Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Địa lý - môn dễ đạt điểm cao
Lời khuyên đầu tiên của thầy Đỗ Ngọc Tiến, Phó hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), dành cho các em học sinh (HS) khi bắt đầu vào việc ôn tập môn Địa lý?

- Tôi muốn bắt đầu từ cấu trúc của một đề thi. Cấu trúc của đề thi môn Địa lý đã từ nhiều năm nay không có gì thay đổi. Đề thi bao giờ cũng gồm có 2 phần. Phần thứ nhất là phần bắt buộc và thường có 2 câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất thường là bài tập thực hành, vẽ hoặc xây dựng biểu đồ, sau đó kết hợp nhận xét và phân tích một biểu đồ địa lý kinh tế. Câu thứ hai, đề bài cho một bản số liệu. Từ bản số liệu ấy HS phân tích để rút ra nhận định. Phần này được 5 điểm. Trong đó câu bài tập thực hành thường có cơ cấu từ 3 - 3,5 điểm. Còn câu phân tích số liệu thống kê thường có cơ cấu từ 1,5 - 2 điểm.

Phần thứ hai là phần tự chọn (HS chọn 1 trong 2 đề để làm bài). Trong đó, có một đề sẽ có một câu lý thuyết (yêu cầu HS sử dụng nội dung của kiến thức sách giáo khoa để làm bài). Một đề khác sẽ có một câu hỏi dựa vào Atlat địa lý Việt Nam (đây là tài liệu được phép mang vào phòng thi, HS có thể sử dụng nó để làm bài - PV). Giữa 2 câu này tôi khuyên là HS nên sử dụng quyển Atlat.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm, HS không cần phải nhớ hết số liệu (vì trong Atlat đã có đầy đủ các biểu đồ, các số liệu). Việc tiếp thu quyển Atlat của HS là khá dễ dàng. Từ nội dung Atlat có thể làm thành một bài lý thuyết cho yêu cầu câu hỏi đã đặt ra. Tuy nhiên HS cũng phải lưu ý. Các đề thi thường yêu cầu HS vừa dựa vào kiến thức trong quyển Atlat, vừa dựa vào kiến thức trong SGK. Nếu chỉ học ôn quyển Atlat thì không đủ.

* Những năm có thi môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy đều trực tiếp tham gia công tác chấm thi. Thầy nhận thấy các em hay gặp những sai lầm nào trong làm bài?

- Nói là sai lầm thì không đúng mà là những điểm khó khiến các em lúng túng. Đó là phân tích số liệu thống kê và giải thích, nhận xét các biểu đồ. Khi làm phần bài tập, bài tập vẽ biểu đồ hình tròn, hình cột, vẽ các đường biểu diễn... thì các em hay mắc lỗi là chưa biết nhận xét, giải thích cũng chưa thật hoàn toàn đúng (dù vẽ được, vẽ đúng).

Giáo viên nên lưu ý để hướng dẫn HS biết cách làm một bài thi Địa lý, đặc biệt là hướng dẫn HS cách khai thác triệt để nội dung có trong quyển atlat để làm bài.

* Địa lý là môn học nằm trong khối thi C (khoa học xã hội). Như vậy có phải đây là một môn học thuộc lòng?

- Địa lý là môn nằm giữa ranh giới các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sẽ không đúng nếu nói nó là môn học thuộc lòng. Để học tốt môn Địa lý, yêu cầu các em phải hiểu.

Khi làm bài thi môn Địa lý, yêu cầu các em phải có tư duy địa lý. Trong địa lý có những mối quan hệ giữa tự nhiên, giữa xã hội và giữa kinh tế. Các mối quan hệ ấy ràng buộc với nhau. Ví dụ, để phân tích sự phát triển kinh tế một ngành một vùng thì nó liên quan đến những điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội như yếu tố dân cư, nguồn lao động, thị trường, cơ sở vật chất hoặc đường lối chính sách...

Đề ra yêu cầu giải thích tại sao nước ta về nông nghiệp (đặc biệt là sản xuất lúa) phát triển rất nhanh. Các yếu tố như đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng diện tích, đưa giống lúa mới có năng suất cao... tuy cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là đường lối phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước.

Từ đó mới có những chính sách thích hợp như khuyến nông, khoán 10 hoặc Luật Đất đai mới. Vì thế người nông dân làm chủ được tư liệu sản xuất và người ta sẵn sàng bỏ vốn, bỏ sức lao động và đầu tư khoa học kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm. Chính đường lối chính sách ấy mới là nhân tố quyết định thành tựu của mình, từ một nước phải nhập khẩu lương thực thành nước xuất khẩu lương thực.

Khi phân tích, HS phải phân tích tổng hòa của các yếu tố. Khi học, các em tránh học thuộc lòng mà học trong mối liên hệ tổng thể giữa các hiện tượng địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế xã hội thì làm bài mới có kết quả cao.

Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng đã nói rõ, HS không cần thiết phải ghi nhớ tất cả số liệu. Điều quan trọng, HS phải biết phân tích số liệu. Số liệu ấy nói lên điều gì? Những biến động của các dãy số liệu phản ánh điều gì? Tại sao lại có diễn biến như thế?

Trong đề thi từ trước đến nay ít khi yêu cầu HS nhớ số liệu... Hơn nữa, HS được mang quyển atlat vào phòng thi, trong quyển atlat đó có hệ thống số liệu của rất nhiều ngành kinh tế, HS không nhất thiết phải học thuộc lòng.

* Nhưng vẫn có những nội dung buộc HS phải nhớ, dù có thể không phải là nhớ từng câu, từng từ?

- Đúng thế. Vậy thì để dễ nhớ, các em phải nắm được cấu trúc bài học. Một dạng bài nào đó thường có cấu trúc giống nhau. Ví dụ về sự phát triển của một ngành kinh tế.

Đầu tiên là về những điều kiện những nguồn lực để phát triển vùng đó. Khi đã gọi là nguồn lực thì nó phải đầy đủ vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, về các nguồn lực kinh tế xã hội. Sau đó là hiện trạng phát triển của ngành ấy. Trong hiện trạng thì có thành tựu, có khó khăn, có hướng để khắc phục.

 Theo báo Tiền Phong - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   |