỏ ra những vấn đề gì... Học như vậy sẽ giúp nắm nội dung môn học từ tổng quát tới chi tiết, rồi trên cơ sở ấy mới đi sâu hơn vào những câu hỏi thi mà thầy cô giáo cho. Bên cạnh đó, khi học phải luôn có sự so sánh, lấy cái này để đánh dấu và nhận biết cái kia. Các vấn đề được tìm hiểu trên cơ sở đối chiếu lẫn nhau nên rất dễ nhớ, dễ thuộc.
 |
Trần Hồng Hạnh (giữa) và các bạn sinh viên Trung Quốc |
|